Trong văn hóa phương Đông, màu vàng chính là biểu tượng của sự quyền quý. Màu vàng chính là sắc phục chính của bậc vua chúa. Qua mỗi đời vua, cũng như kiến trúc trong cung đình cũng đều mang một sắc vàng quý phái, sang trọng cùng một bề dày lịch sử phong phú.
Khi nhắc đến những ông vua và hoàng đế, mọi người đều nghĩ ngay đến hình ảnh những bộ trang phục màu vàng được khoác lên những người này. Từ phim ảnh cho đến lịch sử cũng đều khắc họa hình ảnh như vậy, nhưng liệu có bao giờ bạn thắc mắc tại sao cứ nhất định phải là màu vàng mà không phải màu khác chưa?
Phân chia giai cấp xã hội bằng màu sắc
Trong lịch sử Châu Á, màu sắc không chỉ đại diện cho một ý nghĩa nhất định mà còn mang hàm ý phân chia những tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Điều này bắt nguồn từ thời triều Chu của Trung Quốc (năm 1046 – 256 trước Công Nguyên). Thời bấy giờ đã có một hệ thống rõ rệt phân chia màu sắc, chất liệu và hoa văn của phục trang cho từng giai cấp trong xã hội.
Sắc màu của bậc vua chúa
Việc chọn màu sắc bị ảnh hưởng khá nhiều của thuyết Ngũ hành.
Thuyết Ngũ hành được hoàn thiện vào thời đầu triều đại nhà Hán. Thuyết này phân chia vạn vật theo năm nguyên tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong đó, Thổ nằm ở vị trí trung tâm, cũng là vị trí trọng yếu. Tương tự, mỗi màu sắc được gán cho một nguyên tố riêng. Chiếu theo thuyết Ngũ hành thì màu vàng ứng với Đất (Thổ). Vì vậy, người xưa cho rằng đây là màu phù hợp để đại diện cho quyền uy của thiên tử.
Sử chép rằng, cuối triều Lý (1010-1225), đặc biệt từ năm 1182 trở đi, triều đình cấm dân chúng mặc áo màu vàng. Từ đó cho tới khi chế độ quân chủ kết thúc năm 1945, màu vàng luôn đồng nghĩa với “màu chí tôn thiên tử” qua các triều đại.
Chính vì là màu vương giả nên chỉ có bậc thiên từ mới được “ngự” trong hoàng bào.
Đẳng cấp của từng loại vàng
Theo quan niệm xưa, sắc vàng chính thống (hoàng) gồm màu đất sét vàng (hoàng thổ) và vàng nghệ. Vàng chính thống tức màu vàng rực rỡ nhất, màu vàng của mặt trời ban trưa. Sắc độ này trong trang phục cung đình được coi là chính hoàng.
Thứ đến là màu vàng lông chim yến, hay còn gọi là vàng hoàng yến. Tông vàng này thì nhạt hơn và thường chỉ dùng cho hoàng đế hoặc hoàng thái hậu.
Đẳng cấp vàng thứ hai là màu vàng lửa (hỏa hoàng). Đây là màu da cam hay màu của vỏ quả quýt. Sắc vàng này thường được dùng cho: Hoàng hậu, Hoàng thái tử, trưởng công chúa và thân vương.
Ngoài ra, sắc vàng màu da đồng (cổ đồng) được dành cho tứ trụ triều đình là các quan văn võ đầu triều.
Hoàng hậu duy nhất được mặc trang phục màu vàng
Trong lịch sử Việt Nam, màu vàng là dành cho thiên tử, nhưng chỉ có duy nhất một vị Hoàng hậu được đặc cách sử dụng, đó chính là Nam Phương Hoàng Hậu
Trong cuốn hồi ký Con rồng An Nam, vua Bảo Đại viết:
Tôi đã chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới, là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam. Và, tôi ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế.
Phẩm vàng cực đắt đỏ: Nghệ tây Saffron
Lý do màu vàng là màu dành riêng cho vua chúa, một phần, vì màu nhuộm của nó đắt đỏ.
Thời cổ đại, nụ chùa không phải là thứ duy nhất tạo vải màu vàng tươi. Một loại chất tạo màu khác, cho màu đẹp nhất là nghệ tây Saffron.
Từ xa xưa nghệ tây đã rất đắt.. Cần khoảng 1.000 bông hoa để tạo ra một ounce nghệ tây.
Mặc dù giá thành cao, nghệ tây được sử dụng làm thuốc nhuộm vải. Đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Quần áo nhuộm bằng nghệ tây theo truyền thống chỉ dành cho các tầng lớp quý tộc. Ví dụ, các nhà sư đạo Phật và đạo Hindu. Họ mặc quần áo màu vàng nghệ như một dấu hiệu của địa vị.
Theo Harper’s Bazaar Vietnam
Thảo luận về bài viết