#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Hoa sen được xem là quốc hoa của Việt Nam, là biểu tượng của sự thuần khiết và mang một ý nghĩa rất to lớn với người Việt. Không những thế, hoa sen còn xuất hiện rất nhiều trong đời sống hàng ngày, từ dùng để trang trí, dùng trong ẩm thực, hay dùng trong y học. Hầu như mọi bộ phận của hoa sen đều có thể sử dụng. Kể cả những cuống sen bỏ đi, nay bỗng trở nên vô cùng “có giá”, với những tấm lụa sen được dệt nên từ tơ trong cuống.
Lụa sen – Những thước tơ óng ả
Lụa sen (lụa tơ sen) là một trong những loại vải hiếm nhất trên thế giới. Tơ sen được lấy từ trong cuống sen, kéo ra, se lại, và dệt nên lụa. Tất cả các công đoạn này đều được làm thủ công, đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề rất cao.
Để làm ra một chiếc khăn lụa dài 1,7m, ngang 25cm, người ta phải lấy tơ từ khoảng 4.800 cuống sen. Một người thợ lành nghề nhất cũng chỉ xử lý được khoảng 250 cuống một ngày. Để hoàn thành sản phẩm, thường phải mất từ 1 đến 2 tháng. Tuy nhiên, kết quả sẽ là chiếc khăn lụa làm từ tơ sen mịn màng, êm ái với độ tinh khiết mà không một loại tơ nào có thể sánh được. Vì vậy, giá của lụa sen cực kỳ đắt, có thể gấp 10 lần lụa thường.
Do đặc thù được làm thủ công 100% từ sen, nên trên thế giới có rất ít nơi có thể làm được loại vải đắt xắt ra miếng này. Ngoài Cam-pu-chia và Myanmar đã sản xuất được lụa sen ở quy mô nhỏ, ở Việt Nam, người tiên phong trong việc nghiên cứu và sản xuất thành công những thước lụa mềm rượt này là nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận.
Lụa sen – Công sức của nghệ nhân
Nghệ nhân Phan Thị Thuận là thế hệ thứ 3 trong một gia đình có truyền thống dệt lụa ở làng Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội). Tuổi thơ bà gắn liền với việc chăn tằm, ươm tơ. Lên 6 tuổi, bà đã được bố mẹ dạy nghề và đã thành thạo các công đoạn dệt vải. Trải qua nhiều biến động thăng trầm, đến nay bà Thuận được xem là một trong số ít những nghệ nhân còn bám trụ với nghề dệt lụa ở Phùng Xá.
Bà Thuận cho biết cơ duyên đến với nghề dệt vải từ tơ sen rất tình cờ. Năm 2017, trong một lần đại biểu Quốc hội cùng với cán bộ huyện Mỹ Đức tới thăm cơ sở sản xuất, một nữ đại biểu gợi ý bà Thuận thử nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen. “Ban đầu tôi thấy rất lạ, tò mò vì chưa nghe thấy sản phẩm này bao giờ. Tuy nhiên khi lên mạng tìm hiểu thì mới biết, việc dệt lụa từ tơ sen khá phổ biến và được ưa chuộng ở Myanmar,” bà Thuận nói.
Sau hôm đó, bà Thuận dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu. Thời điểm đó, bà Thuận tự bỏ tiền túi, đầu tư mua một đám ruộng về trồng sen thử nghiệm. Tuy nhiên, việc lấy sợi tơ sen khó hơn gấp nhiều lần so với tơ tằm truyền thống.
Nhiều người khuyên bỏ cuộc, nhưng bà Thuận vẫn miệt mài thử nghiệm. Đến năm 2018, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thành công trong việc dệt nên lụa từ sợi tơ sen. Thành phẩm làm ra mượt mà như lụa, mát mẻ như lanh, lại thoảng hương sen đặc trưng.
Mặc dù “có giá” là thế, nhưng vải tơ sen hiện vẫn chưa thể sản xuất quy mô lớn vì các công đoạn rất cầu kỳ và hoàn toàn làm thủ công. Cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp. Để lấy được tơ, nghệ nhân phải dùng dao nhỏ khứa xung quanh cuống sen, sau đó dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Công đoạn này phải diễn ra khéo léo, không cắt quá sâu nếu không sẽ làm đứt luôn sợi tơ bên trong.
Tạo ra được tơ sen, nhưng khi đưa vào khung dệt thì bị đứt liên tục bởi sợi không có độ dai, dẻo như tơ tằm. Vậy là phải tìm cách cải tiến khung dệt. Cứ thế, nghệ nhân Phan Thị Thuận miệt mài thử nghiệm đến khi cho ra đời được những tấm lụa từ tơ sen.
Một trở ngại nữa với việc làm lụa sen, đó là sen nở theo mùa, hết mùa sen… thì không dệt được tấm vải nào nữa. Thu nhập từ lụa sen tuy cao nhưng không ổn định, nên bà Thuận ấp ủ những kế hoạch mới cho làng nghề. Bà chia sẻ đầy tâm huyết: “Tôi muốn kết hợp vòng tròn khép kín giữa nuôi tằm, trồng sen, nuôi cá, dệt lụa để bảo vệ môi trường. Có thêm các dự án thì sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người.”
Thảo luận về bài viết