1. Mỗi người đều có một người hùng – hoặc nhiều – thuở ấu thơ. Đó có thể là bố, là mẹ, là Captain America, là Trạng Tí… Khi lớn lên, ta có thể thay đổi. Ta có thể hâm mộ một điều gì khác thực tế hơn, hoặc không nếu bạn chuyển từ thích Superman qua mê BTS. Ta cũng có thể vẫn giữ nguyên vẹn sự hâm mộ, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, và tìm cách đến bên người hùng của mình. Lan Nguyên, nữ đạo diễn sinh năm 1990, là người lựa chọn con đường thứ hai: mê nhạc Trần Tiến từ nhỏ, và lớn lên quyết định chọn dự án đầu tay của mình là bộ phim tài liệu về người nhạc sĩ – ca sĩ của tuổi thơ chính mình. Dĩ nhiên, con đường 5 năm vất vả ngược xuôi của Á khoa Kiến trúc đi làm truyền hình không gọn gàng đơn giản như vài câu ngắn gọn thế, nhưng có lẽ thế là đủ: một bộ phim thoát thai từ đam mê, ký ức và tình yêu. Một câu chuyện, của Lan Nguyên, về Trần Tiến mang tên: “Màu cỏ úa.”
2. Trần Tiến. Trong bộ phim “Màu có úa”, có một đoạn cắt cảnh rất ngắn quay lưu bút của nhạc sĩ Nguyễn Cường đề tặng “Ông hoàng nhạc Pop Việt Nam”. Nếu nói về ca sĩ, chắc sẽ nhiều tranh cãi, nhưng nếu nói về nhạc sĩ, hẳn không mấy ai ý kiến với danh hiệu mà người bạn thân nhạc sĩ “phong tặng”. Hãy bỏ qua những danh xưng như người em trai của NSND Trần Hiếu, chú của diva Hà Trần, bởi trong phim cũng không nhắc nhiều đến mối liên kết này, trừ một vài đoạn trích ngắn ngủi. Trần Tiến hiện lên qua góc máy của Lan Nguyên là Trần Tiến – gã du ca số một Việt Nam, là người cha thường xuyên đi biền biệt, người bạn có thể bật khóc khi thấy kiến tha chuồn chuồn. Trần Tiến, người sau này nhận được huân chương nhà nước, xuất phát là một người em vong niên của Văn Cao, của Trịnh Công Sơn, tác giả của vô số ca khúc bị cấm một thời, chỉ vì chính cái chất thanh niên táo bạo và sự nhạy cảm với mọi thứ diễn ra quanh mình. Câu chuyện của “Màu cỏ úa” là câu chuyện trải dài theo đất nước, từ những nhiệt huyết của Thanh niên ra tiền tuyến, của Vết chân tròn trên cát; của Thành phố trẻ đến nụ cười trong veo Mặt trời bé con… Chuyện của riêng Trần Tiến, nếu nói kỹ ra, phức tạp vượt xa 80 phút của bộ phim truyền tải.
3. Thế nhưng, như đã nói, 80 phút của “Màu cỏ úa”, không phải 80 phút tự sự của Trần Tiến. Ông vốn không thích thuyết minh về mình cũng như những bài hát, bởi “nếu bài hát mà tác giả phải giải thích, ấy là bài hát tồi.” Đó cũng không phải 80 phút phim phóng sự “Trần Tiến, cuộc đời và tác phẩm” kiểu phát trên truyền hình sau thời sự bảy giờ. “Màu cỏ úa” là 80 phút của Lan Nguyên: đó là câu chuyện của chính cô, được lựa chọn bởi người con gái đã và luôn có tình yêu vô bờ dành cho âm nhạc Trần Tiến. 5 năm theo đuổi dự án, 15 lần sản xuất, hàng trăm giờ phim tư liệu quý, những cuộc phỏng vấn với nhân vật, những chuyến du ca… Bộ phim là tập hợp những chuyện kể, tư liệu, lát cắt, phỏng vấn, được ánh chiếu và sắp xếp theo trật tự của riêng người đạo diễn, chứ không phải theo đuổi trình tự thời gian diễn tiến nhân vật, tâm trạng kiểu truyền thống.
4. Cũng bởi vậy, “Màu cỏ úa” có những hạn chế của riêng mình. Trước tiên, là một vấn đề hơi có phần “cảm tính” của tôi: Lan, với tư cách một người miền Nam, không giỏi trong những phân cảnh mang tính “Hà Nội”. Hay nói cách khác, những góc máy Lan quay Hà Nội là những góc máy quá quen thuộc trong phóng sự VTV, đặt trong một khung cảnh nhiều cảm xúc như bộ phim, trở nên hơi “cứng” với khán giả miền Bắc. Những ông bà lão ngồi ghế đá Hồ Gươm, những xe hàng rong trên phố… Một vấn đề tiếp theo, có lẽ đến từ kinh nghiệm của đạo diễn: không. Lan Nguyên là dân Kiến trúc, rẽ qua BTV Truyền hình, và dù bộ phim có được sự góp ý của nhiều tên tuổi trong làng Điện ảnh, thì người xem vẫn có thể nhận ra được sự non tay của đạo diễn trong quá trình sản xuất, đặc biệt là dấu ấn của “phóng sự kiểu VTV” lẩn khuất đâu đó. Cách đặt góc máy, cách phỏng vấn, cách mà những nhân vật ngoài ống kính xuất hiện trong mạch phim… đều có thể cải thiện, giúp cho “Màu cỏ úa” mang tính cá nhân mạnh hơn, thực sự trở thành “câu chuyện của Lan Nguyên” nhiều hơn.
Trên chiếc xe jeep đi du ngoạn Hà Nội Chuyến bay đến Quảng Bình. Một buổi nhậu với người nghệ sĩ
5. Người xem “Màu cỏ úa” vì chữ “du ca”, với mong muốn biết thêm về giai đoạn “du ca” của Trần Tiến, có lẽ sẽ phần nào thấy hụt hẫng, vì “du ca” ở đây rộng hơn khái niệm một giai đoạn, bởi với gã du ca số một Việt Nam, ở đâu và lúc nào chẳng thế? Một bữa bia vỉa hè cùng mấy người bạn âm nhạc. Một chuyến đi về miền quê Quảng Bình… 50 năm trước, 50 năm sau. Hãy bước ra rạp vì những lý do nhiều tình yêu hơn là sự tò mò, bởi có lẽ với Lan Nguyên, mỗi khán giả đến với cô cũng như một người bạn. Một người bạn để đến nghe câu chuyện của cô, một cách để cô kể về người nghệ sĩ cô yêu thích, hâm mộ, người hùng của thuở ấu thơ của cô, chứ không phải một bộ phim về cuộc đời, gia thế và sự nghiệp của Trần Tiến. Cái cô cần là sự đồng cảm, còn những người không đồng cảm được thì cũng chẳng hề chi, đằng nào câu chuyện cô cần, cô cũng đã kể được. Và theo những gì tôi được biết, có lẽ, cô đã có được hạnh phúc của mình sau 5 năm trời theo đuổi giấc mơ.
6. Cũng giống như tôi, đến với “Màu cỏ úa”, chỉ vì trót lỡ bị ám ảnh với câu hát nghe được trong chiếc đĩa chép thuở thiếu thời, chứ chẳng phải bởi những review của bạn bè miền Nam, những người đã xem trước tôi cả tuần, và thậm chí là xem lại nhiều lần hơn.
Người viết: Trần Quân
Thảo luận về bài viết