Vodka và nước Nga, khi đọc lên ta có liền cảm giác được sự gắn kết bền chặt của 2 từ ngữ này thông qua vần điệu của chúng. Quả vậy, khi nhắc đến Vodka, kể cả người chẳng biết gì đến rượu cũng có thể dễ dàng nói đây là thức uống truyền thống của dân tộc Nga. Đối với người Nga, Vodka còn là một thứ gì đó thiêng liêng hơn thế nữa, một thứ đồ uống khiến cả dân tộc tự hào.
Đôi nét sách vở về rượu Vodka
Vodka là loại rượu được chưng cất, thường là không màu và trong vắt như nước lọc (trừ khi có phối thêm hương liệu) và độ cồn tương đối cao nhưng không ổn định, có thể dao động từ 35% đến 50%. Đừng bất ngờ khi một chai rượu có thể nặng như thế, bởi lẽ nước Nga là một đất nước có thời tiết rất khắc nghiệt, nói về độ lạnh thì Đà Lạt hay Sapa của Việt Nam chỉ đủ để gãi ngứa cho trẻ con bên đấy.
Nguyên liệu để sản xuất Vodka thường là khoai tây, hạt tiêu, mật ong, nho cho đến các loại thảo mộc và gia vị. Theo truyền thống, vodka thường được uống theo shot chuyền tay nhau, nhất là ở Đông Âu và Bắc Âu. Song ở nhiều nơi khác trên thế giới, nó có thể được thưởng thức dưới hình thức cocktail, làm rượu thuốc, v.v…
Lịch sử về Vodka – quốc tửu của người Nga
Vodka vốn đã ra đời tại Nga từ thế kỷ 12, Vodka thường được người Nga đọc là “Voda” có nghĩa ít nước mà nhiều cồn. Vodka vô tình được quảng bá khắp nên trên thế giới vì có một thời kỳ, một số người Nga phải di tản ra nước ngoài để tránh bị trừng phạt vì chống đối Nga Hoàng.
Đến cuối thế kỷ 19, Vodka được Nga đưa vào sản xuất công nghiệp và trở thành một ngành kinh tế đáng kể. Thời kỳ này đã sản sinh ra một số vị vua trong ngành rượu. Đó là những doanh nghiệp lừng danh như Mirnoff, Surtov, Elixeev..…Họ là các nhà cung cấp rượu cho Hoàng gia Nga và triều đình nhiều nước châu Âu với những bí quyết nấu rượu bí mật gia truyền.
Ngày xưa người ta hay chưng cất rượu Vodka bằng nước lấy từ sông Moscow. Nhưng vì những thay đổi của khí hậu và môi trường nước sông nay đã bị ô nhiễm và các nhà mày rượu phải lấy nước mạch từ lòng đất, cùng có khi lấy nước tự nhiên từ các dòng sông băng.
Chính nhờ loại nước đặc biệt mà này rượu Vodka Nga có mùi vị đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với các rượu trắng khác trên thế giới. Ngoài ra điểm nổi bật của Vodka Nga chính là độ tinh khiết của rượu, điều mà đến cuối thế kỷ 18, người Nga đã làm được bằng phương pháp lọc rượu nhiều lần.
Là một loại rượu có tuổi đời lịch sự hơn 500 năm, Người Nga có một hàng dài những câu chuyện về văn hóa uống rượu của mình. Sẽ không hề thổi phồng khi mạnh dạn nói Vodka đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của người Nga, bởi vì loại đồ uống này chính là văn hóa của nước Nga, là tính cách, là một phần của con người nơi đây. Tại Matxcova người ta còn có hẳn một bảo tàng về rượu Vodka để người dân có thể đến chiêm ngưỡng các loại rượu khác nhau cùng câu chuyện về 5 thế kỷ phát triển của loại rượu này.
Họ yêu món đồ uống này đến nỗi mà gần đây, hãng sản xuất rượu Vodka lớn nhất nước Nga Russian Standard Co vừa chi ra 3 triệu USD cho tên miền vodka.com nhằm quảng bá thương hiệu này ra toàn thế giới.
Khi rượu trở thành tiền tệ của một quốc gia
Đó là thập niên 1990, toàn bộ Liên xô rơi vào tình thế trầm trọng, đất nước sụp đổ, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng vọt. Mọi người chuyển sang dùng các đồng ngoại tệ khác và đến năm 1993 thì các đồng ngoại tệ cũng bị cấm tiệt. Người dân Nga lúc này tìm kiếm một loại tiền tệ có sức mua ổn định và họ đã tìm thấy kho báu của mình “Vodka”.
Thức uống này dần thay thế bia và rượu mật ong trong văn hóa tiêu dùng của nông dân, nhờ đó loại đồ uống này trở thành nguồn lợi lớn cho các thương nhân và đóng góp một khoảng không nhỏ cho ngân sách của Sa Hoàng. Điều này rõ ràng là có lợi cho những người giàu có và trực tiếp sản xuất rượu, thay vì phải tiền mặt cho dân làng thì chi bằng thay thế bằng những thùng Vodka có phải rẻ hơn không?
Không hề thổi phồng khi có mạnh dạn nói rượu Vodka có vị trí cực kỳ quan trọng đối với lịch sử nước Nga, bởi vì Vodka chính là một phần của văn hóa Nga. Nó cũng chính là tính cách là đứa con tinh thần của người dân Nga. Tuy nhiên ở nước Nga người ta vẫn hay truyền miệng nhau thế này ““Rượu cũng giống như bất cứ loại thuốc khác. Uống ít và điều độ thì tốt, nhưng thêm một chút là thành thuốc độc”.
Hương vị của Vodka
Không giống với nhiều loại rượu mạnh khác, quá trình sản xuất Vodka không có công đoạn cuối cùng, thay vào đó là nhiều bước lọc rượu hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng. Đây là bước quan trọng nhất quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Thông qua bước này, các chất mùi và chất hữu cơ lên men khác mới được lọc bỏ, tạo nên một loại chất lỏng trong suốt, tinh khiết, chỉ có mùi cồn cay thoang thoảng và nêm vào một chút hương vị ngọt ngào êm dịu.
Một mẹo nhỏ là trước khi uống, hãy thử xoay ly của bạn về nơi có ánh sáng. Khi đó bạn sẽ nhìn thấy được sự trong vắt và ánh quang của thứ đồ uống này. Những loại Vodka hảo hạng sẽ hơi sệt giống kem khi đông lạnh. Vodka ngon sẽ có tỏa ra một mùi hương ngọt ngào trước khi uống còn những loại rượu kém chất lượng thì sẽ nồng nặc mùi cồn.
Cuộc chiến tranh giành Vodka
Theo tài liệu lịch sử của nhà nước Nga, Vodka có nguồn gốc từ nước Nga. Nhưng người Ba Lan không đồng ý với điều đó, họ nằng nặc đòi quyền sáng chế ra Vodka. Mùa thu năm 1977, cơ quan kiểm soát độc quyền mặt hàng Vodka của nước Ba Lan tuyên bố trong một tòa án thương mại quốc tế rằng Vodka được chưng cất ở Ba Lan trước tiên.
Khi nghe tin này, một bộ phần người Nga tất nhiên sẽ nóng mặt, ai đời lại để đứa con tinh thần của mình lại bị kẻ khác chiếm lấy. Thế là Bộ Thương mại Liên Xô khi ấy đã yêu cầu Viện nghiên cứu khoa học cấp cao tiến hành điều tra. Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà sử học William Pokhlebkin kết luận rằng vodka đã được chưng cất trước tiên trong một tu viện ở Moscow trong khoảng thời gian 1440–1478, nhiều thập niên trước khi xuất hiện ở Ba Lan.
Bằng chứng đã rõ ràng, còn gì đâu để khó chịu, thế là Ba Lan đành phải ngậm ngùi công nhận Vodka có nguồn gốc từ nước Nga, không phải bàn cãi.
Câu chuyện của người viết và tình yêu đối với Vodka
Mặc dù bia đang ngày càng trở nên phổ biến, nhưng tại đất nước Nga, nó thật sự không có cửa nếu so sánh với Vodka. Có một câu chuyện thế này, trong chuyến đi chu du của mình tôi có dịp ghé qua đỉnh Langbiang ở Đà Lạt. Thế là tôi với ông bạn đi cùng nghĩ ra một ý tưởng là vào siêu thị mua một chai Vodka Hà Nội và lên đấy uống. Bọn tôi muốn tưởng tượng như mình đang trải nghiệm cái lạnh của nước Nga và thưởng thức Vodka trông như thế nào (dù chắc chắn không ngon bằng).
Lúc tôi đi là mùa mưa phùn nên khỏi phải nói, lạnh đến đóng băng. Vội vàng tôi với ông bạn mỗi người làm một ngụm. Khi rượu đi qua vòm họng tôi mới hiểu tại sao ở nước Nga, không ai là không uống qua Vodka. Nó chẳng có vị gì, hoặc do tôi không đủ tinh tế để cảm nhận, nhưng quả thật cảm giác uống xong rất “phê”. Phê không phải vì say mà vì nó rất ấm, cả toàn thân tôi như được giải thoát khỏi cái lạnh rét buốt (dù nhiệt độ còn lâu mới bằng cái lạnh ở Nga).
Cũng chính vì thế mà tôi kết nối được với cái tình yêu mộc mạc của người nông dân Nga dành cho Vodka, nó không chỉ là đồ uống để say, để thư giãn, mà còn là để chống chọi với cái thời tiết khắc nghiệt lạnh đến “chết tiệt” ở Nga. Giống như một người anh cả luôn luôn bảo vệ cho đàn em của mình.
#BócRượu là series bóc tách những câu chuyện ngày xửa ngày xưa về các loại “Đồ uống có cồn vui vẻ”. Trong văn hóa thưởng rượu, một ly rượu chỉ thực sự trọn vẹn khi người dùng được lắng nghe những câu chuyện đằng sau món đồ uống đó.
Thảo luận về bài viết