Mọi thứ bắt đầu khi bạn vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Một khối tế bào phân chia và phát triển, phân tách rồi kéo dài, và từ một lớp mô phôi duy nhất, hai hệ thống tưởng như tách biệt nhưng thực ra lại liên kết chặt chẽ với nhau được sinh ra: não và da.
Tùy theo những gì não hoặc da cảm nhận mà “bên còn lại” sẽ nảy sinh phản ứng. Khi bạn ngại ngùng, da mặt ửng đỏ. Khi da chạm phải vật nóng, não lập tức truyền tín hiệu để bạn thực hiện phản xạ rút tay lại. Tương tự, khi gặp căng thẳng, làn da bạn cũng sẽ phát đi tín hiệu “cầu cứu”. Tùy vào cơ địa mà da có thể trở nên xỉn màu thiếu sức sống, hoặc mọc mụn, hoặc tệ hơn nữa là phát ban đỏ (eczema). Vậy chính xác thì căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến làn da chúng ta như thế nào?
Phân biệt các kiểu căng thẳng
Căng thẳng được chia thành 2 loại là cấp tính và mãn tính. Những đợt căng thẳng cấp tính lại có thể tốt cho bạn. Nó giúp các giác quan nhạy cảm hơn, khiến tinh thần minh mẫn và giúp tạo ra collagen hỗ trợ phục hồi vết thương. Ngược lại, căng thẳng mãn tính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, mà những biểu hiện trên da chỉ là một trong số đó.
Ảnh hưởng của stress đến làn da
Cortisol, hay còn được gọi là “hormone căng thẳng”, là nội tiết tố do tuyến thượng thận tiết ra. Một trong những chức năng của nó là giúp cơ thể phản ứng lại stress và đối phó với các tình huống nguy hiểm. Khi các đợt căng thẳng hoặc nguy hiểm qua đi, nồng độ cortisol trong cơ thể sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, đối với trường hợp căng thẳng mãn tính, cortisol sẽ không giảm, ngược lại còn bị sản xuất quá độ. Một trong những tác hại của việc này là nó sẽ ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da – thứ giúp da giữ lại độ ẩm, ngăn chặn các chất gây kích thích, dị ứng, và ô nhiễm.
Theo chuyên gia da liễu, người sáng lập dòng chăm sóc da Dr Loretta Loretta Ciraldo, “Hàng rào bảo vệ da thực hiện gần như mọi chức năng của các sản phẩm chăm sóc da trên thị trường. Nó cần ba thứ để tồn tại: dầu, nước và hệ vi sinh vật. Cortisol “phá hủy” cả 3 yếu tố này.
Nếu bạn gặp căng thẳng, lượng cortisol tiết ra sẽ làm giảm quá trình tái tạo lớp dầu tự nhiên giúp làm ẩm da, khiến da khô, dễ bị kích ứng, và gặp nhiều mụn hơn. Mất lớp dầu này cũng đồng nghĩa với việc da không được khóa ẩm, nước trên da sẽ bị “thoát” ra. Quá trình này được biết đến với tên gọi là mất nước qua lớp biểu bì (lớp ngoài cùng của da). Đồng thời, cortisol cũng kích thích sản xuất bã nhờn – nguyên nhân khiến da dễ lên mụn trứng cá. Thế nên đối với nhiều người, khi gặp căng thẳng, da họ sẽ vừa mọc mụn vừa trông nhờn hơn bình thường.
Tất cả những điều trên dẫn đến độ pH của da bị thay đổi, gây hại đến lớp màng axit trên da, biến môi trường bề mặt da giờ đây trở nên không thuận lợi cho sự phát triển của hệ vi sinh vật tồn tại cả phía trên và bên trong hàng rào bảo vệ da.
Trong điều kiện lý tưởng, hệ vi sinh vật có thể làm thay việc của những sản phẩm skincare. Có các loại vi khuẩn hút bã nhờn giúp duy trì lượng dầu khỏe mạnh. Có những loại vi sinh vật khác lại ăn tế bào da chết. Có những vi khuẩn sản xuất peptide và ceramides, hai thành phần giúp cho da săn chắc và ẩm. Cũng có những vi khuẩn bảo vệ làn da khỏi ô nhiễm, ánh sáng mặt trời và các mầm bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, nếu những chất béo có lợi đó không được sản xuất đủ và hàng rào bảo vệ da không được duy trì, thì môi trường sinh sống và phát triển của những vi khuẩn có lợi này đang bị đe dọa. Hãy tưởng tượng nhé, bạn có thể trồng được những cây rau xanh tươi trên một miếng đất đã khô cằn không? Làn da của bạn cũng vậy đấy.
Không những không có “đất” sống, các vi sinh vật có thể gặp phải sự phát triển quá mức của các vi khuẩn xấu (như C.acnes, chủng có liên quan đến mụn), cùng với đó là sự thiếu hụt các loại vi khuẩn tốt. Hệ vi sinh vật tồn tại trên da dễ bị nhiễm trùng, kích ứng, viêm và dễ để lại thâm mụn. Chúng cũng trở nên nhạy cảm hơn với các tác động từ bên ngoài, như các chất thải hóa học ô nhiễm, khói bụi môi trường.
Rơi vào tình trạng căng thẳng quá lâu cũng làm cho cơ thể tự sản sinh các gốc tự do (internal free radicals). Tiến sĩ Bowe cho biết: “Bạn có thể xem các gốc tự do giống như những tên lửa nhỏ vậy”. Chúng nhắm vào các tế bào để phá hủy kết cấu da và làm da bị oxy hóa. Khi các gốc tự do nhắm vào DNA, nó sẽ dẫn đến ung thư da. Nếu chúng nhắm đến elastin và collagen, da sẽ dần có nếp nhăn; và nếu chúng tấn công lipid, da sẽ mất nước, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương và mọc mụn.
Tăng tiết cortisol trong thời gian dài cũng ức chế sản xuất axit hyaluronic và collagen: hai thành phần giúp da trông căng mọng và trẻ trung. Nếu không có đủ hai thành phần này, làn da sẽ mỏng manh hơn. Hiện tại, chưa có serum axit hyaluronic và kem collagen nào có đủ khả năng “đánh bại” cortisol. Các chất bôi lên da này không có tác dụng về mặt sinh học tương tự những gì được sản sinh bởi chính cơ thể bạn, cũng như chúng không thể xâm nhập vào những lớp bên trong của tầng hạ bì, nơi sản sinh ra collagen và axit hyaluronic tự nhiên.
Sản phẩm chăm sóc da không phải là câu trả lời cho một làn da đang “cầu cứu” vì stress
Chuyên gia hóa mỹ phẩm kiêm người sáng lập BeautyStat Cosmetics Ron Robinson chia sẻ, “Gần như mọi sản phẩm chăm sóc da đều dành cho khách hàng vốn có sẵn một hàng rào bảo vệ da tốt.” Việc bôi những thành phần hoạt tính hoặc quá nhiều thành phần lên làn da đang yếu sẽ chỉ làm các vấn đề da hiện tại trầm trọng thêm.
Để tránh điều này, hãy đọc kĩ thành phần của các sản phẩm và tránh sử dụng những sản phẩm làm yếu hàng rào bảo vệ da như axit glycolic, axit salicylic, benzoyl peroxide và retinol. Những chất này sẽ khiến da khô nhanh hơn, làm yếu chức năng của lớp bảo vệ da thông thường. Bạn cũng nên tránh sử dụng những sản phẩm bôi qua đêm (leave-on) và có tinh dầu trong thành phần, bởi vì chúng có thể gây ra kích ứng.
Bạn có thể tìm lời khuyên từ các bác sĩ da liễu để tìm sản phẩm phù hợp nhất cho mình, hoặc tìm các sản phẩm như glycolipids, axit béo và ceramides – những thành phần giúp làm khỏe hàng rào bảo vệ da.
Để cải thiện làn da, cần giải quyết các nguyên nhân gây căng thẳng cho bạn
Kiểm soát căng thẳng gần như là việc bất khả thi vì trong thời đại này, có quá nhiều tác nhân gây stress gần như xảy ra theo hệ thống. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bác sĩ da liễu Heather Woolery-Lloyd, “90% những cơn căng thẳng của chúng ta không phải do những tác nhân gây stress, mà là cách chúng ta phản ứng với các tác nhân này.”
Theo đó, việc thiền định sẽ kích hoạt hệ thống phản ứng thư giãn, kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm của cơ thể, giảm tiết cortisol cũng như các triệu chứng viêm của cơ thể. Nếu luyện tập đều, hàng rào bảo vệ da sẽ khỏe lên và bắt đầu khóa ẩm. Qua đó ta thấy làn da đẹp có thể đến từ việc đào thải từ bên trong, chứ không nhất thiết phải dựa vào khoa học và các sản phẩm làm đẹp.
Nếu bạn không có thời gian để thiền, việc hít thở đều và chậm rãi cũng sẽ kích hoạt phản ứng này của cơ thể, giúp bạn giữ bình tĩnh và làm các nguy cơ căng thẳng tâm lý dịu đi nhiều.
Bạn cũng cần cẩn thận với ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử. Nó làm gián đoạn nhịp sinh học của bạn và dẫn đến chất lượng giấc ngủ thấp hơn, có liên quan đến việc tăng cortisol, tổn thương gốc tự do và viêm da. Hãy ngủ đủ từ 7-8 tiếng/ngày và thay ga đệm giường sau 2 tuần/lần.
Để tránh việc sản sinh các gốc tự do gây tổn hại đến da, tìm các món ăn chứa chất oxi hóa để giúp các phân tử không ổn định được ổn định lại, giúp làn da trông sáng, mềm mịn và đều màu hơn. Các món ăn chứa nhiều Vitamin A và C (có trong hoa quả), lycopene (có trong cà chua), astaxanthin (cá hồi) và polyphenol (trà xanh, socola đen) đều là những lựa chọn tuyệt vời cho bạn.
Việc tập luyện thể thao đều cũng sẽ tăng nồng độ chất oxi hóa trong người bạn. Tập luyện cũng giúp làm giảm nồng độ cortisol, giúp da ít bùng nổ mụn hơn và làn da trông sẽ khỏe mạnh hơn.
Khóc cũng là liều thuốc giảm căng thẳng và nồng độ cortisol hiệu quả. Khóc sau khi chịu áp lực trong một thời gian dài vừa giúp chúng ta giải phóng, cởi bỏ những áp lực đè nặng trên vai cũng như loại bỏ đi những nguồn năng lượng xấu trong người.
Thảo luận về bài viết