Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
Một ngày đẹp trời, sếp nhẹ nhàng mở cửa phòng, dịu dàng nhìn vào mắt bạn, rồi từ tốn bảo rằng “Em ơi đi họp với anh”. Nếu đã có kinh nghiệm “chinh chiến” dày dặn thì không sao, nhưng trong trường hợp bạn là fresher thì sẽ có kha khá thứ phải chuẩn bị. Thử Google chút, ta lập tức nhận về tám trăm từ khóa cần lưu ý.
Tuy nhiên tóm gọn lại, có mấy điều cần ghi nhớ dưới đây.
Ăn mặc đẹp và phù hợp
Hãy lựa chọn trang phục lịch sự và hành xử đúng mực. Bạn không nhất thiết phải gượng ép bản thân trở thành một phiên bản hoàn hảo nào đó khác. Hãy cứ là chính mình, chuyên nghiệp, thoải mái, tự tin… Quan trọng nhất, đừng làm sếp mất mặt.
Chuẩn bị thông tin và nội dung cuộc họp
Mặc dù có thể chỉ xuất hiện cho “đẹp đội hình” nhưng trước khi cuộc họp bắt đầu, bạn cần phải biết vai trò của mình là gì, nên ngồi ở đâu, nên cười lúc nào. Nếu sếp không dặn dò gì thì vẫn cứ phải hỏi. Sau khi hỏi kỹ rồi thì bắt đầu chuẩn bị thông tin đầy đủ để biết mọi người đang đề cập đến vấn đề gì, ai hỏi gì mình cũng có thể trả lời, nhỡ biết cái gì mà không nên nói thì cũng đừng dại dột mà khai ra.
Tóm lại có ba việc sau cần nhớ:
– Trách nhiệm của bạn là gì?
– Bạn đã làm được những gì và kết quả ra sao?
– Bạn có thể hỗ trợ được gì cho quản lý của mình?
Cẩn thận và chu đáo trong vai trò hỗ trợ
Sếp bạn có thể giao tiếp lịch thiệp (hoặc không) với bạn, nhưng bạn luôn phải cư xử cẩn thận và chu đáo với quản lý của mình. Đây là thái độ đúng. Đúng trong vai trò một người hỗ trợ, một cộng sự, một đồng nghiệp, một hậu bối. Hãy hỏi thăm, trò chuyện với sếp một cách thoải mái trong chừng mực, giúp sếp mình được tôn trọng trong mắt của đối tác và khách hàng.
Đi họp cùng sếp là cơ hội để bạn chứng minh bản thân nghiêm túc trong công việc. Có những sếp sẽ đánh giá cao việc bạn hoàn thành trách nhiệm, có người lại tập trung vào kết quả, cũng có quản lý sẽ kỳ vọng rằng trong quá trình trao đổi tập thể, nhân viên có thể hỗ trợ mình.
Nếu bạn là “người mới”, vấn đề số một và số hai có thể cải thiện, nó là chuyện ai cũng có thể làm và làm được ngay. Thông qua đó, bạn sẽ thể hiện được tư duy của một người làm việc hiện đại, chủ động, có mong muốn phát triển trong tương lai. Khó hơn chút là chuyện hỗ trợ sếp. Chuyện số ba này cần phải xuất phát từ bên trong, thể hiện qua văn hoá, thói quen quan sát, và học hỏi từng chút một.
Dĩ nhiên chả có gì xấu nếu bạn muốn quan tâm đến sếp bằng những câu xã giao như “Anh có khoẻ không?”, “Chế độ ăn và tập tành là gì mà cơ thể anh đẹp vậy?”, … Nhưng nếu bạn là người mới, quản lý hẳn sẽ thích được trả lời những vấn đề về công việc, khách hàng, đối tác. Họ sẽ mong được nghe thấy bạn đang quan tâm đến dự án, các kế hoạch và kết quả như thế nào. Hãy làm tốt việc số một và số hai trước. Điều số ba sau một quá trình làm việc mới cần chú ý, bởi cảm giác được chia sẻ và quan tâm chỉ có thể được hình thành khi bạn thể hiện nó bằng hành động.
Xem thêm:
– Vượt “lũ” cùng sếp dữ
– Để mỗi ngày đi làm là một niềm vui với quy tắc 1-3-5
– 5 điều cần tránh để làm việc tại nhà hiệu quả
Thảo luận về bài viết