ENTP, INFJ, hướng ngoại, hướng nội, Bạch Dương, Nhân Mã,… — có vẻ như chúng ta thích “gắn nhãn” và xếp bản thân vào những danh sách khác nhau. Mặc dù mục đích của việc này là để hiểu rõ hơn về chính mình cũng như người khác để từ đó có cách cư xử hợp lý hơn (ví dụ, không cảm thấy phiền khi người bạn tính cách hướng nội trong nhóm đôi khi sẽ có những lúc không đi cùng mọi người), nhưng những “nhãn” này cũng không thể bao hàm được tất cả.
Đơn cử như trường hợp “hướng ngoại” hay “hướng nội”, chúng ta chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc bạn là người “trầm tĩnh, không hay chia sẻ, lấy lại năng lượng từ thời gian ở một mình,…”, hoặc là bạn “thích giao lưu, ưu tiên các tương tác xã hội, thường quan tâm đến những yếu tố gây phấn khích như màu sắc, âm thanh, sự chuyển động,…”
Carl G. Jung – nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sỹ – đã đưa ra những nghiên cứu về khái niệm introvert (hướng nội) và extravert (hướng ngoại) như một phần cốt lõi của nhân cách con người. Tuy nhiên, sự thật là rất hiếm khi có người 100% hướng nội hay 100% hướng ngoại. Trong mỗi người đều đồng thời tồn tại hai xu hướng ấy, với một mặt trội hơn bên còn lại.
Thời gian sau này, chúng ta có thêm khái niệm ambivert để mô tả những người có xu hướng cân bằng cả hai đặc điểm hướng nội và hướng ngoại trong tính cách. Tuy nhiên, nếu sau khi tìm hiểu và bạn vẫn không thấy mình “có vẻ” ambivert lắm, thì rất có thể bạn là một người hướng ngoại có lựa chọn.
Người hướng ngoại có lựa chọn (other-contingent extravert)
Thuật ngữ này ra đời sau khi một nhóm các nhà tâm lý học tại Đại học Bang Michigan đã công bố phát hiện mới nhất của họ về một “nhãn” mới trong những đơn vị xác định tính cách, với tên gọi người hướng ngoại ngẫu nhiên khác (other-contingent extravert), hay còn có thể hiểu là hướng ngoại có lựa chọn.
Người hướng ngoại ngẫu nhiên là những cá nhân có xu hướng gia tăng những hành vi hướng ngoại của họ khi tương tác với những cá nhân bộc lộ sự thân thiện.
trích báo cáo của nhóm nghiên cứu đăng tải trên Journal of Individual Differences
Hiểu đơn giản, nếu bạn thuộc vào nhóm này, bạn sẽ có hầu hết những đặc điểm của tính cách hướng ngoại (hòa đồng, tích cực, tìm lấy năng lượng thông qua giao tiếp,…). Tuy nhiên, bạn chỉ thể hiện những điều này trong một môi trường đủ thoải mái, hoặc khi bạn ở cạnh những người bạn đánh giá là thân thiện và có thể tin tưởng được.
Photo: Gemma Correll
Điều này thoạt nghe qua có vẻ vô cùng đơn giản và hoàn toàn hợp lý. Ai trong chúng ta cũng đã ít nhất tiếp xúc với một người như thế, hoặc có khi chính chúng ta cũng là một người hướng ngoại có chọn lọc. Tuy nhiên, để chứng minh được sự tồn tại của khái niệm này bằng khoa học lại là một câu chuyện khác.
Nhóm nghiên cứu đã thiết kế một thí nghiệm kéo dài 3 tuần, với 83 người tham gia. Trước khi thí nghiệm bắt đầu, tất cả đều công khai về mức độ hướng ngoại của bản thân do họ tự đánh giá. Sau đó, họ được cho hoàn thành một loạt những trắc nghiệm đo lường xu hướng tính cách. Tiếp theo, 2 lần mỗi ngày, những người tham gia sẽ báo cáo qua email về những tương tác xã hội gần đây nhất của mình.
Họ được yêu cầu “suy nghĩ về các tương tác xã hội mà họ đã có với người khác trong một giờ trước khi thực hiện khảo sát này”, đồng thời đánh giá mức độ thân thiện của người họ vừa thực hiện tương tác bằng thang đo likert 7 mức độ (7 là mức hài lòng cao nhất):
- Người / Những người mà bạn đã tương tác thân thiện đến mức nào?
- Người / Những người mà bạn đã tương tác sẵn sàng tham gia vào cuộc trò chuyện như thế nào?
- Người / Những người mà bạn đã tương tác hòa đồng đến mức nào?
Những người tham gia thí nghiệm cũng được yêu cầu đánh giá mức độ hướng ngoại mà bản thân đã thể hiện trong tương tác vừa rồi: “Bạn đã nói nhiều, mạnh dạn, và năng động đến mức nào trong cuộc trò chuyện?”
Kết quả, những người tham gia thí nghiệm nhìn chung có xu hướng bộc lộ những đặc điểm gắn liền với tính cách hướng ngoại khi người mà họ tương tác là một người hòa đồng và cư xử thân thiện với họ. Đây là chuyện có thể dự đoán trước.
Tuy nhiên, kết quả từ một số người tham gia cho thấy họ chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố “thân thiện” ở đối phương, đồng thời chỉ bộc lộ phần hướng ngoại của mình trong những môi trường họ đánh giá là thoải mái và thư giãn. Điều này biểu hiện rõ ràng hơn ở những người có kết quả “hướng nội” khi làm các trắc nghiệm đo lường tính cách.
Nhóm nghiên cứu nhận định những người này thuộc về nhóm hướng ngoại có lựa chọn. Ngoài ra, mức độ hướng ngoại thể hiện ra bên ngoài của những người khác nhau cũng khác nhau, phụ thuộc vào phần trăm hướng ngoại sẵn có trong tính cách của mỗi người.
Việc tiếp theo phải làm, có lẽ là chọn một cái tên thật kêu nào đó cho những người hướng ngoại có lựa chọn này nhỉ?
Thảo luận về bài viết