#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Bạn là người rất thích mua sách, nhưng mua xong thì cứ… chất đống để đó chứ không đọc? Có không ít người cũng làm như bạn đấy, và tiếng Nhật có hẳn một từ để miêu tả hành động này, đó là tsundoku (積ん読).
Có lẽ bạn sẽ cảm thấy tội lỗi với thói quen này, nhất là khi bạn nhận ra mình sẽ không bao giờ có đủ thời gian để giải quyết hết tủ sách đồ sộ ở nhà. Tuy nhiên, những quyển sách chưa đọc cũng có giá trị hệt như những quyển sách đã đọc, nếu chúng ta xem xét chúng dưới một góc độ khác.
Những gì chúng ta chưa biết là một đại dương sâu thẳm
Trong quyển Thiên nga đen, học giả kiêm nhà văn người Liban – Mỹ Nassim Nicholas Taleb là người đầu tiên đề cập đến khái niệm phản thư viện (antilibrary). Trong phần “Phản thư viện của Umberto Eco hay cách chúng ta tìm kiếm sự phê chuẩn”, Taleb đã miêu tả mối quan hệ độc đáo giữa nhà văn người Ý Umberto Eco với sách như sau:
Nhà văn Umberto Eco là một trong số ít những học giả thông thái, sâu sắc và không tẻ nhạt. Ông sở hữu một thư viện cá nhân khổng lồ với 30 nghìn quyển sách và phân chia những vị khách đến nhà thành 2 nhóm: nhóm những người sẽ thốt lên “Ồ! Thưa giáo sư tiến sĩ Eco, thư viện của ông thật tuyệt! Ông đọc bao nhiêu quyển trong số này rồi?”* và nhóm còn lại – khá ít ỏi – những người hiểu rằng thư viện cá nhân là một công cụ phục vụ nghiên cứu chứ không phải một thứ trang sức để khoe mẽ cái tôi. Những quyển sách chưa đọc có giá trị cao gấp nhiều lần so với những quyển đã đọc. Thư viện riêng nên chứa đựng càng nhiều kiến thức bạn chưa biết càng tốt, miễn là khả năng tài chính, lãi suất cho vay thế chấp và thị trường bất động sản hà khắc cho phép bạn làm điều đó. Theo thời gian, bạn sẽ tích lũy thêm nhiều sách và kiến thức. Đồng thời, số lượng sách chưa đọc ngày càng tăng trên các kệ cũng sẽ trở nên một cơn ác mộng của bạn. Thật vậy, bạn biết càng nhiều thì số lượng sách chưa đọc lại càng tăng. Chúng ta hãy gọi tập hợp những quyển sách chưa đọc này là phản thư viện.
Nassim Nicholas Taleb, Thiên nga đen
Như vậy, nói cho dễ hiểu, thì phản thư viện là bộ sưu tập cá nhân những quyển sách bạn chưa đọc trên kệ sách ở nhà. Với nhà văn Umberto Eco, thư viện riêng là một công cụ nghiên cứu. Nó không được lập ra nhằm mục đích trưng bày những quyển sách bạn đã đọc, mà là để quản lý những tựa sách về các chủ đề bạn muốn tìm hiểu.
Bể kiến thức mênh mông có thể khiến chúng ta sợ hãi. Đây cũng là lý do nhiều người cảm thấy khó chịu với việc có quá nhiều sách chưa đọc chất đống tại nhà (nhưng mà… ai mua những quyển sách đó?). Nhưng nếu xét trên một khía cạnh khác, thì chính những điều ta chưa biết sẽ trở thành động lực để ta tiếp tục khám phá.
Sự thiếu hiểu biết có ý thức là tiền đề cho mọi tiến bộ khoa học.
Nhà khoa học người Scotland James Clerk Maxwell
Có lẽ bạn từng nghe đến hiệu ứng Dunning-Kruger, khi một người có xu hướng đánh giá mức độ hiểu biết của họ cao hơn năng lực thực tế. Phản thư viện là “liều thuốc giải” cho “căn bệnh” nan giải này, là lời nhắc nhở cho chúng ta về những kiến thức mình chưa biết. Dù là ở thư viện công cộng hay thư viện riêng ở nhà, việc đắm mình trong những quyển sách ta chưa đọc – hoặc có quá nhiều sách cần đọc trong suốt cuộc đời như Umberto Eco – là một trải nghiệm để ta biết khiêm nhường.
Chúng ta có khuynh hướng xem kiến thức của mình như tài sản cá nhân cần được che chắn và bảo vệ. Nó là món trang sức giúp ta vươn lên trong hệ thống thứ bậc xã hội. Chính vì vậy, khuynh hướng đối nghịch đến cảm giác về thư viện của Eco thông qua việc tập trung vào những gì đã biết này là một định kiến sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động thần kinh của chúng ta. Mọi người thường không bận tâm với “phản sơ yếu lí lịch (anti-résumés) – một dạng ngược lại của sơ yếu lí lịch, liệt kê những gì một người chưa được học hay trải nghiệm – nhưng nếu họ làm được như vậy thì đó là một việc tốt. Giống như ta cần nhìn nhận lại tính logic của thư viện một cách hoàn toàn mới mẻ, ta cũng sẽ hoàn toàn thay đổi nhận thức về chính kiến thức mà ta có. Lưu ý rằng, Thiên Nga Đen bắt nguồn từ hiểu biết sai lầm của chúng ta về khả năng có thể xảy ra của các yếu tố bất ngờ, những cuốn sách chưa đọc, bởi vì chúng ta có phần chú ý quá nhiều đến những gì mình biết.
Nassim Nicholas Taleb, Thiên nga đen
Làm thế nào để duy trì phản thư viện?
Phản thư viện là một khái niệm đối nghịch với nhiều niềm tin cố hữu của ta. Vậy nên khó mà biết nên bắt đầu từ đâu. Một phản thư viện nên chứa bao nhiêu quyển sách? Tỷ lệ giữa số sách đã đọc và chưa đọc như thế nào? Sở hữu một phản thư viện có gây ra hoang mang không? Thông thường sẽ không có câu trả lời ngọn ngành nào cho những câu hỏi như vậy nhưng một vài chiến lược sau đây có thể hữu dụng:
1. Ghi chú lại tất cả những nguồn tham khảo có liên quan
Trong quá trình đọc, nếu bắt gặp một tựa sách khác mà tác giả đề cập, hãy check danh mục tham khảo của quyển sách đang đọc (nếu có) và ghi chú lại. Cứ thế, khi đọc xong thì bạn cũng có được một list những tựa sách có liên quan để “ngâm cứu” khi cần.
Đôi khi có những quyển không mấy liên quan do tác giả chỉ trích dẫn một đoạn ngắn thôi. Cũng chẳng sao, cứ cho tất cả vào list đã. Biết đâu bạn sẽ bắt gặp một quyển mình thích hoặc khiến bạn đủ tò mò.
Việc tiếp theo là cho nó vào phản thư viện của bạn.
2. Nhờ người khác giới thiệu
Nếu đọc được một quyển sách tâm đắc và muốn tìm hiểu thêm về các đề tài liên quan, hãy hỏi gợi ý từ những người xung quanh.
Nếu không quen nhiều người để hỏi, bạn có thể cân nhắc tìm kiếm sách tương tự trên các nền tảng như Amazon, Goodreads, hoặc tham khảo ý kiến từ các cộng đồng đọc sách như thư viện, câu lạc bộ sách,… để biết thêm nhiều tựa sách hay về đề tài bạn quan tâm.
3. Phát hiện ngẫu hứng
Thỉnh thoảng, hãy mạo hiểm một chút. Ngoài việc tìm hiểu các nguồn tham khảo và những tựa sách liên quan để xây dựng phản thư viện, đừng quên những lần “phát hiện ngẫu nhiên”.
Nào, biết đâu được quyển sách bạn “mua bừa” vì tên sách thu hút hoặc vì bìa sách quá hấp dẫn hóa ra lại là một quyển sách cực kỳ hay ho?
Photo: Kitty Crowther
4. Đừng mong cầu số lượng sách chưa đọc sẽ giảm xuống
Vì thực tế là nó sẽ chẳng giảm đâu. Càng đọc nhiều, tri thức của bạn sẽ càng tăng, cùng với đó là số lượng sách chưa đọc được thêm vào phản thư viện.
Đây không phải điều gì đáng lo ngại. Ngược lại, nó cho thấy rằng bạn đang rất tích cực biến chuyển tri thức. Phản thư viện tuy hàm chứa những điều bạn chưa biết (vì chưa đọc), nhưng ít nhất bạn cũng đã có nhận thức được về sự tồn tại của những thứ mình chưa biết.
5. Cải thiện mối quan hệ của bạn với tri thức
Khái niệm phản thư viện và ý tưởng về việc xây dựng một phản thư viện thoạt đầu nghe có vẻ lạ lùng, thậm chí dễ gây… stress, “Làm sao đọc hết cả đống sách này?” hay “Mình có đang quá lãng phí tiền bạc không?”
Tuy nhiên, đừng quên rằng tri thức quá trình chứ không phải tài sản. Do đó, việc có một phản thư viện chính là một sự đầu tư bạn dành cho bản thân. Đừng ngại nếu phản thư viện của bạn hiện tại có quá ít sách. Bao nhiêu đi nữa thì đó cũng là một bước tiến đáng kể trên hành trình mở rộng tri thức.
Số lượng sách trong phản thư viện rồi sẽ tăng lên. Nếu bạn không tin, hãy xem lại điều 4.
Kết
Dù chỉ vài quyển hay hàng ngàn quyển, phản thư viện tạo ra một mối quan hệ khiêm tốn với tri thức. Nó nhắc ta nhớ rằng tri thức là vô tận và không hoàn hảo. Nhận thức được điều này sẽ thúc đẩy ta khám phá và khuyến khích ta đặt câu hỏi đối với những giả định của mình. Trong một thế giới mà tư duy đa chiều cần thiết hơn bao giờ hết, phản thư viện trở thành một công cụ rèn luyện tư duy hữu ích.
*Về câu hỏi trên, Umberto Eco nói đùa rằng: “Không, đây là những quyển tôi phải đọc trong tháng này thôi. Những quyển tôi đã đọc để trong văn phòng rồi.”
(Theo nesslabs.com, fs.blog, The Black Swan)
Thảo luận về bài viết