#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Với nhiều người, quãng thời gian cảm thấy “Tết” nhất không phải đêm Giao thừa, hay mùng 1, mùng 2, mà là những ngày giáp Tết – những phút giây bận rộn mà vui. Ngoài trời nắng nhạt dần, gió rì rào thổi. Mấy chậu hoa để trước sân nhà đã bắt đầu khoe sắc. Gốc mai sau khi lặt hết lá từ giữa tháng Chạp cũng sẵn sàng trổ hoa. Dưa kiệu, cải chua, lạp xưởng, măng khô, giò chả,… đã được chuẩn bị từ mấy tháng trước. Trái cây, bánh mứt cũng đã sắm sửa xong không thiếu thứ gì. Tất cả chỉ còn đợi thời khắc Giao thừa thiêng liêng để tiễn đưa năm cũ và đón mừng năm mới.
Nhưng khoan… có gì đó “không đúng” thì phải. Vẫn còn một thứ hầu như ai cũng ngán, nhưng rồi cũng phải làm, đó là dọn dẹp nhà cửa. Cứ quãng thời gian này là trên mạng lại xuất hiện đầy những bức ảnh chụp 7749 loại tủ giường bàn ghế chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ. Kèm với đó là lời “than thở” khi phải lau chùi những món nội thất này. Ngày trước còn ở nhà thì không tránh được, còn bây giờ đã đi học đi làm xa, đôi khi lại lần lữa về nhà, chỉ vì muốn “né” màn lau dọn.
Nhưng cũng như cành mai cành đào, như cặp dưa hấu trên bàn thờ, như chương trình Táo Quân đêm Giao thừa, dọn dẹp nhà cửa không chỉ là một “nghi thức” không thể thiếu trong Tết, mà nó còn mang lại những ý nghĩa to lớn vô cùng.
Dọn nhà để sắp xếp lại năm cũ
Cho dù năm vừa qua đầy những bộn bề lo toan hay hân hoan hạnh phúc thì chúng ta vẫn luôn mong đợi những điều tốt đẹp và thuận lợi hơn trong năm sắp tới. Tết đến, xuân về là lúc thích hợp để dọn dẹp và loại bỏ những thứ cũ kỹ, nhường chỗ cho những may mắn sắp đến.
Những đồ vật trong nhà không chỉ là công cụ phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà chúng còn gắn với những sự kiện, những kỷ niệm vui có buồn có trong 365 ngày qua. Lau chùi, sắp xếp mọi thứ gọn gàng cũng đồng nghĩa với việc “phủi” đi hết những việc buồn, những chuyện không may trong năm cũ.
Dọn nhà để tinh thần được thoải mái hơn
Theo Michael Tompkins – nhà tâm lý học và đồng giám đốc Trung tâm Trị liệu Nhận thức San Francisco Bay Area – thì tâm trạng con người có thể được thúc đẩy bằng “các hoạt động dễ chịu và các hoạt động tinh thông”. Hoạt động dễ chịu như tụ tập bạn bè, đi ăn uống, xem phim,… giúp chúng ta vui vẻ một cách tự nhiên. Trong khi đó, các hoạt động tinh thông là những nhiệm vụ không “dễ xơi”, nhưng chúng đem đến một sự hài lòng to lớn khi hoàn thành. Quét dọn nhà cửa là một trong số đó.
Quét chỗ này lau chỗ kia sẽ mệt đấy, nhưng ngoài việc đem đến sự hài lòng thì sắp xếp lại nhà cửa còn giúp bạn có cơ hội vận động, cũng gián tiếp làm tinh thần trở nên thoải mái hơn. Hơn nữa, lau dọn, trang trí không gian sống cũng giống như đang làm đẹp cho chính mình vậy.
Dọn nhà để đón phúc lộc cho năm mới
Trong văn hóa người người Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung, những ngôi nhà được quét dọn sạch sẽ và bày biện tươm tất trong những ngày đầu năm thì sẽ càng có cơ hội được Thần Tài gõ cửa, mang đến may mắn và phúc lộc tràn đầy.
Hơn nữa, dịp đầu năm cũng là lúc mọi người đến nhà nhau chúc Tết, thăm hỏi. Nếu bạn là chủ, đón khách đến chơi trong một ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp hẳn sẽ tự tin và thoải mái hơn một khung cảnh bừa bộn. Ngược lại, nếu là khách thì chúng ta ai cũng muốn được tiếp đón trong một bầu không khí ấm áp và một không gian lịch sự, gọn gàng đúng không?
Dọn nhà để thành viên trong gia đình gắn kết với nhau
Người lớn đi làm, trẻ con đi học, đó là chưa kể những thành viên rời quê đi xa, nên cả một năm ròng rã hiếm khi nào gia đình có dịp tụ họp đông đủ. Mặc dù trong năm vẫn có nhiều dịp lễ khác nhưng chỉ có Tết mới là lúc cả nhà cùng nhau được nghỉ. Tết là lúc tạm ngừng lại hết những lo âu phiền não, những tranh giành hơn thua thường ngày, là lúc những người con phương xa quay về mái ấm – nơi có những người yêu thương đang mong chờ. Tết là lúc đi về nhà.
Mà về rồi thì lớn hay nhỏ gì cũng sẽ có phần… dọn nhà. Mỗi người một việc, người quét sân, người lau nhà, người dọn đồ đạc. Thật ra, dọn nhà chẳng qua cũng chỉ là một cái cớ để mọi người được cùng nhau làm, cùng nhau chia sẻ những chuyện vui buồn năm cũ, để gia đình thêm gắn kết sau khoảng thời gian dài chưa ngồi lại với nhau.
Dọn nhà để “phủi bụi tâm hồn”
Nói thế chứ chuyện dọn nhà cũng có những thứ “lộn xộn, bề bộn” của riêng nó. Mỗi người, mỗi nhà sẽ có cách dọn dẹp khác nhau. Có người bình thường không bày bừa đồ đạc, cuối năm chỉ mất vài giờ sắp xếp lại mọi thứ là xong. Có nhà bắt đầu lau chùi, sửa sang từ trước cả tháng để đón những thành viên ở xa về. Lại cũng có người cẩn thận, chọn ngày giờ đẹp để thực hiện công việc dọn nhà “cho năm mới được may mắn”.
Không chỉ quét lau nhà cửa từ trên xuống dưới mà “dọn nhà ngày Tết” còn bao gồm mục bỏ đi bớt những đồ đạc không còn dùng đến nữa. Tuy nhiên, đây lại là lúc dễ gây… mất đoàn kết gia đình nhất. Các bạn trẻ theo xu hướng tối giản và tiết kiệm sẽ thích một ngôi nhà với đồ đạc đủ dùng, ghét vật dụng nhiều họa tiết cầu kỳ tỉ mỉ, đã dễ bám bụi còn khó lau chùi. Trong khi đó, các thế hệ lớn hơn thì lại hay tích trữ đồ đạc với tâm lý “cứ để đó biết đâu sau lại dùng”.
Những lúc thế này, lai nhớ Marie Kondo và triết lý spark joy – cái gì còn khiến tim ta rung lên với niềm vui thì giữ, bằng không thì đã đến lúc bỏ nó sang một bên. Đồ vật cũng có linh hồn, và linh hồn ấy sở hữu một mối liên hệ chặt chẽ với trái tim chúng ta – chủ nhân của chúng. Tưởng tượng như khi gặp người thương, tim ta rộn ràng reo vui, thì khi cầm đến một món đồ còn “spark joy”, miệng ta cũng bất giác nở nụ cười thật mềm.
Đến đây, bỗng dưng ta như chợt hiểu ra điều gì, và thôi cằn nhằn ông bà bố mẹ cứ thích để dành vật nọ vật kia dù đã biết bao lâu rồi chẳng ai còn đụng đến. Đây là lúc ta nhận ra những cái đầu đọc đĩa CD, những cái bát đã rạn, những cái ghế con cọc cạch không thuộc cùng một bộ bàn ghế có thể chẳng khơi gợi niềm vui gì trong ta, nhưng chúng lại chứa đựng biết bao kỷ niệm của ông bà bố mẹ.
Vậy những gì còn ánh lên niềm vui, thôi thì cứ giữ đó. Và cũng có những món đồ mặc dù đã cùng ta trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng khi cầm lên lại không còn nhớ gì cũng chẳng cảm thấy gì nữa. Nhà không đủ chỗ chứa, người cũng chẳng cần dùng, đem bỏ đi (hoặc quyên góp) là hơn.
Nhẩn nha dọn dẹp, cân nhắc giữ thứ này hay bỏ thứ kia, thì lại nghĩ về bản thân mình. Tâm hồn mỗi người cũng như một ngôi nhà. Mình dọn nhà thế nào thì mình dọn lòng thế ấy. Năm qua còn nợ ai lời xin lỗi, còn buồn ai dăm ba câu chuyện vặt, hay còn giận ai vì những lúc họ làm mình buồn,… việc nào quên được thì quên, người nào không muốn giữ thì “cất kỹ” họ vào ngăn tủ, hoặc cứ để họ đi khỏi lòng mình nhẹ nhàng, giống như lúc ta gói ghém lại những món đồ tuy không dùng nữa nhưng cũng không nỡ vứt đi vậy.
Kết
Hóa ra ngoài những meme bàn ghế chạm trổ rồng phượng thì câu chuyện dọn nhà đón Tết còn hơn như thế. Nó ẩn chứa những giá trị văn hóa và đem đến cho mỗi chúng ta cơ hội để nhìn nhận bản thân và gột rửa tâm hồn sau một năm dài bỏ bê.
Không cần biết đó là nhà cửa hay tâm hồn, dọn dẹp là một kỹ năng chúng ta cần học để làm đúng và hiệu quả. Hơn nữa, nó cũng cần được duy trì. “Bạn không thể đến nha sĩ, biết rằng mình không sâu răng, và sau đó thì ngừng luôn việc đánh răng.” (Regina Leeds – tác giả quyển Một năm để sắp xếp cuộc sống).
Năm mới sắp đến rồi, bạn đã dọn dẹp xong chưa?
Xem thêm:
Thâm cung bí sử về trang phục đón Tết Nguyên đán các nước
Chợ – Sự trù phú và giàu có của văn hóa Việt Nam
Khi ký ức ngày xưa trở thành câu chuyện của hiện tại
Thảo luận về bài viết