Người ta hay nói Tết giờ không “vui” nữa. Câu nói này không đúng, nhưng cũng chẳng sai. Chẳng sai vì Tết vui sao nổi khi tụi mình phải lo toan nhiều thứ, khi chính mình giờ đây chịu trách nhiệm trở thành “nguồn vui” cho Tết chứ không được vô tư thoải mái đón nhận niềm vui từ người khác như hồi bé nữa. Tuy nhiên, nói Tết không vui cũng không đúng. Tết vẫn vui, chỉ là chúng ta đã đánh mất đi khả năng cảm nhận niềm vui như tụi con nít, và vẫn chưa đủ lớn để tìm thấy niềm vui khác từ những lúc lo toan, bận rộn.
“Tết vui” trong ký ức
Tết ngày nay hay Tết ngày xưa thì cũng vẫn là Tết, vẫn vẹn nguyên cái ý nghĩa vốn có của nó. Tết là khi cả đất trời dường như đẹp nhất trong năm, trời trong xanh thẳm, rọi ánh nắng nhạt xuống những cánh đào thắm, những bông mai vàng. Tết là thời khắc chia tay những khó khăn, đau buồn của năm cũ để đón chào năm mới với biết bao dự định mới mẻ và tươi sáng cho tương lai. Tết là lúc con cháu đoàn tụ bên gia đình, cùng ngồi lại với nhau ăn bữa cơm sau những ngày tháng xa quê.
Tết còn là quãng thời gian vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc nhất, đặc biệt với tụi con nít. Nghỉ hè cũng vui đấy, nhưng nghỉ hè không có áo mới, không được mừng tuổi. Cầm trong tay những bao lì xì xanh đỏ, đứa nào cũng tò mò, nóng lòng muốn mở ra ngay để xem “trong ruột” bao nhiêu tiền, nhưng lại nơm nớp sợ ăn mắng. Tết mà bị mắng thì xui cả năm mất. Ba ngày Tết khách khứa đến nhà, hết khen mình ngoan lại khen mình giỏi, đứa nào đứa nấy phổng mũi, hãnh diện ra phết, cảm thấy năm qua mình đã “người lớn” ra bao nhiêu.
Đó là còn chưa kể những thức ăn ngon mà chỉ Tết thì người lớn trong nhà mới có thời gian để chuẩn bị, bày biện. Đối với nhiều người, những cái Tết trong ký ức đã bắt đầu từ rất sớm, từ đầu tháng Chạp. Đó là khi mẹ bắt đầu đem tỏi, kiệu, dưa, hành đã được ngâm từ mấy tháng trước ra, xem xem đã “được” hay chưa. Đó là khi bà sai ra chợ mua hoa quả về làm mứt, lúc nào xong lại được bà “tin tưởng” giao nhiệm vụ bày mứt vào cái khay hình bông hoa để sẵn trên bàn phòng khách, không quên kèm theo câu dặn dò đừng có ăn vụng đó à nghen. Đó là khi ba bắt đầu xem lại cái bàn, cái ghế trong nhà, sửa chữa những chỗ tường nứt mái dột, để Tết đến mọi thứ đều khang trang gọn gàng.
“Tết nhạt” của hôm nay
Mặc dù Tết lúc nào cũng mang ý nghĩa đoàn viên, nhưng không thể phủ nhận rằng Tết nay khác với Tết xưa, rằng nhiều ký ức tuổi thơ về Tết càng ngày càng nhạt nhòa. Thay vì cố gắng về nhà sum họp, không ít người chọn cách đi chơi “đến hết mùng” để trốn Tết, trốn khỏi những thứ mà trong mắt họ là cổ hủ, phiền hà, tốn kém. Lì xì vốn là tiền mừng lấy lộc, không quan trọng giá trị, giờ cũng thành thước đo độ giàu có, thậm chí một “quy tắc ngầm” tôi mừng con anh bao nhiêu anh mừng lại con tôi bấy nhiêu hoặc hơn.
Mâm cúng ngày Tết cũng khác. Thay vì theo quy ước cổ truyền kiểu mâm ngũ quả 5 loại không có hạt, bây giờ người ta cúng những món họ thích ăn hoặc những tổ hợp điều ước họ mong trong năm mới. Tết cũng không còn là lúc tất bật làm món này bày món kia nữa, vì đơn giản giờ ra siêu thị cái gì cũng có. Thậm chí không cần đi đâu cho nhọc, hôm nay dù đã 30 nhưng cứ cầm điện thoại lên là sẽ có đủ chỗ nhận giao gà, giao xôi, thậm chí giao cả một mâm thức ăn cho kịp tối nay Giao thừa.
Trong đà “Tết mệt” đó, nhiều người bực bội bảo rằng Tết ngày nay đã hết vui. Tuy nhiên, mệt hay khỏe, vui hay buồn là do lòng người, có phải tại Tết đâu?
Tết hết vui hay là mình không còn vui?
Bên cạnh những lý do khách quan (mà thật sự cũng do con người mà ra cả), Tết không còn vui chủ yếu do chúng ta đã quá tuổi để cảm nhận niềm vui rồi. Hay nói chính xác hơn, đó là những niềm vui vô tư của trẻ con ngày Tết. Ngày xưa vui vì mình bé nhất nhà, trách nhiệm chỉ mỗi ăn ngủ học chơi. Tết đến thì thành “người hưởng thụ”, mặc dù cũng có góp công chuẩn bị nhưng những việc đó nếu so với ông bà, cha mẹ, anh chị lớn trong nhà thì chẳng thể nào so nổi.
Bây giờ lớn, tự nhiên không còn nôn nao trông đến Tết nữa. Cả năm ăn đủ thứ món ngon vật lạ, thậm chí giữa năm muốn ăn bánh chưng bánh tét cũng có chỗ bán, thì cần gì đến Tết để vui vì được ăn? Đi làm có ít tiền, lúc nào muốn quần áo mới cũng có, chẳng còn trông đến Tết để được mẹ dắt đi chợ mua đồ làm gì (có khi mẹ mua thật lại chê ỏng chê eo không thèm mặc). Tết vui sao nổi khi mình giờ đây trở thành người đưa lì xì chứ không còn được nhận tiền mừng như lúc nhỏ nữa. Và chưa kể 7749 loại câu hỏi gây “mất đoàn kết” mà năm nào về nhà họp mặt cũng phải đi trả lời hết người này đến người khác.
Tết mệt nhưng vẫn còn vui đấy “người lớn” ơi!
Chúng ta mất đi những niềm vui vô tư của tuổi trẻ, thì sao không học lấy cách tìm niềm vui từ những lo toan, bận rộn, thậm chí những phiền phức, khó chịu của tuổi trưởng thành?
Về nhà dọn nhà thì mệt, nhưng mà công nhận là thà dọn nhà còn hơn “dọn kho”. Cuối năm lúc nào cũng là mùa cao điểm của công ty, công việc cứ như niêu cơm Thạch Sanh, làm mãi chẳng thấy hết. Lúc đó mới chợt nhận ra, giây phút gấp laptop lại để chuẩn bị xách giỏ đi về nhà (dù về nhà vẫn còn phải lau dọn) mới… thiêng liêng và hạnh phúc biết chừng nào.
Nếu thấy Tết hết vui vì hồi trước được mẹ mua cho áo mới, thì bây giờ, rủng rỉnh tiền bạc để mua bất cứ thứ gì mình thích cũng là một loại hạnh phúc. Chúng ta cứ thử nhớ lại xem, ngày bé mặc dù nói Tết là lúc được “thả cửa” nhưng có phải mình vòi cái gì là được chiều cái đó đâu. Bên cạnh những lúc cười toét mắt vì được quần áo đẹp, được đồ chơi mới, không thiếu những giây phút… ăn vạ vang nhà vì “con năn nỉ lắm rồi mà mẹ cũng không chịu mua cho con”.
Tết đến “đau ví” một chút nhưng bù lại là nụ cười của mấy đứa em, đứa cháu cùng lời chúc sang năm mới được nhiều niềm vui, hạnh phúc, được nhiều tiền, được mãi xinh đẹp. Mặc dù có lẽ với ai tụi nhỏ cũng thuộc một bài y chang để chúc như thế, nhưng cũng như ngày xưa thấy hãnh diện khi được người lớn khen giỏi giang ngoan ngoãn, thì bây giờ cũng vui vì mình trong mắt tụi trẻ con đã thật sự là một người lớn.
Ăn bánh chưng bánh tét cả năm cũng được, nhưng đó không phải là những cái bánh mẹ làm. Ăn của ngon vật lạ ngày này qua ngày khác không sao, nhưng đó vẫn không phải là đồ ăn mẹ nấu. Niềm vui bây giờ không còn nằm ở vị bánh, mà nằm ở cái mùi quen thuộc của gian bếp nhà mình, của “phát hiện” vĩ đại rằng thì ra lý do mình tìm hoài không thấy một tiệm bán bún mọc ngon chỉ đơn giản vì người nấu ở tiệm đó không phải là bà ngoại.
Kết
Con người ta, càng lớn thì càng mất nhiều thứ, nhưng bù lại thì cũng biết thêm nhiều điều, hiểu thêm nhiều chuyện. Ngày xưa Tết vui vì mình đón Tết bằng sự hồn nhiên, nhìn Tết bằng cặp mắt ngây thơ của trẻ con. Ngày nay Tết không vui do mình cứ muốn đi tìm những niềm vui không còn “phù hợp” với tuổi tác, với vị trí, với sự trưởng thành trong hiện tại. Thay vì nuối tiếc những gì không thể trở lại, sao không học cách tận hưởng và nhìn thấy hạnh phúc, tìm lấy niềm vui từ những thứ sẵn có, vì Tết mà không vui thì còn lúc nào mới vui?
Thảo luận về bài viết