#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Điều gì gần đây đã khiến người dân Úc hoang mang?
Ngày 18/2, 17 triệu người dùng Facebook tại Úc thức dậy và nhận ra rằng gã khổng lồ công nghệ đã mạnh tay xóa sạch mọi chia sẻ về tin tức của báo chí nước này trên nền tảng. Các hãng thông tấn ở Úc – như đài truyền hình quốc gia, và các tờ báo như Sydney Morning Herald và The Australian hiện có hàng triệu người theo dõi cũng bị hạn chế chia sẻ hoặc đăng bất kỳ liên kết nào trên trang Facebook của mình.
Mọi thứ với người dân Úc như lùi lại trước năm 2004, không có thông tin hay sự kết nối toàn cầu nào cả. Giống như việc bạn quen sống trong ánh sáng và bỗng một ngày, ánh sáng tắt ngầm.
Vì sao Facebook lại làm thế?
Để giải quyết sự mất cân bằng quyền lực trong lĩnh vực tin tức, tháng 12/2020, chính phủ Úc đã đề xuất một điều luật mới với tên gọi News Media Bargaining (tạm dịch: Thương lượng Truyền thông Tin tức). Theo đó, nếu dự thảo luật này được thông qua, các công ty công nghệ lớn như Facebook và Alphabet Inc của Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản nội dung tại Úc khi sử dụng tin tức trên nền tảng của mình, bao gồm cả trong kết quả tìm kiếm.
Điểm khởi đầu của câu chuyện là khi 52% người Úc sử dụng mạng xã hội như một nguồn tin tức chính (theo Reuters Institute Digital News Report 2020). Sự độc quyền trong quyền lực của Facebook và Google đã dẫn đến những khó khăn nhất định – nếu không muốn nói là gần như sụp đổ, cho ngành báo chí của nước này.
Tức giận vì cho rằng chính phủ Úc đang “đe dọa” mình, Facebook quyết định “đánh một canh bạc” đáp trả dự luật trên. Họ cược xem 17 triệu người dân Úc có thể sống thiếu nguồn tin tức trên Facebook hay không bằng lệnh cấm truy cập và chia sẻ tin tức trên nền tảng của mình.
“Họ đang thay đổi thế giới, không có nghĩa là họ đang điều hành nó.”
Trước động thái này của Facebook, thủ tướng Úc, Scott Morrison đã viết trên trang Facebook cá nhân: “Hành động hủy kết bạn với Usc của Facebook hôm nay – cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, là sự ngạo mạn và rất đáng thất vọng.”
Lệnh cấm của Facebook khiến người dân Úc “bùng nổ”, bởi dường như “gã khổng lồ xanh” sẵn sàng nhấn nút “tiêu diệt” tin tức ở Úc à không dành dù chỉ một phút để suy nghĩ về hậu quả.
Thay đổi của Facebook khiến hàng triệu người dân Úc gặp vấn đề truy cập vào trang của nhiều cơ quan chính phủ – bao gồm trang của cảnh sát và các dịch vụ khẩn cấp, sở y tế, Cục khí tượng, tổ chức từ thiện,…
Giữa một đại dịch nguy hiểm thế này, việc khan hiếm thông tin do Facebook gây ra đã làm gã khổng lồ trở nên “xấu xí” trong mắt thế giới – Facebook trông như một công ty độc quyền quốc tế đầy kiêu ngoại, không tôn trọng một quốc gia dân chủ và dự luật đề xuất của quốc gia đó.
Elaine Pearson – Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc, cũng đã chia sẻ ý kiến về lệnh cấm của Facebook: “Cắt quyền truy cập thông tin quan trọng của cả một đất nước trong đêm khuya lắc khuya lơ là vô lương tâm.”
Trước những tác hại khôn lường đến xã hội, Facebook sau đó cũng đã đưa ra một tuyên bố nói rằng những trang này đã “vô tình bị vạ lây” và sẽ được khôi phục lại, dù nó không nói gì về thời hạn.
Không chỉ dừng lại ở đó, động thái của Facebook đã lập tức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trên nền tảng này tại Úc và đối tác quốc tế. Bởi có thể thấy đa số các doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng mạng xã hội như một kênh tiếp thị sản phẩm và mở rộng lượng khách hàng. Chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng các nhà kinh doanh nên có phương án dự phòng.
Một lời giải thích từ những kẻ đang bị quay lưng
Các công ty công nghệ lớn như Google và Facebook lập luận rằng, dự luật của Úc không phản ảnh cách thức hoạt động của internet và thay vào đó là đang “trừng phạt” nền tảng của họ một cách bất công.
Song, sau những chỉ trích của thế giới, Google lại bất ngờ đồng ý san sẻ lợi nhuận của mình với các công ty truyền thông của Úc. Bất ngờ là vì trước đó Google cũng “làm mình làm mẩy” khi còn đe dọa ngược lại sẽ cấm Úc sử dụng Google.
Còn về phía Facebook, họ cho rằng mình đang cung cấp dịch vụ miễn phí bằng cách cung cấp lượng truy cập cho các nhà xuất bản này. Facebook nói luật này khiến họ phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt: hoặc cố gắng tuân thủ luật mà bỏ qua thực tế của mối tương quan này, hoặc ngừng cho phép nội dung tin tức hiển thị trên các dịch vụ của chúng tôi ở Úc.
“Với một nỗi lòng nặng trĩu, chúng tôi lựa chọn vế sau.”, Facebook cho biết trong một bài đăng trên blog.
Facebook nói đã giúp các hãng thông tấn của Úc kiếm được khoảng $407 triệu AUD năm ngoái thông qua việc đưa tin. Tuy nhiên sự thật là điều đó chẳng là gì so với số tiền quảng cáo khổng lồ mà các ông lớn công nghệ đang thu được.
Có thể nói cả thế giới đang nín thở dõi theo từng động thái của Facebook, nhất là khi hành động này đã ngầm khẳng định việc Facebook không ngại đối đầu với các cơ quan chính phủ cũng như không muốn bị áp đặt dưới bất kỳ luật pháp nào.
Một cuộc chiến lớn hơn đang chờ Facebook?
Tờ New YokTimes đã so sánh cuộc chiến giữa nền tảng trực số và các nhà xuất bản giống như những cuộc ẩu đả chính trị kiểu cũ với các tập đoàn khổng lồ.
Úc không phải quốc gia duy nhất mà Facebook đang phải đối đầu. Đã có tổng cộng 7 lãnh thổ trên toàn thế giới đang có những xung đột với Facebook.
Trong đó, Canada đã đưa ra điều kiện tương đối giống xứ sở kangaroo khi yêu cầu Facebook trả tiền cho báo chí nước này. Bộ trưởng Di sản của Canada, Steven Guilbault nhấn mạnh rằng: “Không có chuyện tin tức miễn phí… Việc các nhà xuất bản tin tức được hưởng đúng với những gì họ làm sẽ có lợi cho quốc gia.”
Stephen Scheeler – Cựu giám đốc điều hành của Facebook tại Úc và New Zealand, cho rằng cuộc chiến giữa Úc và Facebook có thể là chất xúc tác cho một cuộc cải cách toàn cầu thực sự.
Cần phải làm gì khi va phải gã khổng lồ xanh?
Thôi thì “sống chung với lũ”?
Các nhà báo ở Úc cũng đã tìm ra cách để “lách luật” bằng cách đăng bài mà không xếp nó và mục “media.” Rất nhiều người dùng lạc quan cho rằng, thay vì đọc tin qua Facebook, ta có thể đi thẳng tới trang báo.
Đây cũng là những gì đã xảy ra với Tây Ban Nha khi bị Google News cấm cửa. Báo chí nước này “phất lên” lên hơn trông thấy sau lệnh cấm của Google. Lượng truy cập vào các trang tin này cũng không hề thay đổi. Chất lượng và lợi nhuận từ những đây cũng được nâng cao hơn nhất là khi không phải đi qua một người trung gian.
Thay đổi thói quen đọc tin
Cuộc chiến giữa Úc và Facebook như một lời cảnh tỉnh về thói quen đọc tin mà thế giới đang cần. Từ lâu, chúng ta đã dự đoán được tương lai của sự mất cân bằng nếu cả thế giới không hành động nghiêm túc để khiến “Big Tech” học cách chịu trách nhiệm cho xã hội.
Mạng xã hội nói chung đã tạo cho ta một thói quen mới trong việc đọc tin – khi tin tức sẽ tự tìm tới ta, chứ không phải ta chủ động tìm tới nó. Yếu tố nhanh – gọn – lẹ trở thành tiêu chí cho các tin tức kiểu này khi nó phù hợp với những độc giả trên mạng xã hội. Không ngoa khi nói người dùng internet đã vô tình cho phép Facehook trở nên quá quyền lực bằng cách biến nền tảng thành một phần quan trọng trong cuộc sống.
Xem thêm:
#KhôngQuạu: Clubhouse – Tân binh mới trong làng công nghệ đánh bại TikTok?
Những công ty phần mềm đã đi trước Facebook Avatar cả vạn dặm
Thảo luận về bài viết