Trong thời đại công nghệ đang lên ngôi việc bày tỏ sự ủng hộ, động viên ai đó không chỉ đơn thuần đến từ lời nói, hành động mà còn có thể được thay thế bằng những lần nhấn like, những nút chia sẻ trên mạng xã hội.
Thế nhưng đôi khi, chính những sự ủng hộ nhanh chóng, nhạt nhòa như thế đã khiến cho lòng biết ơn, sự cảm kích phần nào mất đi giá trị. Ngày nay, việc cảm ơn ai đó bỗng trở nên gượng gạo và ngại ngùng hơn rất nhiều. Đôi lúc vì cảm thấy không cần thiết, người ta đã bỏ qua rất nhiều lời nói, ngôn từ ý nghĩa.
Lời cảm ơn vốn không khó nói. Mặc dù đôi lúc chúng ta không thật sự mong mỏi lời cảm ơn từ người đối diện, nhưng sẽ mát lòng biết bao khi lòng tốt, sự cố gắng của mình được trân trọng và ghi nhận.
Giá trị của lời cảm ơn trong cuộc sống không chỉ đến từ những điều tốt đẹp, mà còn là sự đúc kết những bài học quý giá giữa người với người.
Phải chăng chúng ta đang đánh giá thấp sức mạnh của lòng biết ơn?
Nếu bạn đang tự hỏi, tại sao lời cảm ơn ngày càng trở nên hiếm hoi hơn, các nhà nghiên cứu từ Đại học Chicago và Đại học Texas sẽ cho bạn một câu trả lời thú vị: đơn thuần là vì số lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, khiến giao tiếp giữa người với người trở nên gấp gáp hơn bao giờ hết, đồng thời điều này cũng vô tình làm chữ viết tay của mọi người trở nên xấu đi.
Trong một nghiên cứu của Amit Kumar và Nicholas Epley được đăng tải trên tạp chí Psychological Science vào năm 2018, các chuyên gia đã đề nghị sinh viên viết thư cảm ơn cho những người từng giúp đỡ mình trong cuộc sống, kèm theo một số yêu cầu khác.
Những người tham gia sẽ trả lời các câu hỏi trong bài khảo sát – chẳng hạn như ước tính mức độ ngạc nhiên và hạnh phúc của người nhận những bức thư cảm ơn này. Kết quả cho thấy, rất nhiều người tham gia viết thư đã đánh giá thấp sự hạnh phúc của các đối tượng nhận thư – mà thay vào đó, người gửi ngộ nhận rằng, những lá thư tốt đẹp kia sẽ khiến người nhận trở nên khó xử hơn.
Giá trị không ngờ của lời cảm ơn
Kết quả nghiên cứu của Kumar và Epley đã nhấn mạnh một điều, biểu hiện của lòng biết ơn có thể mang lại lợi ích cho cả người gửi và người nhận. Theo đó, lời “cảm ơn” có thể cải thiện các mối quan hệ, khiến mọi người cảm thấy tích cực hơn về cuộc sống của họ, và hiệu quả thường kéo dài đến một tháng. Riêng trong môi trường làm việc, sự cảm kích sẽ phần nào thúc đẩy động lực làm việc của nhân viên, khiến mọi người cảm thấy lạc quan hơn.
Rusul Alrubail – Giám đốc điều hành của Parkdale Centre for Innovation, đã miêu tả việc được người khác cảm ơn (vì những đóng góp của cô) giống như việc nhận được “những bức thư tình” — một điều vô cùng ý nghĩa giúp xoa dịu những cảm giác tiêu cực cô đã gặp phải.
Là người Hồi giáo và thường xuyên lên tiếng cho những công bằng xã hội và bình đẳng chủng tộc, Alrubail đã chứng kiến ”nhiều thông điệp tồi tệ nhất” từ những bức thư kích động thù địch, những tin nhắn với nội dung phản đối truyền bá đạo Hồi, đến cả nhiều lời đe dọa tính mạng từ rất nhiều người. Lần gần đây nhất là sau một buổi thuyết trình ở trường đại học, một sinh viên đã để lại trong hộp thư thoại của Alrubail những lời nhận xét đầy thù hận, bạo lực, và kỳ thị chủng tộc.
Thế nhưng, dẫu cho lượng tin nhắn bày tỏ sự cảm kích đối với việc làm của Alrubali không là gì với những bình luận mang tính giễu cợt, chỉ trích, những lời cảm ơn đó vẫn có ý nghĩa vô cùng lớn đối với cô. Từng có người nói với Alrubail rằng, cô đang làm rất tốt những gì mình có thể để phục vụ thế giới và họ hy vọng có thể tiếp sức cùng cô tạo ra những thay đổi tích cực đó.
“Chính những điều nhỏ nhặt như vậy, thực sự khiến bạn cảm thấy mình đã để lại một dấu ấn nhỏ trong cuộc đời của một ai đó.”
Làm thế nào để bắt đầu với một lá thư cảm ơn chân thành?
Nella Iasci – Giám đốc điều hành của Job Skills, một tổ chức việc làm và đào tạo cộng đồng do United Way tài trợ, cho biết: “Nói lời cảm ơn không mất nhiều thời gian, nhưng đó là điều mà mọi người thường tránh né. Job Skills sẽ chỉ dẫn cho người tìm việc tầm quan trọng của việc bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ họ trên con đường sự nghiệp. Chúng ta nên bày tỏ sự cảm kích đối với những nhà tuyển dụng, người cố vấn, hoặc là bất cứ đồng nghiệp nào đã ‘có công’ hỗ trợ mình.”
Iasci đã làm việc với tổ chức phi lợi nhuận này trong hơn 25 năm, đồng thời cô cũng đã viết và nhận được rất nhiều thiệp cảm ơn, vì vậy cô có một số lời khuyên từ chuyên gia về những gì nên làm — và nên tránh — trong những lời nhắn này.
1. Thời điểm gửi thư là một vấn đề thiết yếu
Iasci đã chỉ ra điều quan trọng nhất đối với những lá thư cảm ơn là việc gửi chúng đúng lúc và đúng hoàn cảnh. Đối những lời cảm ơn mang tính cá nhân, Iasci sẽ áp dụng châm ngôn “thà muộn còn hơn là không bao giờ”.
“Nếu một ngày bạn chợt nghĩ đến người đã từng giúp đỡ mình trong quá khứ, đừng ngại ngùng mà hãy lập tức gửi lời cảm ơn tới họ. Lòng biết ơn cho những vấn đề cá nhân là vô thời hạn”, Iasci chia sẻ.
Còn với người tìm việc, thời gian vốn là yếu tố quan trọng, không thể lãng phí. Việc viết và gửi thư tay có thể không khả thi vì sẽ tốn kha khá thời gian. “Chúng ta đang sống trong một thời đại công nghệ cao và nhịp sống nhanh, vì thế tôi nghĩ việc gửi email cảm ơn đến nhà tuyển dụng hoặc một cá nhân đã giúp đỡ bạn là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.”
2. Hình thức trình bày sẽ phần nào thể hiện thành ý của bạn
Trở về với câu chuyện của Alrubail, hầu hết các ghi chú mà cô nhận được trong những năm qua là email, nhưng cô cũng thực sự trân trọng những tấm thiệp giấy. Cô chia sẻ rằng mình luôn trưng bày những tấm thiệp cảm ơn cùng các giải thưởng quan trọng trong văn phòng của mình.
Đối với Alrubail, cô luôn chọn cách viết tay khi muốn gửi lời cảm ơn đến ai đó. Cô nói, “Tôi khá chú tâm tới chữ viết, mặc dù chữ viết tay của tôi trông không đẹp cho lắm. Nhưng tôi tin rằng chữ viết phần nào bộc lộ tính cách của mỗi con người.”
3. Nên nói gì trong thư cảm ơn?
Cho dù đó là tin nhắn riêng tư, email hay một tấm thiệp, phần quan trọng nhất của thư cảm ơn chính là nội dung bên trong đó. Iasci khuyên người viết nên chân thành, truyền đạt thông điệp một cách thân mật và rõ nhất có thể. Vấn đề không phải là lời hay ý đẹp đến đâu, mà là bạn có nhắn nhủ những điều lòng mình muốn nói.
4. Những “hố đen” nên tránh
Mặc dù những ghi chú này có thể mang lại lợi ích cho người gửi – như làm cho các mối quan hệ khăng khít, hài lòng và đáng cậy hơn, nội dung thực tế của chúng chỉ nên được sử dụng để bày tỏ lòng biết ơn mà không có thêm kỳ vọng nào khác. Iasci khuyên rằng trong thư hỉ nên gửi lời cảm ơn mà không yêu cầu thêm điều gì.
Kết
Thế giới ngày càng bận rộn với nhịp sống nhanh hơn. Chúng ta thường không dành đủ thời gian để suy ngẫm về gì tốt đẹp đã xảy ra, cũng như những điều tốt mà ai đó đã mang tới cho mình. Một tấm thiệp cảm ơn có thể chính là một món quà dành cho cả người viết lẫn người nhận. Trên hết, sự cảm kích còn có thể mang lại niềm vui cho tất cả mọi người.
Theo Local Love
Có thể bạn quan tâm:
Trước lạ sau yêu với 36 câu hỏi giúp ta gần nhau hơn
#Nghĩ: Làm gì khi bị ghét?
Bạn yêu một người hay yêu hình ảnh mình tự tạo về đối phương?
Ngôn ngữ tình yêu của bạn là gì?
Thảo luận về bài viết