Sau nhiều lần lỗi hẹn cùng khán giả, mới đây, Studio68 – đơn vị sản xuất của Trạng Tí Phiêu Lưu Ký đã thông báo ngày khởi chiếu mới của phim: 30/4/2021.
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký vốn định ra rạp dịp Tết Tân Sửu 2021. Đã họp báo ra mắt trước đó không lâu, song phim phải hoãn chiếu khi các rạp ở TP HCM đóng cửa do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Phía nhà sản xuất, Ngô Thanh Vân, chia sẻ: “Chưa có dự án nào của tôi gian nan như vậy. Các diễn viên nhí cùng êkíp phải đi qua hai mùa dịch. Tôi hy vọng lần trở lại này của Trạng Tí Phiêu Lưu Ký sẽ mang đến một trải nghiệm đáng nhớ cho các gia đình cùng các em thiếu nhi.”
Kể từ khi những thông tin đầu tiên về dự án xuất hiện, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký liên tiếp vướng phải scandal. Điều này đã khiến một bộ phận khán giả nảy sinh ác cảm với phim mặc dù vẫn chưa chính thức khởi chiếu. Hãy cùng The Millennials điểm lại một số điều cần biết trước khi phim chính thức ra rạp vào 30/4/2021.
Hành trình làm phim và ra rạp
Ngô Thanh Vân cho biết, dự án Trạng Tí Phiêu Lưu Ký được lên ý tưởng từ năm 2016. Cô đã gặp công ty Phan Thị – đơn vị phát hành bộ truyện Thần Đồng Đất Việt – để bàn về việc mua bản quyền. Ban đầu, Phan Thị không muốn bán bản quyền chuyển thể vì họ lo sợ phía Studio68 dựng phim không tới sẽ làm phật lòng các fans của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt.
Ra mắt năm 2002, kéo dài 220 tập, Thần Đồng Đất Việt là bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất cho đến nay. Truyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, kể câu chuyện và cuộc đời của Lê Tí – một trạng nguyên nước Việt – cùng những bạn thân là Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo.
Cùng các bạn, Tí có công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống quân Minh xâm lược. Truyện có thêm các bộ liên quan như Thần Đồng Đất Việt khoa học, Thần Đồng Đất Việt mỹ thuật, Thần Đồng Đất Việt toán học…
2 năm sau đó, Ngô Thanh Vân thành công đạt được thỏa thuận bản quyền 5 tập truyện để làm phim. Khó khăn tiếp tục phát sinh khi cô mất nhiều công sức để thuyết phục các nhà đầu tư. “Năm 2016 – 2017, tôi mới có phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, chưa có sản phẩm thắng doanh thu phòng vé. Phim Trạng Tí Phiêu Lưu Ký lại là phim thiếu nhi, khó bán vé hơn phim tình cảm, hài khiến các nhà đầu tư đắn đo.”
Vấn đề tìm đạo diễn cho phim cũng khiến cô đau đầu, “Giai đoạn đó, Việt Nam chưa có nhiều đạo diễn đủ sức làm dự án phim hoành tráng. Tôi liên hệ anh Charlie Nguyễn, anh Nguyễn Quang Dũng nhưng các anh đều bận. Khi gặp Phan Gia Nhật Linh, tôi cũng phải trao đổi vài lần trong thời gian dài Linh mới nhận lời làm đạo diễn cho Trạng Tí Phiêu Lưu Ký.”
2018 cũng là năm dư luận xôn xao khi vụ kiện giữa họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị được đưa ra xét xử lần đầu. Ngô Thanh Vân nhờ luật sư liên hệ với Phan Thị để làm rõ sự việc, nhưng bên Phan Thị đã đưa ra các giấy tờ liên quan cho thấy vụ kiện chưa có phán quyết cuối cùng. Vì lý do đó, hợp đồng giữa hai bên vẫn có hiệu lực. Phía Studio68 vẫn phải bấm máy bộ phim vì mọi thứ đã sẵn sàng.
Quá trình sản xuất phim kéo dài thêm 3 năm nữa, tính cả 2020 do COVID-19.
Kinh phí lên đến 43 tỉ đồng
Tại họp báo chiều 24/1, Ngô Thanh Vân cho biết kinh phí đầu tư của phim Trạng Tí Phiêu Lưu Ký đến hiện tại là 43 tỷ đồng, phát sinh lớn so với kinh phí dự kiến ban đầu là 35 tỷ đồng – hiện đang nằm trong top các phim đắt đỏ của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, do vẫn đang hoàn thiện những bước cuối của hậu kỳ và truyền thông nên phần kinh phí này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lý giải về sự tốn kém của phim, Ngô Thanh Vân nói đùa do “sức sáng tạo của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vô bờ bến”. Một trong những khâu “ngốn” tiền nhất là phần khảo sát và dàn dựng bối cảnh. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã đi từ Nam ra Bắc để tìm những cảnh đẹp nhất ở Ninh Bình, Thái Bình, Đồng Nai. Với những nơi không có thật như Hang Thần Hổ, anh lên ý tưởng thiết kế với đội ngũ kỹ xảo, nghiên cứu văn hóa và lịch sử làm tham chiếu.
Riêng với làng Phan Thị – bối cảnh nổi tiếng từ truyện tranh, đoàn phim phải tìm một khu đất đủ lớn để dàn dựng hoàn toàn. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho hay cô mất nhiều thời gian, làm nhiều thủ tục mới được phép dựng làng Phan Thị trong khu bào tồn văn hóa của UNESCO ở Ninh Bình. Cô áp lực bảo đảm đoàn phim giữ nguyên hiện trạng, không gây hư hại cho địa điểm.
Ngoài ra, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký còn được đầu tư mạnh tay về mặt kỹ xảo với nhiều khung hình mãn nhãn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng – người đứng sau thành công của bom tấn 200 tỷ Tiệc Trăng Máu đã nêu quan điểm về bộ phim: “Đây là phim thiếu nhi hay nhất của Việt Nam. Phim có bối cảnh, CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) tốt nhất của Việt Nam từ đó đến giờ.”
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký là một bộ phim phóng tác
Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, ban đầu, anh từng từ chối vài lần trước khi chính thức ra quyết định nhận lời. Lý do vì khi ấy, phía nhà sản xuất (Ngô Thanh Vân) nói rằng công ty Phan Thị yêu cầu bộ phim giữ nguyên tình tiết truyện tranh. Theo nhận định của anh, nếu không phóng tác thì với các tích truyện đều đã quá quen thuộc, phim điện ảnh Trạng Tí cũng sẽ không khác gì các phim cổ tích chiếu truyền hình mấy chục năm qua.
Sau khi đạt được thỏa thuận về việc phóng tác, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh viết kịch bản dựa theo 28 tập của Thần Đồng Đất Việt. Tuy nhiên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân không đồng ý với kịch bản này do nó mang tầm vóc quá hoành tráng, vượt mức chi phí 35 tỷ đồng dự kiến khi đó.
Vì vậy, kịch bản này được gác lại cho phần 2 và Phan Gia Nhật Linh chấp bút một kịch bản mới xoay quanh sự ra đời của Tí và hành trình Tí đi tìm cha, chính là nội dung của phần phim Trạng Tí Phiêu Lưu Ký sắp ra mắt. Trong buổi họp báo, anh cũng tiết lộ một số chi tiết cách điệu của phim. Đơn cử như việc mẹ con Tí bị một số người dân trong làng hắt hủi vì mẹ Tí không chồng mà lại có con. Đạo diễn cho biết chi tiết này là cần thiết để hợp lý hóa tâm lý chung của nhiều thế hệ người Việt.
Đồng thời, hình tượng và hình ảnh nhân vật cũng có phần thay đổi so với bản truyện gốc. Ví dụ như tính cách nhân vật chính – Trạng Tí – cũng như trang phục cậu mặc. Bổ tử (mảnh vải thêu hình vuông trước ngực áo) của Tí trên phim có hình cá chép, thay vì hình bản đồ chữ S như trong truyện.
Theo đạo diễn, câu chuyện trong bộ truyện gốc diễn ra thời Hậu Lê. Khi ấy Việt Nam chưa có dạng chữ S. Phim điện ảnh Trạng Tí không xác định niên đại, thế nên việc dùng bản đồ chuẩn thời đó hay bản đồ chữ S đều sẽ gây ra ý kiến trái chiều. Hình ảnh cá chép được lựa chọn vì liên quan đến tích “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”, phù hợp với nhân vật Trạng Tí.
Bên cạnh đó, Tiểu Tị cũng là một… nhân tố bất ngờ khác của phim khi được xây dựng là một nhân vật mạnh mẽ, dũng cảm, võ nghệ cao cường như một tiểu hòa thượng Thiếu Lâm, khác xa hình ảnh Tiểu Tị rụt rè, nhút nhát, đôi lúc vụng về, hay bị sư phụ gõ đầu trong truyện.
Là tác phẩm “xui xẻo” nhất?
Trạng Tí Phiêu Lưu Ký bị một bộ phận khán giả đòi tẩy chay vì cho rằng ê-kip “thông đồng” với Phan Thị – chủ sở hữu bản quyền truyện tranh Thần Đồng Đất Việt (kịch bản gốc) – để chèn ép “cha đẻ bộ truyện” là họa sĩ Lê Linh.
Trên thực tế, vụ kiện giữa Lê Linh và Phan Thị chỉ ngã ngũ vào tháng 12/2019, khi tòa xử họa sĩ Lê Linh thắng kiện. Phía Ngô Thanh Vân cho biết trong thời gian diễn ra vụ kiện, nhà sản xuất đề nghị nhiều hình thức quyền lợi khác nhau cho họa sĩ Lê Linh nhưng ông đã từ chối.
Ngoài những ồn ào xoay quanh chuyện bản quyền, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký còn bị phản đối do có nhiều chi tiết không tôn trọng nguyên tác. Phần lớn chúng là những cách điệu của đạo diễn cho chuyện phim. Người hâm mộ cho rằng những thay đổi đó đã làm mất tinh thần bản gốc. Theo nguyên tác, Tí là cậu bé thông minh tài giỏi, chính trực, thẳng thắn phê phán lũ quan mọt dân, được mọi người vô cùng yêu quý và nể trọng. Trong khi đó, Tí-trên-phim là đứa bé có phần nông nổi với số phận đáng thương khi bị người làng khinh bỉ, trẻ làng ăn hiếp vì không có cha. Màn lột xác chóng mặt này đã khiến các fan bất bình.
Ngoài ra, một đoạn clip 3 phút do phía nhà sản xuất tung ra đã nhận về chỉ trích dữ dội của cộng đồng mạng vì phá hỏng tính logic của phim, trong khi chính đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lại tuyên bố cách đó không lâu rằng phim sẽ “đề cao trí tuệ bằng tư duy logic và toán học”.
Rắc rối nối tiếp nhau xảy đến khi poster mới của Trạng Tí (do một đơn vị phát hành phim lớn tung ra) mắc phải lỗi sai tiếng Anh vô cùng cơ bản. Đồng thời, hình ảnh Cả Mẹo với mái tóc có phần hiện đại và mang… niềng răng trên poster cũng dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ khán giả.
Và cuối cùng, là phim phải hoãn chiếu 2 lần do dịch bệnh. Ngày ra mắt mới nhất được ấn định là 30/4/2021.
Trạng Tí “đấu” với ai?
2020 là một năm màn ảnh Việt im hơi lặng tiếng, hứa hẹn một 2021 “bùng nổ” với sự ra mắt của hàng loạt siêu phẩm cả trong và ngoài nước phải hoãn phát hành từ năm trước. Để lỡ mùa phim Tết, xem như Trạng Tí đã “vuột” mất cơ hội vàng ra rạp.
Xem thêm: Bạn đã book lịch cho 12 phim Việt ra mắt tháng 4 này chưa?
Trở lại vào tháng 4, chỉ tính riêng phim Việt Nam, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký đã có cho mình 11 đối thủ khác, trong đó có 3 phim cùng ra mắt vào 30/4/2021:
Ngoài ra, không thể không kể đến những cái tên “đáng gờm” khác như:
Kết
Mỗi một dự án điện ảnh khi ra mắt đều cần chuẩn bị tinh thần với nguy cơ thất bại. Với Trạng Tí, nguy cơ này càng cao khi sớm vướng vào những rắc rối mà dư luận phần đông chọn đứng về phe “đối nghịch” với bộ phim.
Từ xưa đến nay, với bất cứ tác phẩm nào thì người xem vẫn luôn có quyền đưa ra quan điểm trái chiều. Việc bới lông tìm vết, cố vạch ra lỗi không phải hiện tượng lạ. Tuy nhiên, nếu nội dung có chất lượng thật, bộ phim vẫn có thể giành lại sự ủng hộ từ khán giả.
Đứng ở góc độ trung lập, đa số phim của Ngô Thanh Vân trước nay đều không có thế mạnh về kịch bản, chuyện phim thường đơn giản, đôi chỗ phi logic, tình tiết cũng chưa hẳn liên kết với nhau.
Tuy nhiên, những tác phẩm cô làm ra lại được trau chuốt kỹ càng từ ý tưởng ban đầu cho đến quá trình thực hiện. Mặc dù mang theo nhiều ồn ào từ khi những thông tin đầu tiên về phim được công bố, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Trạng Tí Phiêu Lưu Ký được Ngô Thanh Vân và ê-kip đầu tư vô cùng kỹ lưỡng. Tại buổi công chiếu cho báo giới và giới phê bình, tác phẩm cũng nhận về nhiều tín hiệu tích cực.
Những mâu thuẫn giữa nội dung của tác phẩm chuyển thể / phóng tác so với nguyên tác là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả những cái tên nổi tiếng như Game of Thrones hay Harry Potter cũng đã không ít lần khiến fans “chia năm xẻ bảy” vì những tranh cãi trong chính cộng đồng của họ. Khán giả hâm mộ bộ truyện Thần Đồng Đất Việt và ủng hộ họa sĩ Lê Linh dĩ nhiên có quyền không đi xem, thậm chí tẩy chay phim. Tuy nhiên, cần có sự phân định rạch ròi là ê-kip đã làm đúng mọi thứ về quy trình pháp luật.
Bên cạnh đó, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký vẫn chưa chính thức công chiếu, nên để có thể trả lời cho câu hỏi liệu nội dung mới của phim có phá nát hình ảnh bộ tứ Tí Sửu Dần Mẹo như nhiều người “tiên đoán” hay không, chỉ có duy nhất một cách là xem phim rồi… tính tiếp.
Theo chia sẻ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, trẻ em Việt Nam chịu bất công khi không có phim nội địa dành riêng cho mình, trong khi trẻ em Bắc Mỹ có Harry Potter, Narnia, còn Trung Quốc có Na Tra. Anh cũng đánh giá truyện tranh Thần Đồng Đất Việt có nhiều chất liệu văn hóa dân gian có thể khai thác trong điện ảnh. Đó là lý do khiến anh muốn làm phim về nhân vật Trạng Tí.
Nếu được đầu tư và định hướng chính xác, thương hiệu Trạng Tí của Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn ra thế giới như Doraemon, Pokemon, hay Harry Potter. Tuy nhiên, trước mắt, hy vọng những ồn ào xung quanh Trạng Tí Phiêu Lưu Ký sớm được giải quyết, và khán giả ra rạp xem phim sẽ là những người đánh giá tác phẩm một cách công tâm nhất.
Thảo luận về bài viết