Có lẽ chúng ta đều đã quen với câu nói: “Find three hobbies you love: One to make you money, one to keep you in shape and one to be creative.” (Tạm dịch: Hãy tìm cho bạn ba sở thích: một để kiếm tiền, một để giữ gìn sức khỏe và một giúp bạn luôn sáng tạo). Thế nhưng đầu tư cho ba sở thích đã tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc rồi, vậy tại sao giờ đây chúng ta lại nên có 5 sở thích để đạt được trạng thái đỉnh nhất trong cuộc sống?
1. Sở thích giúp bạn kiếm tiền
“Sở thích nào giúp mình kiếm tiền?” Thú vui này có thể gói gọn là đam mê được làm việc, hăng say nhận những dự án khiến mình thấy hứng thú và rồi làm việc xuyên đêm suốt sáng. Hoặc đơn giản chỉ là được làm những gì bạn thích, và biến nó trở thành công cụ kiếm tiền. Nhờ đó, tâm trạng bạn sẽ cải thiện, cảm thấy thoải mái mà không phải thấy áp lực mỗi khi nghĩ đến hai từ “công việc”.
Nếu đam mê trở thành Youtuber, hãy bắt đầu ngay hôm nay và thoải mái bộc lộ bản thân trước camera. Hay nếu đam mê đầu tư, hãy tìm hiểu thị trường chứng khoán, tích lũy một khoản tiền và chuẩn bị tinh thần với từng dòng lên xuống của biểu đồ nhé.
2. Sở thích để giữ gìn sức khỏe
Có sức khỏe là có tất cả. Vậy nên, mỗi chúng ta đều phải học cách cải thiện và gìn giữ nó. Để hoàn thiện các sở thích liên quan đến sức khỏe, chúng ta không chỉ cần chú trọng vào các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng mà còn qua việc tập luyện. Cơ thể con người từ xưa tới nay luôn cần vận động. Nếu một ngày qua đi mà thiếu các hoạt động thể dục, chúng ta sẽ dần trở nên lười nhác, các cơ bắp cũng sẽ theo đó mà yếu đi.
Không chỉ giúp giữ dáng, giảm hay tăng cân, chúng ta còn đang tập luyện cho tinh thần của chính mình. Với nhiều người, tập gym chính là một sở thích như vậy. Đấy có thể là những môn thể thao như: bóng đá, bóng rổ, bơi lội,… Nếu bạn cảm thấy một vài hình thức tập luyện có thể quá đắt đỏ và khó theo đuổi, hãy tìm đến những bộ môn như đi bộ, nhảy và chạy. Chỉ với 30 phút mỗi ngày kiên trì tập luyện, sau một thời gian bạn sẽ thấy mình càng ngày yêu thích các hoạt động thể thao, và sớm có được một vóc dáng như ý.
3. Sở thích nuôi dưỡng sự sáng tạo
Bạn có bao giờ nghe đến thuật ngữ “creative thinking”? Thuật ngữ phổ biến này thường được dùng để ám chỉ khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo góc nhìn mới. Đấy có thể là một phương hướng, một lối suy nghĩ hoặc cách giải quyết khác hoàn toàn so với lối mòn tư duy cũ kỹ, dễ đoán.
Việc giúp bản thân có một tinh thần sáng tạo sẽ khiến ta nhận ra những điều mới lạ, sẵn sàng khám phá những gì kích thích tâm trí, tìm ra được mối liên hệ giữa những thứ không liên quan đến nhau. Có thể nói, sự sáng tạo là “một làn gió lạ” giữa những khuôn mẫu thông thường.
Trên thực tế, mỗi ngày chúng ta đều tìm đến sở thích này. Đấy có thể là việc nghe và làm nhạc, xem hoặc quay phim, hay thậm chí là việc chụp ảnh và dựng video. Sự sáng tạo còn có thể được nuôi dưỡng qua các hoạt động vẽ tranh, thêu thùa, làm đồ gốm,… nữa đấy.
4. Sở thích để bồi dưỡng kiến thức
Vì sao chúng ta cần có kiến thức? Hãy tưởng tượng như này, bạn đang ngồi giữa đám đông nhưng lại cảm thấy “lệch sóng”, không thể tham gia vào cuộc nói chuyện bởi vì không hiểu rõ những vấn đề mà người kia đang nói? Đấy có thể là một lĩnh vực mà bạn chưa bao giờ nghe đến, hoặc đã nghe đến nhưng chưa bao giờ đào sâu cả. Những kiến thức chúng ta học trên trường thì ai cũng biết, vậy nên bắt đầu từ đâu để “đào” kiến thức đây?
Sở thích bồi dưỡng kiến thức có thể đến từ đam mê đọc sách. Một ngày qua đi mà không đọc được một vài trang sách sẽ cảm thấy cồn cào, thiếu vắng. Trước khi đi ngủ lại càng không thể thiếu những quyển sách “gối đầu giường”. Tủ sách thì sắp xếp gọn gàng, hoặc dưới sàn nhà lại là một chồng sách mới mua. Đây là sở thích phổ biến nhất giúp bạn nuôi dưỡng kiến thức. Không dừng ở đó, trong hiện tại chúng ta còn có thể lắng nghe các audio book, podcast hoặc tìm hiểu từ chính cộng đồng mạng. Tuy vậy, chúng ta cần biết chọn lọc thông tin, và luôn đặt câu hỏi về những gì mình học hỏi được qua mạng.
5. Sở thích cho tâm trí
Bạn có thể hiểu rõ hơn loại sở thích này thông qua từ “mindfulness” – một hành động giúp chúng ta tập trung tới thực tại mà không có sự phán xét, không trằn trọc về quá khứ hay lo lắng cho tương lai, khiến chúng ta bình tĩnh và trân trọng cuộc sống hơn.
Để đạt được trạng thái đó, chúng ta có thể viết nhật ký, thiền định hoặc “ngắt điện” với thế giới trong một ngày. Ngoài ra, dành thời gian ở một mình và tránh xa điện thoại sẽ giúp bạn tập trung hơn vào chính bản thân thay vì những người xung quanh. Làm những điều mình thích và tận hưởng từng khoảnh khắc cũng khiến tâm trí bạn thoải mái hơn nhiều.
Kết
Năm loại sở thích trên chỉ là một phần nhỏ trong những điều sẽ giúp bạn có được trạng thái tốt nhất cuộc sống. Tiếp xúc và làm những gì bạn yêu hàng ngày cũng sẽ khiến bản thân vui vẻ, thoải mái và yêu đời hơn. Đồng thời hãy luôn ghi nhớ rằng, vạn sự khởi đầu nan, có thể bạn chưa yêu thích một thứ gì đấy ngay lập tức, nhưng dần dà những điều đấy sẽ trở thành người bạn không thể tách rời trong suốt cuộc đời chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
#Nghĩ: Nuôi thú cưng – Tưởng vô bổ nhưng bổ không tưởng
Bạn yêu một người hay yêu hình ảnh mình tự tạo về đối phương?
Trị liệu tinh thần bằng mỹ thuật – bạn có biết?
Thảo luận về bài viết