Với thời lượng 128 phút, Bố Già chọn khai thác hình tượng người cha và câu chuyện gia đình. Bộ phim của Trấn Thành và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thành công khi không chỉ nội dung mà cả những tình tiết trong phim đều ít nhiều “chạm” đến khán giả, đặc biệt là khán giả Nam bộ.
Được phát triển từ bộ web drama cùng tên đã ra mắt từ 2020, tuy nhiên bản chiếu rạp của Bố Già không có điểm chung về tuyến nhân vật với loạt phim trước đó. Lần này, phim lấy bối cảnh một con hẻm nhỏ hay ngập nước tại Sài Gòn, với những cư dân hẻm đa phần thuộc tầng lớp lao động chân tay. Nhân vật chính của chúng ta “vật lộn” với những rắc rối đến từ cả gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ của ông tại một nơi như vậy.
Liên tiếp xô đổ những kỷ lục do chính mình tạo nên, ở thời điểm hiện tại, Bố Già đã chính thức trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, vượt mặt cả bom tấn siêu anh hùng Avengers: Endgame từng làm mưa làm gió các rạp chiếu năm 2019. Phim được kỳ vọng sẽ chạm mốc 300 tỷ đồng doanh thu trong thời gian không xa, tiếp tục viết nên câu chuyện kỳ vĩ có-một-không-hai của bộ phim đã khiến hàng triệu triệu khán giả phải ngẩn người trước màn hình mà rơi lệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời có cánh thì phim cũng nhận về khá nhiều ý kiến trái chiều. Hết lùm xùm phát ngôn của những bên có liên quan, lại đến câu chuyện muôn thuở 9 người 10 ý “sao ai xem cũng khóc còn tôi thì không?”. Không ít người cho rằng Bố Già là một bộ phim bình thường thôi (có chăng nhỉnh hơn mặt bằng chung phim Việt một xíu), chẳng qua nổi tiếng là nhờ… Trấn Thành. Tóm lại, đây có phải là một bộ phim đáng để bỏ tiền ra rạp xem không?
Từ khi phim ra mắt, đã có rất nhiều nhận xét được đưa ra về chất lượng của phim. Nhìn chung, Bố Già có thể được gọi là phim chiếu rạp, chứ chưa đủ tầm vóc trở thành một bộ phim điện ảnh, vì nó không đem lại “cảm giác điện ảnh” cho người xem. Điều này thể hiện từ câu chuyện phim đến phần quay dựng.
Tập trung khai thác đề tài gia đình, thế nhưng Bố Già hơi “tham” khi “ôm” hết cả gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ của ông Ba Sang – nhân vật chính. Thành thử, phim cứ bị dài dòng lan man. Rất nhiều người khen ngợi phim ở tính gần gũi của câu chuyện, rằng họ có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình, gia đình mình, khu phố nơi mình sống,… trong đó. Đây là lợi thế, cũng là điểm yếu khiến cốt truyện của phim chưa được chặt chẽ. Vấn đề chính đặt ra (mâu thuẫn giữa cha con ông Sang) không đủ sức nặng cho 128 phút còn những yếu tố khác có thể khai thác thêm lại bị bỏ ngỏ. Thực tế, phim chỉ tập trung vào mâu thuẫn “nhường nhau hi sinh” ở từ giữa phim trở về sau, chứ phần trước không thực sự hỗ trợ để khán giả thấy được vấn đề này.
Thứ nữa, là thoại phim. Nhiều người nhận xét rằng “phim này mang ‘màu’ Trấn Thành nhiều quá, chẳng nhìn thấy Vũ Ngọc Đãng ở đâu.” Điều này không sai. Thoại phim rất “đời”, đối đáp ngẫu nhiên, tung hứng thoải mái. Đây là một điểm tiến bộ đáng kể sau bao năm khán giả phải chịu đựng những màn hội thoại “văn mẫu” trong các bộ phim Việt Nam. Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là nó “đời” (mà còn là đời vừa nghèo vừa khổ nữa kìa), nhưng nó lại… mượt quá.
Có những đoạn chỉ cần sử dụng tốt hình ảnh và diễn xuất là đã đủ nói lên rất nhiều điều, thì diễn viên lại nói thật, không những thế còn nói nhiều. Điều này vô tình đã phá hỏng đi những phân cảnh đáng lẽ có thể tốt hơn, như đoạn cha con Ba Sang bất đồng về việc ở nhà mặt đất hay chung cư. Mặc dù là một trong những cảnh “ăn tiền” và được yêu thích nhất phim nhưng lời nói của hai cha con cũng có cảm giác sắp đặt rõ ràng.
Ngoài ra, thoại phim lạm dụng nhiều những câu chơi chữ, keyword ở đâu, nhả vần thế nào đều được “chuẩn bị” kỹ lưỡng. Đó đều là những câu nói hay, dễ nhớ, dễ khiến khán giả cười. Vấn đề là ngoài đời có mấy ai nói thế đâu, nhất là những cư dân trong xóm lao động nghèo? Tổng thể Bố Già làm người ta cảm giác như đang xem kịch hoặc phim truyền hình trên màn ảnh to, chứ không phải xem một bộ phim điện ảnh thực thụ.
Bên cạnh nội dung phim thì những ồn ào xoay quanh các phát ngôn gây tranh cãi cũng là một trong những lý do khiến nhiều người tuyên bố “nghỉ chơi”… không thèm xem. Khi phim vừa ra mắt, khán giả một phen rần rần phản đối vì nhận định từ một người nổi tiếng, rằng “Không đi xem Bố Già là sống hời hợt với cuộc đời.”
Mới đây nhất, ồn ào lại đến từ chính Trấn Thành khi anh đăng đàn trực tiếp “chỉ mặt gọi tên” những trang báo đã cố tình bóp méo câu nói của anh khi lý giải về thành công của Bố Già. Anh cho rằng nhiều người Việt phải đối diện với vấn đề tâm lý, gặp khúc mắc trong gia đình, đó là lý do họ cảm thấy đồng cảm với các nhân vật, và đi xem phim này vì nhu cầu giải tỏa tâm lý. Phát ngôn này ít nhiều gây bão, kéo theo đó là những lùm xùm không đáng có trong cách xử lý có phần vụng về của Trấn Thành.
Lý do gì khán giả xem Bố Già? Vì kịch bản đủ tốt, dàn dựng đủ hay, diễn xuất ổn, truyền thông hiệu quả, thời điểm ra mắt thuận lợi, danh tiếng của Trấn Thành, và quan trọng nhất là bộ phim này hợp “gu” xem phim của đại đa số khán giả Việt Nam.
Ra rạp cùng thời điểm với Bố Già còn có Gái Già Lắm Chiêu V: Những Cuộc Đời Vương Giả. Phim được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, bối cảnh, diễn viên. Tuy nhiên, phim không được khán giả quan tâm mấy và con số doanh thu đạt được thì bị Bố Già bỏ xa. Mỗi phim đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, thế nhưng rõ ràng, khán giả thích cái xóm lao động nghèo nhà ông Ba Sang hơn biệt phủ Bạch Trà Viên của Lý gia.
Đây là lúc chỗ “ôm đồm” của Bố Già phát huy tác dụng. Khán giả xem phim có thể chưa thật sự đồng cảm với cặp cha con Ba Sang – Quắn, nhưng phim còn rất nhiều những câu chuyện khác để người xem tìm thấy hình ảnh của mình trong đó. Đơn cử như câu chuyện “bàn tay ngón ngắn ngón dài” của gia đình lớn nhà ông Sang. Cách nhà ông vài bước chân là nhà của các anh chị em, gồm: má con chị Hai Giàu (NSƯT Ngọc Giàu) và vợ chồng chú Tư Phú (Hoàng Mèo). Trong đoạn tự sự đầu phim của nhân vật, nhà ông vẫn còn một người em út tên Quý (La Thành), làm nên bộ tứ Giàu – Sang – Phú – Quý. Tuy nhiên, Út Quý lại là người vô công rồi nghề, nợ nần tứ tung, “nhậu vô thì thành thằng điên” nên hầu như luôn vắng mặt trong những cuộc tụ họp gia đình.
Trong khi những thành viên khác trong nhà tỏ ra không đồng ý với cách sống của chú Út, cũng như không mấy mặn mà với đứa em này, thì Ba Sang là người duy nhất quan tâm và nhớ đến chú. Ông là người gọi chú đến tham gia những buổi tiệc, là người chú chạy đến cầu xin khi lâm vào bước đường cùng. Để đến khi ông gặp nạn, chú là người duy nhất đứng ra cứu giúp.
Nhân vật này mang đến sự đồng cảm với nhiều đối tượng khán giả, vì hầu như nhà ai cũng sẽ có một người “lạc loài” như thế. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình ông Sang đều được khéo léo xây dựng, là tổng hòa của nhiều hình mẫu, để mỗi người là một “style” khác nhau thường bắt gặp trong gia đình.
Bộ phim lần này của Trấn Thành có thể không xuất sắc, nhưng nó thành công ở chỗ chạm được đến trái tim của phần lớn người xem. Phần lớn, chứ không phải tất cả, vì dĩ nhiên mỗi người đều có gu thưởng thức nghệ thuật khác nhau cũng như những ý kiến riêng về cái hay, cái dở. Bố Già mặc dù còn mang cảm giác xếp đặt, nhưng từng chi tiết đó đều được tính toán để trở nên gần gũi với trải nghiệm của khán giả.
Bạn có thể “thề sống thề chết” rằng không bao giờ xem phim Việt (từ một trải nghiệm đau thương đáng quên nào đó trong quá khứ chẳng hạn), cũng như có thể chê bai Bố Già ở những điểm bất hợp lý, thế nhưng nếu được, hãy cứ xem phim một lần. Mỗi người trong chúng ta đều do cha mẹ sinh ra, cho dù họ có bên cạnh chúng ta trong quá trình trưởng thành hay không. Bạn sẽ ít nhiều tìm thấy sự tương đồng của phim với những khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời mình.
Xem thêm: “Bố già” và những điều giá như
Thảo luận về bài viết