Gõ thử cụm từ Từ khi nào phụ nữ bắt đầu… vào thanh công cụ tìm kiếm của Google thì một trong những đề xuất tự động đầu tiên hiện ra là Từ khi nào phụ nữ bắt đầu cạo lông.
Việc triệt lông cơ thể từ lâu đã được dùng như một công cụ để định hình giới tính, phân tầng giai cấp, làm tiêu chuẩn cho khái niệm “nữ tính” và “cơ thể lý tưởng.” Tuy nhiên, khi thế giới phát triển và tư tưởng xã hội ngày một hiện đại hơn, lông cơ thể không còn là một sự hổ thẹn của nữ giới nữa. Thay vào đó, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ nhìn nhận đó như một dấu ấn riêng của cơ thể, là tiếng nói nhân quyền đầy mạnh mẽ.
Heather Widdows – Giáo sư bộ môn nhân chủng học toàn cầu tại trường Đại học Birmingham (Anh), đồng thời là tác giả của cuốn sách Perfect Me: Beauty as a Ethical Ideal, cho biết:
Từ lâu, lông cơ thể vẫn luôn bị kỳ thị là điều đáng xấu hổ – và định kiến đó vẫn kéo dài đến ngày nay. Triệt lông là một trong số ít các phương pháp làm đẹp truyền thống đã chuyển từ lĩnh vực thẩm mỹ thành một thói quen vệ sinh cơ thể cần được duy trì.
Tuy những quan điểm về việc cạo lông trên cơ thể nữ giới đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng ngày nay, vẫn có không ít phụ nữ cảm thấy áp lực cho việc phải cạo lông – giống như họ không có lựa chọn nào khác vậy.
Triệt lông ở các nước Trung Đông và Á châu
Trước thế kỷ 20, triệt lông là điều mà cả nam giới và phụ nữ đều làm. Thói quen này đã có từ thời kỳ đồ đá, sau đó kéo dài đến thời Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và cả Đế chế La Mã. Con người sử dụng vỏ sò, sáp ong và nhiều chất tẩy lông khác để loại bỏ phần lông trên cơ thể.
Như Victoria Sherrow đã viết trong Bách khoa toàn thư về tóc: Lịch sử văn hóa, triệt lông trong thời đại này là để giữ cho cơ thể sạch sẽ. Đặc biệt, đối với người La Mã cổ đại, vấn đề còn liên quan đến việc phân tầng giai cấp: những người có địa vị càng cao trong xã hội thì một cơ thể sẽ càng phải được giữ gìn láng mịn và sạch sẽ.
Còn tại Trung Đông, Đông và Nam Á, phương pháp triệt lông bằng chỉ (threading) được sử dụng cho toàn bộ khuôn mặt. Tuy nhiên, riêng với phần lông mày – với những ai sở hữu cặp lông mày rậm và liền nhau (unibrow), thì đó được xem là một nét quyến rũ ở cả hai giới và độ đậm nét thường được tăng cường thêm bằng cách kẻ chì.
Tại Ba Tư, triệt lông và định hình chân mày là một bước đánh dấu sự trưởng thành và độ tuổi kết hôn của phụ nữ. Chính vì lý do đó mà việc triệt lông phải được “để dành” cho đến lúc thích hợp thì mới được thực hiện.
Trong khi ở Trung Quốc, lông cơ thể từ lâu được xem là điều rất đỗi bình thường, và tư tưởng đó kéo dài đến ngày nay khi phụ nữ Trung Hoa không phải đối mặt với áp lực xã hội về phần lông trên cơ thể họ.
Tương tự với các quốc gia khác ở châu Á khác. Trong khi triệt lông đã trở thành thói quen của nhiều phụ nữ phương Đông, nhưng phương pháp wax hoặc cắt tỉa lông vùng kín vẫn không mấy phổ biến như ở phương Tây.
Thực tế tại Hàn Quốc, lông vùng kín được xem là biểu hiện của khả năng sinh sản và sức khỏe tình dục tốt. Giữa những năm 2010, nhiều thống kê cho thấy phụ nữ Hàn Quốc còn lựa chọn can thiệp y khoa để cấy và làm dày phần lông của khu vực này.
Từ khi nào người phương Tây trở nên ám ảnh bởi việc láng mịn lông?
Thực chất, người châu Âu ban đầu không hề ám ảnh bởi việc láng mịn lông.
Vào thời Trung Cổ, những phụ nữ Công giáo thậm chí còn được đánh giá là “gái nhà lành” khi họ nuôi tóc dài như một biểu hiện của sự nữ tính (mặc dù vẫn phải che kín tóc nơi công cộng). Chỉ duy nhất mỗi khuôn mặt là nơi mà phần lông bị xem là điều khó coi. Phụ nữ thế kỷ 14 sẽ nhổ tóc lộ ra trên phần trán của họ để đẩy cho phần chân tóc mọc cao hơn, giúp khuôn mặt lộ rõ hình trái xoan.
Đến tận cuối thế kỷ 18, việc triệt lông vẫn chưa được xem là thiết yếu đối với phụ nữ châu Âu và Mỹ. Tuy thế, khi chiếc dao cạo an toàn đầu tiên dành cho nam giới được thợ cắt tóc người Pháp Jacques Perret cho ra đời vào năm 1760, một số phụ nữ cũng đã bắt đầu sử dụng chúng.
Mãi cho đến cuối những năm 1800, phụ nữ phương Tây bắt đầu coi việc tẩy lông là một phần không thể thiếu trong thói quen làm đẹp của họ. Có thể thấy rõ tư tưởng này trong cuốn Descent of a Man năm 1871 của Charles Darwin, ông cho rằng để lông sẽ khiến phụ nữ trở nên kém nữ tính hơn.
Theo Rebecca Herzig – Giáo sư nghiên cứu về giới tính và tình dục tại trường Đại học Bates (Maine), giả thuyết của Darwin về chọn lọc tự nhiên liên quan đến sự phát triển của lông trên cơ thể. Herzig cho biết, việc loài người dần có ít lông hơn so với tổ tiên ban sơ của họ là một hình thức tiến hóa và khiến gia tăng sự hấp dẫn về mặt tình dục.
Khi thuyết tiến hóa của Darwin dần trở nên phổ biến, các chuyên gia y tế và khoa học thế kỷ 19 tin rằng, lông nhiều chính là biểu hiện của các đối tượng “có xu hướng tính dục đồng tính, bệnh lý, chứng cuồng dâm hay là bạo lực”.
Thú vị thay, những tư tưởng đó chủ yếu chỉ được áp dụng cho lông trên cơ thể phụ nữ mà không phải của nam giới. Chính điều đó đã khiến cho phái nữ tin rằng, để nhận được sự chú ý và nhìn nhận của xã hội, họ phải luôn kiểm soát lông trên cơ thể và giữ một làn da mịn màng, trơn tru.
Vào đầu những năm 1900, người da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu ngày càng coi làn da mịn màng tượng trưng cho sự nữ tính. Thậm chí, họ còn xem phần lông trên cơ thể nữ giới là một thứ ghê tởm, và việc loại bỏ nó là cách để họ tạo ra phân tầng rõ rệt với những giai cấp thấp hơn trong xã hội.
Sự phát triển thịnh vượng của trào lưu triệt lông
Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, sự thay đổi về xu thế thời trang đã khiến cho việc triệt lông càng trở nên phổ biến rộng rãi tại Mỹ.
Trào lưu quần short ngắn trở thành xu thế vào những năm 1930s – 1940s, cùng với đó là những chiếc quần tất ngắn “làm mưa làm gió” trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ II đã khiến cho phụ nữ tại Mỹ bắt đầu quan tâm đến việc cạo lông chân.
Đồng thời, sự ra đời của bikini ở Mỹ vào năm 1946 là nguyên do làm cho phái nữ quan tâm nhiều hơn đến việc triệt lông ở phần dưới để thỏa sức diện đồ.
Những năm 1950s, tạp chí Playboy xuất bản những trang báo chứa đựng hình ảnh của nhiều mẫu nữ nóng bỏng trong những bộ nội y gợi cảm, cơ thể láng mịn, không một sợi lông đã tác động mạnh mẽ đến nhận định của xã hội thời đó về sự quyến rũ.
Triệt lông bằng sáp và phương pháp laser cũng lần đầu tiên xuất hiện trong khoảng thời gian này do nhu cầu tăng cao. Đến năm 1964, 98% phụ nữ Mỹ ở độ tuổi từ 15 – 44 hình thành thói quen cạo lông chân. Nhưng trào lưu này sau đó đã nhanh chóng bị loại bỏ vì những tác động gây hại cho làn da (do công nghệ chưa được tối ưu).
Vào cuối những năm 1960s đến 1970s, việc nuôi lông ở vùng kín vẫn chưa hoàn toàn phổ biến – có thể thấy được ở những hình ảnh của tạp chí Playboy. Nguyên do là ở cũng tại thời điểm đó, làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền và sự phát triển của văn hóa hippie đã có những ý kiến chống lại việc phụ nữ triệt sạch lông cơ thể. Đối với họ, sự phát triển tự nhiên của lông trên cơ thể là một biểu tượng bình đẳng.
Nhưng không lâu sau, loại bỏ phần lông cơ thể lại trở nên nổi cộm. Năm 1987, bảy chị em với tên gọi J Sisters đến từ Brazil đã mở một salon làm đẹp ở thành phố New York để cung cấp một dịch vụ với tên gọi Brazilian – một phương pháp triệt lông vùng kín bằng sáp. Những người nổi tiếng như Gwyneth Paltrow và Naomi Campbell trở thành những vị khách của loại hình làm đẹp này, kéo theo số đông phụ nữ nhanh chóng theo đuổi trào lưu này.
Đến những năm đầu thế kỷ 21, phương cách triệt lông bằng laser được hoàn thiện và quay trở lại, khiến cho trào lưu loại bỏ lông cơ thể – đặc biệt là khu vực vùng kín, trở nên triệt để hơn bao giờ hết.
Hãy yêu lấy vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể
Vào năm 2008, Breanne Fahs – Giáo sư bộ môn phụ nữ và giới tính tại trường Đại học Arizona, đã giao bài tập cho sinh viên nữ, yêu cầu họ để lông trên cơ thể mọc tự nhiên và viết một bài luận phản ánh về trải nghiệm này. Fahs sau đó đã đưa ra lời yêu cầu tương tự cho nam sinh, để họ viết cảm nghĩ, nhận định về việc cạo lông chân của mình.
Bài tập này đã làm nổi bật tính tất yếu của văn hóa triệt lông thời hiện đại. Sinh viên được giao nhiệm vụ đã chia sẻ những vấn đề khá tương đồng: cảm giác xấu hổ, sự chật vật với sự tự tin của bản thân và thậm chí là ánh nhìn xa lánh của xã hội.
Không chỉ riêng các sinh viên nữ mà những nam sinh tham gia cũng nhận được những bình phẩm phân biệt giới tính khi họ cạo lông chân. Theo đó, đàn ông dị tính thì sẽ phải để lông chân mọc tự nhiên, trong khi việc cạo lông chân đồng nghĩa rằng người nam đó là đồng tính.
Breanne Fahs cho biết
Phụ nữ thường không nhận ra xã hội, gia đình và bạn bè đang đặt ra những tiêu chuẩn vô hình về cơ thể của họ. Việc phụ nữ phải triệt lông từ khi nào đã trở thành “nhiệm vụ” được truyền lại và thi hành bởi nhiều lớp thế hệ?
Tuy nhiên, giáo sư Fahs đã chia sẻ rằng, bà cũng đã nhìn thấy đâu đó sức mạnh, sự chống đối và nỗi bất bình thông qua bài tập thú vị này.
Trong vòng hai năm trở lại đây – đặc biệt là thời điểm sau phong trào #MeToo, mọi người đã có nhận thức sâu sắc hơn về những hạn chế xung quanh cơ thể phụ nữ, về nữ quyền, giới tính và tình dục. Đồng thời xuất hiện những lối suy nghĩ mang tính nổi loạn một cách tích cực hay chí ít là có suy nghĩ và hành động vượt ra khỏi vùng an toàn.
Không chỉ riêng những học sinh của Fahs có những suy nghĩ tiên tiến như thế.
Một nhóm lớn những phụ nữ trẻ đã bày tỏ trên Instagram về sự quan tâm đến cơ thể và tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của nó. Trào lưu này cũng đã được xướng tên trong những quyển tạp chí thời trang. Điển hình như Harper’s Bazaar số tháng 9 đã giới thiệu hình ảnh của nữ diễn viên Emily Ratajkowski tạo dáng với vùng da dưới cánh tay không bị triệt lông. YouTuber Ingrid Nilsen và ca sĩ Halsey cũng là những người tự tin khoe lông tự nhiên trên cơ thể với công chúng.
Những thương hiệu sản xuất dao cạo dành cho phụ nữ cũng tiến hành quảng cáo không cổ súy. Họ đưa ra những tuyên ngôn, câu khẩu hiệu tích cực ủng hộ cho mọi sự lựa chọn cho khách hàng – rằng họ là người toàn quyền quyết định sẽ làm gì với cơ thể của mình.
Không chỉ đơn thuần là trân trọng cơ thể tự nhiên của mình, nhiều phụ nữ còn thể hiện cá tính bằng cách chăm chút và tô điểm hơn cho phần lông cơ thể.
Người khởi xướng nên trào lưu nhuộm lông dưới cánh tay, Roxie Hunt – một thợ cắt tóc 31 tuổi đến từ thành phố Seattles, bang Washington (Mỹ) ban đầu đăng tải lên Instagram hình cô nhuộm màu xanh lơ trùng với màu tóc. Hunt còn viết một bài hướng dẫn cách tự thực hiện để có được một diện mạo hoàn toàn mới cho phần lông dưới cánh tay. Bài viết nhanh chóng nhận được đến 35 nghìn lượt chia sẻ.
Trào lưu được lan truyền nhanh chóng và ủng hộ vào nửa cuối năm 2014 và tiếp tục được cổ vũ trên mạng xã hội hiện nay. Nhiều người bắt đầu thử sức với nhiều tông màu nổi bật khác như xanh lục, xanh chuối, tím than, vàng nghệ, bạch kim, đỏ hồng… Các sao nữ cá tính trong làng giải trí cũng nhiệt tình hưởng ứng như Lady Gaga, Miley Cyrus, Madonna hay Lena Dunham…
Đây là cách thể hiện sự tự do cá nhân và cái tôi đầy nổi loạn của phái đẹp ngày nay, không muốn gò ép bản thân vào những định kiến làm đẹp.
Bài viết được lược dịch từ CNN
Xem thêm:
Từ định kiến đến kiêu hãnh: Những người phụ nữ thay đổi hoàn toàn quan điểm về cái đẹp
“Girls Gone Wild” – Tập zine thêu tay về nữ quyền cấp tiến
#Nghĩ: Giày cao gót, tình dục, nữ tính và nữ quyền
Thảo luận về bài viết