Ở thời đại 4.0 ngày nay, bao quanh chúng ta là vô vàn các thiết bị có sử dụng pin như điện thoại, đồng hồ, điều khiển từ xa, xe đạp điện… Mỗi tháng, số lượng pin đã qua sử dụng trên cả nước là vô số kể và con số này không ngừng tăng nhanh.
Pin đã, đang và sẽ là một công cụ lưu trữ năng lượng được sử dụng phổ biến không chỉ trong hiện tại mà còn nhiều năm nữa trong tương lai. Tuy nhiên, những chiếc pin hàng ngày chúng ta sử dụng đều có thể biến thành một thứ “vũ khí” tước đi sự sống và màu xanh trên trái đất.
Một trang Facebook mang tên Nhà Nhiều Lá đã tổ chức chương trình Đổi pin lấy cây. Sau vài ngày diễn ra sự kiện, ban tổ chức đã thu được hơn 30,000 viên pin – đồng nghĩa với việc tổ chức đã “cứu” được hơn 30,000 mét khối đất và 15 triệu lít nước không bị ô nhiễm bởi axit và kim loại nặng. Một thành quả đáng tự hào của các bạn trẻ Việt Nam.
Sự kiện “Đổi pin lấy cây” của Nhà Nhiều Lá
Với mong muốn khuyến khích mọi người phân loại rác tại nguồn, sự kiện Đổi pin lấy cây của Nhà Nhiều Lá được ra đời nhằm thu gom pin và các thiết bị điện tử hỏng, sau đó gửi đến những điểm thu gom của Việt Nam tái chế.
Mỗi người tham gia sự kiện đóng góp từ 5 pin hay thiết bị điện tử hỏng trở lên sẽ được nhận lại một chậu sen đá nhỏ như một món quà khuyến khích mọi người phân loại và xử lý đúng đắn nguồn rác thải nguy hại.
Một điểm lưu ý là những bạn mong muốn đóng góp cho chiến dịch lần này thì đừng sử dụng túi nilon còn mới để đựng thiết bị, mà thay bằng những chiếc túi cũ hoặc bất cứ vật liệu tái chế nào nhé!
Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 17 – 25/4 tại địa chỉ 419/17 CMT8, Quận 10, TP.HCM.
Tác hại của pin khi không được xử lý đúng cách
Bên trong những viên pin nhỏ đó lại là là một “mỏ” hóa chất độc hại: chì, cadmium, thủy ngân, coban và nhiều chất khác. Những hợp chất này có trong các loại pin khác nhau khi chôn lấp tại các bãi rác sẽ gây ô nhiễm đất và nguồn nước hoặc thậm chí thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ.
Chẳng hạn như thủy ngân từ các nguồn ô nhiễm khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở, chúng có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch.
Chì gây rối loạn hoặc ngừng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể, dẫn đến chứng còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm khả năng suy nghĩ, giảm sinh tinh, thậm chí là vô sinh, giảm chức năng của thận.
Khi nhiễm độc kẽm, người bệnh thường nôn mửa nhiều và có thể bị chảy máu đường ruột. Tình trạng chung của cơ thể thường không ổn định, hay run rẩy, giảm mức phản xạ tự nhiên, đôi khi bị tê liệt.
Cadmium xâm nhiễm vào cơ thể người, nó sẽ là tác nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận, gây nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, đối với phụ nữ có thai, nó làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi…
Không chỉ gây hại cho chính con người chúng ta, một viên pin bị vứt ra môi trường khi không được xử lý triệt để sẽ làm ô nhiễm 1 mét khối đất hoặc 500 lít nước trong vòng 50 năm.
Vì vậy, đừng bao giờ ném pin vào thùng rác, cũng đừng cho phép những chiếc pin hàng ngày chúng ta sử dụng tước đi sự sống và màu xanh trên trái đất thân yêu.
Xử lý thế nào với pin đã dùng?
Được liệt kê vào danh mục rác thải độc hại và khó phân hủy, pin hoặc thiết bị điện tử cũ đã qua sử dụng không phải loại rác thông thường. Tại các quốc gia phát triển, các nhà chức trách có quy định rất nghiêm ngặt về việc dán nhãn ghi rõ thành phần cấu tạo nên pin và ắc quy cũng như như cách phân loại, bảo quản, thu gom và tái chế sau khi sử dụng.
Để xử lý loại rác thải độc hại này tại nhà, bạn có thể thực hiện các bước sau:
- Tìm một chiếc lọ thủy tinh hoặc chai nhựa sạch và khô
- Cho các thỏi pin đã qua sử dụng vào lọ và đậy nắp (tuyệt đối không để dính nước, chất độc hại sẽ đi thẳng vào đất/nguồn nước)
- Lưu ý để lọ xa tầm với của trẻ em rồi mang chúng qua những điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí để xử lý.
Một số địa điểm thu gom pin cũ tại TP.HCM
- UBND Phường 15, Quận 4 (132 Tôn Thất Thuyết, P.15, Q.4)
- UBND Phường 17, Quận Phú Nhuận (22 Nguyễn Văn Trỗi, P.17, Q. Phú Nhuận)
- UBND Phường 2, Quận Bình Thạnh (14 Phan Bội Châu, P.2, Q. Bình Thạnh)
- UBND Phường 9, Quận 3 (82 Bà Huyện Thanh Quan, P.9, Q.3)
- Nhà nhiều Lá 419/17 CMT8, Q10 (cả thứ 7, CN).
- Siêu thị Mega Market, Đường Song Hành, KĐT An Phú – An Khánh, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM. (Thùng đặt ở trước cửa vào siêu thị, vào cổng và đi qua sân giữ xe ô tô sẽ tới cửa vào siêu thị).
- LẠI Đ Y REFILL STATION. Trạm này có đến 3 chi nhánh tại Q2, Q7, Bình Thạnh luôn ạ. Ngoài thu gom pin ra thì trạm còn thu gom những vật dụng thừa thải khác nữa đó ạ (cậu search sẽ ra tên nhé).
- Annam gourmet, 16 Hai Bà Trưng Q1.
- Vườn Nắng Outdoor Cafe ở p. Bình Hưng Hòa B, Bình Tân nhận gom rất nhiều thứ: pin, quần áo cũ, vỏ hộp sữa, chai thủy tinh, nilon sạch.
Xử lý pin đã qua sử dụng an toàn là cậu đã góp phần mang lại môi trường sống xanh và an lành cho gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Thông tin và Ảnh: Nhà Nhiều Lá
Xem thêm:\
Yêu Trái Đất, thích màu xanh – 3 Cách bảo vệ môi trường mới mẻ bạn cần thử ngay
1 bức tường – 300 cây xanh: Những tác phẩm graffiti lọc không khí từ chiến dịch City Forests của Converse
Vì sao sản phẩm thân thiện với môi trường lại đắt đến vậy?
Thảo luận về bài viết