#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Ấn Độ đang bị tàn phá bởi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19. Đến nay, Ấn Độ đã có tổng cộng hơn 16 triệu ca nhiễm và gần 187,000 người chết vì dịch bệnh.
Trong bài phát biểu phát sóng trên toàn quốc tối 20/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ “một lần nữa chiến đấu trong một trận chiến lớn.” Ông nêu rõ: “Tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát cho tới một vài tuần trước và sau đó làn sóng dịch bệnh thứ hai ào đến như một cơn bão.”
Vì sao Ấn Độ lại vỡ trận?
Giới chuyên gia y tế đang đặc biệt quan ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19 và chưa thể xác định nguyên nhân số ca nhiễm mới tại Ấn Độ tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Theo đó, những lý do lớn như sự xuất hiện của biến thể kép của SARS-CoV-2 và ý thức tuân thủ quy định an toàn phòng dịch kém của người dân – đặc biệt trong các dịp lễ hội tập trung đông người thời gian gần đây, đã khiến số ca bệnh tăng vọt ở Ấn Độ những ngày qua.
Đài CNBC nhận định, các sự kiện vận động chính trị đông người và những lễ hội thu hút các đám đông khổng lồ trên toàn Ấn Độ – như lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh tăng nóng.
Hầu hết những người tụ tập trong các sự kiện và lễ hội trên không đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách xã hội. Trước đó, giới chức Ấn Độ ngày 14/4 cho biết có hơn 1,000 người mắc Covid-19 chỉ trong 48 giờ tại thành phố Haridwar, bang Uttaranchal sau lễ hội Kumbh Mela.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cũng cho biết, số ca nhiễm tăng vọt có liên quan đến các cuộc bầu cử cấp địa phương, các đám cưới đông khách và những cuộc biểu tình của nông dân.
Thực trạng này làm gia tăng áp lực vốn đã nặng nề đối với hệ thống y tế của Ấn Độ hiện đang trong tình trạng thiếu thốn vật tư y tế nghiêm trọng, đặc biệt là thiết bị cung cấp oxy cho các ca bệnh nặng.
Theo giới chức thành phố Nashik, số ca tử vong do thiếu thiết bị cung cấp oxy đã lên tới 29 người. Trong khi đó, thủ đô New Delhi đã cảnh báo nhiều bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ tử vong nếu các nguồn cung oxy tại các bệnh viện không được bảo đảm.
Chính phủ Ấn Độ đã làm gì trước trận chiến lớn này?
Đến nay Chính phủ Ấn Độ vẫn bác bỏ kế hoạch phong tỏa toàn quốc lần 2 sau khi đợt phong tỏa toàn quốc lần đầu từ cuối tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái gây tổn thất kinh tế nặng nề.
Tuy nhiên hiện nay nhiều bang của Ấn Độ đang tăng cường các biện pháp phòng dịch ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm biện pháp phong tỏa một phần.
Tâm điểm của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ là bang Maharashtra giàu nhất nước và thủ phủ tài chính Mumbai. Chỉ riêng bang miền tây này đã có hơn 1 triệu ca mắc mới tính từ đầu tháng 4.
Hiện Maharashtra phong tỏa một phần cho đến ngày 1/5. Tuy nhiên, giới chức bang Maharashtra đang xem xét tăng cường các biện pháp hạn chế phòng dịch khi số ca mắc mới hằng ngày hầu như không giảm.
Nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế đường bay đến Ấn Độ
Trước tình hình dịch bùng phát mạnh tại Ấn Độ, một số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới gần đây đã công bố các quy định chặt chẽ hơn đối với việc đi lại từ quốc gia Nam Á này.
Hôm 19/4, Mỹ và Anh đã đưa ra các hạn chế đi lại đối với Ấn Độ. Vùng lãnh thổ Hong Kong đã cấm các chuyến bay chở khách từ Ấn Độ trong hai tuần kể từ ngày 19/4. New Zealand đã đình chỉ đi lại với Ấn Độ – kể cả đối với công dân của mình, từ ngày 11-28/4.
Singapore đã siết chặt các hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ Ấn Độ, trong khi Úc sẽ giảm 30% các chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Sydney cũng như một số điểm nóng của dịch bệnh trên thế giới hiện nay để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Mới đây nhất, chính phủ liên bang Canada quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay thương mại và tư nhân chở khách từ Ấn Độ và Pakistan trong 30 ngày từ ngày 22/4.
Kể từ ngày 25/4, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng quyết định đình chỉ mọi chuyến bay từ Ấn Độ nhưng vẫn duy trì các chuyến bay theo chiều UAE – Ấn Độ.
Theo Hãng thông tấn AFP, đường bay Ấn Độ – UAE là một trong những đường bay nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Lệnh cấm nhập cảnh có hiệu lực trong 10 ngày nhưng có thể được gia hạn nếu tình hình dịch ở Ấn Độ phức tạp.
Giới nhà giàu Ấn Độ hối hả đi chuyến bay thuê bao ra nước ngoài trốn dịch
Việc các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cấm nhập cảnh người bay từ Ấn Độ trong vòng 10 ngày đã thổi bùng cơn sốt vé và chuyên cơ. Không ngạc nhiên khi hành khách là những người giàu có đang tìm cách trốn chạy dịch Covid-19 trong nước.
Giá thuê chuyên cơ và vé trên những chuyến bay thuê bao đã tăng chóng mặt khi nhu cầu rời khỏi Ấn Độ bùng nổ. Đối với chuyên cơ hoặc máy bay phản lực cỡ nhỏ chuyên bay thuê bao, chi phí các hãng bay bỏ ra và thu về có sự chênh lệch cực lớn.
Theo Hãng thông tấn AFP, vé máy bay một chiều từ Ấn Độ đi Dubai, xuất phát ngày 23 và 24/4 đã tăng gấp 10 lần bình thường, từ khoảng $100 USD lên hơn $1,000 USD.
Một đại diện của hãng Enthrall Aviation chuyên cho thuê chuyên cơ cho biết công ty nhận được hơn 80 yêu cầu thuê máy bay trong ngày 23/4. Được biết, chi phí thuê một máy bay 13 chỗ từ Mumbai đến Dubai là %38,000 USD, giá cho một máy bay 6 chỗ là $31,000 USD.
Air Charter Service India – một hãng khác chuyên bay thuê bao ở Ấn Độ, cũng đứng trước cơ hội làm ăn lớn tương tự khi có 12 chuyến bay đến Dubai trong ngày 24/4.
Cơn khát vaccine Covid-19 ở cường quốc dược phẩm Ấn Độ
Ấn Độ vốn được mệnh danh là cường quốc dược phẩm của thế giới. Quốc gia này đã sản xuất hơn 60% lượng vaccine trên toàn cầu và là nơi đặt trụ sở của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) – nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.
Năng lực sản xuất vaccine mạnh mẽ của Ấn Độ là lý do tại sao nước này trở thành nhà cung cấp chính cho chương trình COVAX Facility – sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu, cung cấp vaccine miễn phí hoặc chiết khấu cho các quốc gia có thu nhập thấp. Theo thỏa thuận được công bố hồi năm ngoái, SII sẽ sản xuất tới 200 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, sau khi tặng và bán hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 ra nước ngoài, Ấn Độ giờ đây lại lâm vào tình trạng khan vaccine khi các ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng nhanh ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.
Quốc gia sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lớn thứ hai thế giới này đã quyết định ngừng gần như toàn bộ việc xuất khẩu vaccine để ưu tiên nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Ấn Độ cũng phải nhập khẩu thêm vaccine Sputnik V của Nga để tiêm ngừa cho 125 triệu người dân.
Một quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ đã chia sẻ với Reuters, nước này sẽ miễn thuế 10% đối với vaccine Covid-19 nhập khẩu vào Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi đang cố gắng tăng nguồn cung vaccine để chống lại làn sóng lây nhiễm mới đang càn quét quốc gia Nam Á.
Trước nay, Ấn Độ vẫn luôn thể hiện sự hào phóng trong việc chia sẻ vaccine tới các quốc gia nghèo. Thông điệp về sự đoàn kết, sẵn sàng sẻ chia khó khăn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 toàn cầu đã từng giúp Ấn Độ nâng cao vị thế trên trường quốc tế cũng như thắt chặt quan hệ với các nước trên thế giới.
Vậy nhưng, tình hình hiện nay cho thấy Ấn Độ sẽ khó có thể tiếp tục theo đuổi chính sách “ngoại giao vaccine” nếu không giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng như cơn khát vaccine Covid-19 trong nước.
Xem thêm:
#KhôngQuạu: Plus by Bảo Nam – Nhập nhằng ‘kế thừa’ và ‘đạo’ ý tưởng
#KhôngQuạu: Người Việt nghèo nên mới không có tiền ăn McDonald’s?
#KhôngQuạu: Người Châu Á không phải là vi-rút, sự kỳ thị mới là dịch bệnh
Thảo luận về bài viết