Thế kỷ 21, việc chê bai, đánh giá ngoại hình phụ nữ là điều mà xã hội hiện đại đang ngày càng lên án và bác bỏ. Tuy vẫn còn không ít những từ ngữ mỉa mai, những lời chỉ trích về giá trị của nữ giới chỉ thông qua vẻ ngoài của họ, nhưng nhìn chung, mọi người đã trở nên tích cực hơn trong suy nghĩ.
Phụ nữ hiện nay được khuyến khích yêu bản thân vì chính con người của họ. Đã qua lâu rồi thời kỳ mà các thương hiệu làm đẹp trên thế giới chỉ tập trung vào hình tượng da trắng, mình hạc xương mai. Ngày nay, các chiến dịch quảng cáo đã đa dạng hoá các hình ảnh các người mẫu nữ từ màu da, tuổi tác cho để thể hình, nhằm tạo nên động lực và niềm tin cho phụ nữ với ngoại hình của họ.
Năm 2020, trào lưu Body Positivity nổi lên mạnh mẽ, động viên người phụ nữ đứng lên chống lại những chuẩn mực của mạng xã hội về ngoại hình và số đo. Hashtag #BodyPositivity được hơn 11,5 triệu tag trên Instagram tính đến cuối năm 2019. Khắp mạng xã hội tràn ngập hình ảnh những người phụ nữ tự tin trong trang phục và vóc dáng của mình.
Nhưng vô hình chung, người ta quên mất rằng nửa còn lại của thế giới cũng có lúc tự ti về bản thân.
Sự độc đoán của hình tượng “nam tính”
Hầu như ai cũng biết, từ xa xưa, phụ nữ luôn là đối tượng bị xã hội đánh giá khắt khe về ngoại hình. Song, một điều không mấy ai để ý chính là nam giới cũng đang hứng chịu mặc cảm về ngoại hình không “hoàn hảo” của mình. Họ thức dậy mỗi ngày và phải đối mặt với áp lực làm sao để trở thành “mỹ nam” trong thang đo ngoại hình của xã hội.
Khi khai thác sâu và đa chiều hơn vào các khía cạnh của Body Positivity, ta có thể thấy rằng chỉ số tự ti. Thống kê cho thấy chỉ số tự ti về hình thể của phái mạnh đang ngày một tăng cao. Nguyên nhân của sự mặc cảm này chính là văn hóa nam tính cổ hủ, khiến cho đàn ông ngại bày tỏ những trăn trở của bản thân.
Đàn ông luôn bị giới hạn trong những chuẩn mực hạn hẹp của sự nam tính. Họ luôn phải vào vai một người bảo vệ; một người mạnh mẽ, cứng rắn, không khóc, không gục ngã, không cầu cứu, bất kể trong tình huống nghiêm trọng thế nào. Đây chính là nguyên nhân chính đã dẫn đến hiện tượng nam tính độc hại, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc và sự tự do của phái mạnh.
Mải miết chạy theo sắc đẹp vô thực về một cơ thể “hoàn hảo”
Trong vài năm qua, nam giới trên khắp thế giới đã “đổ xô” đến các phòng tập thể dục, nỗ lực rèn luyện sức khỏe và bị ám ảnh bởi một cơ thể săn chắc. Sẽ không có gì đáng nói nếu những cố gắng đó xuất phát từ mong muốn giữ gìn sức khỏe và thể trạng của người đàn ông. Tuy nhiên, mọi thứ còn đi xa hơn thế nữa.
Theo khảo sát của Men and Body Positivity Here, 26% nam giới thú nhận rằng họ không thoải mái với cơ thể của mình. Họ đăng những bình luận như: “Tôi mong mình bớt ồm yếu, vì chỉ có đàn ông cơ bắp mới nổi trên mạng”; “Trên các quảng cáo làm đẹp của nam giới cũng toàn những anh sáu múi” hay “Ngay cả những khuyết điểm nhỏ nhất trên da cũng được chỉnh sửa. Vô hình chung, điều này mang đến những ảo vọng cho một người về bản thân và cả hình mẫu bạn đời mong muốn”.
Hơn một nửa số đàn ông nhấn mạnh rằng họ muốn ở size vừa – cùng với 96% phụ nữ mong muốn ở size nhỏ. Trái với phụ nữ luôn cố gắng trở nên gầy hơn, đàn ông thường áp lực việc trở nên cơ bắp.
Với sự lan rộng của văn hoá siêu anh hùng trong các tác phẩm của Marvel và DC, mọi người – bất cả nam nữ, đều tập trung sự ngưỡng mộ vào vẻ điển trai, thu hút của các diễn viên trên màn ảnh. Điều này đã phần nào tạo nên những áp lực vô hình, khiến cho cánh mày râu cảm thấy mình phải đạt được những hình ảnh kiểu mẫu như thế.
Thế nhưng, theo đuổi hình thể “siêu anh hùng” đó đồng nghĩa với việc họ phải thay đổi chế độ ăn uống và có một chế độ luyện tập vô cùng khắt khe.
Bobby H. Hanton – diễn viên đóng thế của Chris Hemsworth, nói rằng anh phải ăn gần như 36 bữa một ngày, duy trì chế độ ăn giàu protein và tập luyện mỗi ngày hai lần để có được thân hình như Chris. Anh thừa nhận rằng điều đó khiến tính cách của anh trở nên khó chịu không những vì chế độ ăn gặp nhiều hạn chế mà còn bởi việc đi chơi với gia đình và bạn bè cũng gặp nhiều trở ngại.
Hiện nay, có rất nhiều các khóa học được các hướng dẫn viên thể hình thiết kế với lời hứa giúp các học viên có được thân hình quyến rũ như của Captain America hoặc Thor chỉ trong vài tuần.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các bác sĩ tâm thần tại UCLA tiết lộ rằng nam giới ngày nay cảm thấy tồi tệ hơn về cơ thể của họ so với những năm 1970. Họ cảm thấy bị áp lực phải sống theo những tiêu chuẩn cơ thể “viển vông”.
Những áp lực mang tên “mạng xã hội”
Mạng xã hội chính là một trong những môi trường không có sự khoan nhượng với đàn ông và cơ thể của họ. Những bài đăng trên Instagram với hình ảnh những người đàn ông thực hiện các bài tập “khủng” – như giữ thăng bằng toàn bộ cơ thể chỉ bằng một cánh tay hay nâng tạ 100, đã khiến không ít các chàng trai lầm tưởng về một mẫu hình nam tính đúng nghĩa.
Cũng trong khảo sát của Men and Body Positivity Here, 33% nam giới tham gia phỏng vấn đồng ý rằng, nội dung trên mạng xã hội đã ảnh hưởng đến mặc cảm về hình thể của họ.
Một nghiên tương tự cho thấy sự tự ti hình thể ở nam giới bắt đầu từ những năm tuổi thiếu niên, dần dà trở thành nỗi ám ảnh đến lúc trưởng thành. Năm 2016, BBC đã thực hiện một cuộc khảo sát. Kết quả thu về thật bất ngờ: 55% thiếu niên từ 8 – 18 tuổi sẵn sàng thay đổi chế độ ăn để cải thiện vóc dáng; và bốn nguồn áp lực chính đến từ: bạn bè (68%), mạng xã hội (57%), quảng cáo (53%) và người nổi tiếng (49%).
Việc đàn ông tham gia các phòng tập thể dục, điên cuồng tập luyện, và sau đó khoe khoang thành quả của mình trên mạng xã hội gần như đã trở thành một cơn sốt, đến mức nó đã chiếm lĩnh cuộc sống trong đời thực cũng như sự phát triển cá nhân của họ.
Sự tự ti không nói thành lời về những bộ phận cơ thể khác
Những áp lực về ngoại hình không chỉ dừng lại ở cơ thể của một người đàn ông. Nam giới cũng đang phải vật lộn để đối phó với nhận thức về chiều cao, rụng tóc và màu da.
Ngành công nghiệp trị rụng tóc ước tính trị giá $1,5 tỷ USD. Rụng tóc có liên quan đến cảm giác hụt hẫng, tự ti và trầm cảm ở nam giới.
Tương tự là trường hợp với chiều cao; đàn ông cao hơn thường tự tin, có cuộc sống hẹn hò lành mạnh và lòng tự trọng cao hơn.
Khi nói đến làn da, có thể thấy rằng, ngày càng có nhiều thương hiệu đang nhắm đến nam giới như một nhóm khách hàng tiềm năng mới cho các sản phẩm chăm sóc da của họ.
Kể từ năm 1997, các ca phẫu thuật thẩm mỹ cho nam giới như hút mỡ, phẫu thuật mũi, nâng cơ mặt, … đã có sự gia tăng đáng kể, gần 325%.
Cụm từ “to lớn” gây ám ảnh cho tinh thần của một người đàn ông, tương tự như hình tượng “nhỏ bé” đối với phụ nữ.
Kết: Gửi các chàng trai…
Quả thật là một thân hình vạm vỡ, cân đối là một điều đáng ngưỡng mộ, nhưng đừng biến nó trở thành mục tiêu, một nỗi ám ảnh của cuộc đời bạn.
Tóc, khuôn mặt, cơ thể của bạn có thể thu hút ai đó trong năm phút đầu tiên. Nhưng sau đó, chính bạn mới là người khiến họ muốn ở lại; lòng tốt, sự nhạy bén, sâu sắc và con người thật của bạn, đây là những gì mọi người luôn tìm kiếm.
Vì vậy, nếu có điều gì đó bạn muốn hướng tới, hãy cố gắng trở thành một con người tốt hơn, đừng ngần ngại mà hãy trân trọng những khía cạnh độc đáo về ngoại hình của mình. Đã đến lúc bạn phá bỏ khuôn mẫu và xác định lại ý nghĩa thực sự của chính bản thân bạn.
Tham khảo: The Vent Machine, Men’s Folio
Xem thêm:
#Nghĩ: Mặc cảm thiếu cơ bắp – nỗi ám ảnh không thể nói của đàn ông
#HọNóiLà: Chúng mình hỏi cánh đàn ông, “Lần cuối bạn khóc là khi nào?”
#KhôngQuạu: Đàn ông mặc váy – chuyện bình thường có gì mà tranh cãi
Thảo luận về bài viết