Rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder), hay còn được biết tới là hội chứng sợ xã hội, được thể hiện thông qua cảm giác sợ hãi quá mức, kéo dài khi phải tham gia các hoạt động xã hội. Việc cảm thấy lo lắng, hồi hộp khi phải giao tiếp với người khác không phải là một cảm xúc lạ, song những người bị mắc chứng rối loạn lo âu xã hội lại có thể thấy đau khổ, tự ti, và lo sợ rằng bản thân sẽ gặp phải sự phán xét trong chính các mối quan hệ thường ngày.
Rối loạn lo âu xã hội thậm chí còn khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc kết nối với các mối quan hệ thân thiết hoặc có tình cảm với ai đó. Đặc biệt, căn bệnh này cũng khiến cho họ không thể hoạt động bình thường trong môi trường làm việc hoặc học đường. Mặc dù nhận thức được cách hành xử của mình là bất hợp lý và không chính đáng, song họ vẫn không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi và sự lo lắng khi kết nối với đám đông. Ngoài ám ảnh về tâm lý, các dấu hiệu vật lý còn có thể xuất hiện dưới dạng những cơn buồn nôn run rẩy, đổ mồ hôi hay đỏ mặt…
Bệnh rối loạn lo âu xã hội đã ảnh hưởng tới hơn 19 triệu người ở Mỹ. Đây là bệnh rối loạn sức khỏe tâm lý phổ biến thứ ba và là bệnh rối loạn lo âu phổ biến nhất ở đất nước này.
Các biểu hiện của lo âu xã hội
Bạn có thể đang bị rối loạn lo âu xã hội nếu có những biểu hiện sau:
- Bồn chồn khi ở với người khác.
- Gặp khó khăn trong việc nói chuyện bình thường với những người xung quanh.
- Tự ti và thấy xấu hổ trước mặt mọi người.
- Lo sợ người khác sẽ phán xét mình.
- Lo lắng nhiều ngày hoặc tuần trước các sự kiện công cộng.
- Lảng tránh các nơi đông người.
- Gặp khó khăn trong việc kết bạn và giữ mối quan hệ.
- Đỏ mặt, đổ mồ hôi hoặc run rẩy.
- Cảm giác buồn nôn xuất hiện.
- Các triệu chứng thể chất khác như bối rối, rối loạn nhịp tim, tiêu chảy, căng cơ và đau bụng.
Nguyên nhân nào gây ra căn bệnh này?
Giống như hầu hết các bệnh rối loạn sức khỏe tâm lý khác, rối loạn lo âu xã hội thường ít khi xảy ra chỉ với một lý do duy nhất. Các nguyên nhân “đóng góp” gây ra căn bệnh này gồm yếu tố di truyền, các chất hóa học trong não hoặc chấn thương tâm lý. Những ai gặp căng thẳng lâu dài, rối loạn biến đổi chất hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh lo âu cũng như các bệnh rối loạn tâm lý khác đều có nguy cơ cao bị bệnh rối loạn lo âu xã hội.
Căn bệnh này thường xuất hiện khi người ta còn trẻ. Một số chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân có thể tới từ phương pháp chăm sóc, giáo dục của phụ huynh. Theo ý đó, khi đùm bọc trẻ quá đà có thể khiến bé không học được các kỹ năng xã hội cần thiết, dẫn tới việc trẻ ngại giao tiếp với người lạ và lâu dần sẽ là xa lánh với cả chính những người thân thiết.
Nếu không được điều trị, rối loạn lo âu có thể trở thành căn bệnh mãn tính. Để tìm ra ai mắc căn bệnh tâm lý này, chúng ta có thể xem phản ứng sợ hãi của họ trong một vài tình huống như ăn uống trước mặt người khác, nói chuyện trước đám đông hoặc với người lạ. Phụ nữ và đàn ông đều có khả năng bị bệnh rối loạn lo âu xã hội. Căn bệnh này có thể xảy ra cùng lúc với những bệnh rối loạn tâm lý khác như: trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…
Điều trị rối loạn lo âu xã hội
Hơn 35% những người mắc bệnh rối loạn lo âu xã hội nói rằng họ đã trải qua những dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh này trong khoảng 10 năm trước khi tìm đến các phương pháp điều trị. Điều này có thể do tính chất “cô lập” vốn có của căn bệnh. Người bệnh sẽ cảm thấy e dè, ngại ngùng mỗi khi muốn chia sẻ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Bệnh rối loạn lo âu xã hội thường được điều trị bằng tâm lý trị liệu, tư vấn hoặc uống thuốc. Nhiều chuyên gia khuyên rằng để khắc phục căn bệnh này, ta cần kết hợp với nhiều phương pháp khác như thiền, tập luyện chánh niệm hay yoga. Lời khuyên cho bạn là nên tìm sự tư vấn từ các bác sĩ tâm lý để tìm được phương hướng trị liệu phù hợp nhất cho mình.
Theo Anxiety
Có thể bạn quan tâm:
#Nghĩ: Quy luật Cunningham và lý do chúng ta thích “sửa lưng” người khác
#Nghĩ: kafkaesque – Cơn ác mộng của thế giới hiện đại
#Nghĩ: Phong ba bão táp không bằng kết bạn ở tuổi trưởng thành
Thảo luận về bài viết