#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Vừa qua, mạng xã hội xôn xao khi hàng loạt nghệ sĩ cho đăng tải những nội dung giống hệt nhau nhằm quảng bá tiền ảo, sau đó xóa bài sau một đêm. Trong số những đồng tiền ảo đó còn có một đồng coin rác vướng nghi án lừa đảo.
Trào lưu tiền ảo
Tiền ảo hay tiền điện tử (cryptocurrency) đã trở nên vô cùng phổ biến tại Việt Nam, kể từ khi Bitcoin bùng nổ giá trị khoảng nửa cuối năm 2017 tới nay. Cùng với Bitcoin, nhiều đồng tiền ảo khác đua nhau xuất hiện. Trong số đó có không ít coin rác – những đồng tiền ảo vô giá trị.
Giá trị các đồng tiền ảo biến đổi vô chừng, nhiều coin tăng giảm cùng với phát ngôn của người nổi tiếng như trường hợp của Dogecoin và Elon Musk, hay gần đây nhất là AquaGoat sau phát ngôn của Mark Zuckerberg.
Giá trị của AquaGoat tăng hơn 500%, khối lượng giao dịch tăng hơn 3.300%, lên mức 12,5 triệu USD chỉ trong vòng khoảng 24h sau khi Mark Zuckerberg đăng ảnh 2 con dê nuôi trong trang trại riêng với nội dung “My goats: Max and Bitcoin”.
Người thường và ‘ngôi sao’ đua nhau ảo
Ngày 11/5, mạng xã hội xôn xao khi hàng loại tài khoản Facebook dưới tên những nghệ sĩ và người nổi tiếng đăng tải nội dung liên quan đến tiền ảo. Trong đó ‘nổi bật’ nhất là tài khoản của một mẫu nội y nổi tiếng khi cô đăng liền 4 trạng thái, khoe tài khoản có 9,87 triệu đồng Tether (trị giá 9,87 triệu USD) và hơn 30 tỉ đồng Shiba Coin (trị giá gần 0,9 triệu USD).
Đồng thời cô cũng bày tỏ hy vọng Shiba Coin chạm mức 1 USD/đồng (giá ngày 12/5 trên Coinmarket vào khoảng 0,00003117 USD). Nếu SHIB lên đến con số này thì tài khoản của cô đạt mức 30 tỉ USD – một con số không tưởng.
Ảnh chụp một tài khoản có tới hơn 186 đồng Bitcoin (BTC), tương đương 10 triệu USD (55.000 USD/BTC) được đăng tải. Tuy nhiên sau đó nhiều người tố ảnh tài khoản đó là giả mạo, không thuộc sở hữu của người mẫu này.
Nhiều người nổi tiếng khác cũng đồng loạt đăng trạng thái Facebook với nội dung và hình ảnh giống hệt nhau liên quan tới một số mã tiền ảo đang có trên các sàn giao dịch hiện nay. Các nội dung này giống tới tận những hashtag, dấu câu, chỗ xuống dòng.
Điều đáng nói, trong số những mã coin được liệt kê có cả FXT Token. Đồng tiền ảo này là tiền ảo đa cấp được Lion Group (hay Lion Team, Lion Community) sử dụng nhằm lôi kéo các nhà đầu tư với cam kết lợi nhuận lớn, đầy hấp dẫn với lãi suất cam kết lên tới 1% ngày, 288%/năm, theo phương thức đa cấp (4 cấp).
Đây là hoạt động đầu tư tài chính vào lĩnh vực ngoại hối của nhóm Lion Group thông qua sàn FX Trading Markets – vốn là sàn Forex từ nước ngoài và chưa hề được cấp phép hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, những người đứng sau vẫn luôn công khai rủ rê, lôi kéo, mời gọi nhiều người tham gia theo kiểu “việc nhẹ, lương cao, lợi nhuận siêu khủng”. Đồng tiền ảo này đã bị cảnh báo là có yếu tố đa cấp lừa đảo, chỉ có thể niêm yết trên các sàn nhỏ, và bị xem là coin rác.
Lợi nhuận ảo chưa thấy, thiệt hại thật đã đến
Chưa đến một ngày, nội dung quảng cáo đầu tư tiền ảo đã biến mất khỏi các tài khoản Facebook người nổi tiếng một cách đầy bất ngờ như khi chúng xuất hiện. Tuy nhiên, chỉ cần vài tiếng, thậm chí vài phút là nội dung trên đã có thể tiếp cận rất nhiều người.
Tài khoản những người nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thường có lượng fans khủng, vài trăm nghìn đến vài triệu. Nội dung có thể đã gỡ, nhưng ai biết có bao nhiêu fans đã kịp… làm theo thần tượng?
Có ý kiến cho rằng Facebook của những nghệ sĩ này bị hack hàng loạt – lý do xuất hiện nội dung giống hệt nhau. Cũng có người nói rằng người nổi tiếng được thuê để đăng nội dung PR, nhiều người có khi còn chẳng biết tiền ảo là gì.
Có nhiều giả thuyết về lý do xuất hiện nội dung ‘bí ẩn’ này. Đầu tiên, việc nhiều tài khoản người nổi tiếng có số fans khủng cùng cho đăng tải nội dung đầu tư tiền ảo sẽ ‘dụ’ được nhiều người tham gia vào.
Mục đích của việc làm này nhằm tạo ra cơn sốt ảo để kiếm lời, dựa vào tâm lý FOMO (Fear of Missing Out – hiệu ứng ‘sợ bỏ lỡ’, chăm chăm chạy theo số đông) của người tham gia. Càng nhiều người muốn mua, giá trị đồng tiền càng tăng mạnh. Lúc này, nếu những người đứng sau – cũng là những người chuyên hodl (thuật ngữ chỉ việc ‘ôm’ tiền đợi thời điểm) – chốt bán thì sẽ thu lợi nhuận lớn.
‘Thuyết âm mưu’ thứ hai nghiêng về việc hành động ‘ăn theo’ các coin hệ động vật là nhằm quảng bá trở lại cho FXT Token, hoặc dọn đường cho một dự án lừa đảo khác. Việc để cho người nổi tiếng nói về tiền ảo là bước đầu giới thiệu và tạo uy tín với thị trường, đặc biệt là với đối tượng fans của những ‘KOLs’ này.
“Những nghệ sĩ này có thật sự đầu tư vào các đồng coin đó, nhất là FXT hay không? Có am hiểu về thị trường tiền ảo hay không? Tôi nghĩ rằng không vì những dòng trạng thái họ đăng giống nhau 100%. Vậy nguồn đến từ đâu, ai là người thuê đăng các dòng trạng thái này. Có phải là nhà cái muốn quảng bá để hốt cú chót không? Nếu vậy thì trách nhiệm cá nhân của những nghệ sĩ này thế nào.” – một nhà đầu tư đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tại TP.HCM – chia sẻ.
Cuối cùng, rất có thể chính những nghệ sĩ này muốn tham gia lĩnh vực đầu tư mới. Để gây ấn tượng với những chuyên gia cũng như để xây dựng cộng đồng của riêng mình, họ không ngại quảng cáo lộ liễu để nâng số tiền đổ vào con coin mình dự định đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận sau này.
Nếu muốn đầu tư, dù ảo hay không thì vẫn phải cẩn thận
Đây không phải lần đầu người nổi tiếng bị các dự án tiền ảo có dấu hiệu đa cấp cho vào tròng (trong trường hợp họ thật sự bị lừa đảo), để rồi gây ảnh hưởng nhiều người khác. Dạo cuối tháng 2 đầu tháng 3, trên mạng xã hội Facebook cũng từng rộ lên các bài viết, video của nhiều người trong giới showbiz quảng cáo cho việc đào tiền ảo Pi Network, khiến không ít người sa vào cạm bẫy.
Không thể phủ nhận việc các đồng tiền ảo đạt giá trị vốn hóa hàng trăm tỉ USD sau khi được người nổi tiếng, có ảnh hưởng nhắc đến trên mạng xã hội.
Dẫn đầu trào lưu này là Dogecoin và Elon Musk. Trước đây, Dogecoin cực kỳ thấp. Giá trị đồng này vào đầu 2021 chỉ chưa đến 1 cent. Kể từ khi xuất hiện trong nhiều status của tỷ phú Elon Musk, giá trị hiện tại của Dogecoin đã ở mức 0,495 USD – gấp gần 50 lần.
Giá trị vốn hóa của Dogecoin hiện đạt hơn 64 tỉ USD, đứng thứ tư sau những đồng tiền số khác gồm Bitcoin, Ethereum và Binance Coin.
Tuy nhiên, theo chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh, trong số các mã coin được nghệ sĩ quảng bá, trừ Dogecoin thì các đồng còn lại đều đang có giá rất thấp, khả năng lên 1 USD/coin là khá viển vông.
Khác với Bitcoin chỉ có 21 triệu đồng coin và không sinh ra thêm, các đồng coin khác số lượng rất lớn, như Dogecoin số lượng là 120 tỉ đồng coin, mỗi ngày lại có thêm khoảng 20 triệu coin mới ra đời, 1 năm có thêm khoảng 5 tỉ coin mới.
Còn Shiba coin (SHIB), tổng số lượng hiện nay là 1 triệu tỉ coin. Nếu các coin này lên 1 USD thì sẽ vượt cả giá trị vốn hóa của doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất hiện nay là Apple với khoảng 2.000 tỉ USD, vượt cả giá trị tất cả vàng bạc, chứng khoán, châu báu trên toàn thế giới cộng lại (khoảng 1 triệu tỉ USD).
“Điều này càng cho thấy trong 10 hay 100 năm nữa, các đồng coin này sẽ không thể đạt được mức vốn hóa như họ vẽ ra. Do đó, việc làm cho nhà đầu tư kỳ vọng như vậy là hành động độc ác, chẳng khác nào “lừa đảo”, “lùa gà”, làm cho nhà đầu tư tin vào những điều viển vông.” – ông Khánh nói.
Không chỉ vậy, hiện đang có trào lưu tạo ra những coin liên quan đến thú nuôi như chó, mèo, heo và có cả… dê. Những coin hệ động vật này hoặc coin liên quan đến đồ ăn như sushi, sashimi… đang là hot trend nhưng không có tính ứng dụng gì, kể cả trong trò chơi game trực tuyến, mà chỉ là coin rác nên những nhà đầu tư chạy theo đám đông sẽ dễ gặp rủi ro lớn.
Kể cả sự việc này chỉ là tình cờ, thì theo một số nhận định, các coin như Doge hiện đã tăng trưởng ở mức nhất định và sắp bước sang giai đoạn biến động mới. Ồ ạt đầu tư ở thời điểm này dễ gặp tình trạng ‘đu đỉnh’ (thuật ngữ chỉ việc mua vào khi giá cao và không kịp bán khi giá giảm, dẫn đến lỗ lâu dài).
Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Do đó, nếu người nào đó lợi dụng các giao dịch về tiền ảo để nhằm mục đích thực hiện các hành vi bị cấm như rửa tiền, tài trợ khủng bố, hoặc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi.
Ngoài ra, việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo cũng không được pháp luật bảo vệ. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
“Báo chí đã cảnh báo rất nhiều. Quyết định sau cùng vẫn là nhà đầu tư, khi bỏ tiền cần tỉnh táo để tránh thiệt hại.” – chuyên gia đầu tư Đinh Thế Hiển cho biết.
Kết
Hành động quảng cáo cho những đồng tiền ảo này của các nghệ sĩ có thể gây ra nhiều rủi ro cho những người chưa hiểu rõ bản chất, tham gia đầu tư.
Trước khi quyết định đổ tiền đầu tư, đặc biệt là với thị trường tiền mã hóa, người tham gia cần tìm hiểu kỹ thông tin tại các nguồn tin cậy và chính thống, tự trang bị các kiến thức cần thiết cho mình. Đừng đầu tư chỉ vì được rủ rê, hoặc gia nhập các nhóm chào mời, cho ‘ăn bánh vẽ’ tương lai giàu sang không tưởng với coin.
(Tham khảo: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật, Báo Đầu Tư)
Thảo luận về bài viết