Bạn đã bao giờ chọn đồ và lướt Shopee, Lazada hay Tiki mất cả một ngày không? Khi ngắm những món đồ trên các trang web hoặc phần mềm bán hàng điện tử, dường như chúng ta luôn bị thôi thúc phải mua chúng. Thế nhưng, khi món đồ được vận chuyển đến nhà, ta mới bừng tỉnh khỏi cơn mê và nhận ra mình đã mua trùng đồ, hoặc lại tốn tiền lương cả tháng để sắm những món đồ mà bản thân không thật sự cần đến.
Hành vi mua sắm ngẫu hứng là gì?
Mua sắm ngẫu hứng (impulse buying) là hành động mua đồ liên tục mà không có kế hoạch do bị thôi thúc bởi căng thẳng tâm lý hoặc các tác động bên ngoài. Để giải tỏa căng thẳng hoặc những suy nghĩ hỗn độn trong mình, chúng ta tìm đến việc mua sắm để giải tỏa cảm xúc. Thông qua đó, tinh thần sẽ trở nên phấn chấn và hào hứng hơn.
Tuy vậy, cảm giác phấn khích ban đầu khi mua đồ có thể nhanh chóng biến mất khi bạn nhận ra bản thân đã chi tiêu quá nhiều. Dù rằng shopping có thể làm bạn vui, nhưng khi nhìn căn phòng bị lấp đầy bởi những món đồ dùng một lần hoặc có khi là không dùng đến lần nào, cũng như tài khoản ngân hàng vơi đi đáng kể, ta sẽ lập tức chìm vào một cơn trầm cảm mới.
Trong một cuộc khảo sát trên Finder.com về hành vi mua sắm ngẫu hứng, 44% số người tham gia cho biết họ cảm thấy hối hận sau khi mua đồ dựa trên cảm xúc không rõ ràng của bản thân.
Vậy làm thế nào để ngăn cản bản thân mua đồ ngẫu hứng và tối ưu hóa những món đồ mình đang sở hữu?
1. Trì hoãn việc mua sắm
Thay vì bấm nút thanh toán, bạn hãy để món đồ tạm vào giỏ hàng và dành thêm thời gian để cân nhắc về lựa chọn của mình. Trước khi mua đồ, bạn cũng nên tự hỏi về mức độ cần thiết của món đồ trong cuộc sống của mình. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi rằng ta có nên mua món đồ này vào lúc khác hay không? Nếu không quá cần thiết, bạn có thể xóa lựa chọn và để dành tiền cho những đồ thiết yếu khác. Khi thực hiện được bước này, bạn đã bước đầu kiểm soát được thói quen mua sắm ngẫu hứng của mình.
2. Có sự rõ ràng về tiền chi tiêu và tiền tiết kiệm
Bạn nên có một cuốn sổ ghi tay hoặc một ứng dụng trên điện thoại để ghi lại nguồn tiền chi ra, đi vào trong một tháng. Bằng cách này, bạn sẽ biết bản thân đang tiêu tiền vào những món đồ nào đồng thời kiểm soát được dòng tiền của mình sẽ chảy đi đâu.
Ngoài một khoản trả cho chi phí sinh hoạt, bạn sẽ còn cần một khoản tiết kiệm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều người vì thói quen mua sắm ngẫu hứng mà đã dùng đến cả khoản tiền tiết kiệm, dẫn tới trong lúc cấp bách “chỉ còn cái nịt”. Khi đã có quyển sổ hoặc phần mềm theo dõi chi tiêu, bạn sẽ biết được mình đang tiêu phung phí cho những khoản nào và lên kế hoạch hợp lý để cắt giảm chi tiêu. Thông qua đó, số tiền tiết kiệm trong tài khoản của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
3. Khiến việc mua sắm ngẫu hứng trở nên khó khăn hơn
Công nghệ và các phần mềm phát triển khiến việc mua sắm không còn khó khăn. Chuyện shopping ngay tại nhà cũng là nguyên nhân “góp công đáng kể” cho hành vi mua sắm ngẫu hứng. Để khiến hoạt động này khó xảy ra hơn, hãy đặt ra cho mình những thử thách trước mỗi lần mua sắm. Cách tốt nhất để dừng lại việc ngồi lướt và chọn đồ chính là xóa các ứng dụng mua hàng online. Ngoài ra, bạn có thể xóa chức năng thanh toán qua thẻ, khiến việc điền thông tin để chi trả cho các món đồ này mất thời gian hơn.
4. Có kế hoạch chi tiêu hợp lý
Tính toán chi tiêu hợp lý cũng giống như cách chúng ta ăn uống lành mạnh vậy. bản thân ta phải biết cách chi tiêu hợp lý và linh hoạt, thay vì để một phút bốc đồng tiêu hết tiền cả tháng kiếm được. Tuy nhiên, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các kế hoạch trong sổ chi tiêu, ta cũng cần có những giây phút được “nuông chiều” chính mình. Nếu quá nghiêm khắc trong việc tiêu tiền, bạn có thể cảm thấy chán nản. Lâu dần, ta sẽ từ bỏ những nỗ lực mà mình đã cố gắng gây dựng. Số tiền dành ra cho quỹ linh hoạt này sẽ giúp bạn giữ được cảm giác vui vẻ của việc mua sắm mà không cần phải cảm thấy tội lỗi.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh
Thay vì gồng mình ngăn cản việc mua sắm ngẫu hứng, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết để tìm kiếm những lời khuyên tài chính. Thông qua đó, bạn có thể học hỏi được nhiều mẹo tiết kiệm và chi tiêu phù hợp, cũng như tìm được những chỗ mua đồ với giá hợp lý nhất. Ngoài ra, bạn có thể tìm đến chuyên viên tư vấn tài chính để nhận được sự giúp đỡ. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, ngành nghề này vẫn chưa quá phổ biến và vẫn còn nhiều mặt trái ở Việt Nam.
6. Làm việc khác trong lúc muốn mua đồ
Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng, căng thẳng, buồn bã… từ đó vô thức tìm đến shopping như một cách giải toả thì hãy tạm rời xa chiếc máy tính hoặc điện thoại. Ra ngoài đi bộ, hẹn đi chơi với bạn bè hoặc đơn giản là tìm đến chiếc giường đi ngủ chính là một vài lựa chọn tối ưu.
Một điều quan trọng khác trước khi mua đồ, là hãy hỏi bản thân bạn thấy sao về món đồ này. Nếu linh tính mách bảo bạn không nên mua, hãy lắng nghe nó. Việc tập trung vào những gi mình cảm thấy sẽ giúp bạn giải quyết các cảm xúc mơ hồ dẫn tới việc mua sắm ngẫu hứng.
Kết
Chuyện cảm thấy hối hận hoặc chán nản khi mua sắm ngẫu hứng đôi khi là điều không thể tránh nổi. Tuy nhiên khi đó, chúng ta không nên có thái độ quá tiêu cực với chính mình. Khi đã nhận thức được hành vi không hợp lý, thay vì oán trách, ta có thể sửa chữa và thay đổi để có trạng thái tối hơn.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ, thông tin đúng đắn, bạn có thể tạo ra một lối sống hợp lý, giúp bản thân trân trọng hơn những gì ta đang có. Cuộc sống là bài toán về sự cân bằng, bạn không cần phải quá gò bò hoặc cắt giảm hết tất cả các chi tiêu. Quan trọng là ta phải có một tư duy cởi mở, sẵn lòng tìm kiếm sự thoải mái mà không cần phung phí tiền bạc cho những món đồ không cần thiết.
Theo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
Vì sao UNIQLO là thương hiệu thời trang nhanh lớn mạnh nhất thế giới
Thói quen “tạo lập thói quen” – Vòng lặp không bao giờ kết thúc
Trở thành fashionista với 10 App thời trang
Thảo luận về bài viết