Cơ thể con người được ‘thiết kế’ để nhận diện và phản hồi những tác động xúc giác. Mạng lưới thần kinh trên da không chỉ giúp chúng ta cảm nhận môi trường xung quanh, mà chúng còn giúp phát hiện ‘cú chạm’ (bắt tay, cái ôm,…) của người khác, sau đó phản ứng lại về mặt cảm xúc. Cơ chế này hỗ trợ việc khẳng định các mối quan hệ, các kết nối xã hội, và thậm chí là ý thức về chính bản thân của mỗi con người.
Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không còn cảm nhận được điều đó?
Helena Wasling – Tiến sĩ chuyên ngành Thần kinh học tại Đại học Gothenburg (Thụy Điển) – đã nghiên cứu để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Bạn có thể là một người không thích động chạm thân thể, nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là những tiếp xúc vật lý đã là một phần trong cấu trúc xã hội của loài người. Những cái bắt tay xã giao với đồng nghiệp, những cái ôm chặt dành cho bạn bè lâu ngày không gặp,… – những cái chạm nhau xuất hiện ở khắp mọi nơi. Đó là một trong những cách giao tiếp cơ bản nhất của con người.
Trong bối cảnh hiện tại, thiếu vắng đi những tiếp xúc này là một sự thay đổi vô cùng lớn.
Helena Wasling
Tiến sĩ tâm lý học Guy Winch cũng đồng tình với nhận định trên, “Chúng ta liên kết những tiếp xúc cơ thể với sự gần gũi về mặt cảm xúc. Khi những tiếp xúc này mất đi, con người sẽ cảm nhận được những khoảng cách tâm lý nhất định. Trước khi đại dịch xảy ra, chúng ta đã có hàng tá cơ hội để thể hiện cũng như để nhu cầu tiếp xúc cơ thể được đáp ứng. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã không nhận ra để trân trọng chúng.”
Những dây thần kinh dẫn truyền cảm giác (dây hướng tâm) bao phủ gần như toàn bộ làn da, chỉ trừ ở lòng bàn chân và lòng bàn tay. Theo Tiến sĩ Wasling, những dây thần kinh này đặc biệt phản ứng với: một cái chạm nhẹ, chuyển động nhẹ nhàng, và nhiệt độ trong khoảng 32 độ C (89 độ F) – cũng là mức nhiệt độ da của con người. Vì vậy, những dây thần kinh này sẽ phản ứng ‘nhanh nhạy’ với chỉ một cái chạm nhẹ nhàng từ người khác.
Những dây thần kinh này sẽ gửi tín hiệu đến vỏ não trong – một phần sâu hơn của não chuyên xử lý cảm xúc. Thay vì chỉ đơn giản thông báo rằng “Đã có một người vừa chạm vào đấy.”, dây hướng tâm sẽ cho bạn một trạng thái mơ hồ hơn, kiểu “Cảm giác đó thật tuyệt. Tôi cảm thấy mình được chấp nhận. Cảm thấy an toàn hơn. Có người tin tưởng tôi.”
Với những người phải sống một cuộc sống thiếu vắng sự tiếp xúc thân thể trong một thời gian dài, điều đó có thể trở nên vô cùng khó khăn với họ. Tiến sĩ Winch cho biết, “Tôi biết những người bạn, thậm chí một số bệnh nhân đã không có tiếp xúc thân thể với người khác trong cả năm rồi. Không động chạm, đến cả cái bắt tay cũng không. Họ thực sự khổ sở vì điều đó. Thiếu vắng những cái ôm khiến bạn cảm thấy rất xa cách, lạnh lùng. Điều đó có thể để lại những tổn thương lâu dài về mặt tâm lý.”
Những cái ôm – điều mà có lẽ nhiều người đang cần nhất bây giờ – là một hành động thiết yếu để nuôi dưỡng tình cảm. Khi ai đó khóc, chúng ta hay dùng cái ôm để an ủi. Nhưng ý nghĩa thật sự của cái ôm khi đó là cho phép đối phương được khóc nhiều hơn. Một người đang xúc động, đang muốn khóc, hay đang khóc, thường có thể kiềm chế được cho đến khi có người vòng tay ôm họ. Cái ôm đó tượng trưng cho cảm giác an toàn và gần gũi.
Tiếp xúc cơ thể không những đem lại những ích lợi về tinh thần, xã hội, mà còn về thể chất. Những ‘cú chạm’ có thể giúp giảm đau và căng thẳng, cũng như mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tự chúng ta có thể tìm cách để bù đắp những cảm giác này cho mình khi phải trải qua thời gian dài thiếu vắng sự tiếp xúc.
Tắm vòi sen hoặc tắm bồn với nước ấm
Tắm rửa tất nhiên không thể thay thế những cái ôm được rồi, nhưng những chuyển động chậm rãi của nước trên da cũng phần nào kích thích các dây thần kinh. Ngoài ra, ngâm nước ấm cũng giúp cơ bắp được thư giãn, giảm tình trạng đau nhức.
Tiếp xúc với thú cưng
Việc này bao gồm ôm ấp hoặc dắt đi dạo. Nếu không nuôi con vật nào, bạn có thể ‘mượn tạm’ của người khác. Chỉ cần ở gần một ‘quả banh lông’ cũng đã được chứng minh giúp giảm stress, giảm nhịp tim và huyết áp. Mối quan hệ giữa bạn và thú cưng cũng là thứ cần dành công sức để chăm sóc – chúng phụ thuộc vào bạn, và cần bạn.
Số người nhận nuôi thú cưng trong thời gian đại dịch đã tăng lên đáng kể. Một nghiên cứu cũng đã chỉ ra những lợi ích điều trị trong mối quan hệ giữa người và động vật, khi chúng ta đang tạm thời không thể duy trì mức độ tương tác xã hội bình thường.
Đừng ‘đi vắng’ trong những cuộc gặp gỡ
Nếu có cơ hội để gặp bất cứ ai, hãy ở cạnh họ, cả về tâm trí lẫn thân thể, cho dù cả hai không thể chạm vào nhau. Đừng ngại nhìn vào mắt họ khi trò chuyện (nếu điều đó không làm đối phương khó chịu), hoặc nói những thứ sâu sắc, ý nghĩa hơn, thật sự lắng nghe họ, nhất là khi bạn biết họ đã và đang phải chịu tình trạng cô lập một thời gian dài.
Những tương tác này không đem lại những phản ứng sinh lý như tiếp xúc thân thể, nhưng chúng vẫn kích thích cảm giác thân thuộc và gần gũi trong mỗi người.
Hãy kết nối một cách có ý nghĩa, đừng chỉ xã giao hời hợt
Cảm giác buồn chán, thất vọng khi ‘bị nhốt’ là trải nghiệm tương tự với nhiều người. Thế nhưng việc bị cô lập khỏi những gần gũi thân thể với bạn bè và gia đình là một khó khăn với những người sống một mình, người già, và những người thuộc nhóm nguy cơ cao – họ không thể liều lĩnh, dù chỉ là một cái ôm.
‘Ghé ngang’ hỏi thăm cho có lệ sẽ không thật sự giúp ích điều gì. Thay vào đó, một khi đã liên lạc, hãy dành thời gian và đầu tư vào việc kết nối với họ.
Không ai có thể khẳng định chắc chắn điều gì về tương lai. Việc cách ly và tránh tiếp xúc với người khác có thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ lây nhiễm, nhưng nó cũng mang đến những tác hại không ngờ khác. Tiếp xúc thân thể – dưới dạng những cái bắt tay, cái ôm, cái xoa đầu,… – từng đại diện cho những gì thân thiết, gần gũi, và thiết yếu cho đời sống con người. Giờ đây, chúng trở nên nguy hiểm, là một hành vi cần tránh. Sẽ mất một thời gian rất lâu nữa để những cái ôm được trả lại về đúng vị trí và tầm quan trọng của nó như ban đầu.
Xem thêm:
Ngủ cùng thú cưng – Nên hay Không nên?
Đừng đánh đổi bản thân lấy cái gật đầu của đám đông
Tình yêu hay sự nghiệp – Đâu là chân lý và đâu là “chân tường”?
Đi tìm sự bình đẳng trong làng thời trang: Đâu là những cột mốc quan trọng?
Thảo luận về bài viết