Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Năm 1850, nhà kinh tế học người Pháp Claude-Frédéric Bastiat xuất bản bài luận nổi tiếng của mình, Ce qu’on voit et ce qu’on ne voit pas – Những thứ được nhìn và những thứ không được thấy. Nội dung bài luận phản đối những “nhà kinh tế tồi tệ” – những người chỉ nhìn vào hiệu quả ban đầu của hành động chứ không thấy được hậu quả về sau.
Bastia đã dùng ví dụ cửa sổ vỡ để chứng minh cho những luận điểm của mình. Chủ cửa hàng phải thuê thợ làm kính để sửa ô cửa bị vỡ. Người thợ được trả công, và có thể dùng tiền này để mua sắm những thứ khác. Như vậy, nền kinh tế đã được cải thiện, đúng không?
Không hẳn. Số tiền bỏ ra để thuê thợ kính và số tiền người này dùng để chi tiêu sau đó chỉ là bề nổi của tảng băng, là những thứ có-thể-nhìn-thấy, chứ không phải phần sâu còn ẩn dưới đáy nước, cũng tức là những việc khác mà chủ cửa hàng có thể làm với món tiền thuê thợ, nếu cửa kính không bị vỡ.
Nhà kinh tế học tồi sẽ dựa vào những gì nhìn thấy rồi kết luận rằng nên phá nhiều cửa sổ hơn để kích thích kinh tế phát triển. Trong khi đó, một người khôn ngoan sẽ dễ dàng nhận biết rằng việc đập phá chỉ khiến tình hình trở nên tệ hơn mà thôi.
Cửa sổ vỡ đã trở thành một hình ảnh khá nổi tiếng khi muốn chứng minh về những việc làm phản tác dụng. Chúng ta hiểu ẩn ý của nó. Song, trong đời sống và công việc, không ít người trong chúng ta lại chính là những “nhà kinh tế tồi tệ” mà Bastiat đã phản đối – tập trung hết mình vào ‘năng suất’ trước mắt để vô tình làm suy yếu khả năng thực hiện những việc quan trọng khác.
Một người ở lại văn phòng muộn mỗi ngày chưa chắc đã là một người làm việc hiệu quả. Có thể họ muốn để mọi người thấy rằng họ là người chăm chỉ. Tuy nhiên, làm việc muộn thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến cơ thể uể oải. Vùi đầu vào công việc suốt ngày cũng khiến họ bỏ lỡ những dịp xã giao, kết nối với đồng nghiệp. Mải quay cuồng với các đầu việc, họ cũng không thực sự có thời gian để suy nghĩ, để tìm ra những ý tưởng tuyệt vời.
Vậy thì những lý luận của Bastiat có thể áp dụng như thế nào cho công việc? Đâu là những yếu tố vô hình có thể tác động đến hiệu quả công việc? Liệu có thói quen nào thoạt nhìn tưởng chừng lười biếng nhưng thực chất sẽ mang lại kết quả tốt?
1. Ngủ đủ giấc
Những người ám ảnh với ‘năng suất’ rất hay thức dậy sớm. Không phải sớm 6, 7h đâu, mà là 5h, thậm chí 4h sáng.
Mỗi người đi ngủ vào một giờ khác nhau, vì thế, chuyện dậy sớm có thể phù hợp với một số người. Nhưng với một số người khác, thì chuyện bắt ép bản thân dậy sớm đồng nghĩa với việc buộc bản thân phải theo một chế độ sinh hoạt không tự nhiên, dẫn đến việc ngủ ít hơn mức cần thiết.
Ngủ là ví dụ điển hình cho thói quen giúp công việc trở nên hiệu quả hơn mặc dù trông lại như lười. Giấc ngủ giúp củng cố trí nhớ, nâng cao nhận thức, cải thiện tâm trạng. Nhiều người nghĩ rằng họ đã học được cách ‘thích nghi’ với lối sống ngủ-ít-hơn-cần-thiết, nhưng thật ra, hiệu suất nhận thức của họ sẽ ngày càng giảm đi.
2. Đi bộ đường dài để suy nghĩ
Một hệ lụy khác của chuyện ưu tiên cái thấy hơn cái không thấy trong công việc, đó là chúng ta xem nhẹ giá trị của thời gian dành cho việc nghĩ ngợi. Khi một người đang chìm vào suy tư, nhìn vào họ, bạn cũng chẳng biết họ đang ‘làm cái gì’. Vì thế, những người hay nhìn xa xăm hoặc trông có vẻ như đang giải lao (vì họ đang không làm việc) thường bị xem là lười biếng.
Sự thật thì ngược lại, những chuyến đi bộ chỉ để suy nghĩ là một trong những thói quen có ích cho hiệu quả công việc nhất mà bạn có thể làm. Albert Einstein đã dùng những lần đi bộ dài như thế để mường tượng về những ý tưởng về thuyết tương đối. Nếu Einstein chỉ tập trung để xuất bản thật nhiều nghiên cứu, bài báo để tỏ ra mình ‘năng suất’, thì toàn bộ những hiểu biết của nhân loại về vũ trụ sẽ nghèo nàn biết chừng nào.
3. Tán gẫu với đồng nghiệp về công việc
Chát chít nhăng nhít là dấu hiệu rõ ràng của hiện tượng lười nhác.
Hoặc không.
Trong Enigma of Reason, 2 nhà nghiên cứu Hugo Mercier và Dan Sperber cho rằng con người không tiến hóa để có thể đưa ra những lập luận tốt về mọi thứ một mình. Khả năng suy luận, logic và thấu hiểu của chúng ta được phát triển để giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận, chứ không phải để xác định sự thật.
Điều này có nghĩa rằng, khi chỉ có một mình, bạn sẽ khó đi đến kết luận chính xác cho vấn đề hơn. Còn khi đối mặt với một “hội đồng phản biện”, khả năng lý trí của bạn được phát huy một cách hiệu quả. Kết thúc cuộc trò chuyện, nhiều thông tin tưởng như không thể khi giải quyết vấn đề một mình lại trở nên dễ dàng và hiển nhiên hơn khi có sự tham gia của tương tác.
Thói quen này cũng hay bị đánh giá là “lười biếng” vì giao tiếp xã hội thường không tạo ra những đột phá về năng suất. Tuy nhiên, dành thời gian để trò chuyện với đồng nghiệp về những khó khăn hoặc khi bạn muốn tìm kiếm ý tưởng mới thì lại là một chuyện không hề lãng phí chút nào.
4. Ngủ trưa
Giấc ngủ rất quan trọng, đặc biệt là giấc ngủ buổi tối – khi chúng ta trải qua nhiều giai đoạn ngủ sâu khác nhau, giúp củng cố trí nhớ.
Nhưng không phải lúc nào ta cũng có được một giấc ngủ trọn vẹn (Cuộc sống mà!). Đôi khi chúng ta buộc phải thức khuya hơn một tí, phải dậy sớm hơn một chút. Trong những lúc như vậy, thì ngủ trưa là một giải pháp bù đắp năng lượng hiệu quả.
Tuy nhiên, cần cẩn trọng với những giấc ngủ trong ngày. Bạn rất dễ ngủ quên và cảm thấy uể oải sau khi thức dậy (chưa kể lãng phí thời gian). Một mẹo để cái chợp mắt 10-phút-thôi không kéo dài tận 2 tiếng đồng hồ, đó là hãy dùng chiếc thìa.
Khi đi ngủ, hãy cầm theo một cái thìa (muỗng), sau đó thả lỏng tay, không để chạm đất. Khi ngủ say, các cơ sẽ bắt đầu thư giãn, thìa rơi xuống đất, tiếng kêu của nó sẽ đánh thức bạn dậy.
Ngoài ra, bạn có thể thử giấc ngủ cà phê – uống một ly cà phê và ngủ một giấc ngắn sau đó. Sự kết hợp này rất hiệu quả để giữ bạn trong trạng thái tỉnh táo. Giấc ngủ ngắn giúp loại bỏ adenosine – chất khiến bạn cảm thấy buồn ngủ – khỏi các thụ thể. Sau khi được ‘tự do’, các thụ thể này sẽ được “sạc” bởi caffeine bạn nạp vào. Kết quả, bạn sẽ “tươi như hoa” cả ngày còn lại. Nhưng nhớ đừng quá lạm dụng cách này nhé.
5. Nói Không
Có một ‘lời khuyên’ từ xưa rằng “Nếu muốn hoàn thành việc gì đó, hãy đưa nó cho một người bận rộn.”
Những người luôn tối mắt tối mũi thường lại là những người khó từ chối các loại yêu cầu, nhờ vả,… hứa hẹn sẽ làm họ bận thêm nữa. Và cứ thế, họ bận suốt ngày!
Richard Feynman – nhà vật lý học từng đoạt giải Nobel – có cách tiếp cận khá hay ho về vấn đề này. Ông thừa nhận rằng, để thật sự phát triển trong lĩnh vực vật lý, “bạn cần những khoảng thời gian độc lập”. Giải pháp mà Feynman áp dụng để ngăn chặn mọi sự gián đoạn, đó là nói với người khác rằng mình “lười biếng và rất vô trách nhiệm”.
Tôi đã chế ra một câu chuyện về bản thân, rằng tôi là người không có trách nhiệm. Tôi nói với mọi người là mình chẳng làm gì cả. Nếu ai đó muốn tôi tham gia ủy ban tuyển sinh, thì tôi từ chối ngay, tôi vô trách nhiệm lắm mà.
Richard Feynman
Năng suất thật sự không phải là làm được nhiều việc, mà là đạt được nhiều thứ từ những việc đã làm.
6. Thường xuyên có những kỳ nghỉ
“Nếu bạn yêu thích công việc hiện tại, thì ngày nào cũng sẽ là một kỳ nghỉ.” Nói thì dễ nghe, làm thật mới khó.
Ngay cả khi bạn yêu công việc thương sếp quý đồng nghiệp đến mức chết đi sống lại, xin đừng quên dành thời gian và không gian cho cuộc sống cá nhân, tách bạch nó khỏi công việc. Để tâm trí được làm những thứ khác nhau là điều tối quan trọng, giúp bạn không bị mắc kẹt với công việc.
Trong một cuộc thảo luận về du lịch giữa nhà báo Ezra Klein và nhà kinh tế học Tyler Cowen, Klein chia sẻ anh thường cảm thấy kiệt sức sau những chuyến du lịch. Trong khi đó, Cowen cho biết anh đi du lịch rất nhiều, và rằng anh nhìn nhận chuyện đi du lịch bằng một thái độ nghiêm túc, giống cách mọi người nhìn công việc của họ vậy. Cowen xem du lịch là cơ hội để mở mang kiến thức, và ưu tiên điều này hơn là những trải nghiệm nhàn hạ.
Du lịch tất nhiên không phải cách duy nhất để mở rộng tầm nhìn, và bạn có toàn quyền trong việc đi du lịch để nghỉ dưỡng chứ không phải để học hỏi. Nhưng dù thế nào đi nữa thì thường xuyên đi đến một nơi mới – cả về thể chất hoặc tinh thần – là điều cần thiết để tránh mắc kẹt với những thói quen cũ, đồng thời giúp bạn trở nên linh hoạt hơn trong suy nghĩ và hành động.
7. Ngừng làm những việc bạn chán ghét
Đôi khi, những người siêng năng và hiệu suất nhất lại là những người nhận được ít nhất. Thói quen chịu đựng những thứ vất vả ngăn cản họ từ bỏ những công việc không mang lại nhiều thành quả. Ngược lại, những người từng đạt được một (hoặc một vài) điều có giá trị, cả trong công việc và đời sống, đều làm những việc họ thấy thú vị và có ý nghĩa.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận được phần thưởng xứng đáng với công sức mình bỏ ra hoặc có được thành quả mà không cần cố gắng, nhưng miệt mài hàng năm trời với những thứ không khiến bạn thấy vui hay có động lực sẽ hiếm khi dẫn đến điều gì tốt đẹp.
Để thực sự làm được thứ mình thích, bước đầu tiên, bạn cần từ bỏ những thứ làm bạn chán ghét.
(Tham khảo: Scott H. Young)
Xem thêm:
#NgườiLớnĐiLàm – Những bài học im lặng của phụ nữ trong công việc
#NgườiLớnĐiLàm: 10 ‘kẻ cắp’ thời gian khó nhận biết
#Nghĩ: Catcalliing – “gọi con mèo” và nguồn gốc của việc trêu hoa ghẹo nguyệt trên đường phố
#Nghĩ: Thuyết âm mưu có đang “lộng hành” như ta tưởng?
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết