Lần nọ, Karen Nimmo – chuyên gia tâm lý học lâm sàng – nhận tư vấn cho một cô gái trẻ tuổi. Cô than phiền với Nimmo về gu ăn mặc của người yêu mình. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu, Karen Nimmo phát hiện rằng hóa ra vấn đề nằm ở cách anh chàng cư xử trong những dịp xã giao, chứ không nằm ở những món quần áo anh ấy mặc trên người.
“Anh ấy có thể trở nên cố chấp và nhìn chung vẫn còn một số tính xấu.” — Điều này vô tình không phù hợp với hình ảnh của cả hai trong tư cách một cặp đôi, thứ mà cô gái đang muốn thể hiện cũng như muốn mọi người có thể thấy. Cô băn khoăn, không biệt liệu mình có đang hành xử ích kỷ không. “Tôi biết chúng ta nên để người khác được là chính mình. Chỉ là… giá như anh ấy có thể cố gắng chút nữa để khắc phục những điểm thiếu sót.”
Vấn đề này thường nảy sinh khi một cặp đôi bắt đầu trở nên nghiêm túc với nhau hoặc khi họ muốn đưa mối quan hệ tiến vào một giai đoạn mới. Họ muốn những người xung quanh mình cũng sẽ có cảm tình, hoặc ít nhất là tán thành mối quan hệ này. Thế nên họ bắt đầu nhìn nhận ngoại hình và cách cư xử của đối tác một cách có ý thức hơn, chứ không ‘nhắm mắt ngó lơ’ như hồi mới yêu nữa.
Trong quá trình ‘thức tỉnh’ này, đôi khi chúng ta thấy hoang mang, nghi ngờ, nhiều người còn không ngại chỉ trích người yêu / bạn đời về một điểm nào đấy của họ mà ta “không vừa mắt”. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng không ai là hoàn hảo. Trong một mối quan hệ, cả hai chỉ có thể thỏa thuận và chấp nhận thay đổi vì nhau đến một mức độ nhất định. Quan trọng là bạn có thể nhìn thấy người mình yêu thương một cách rõ ràng và chân thực nhất, chấp nhận con người no-filtered của họ, đồng thời biết rằng có những ‘góc khuất’ bạn không thể — và không nên — cố gắng chạm vào.
Quá khứ của họ
Qua mỗi chương cuộc đời, hành trang của chúng ta ngày một nhiều thêm. Đón chào một người vào cuộc sống của mình đồng nghĩa với việc chấp nhận người đang bên cạnh ta trong hiện tại này là kết quả của một chuỗi vô vàn những sự kiện, sự việc, con người trong quá khứ của họ.
Chúng ta không lấy chuyện đã qua để đánh giá một con người, nhưng cũng không thể phủ nhận chúng có sức ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển của họ — từ sức khỏe tâm lý, năng lực cảm xúc, phong cách giao tiếp và giải quyết vấn đề, đến hình mẫu yêu thương và gắn bó của họ.
Trước khi tính đến chuyện gì xa hơn, hãy nhìn lại quá khứ, đồng thời cân nhắc về các mối quan hệ trong hiện tại của họ với những người quanh mình (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…), xem liệu chúng có quá gần gũi / ghẻ lạnh / thù hằn / thân thiết,… vượt mức chịu đựng của bạn hay không.
Những thứ và những người làm họ vui
Chúng ta đều có những sở thích khác nhau — đôi khi hơi kỳ quặc so với số đông — nhưng chẳng hề gì, vì đó là sở thích cá nhân mỗi người. Bạn bè cũng thế. Chúng ta thích dành thời gian với những người khiến mình thấy vui vẻ, thoải mái.
Bạn có thể không hợp lắm với bạn bè của người yêu / bạn đời. Chuyện đó không có gì lạ (biết đâu họ cũng thế). Nhưng nếu bạn định tách darling của mình ra khỏi nhóm cạ cứng, thì nên suy nghĩ thật kỹ trước khi làm việc đó, ngay cả trong trường hợp bạn có lý do chính đáng để làm thế.
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Karen Nimmo cũng từng nhận tư vấn cho một cô gái gặp vấn đề với việc người yêu mê xem thể thao hơn bạn gái. Cô ấy đã thử thuyết phục bạn trai dành nhiều thời gian hơn cho mối quan hệ của cả hai bằng cách giảm theo dõi các trận đấu lại. Kết quả, chàng trai cũng cố gắng thỏa hiệp, nhưng việc rời bỏ sở thích cá nhân và đám bạn hay chơi cùng (tất cả đều trong hội mê bóng bầu dục) khiến anh ta trở nên khó chịu, dễ cáu giận hơn.
Tóm lại, chuyện người khác thích gì, và bị thu hút bởi kiểu người thế nào, không thuộc phạm vi điều khiển của bạn (hoặc bạn không thể kiểm soát điều đó mà hoàn toàn không phải đánh đổi thứ gì).
Những quyết định và những tiếc nuối
Thông thường, những lựa chọn chúng ta đưa ra và những việc ta đã làm (hoặc chưa) trong suốt cuộc đời mình sẽ khiến chúng ta bận lòng nhiều hơn mình tưởng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính trong các cuộc cãi vã của các cặp đôi.
Bạn có thể giúp họ hoàn thành, bù đắp những gì còn có thể thay đổi — ví như nếu họ chưa có cơ hội du lịch nước ngoài, hãy cùng nhau lên kế hoạch cho một chuyến đi. Nhưng bạn sẽ không thể thay đổi những gì họ đã quyết định cũng như cảm nhận của họ về chuyện đó. Bạn không thể giúp giải thoát họ khỏi cảm giác tội lỗi, xấu hổ, hay mất mát. Đó là ‘góc khuất’ mà họ sẽ phải tự mình khám phá, chấp nhận, và cuối cùng là vượt qua.
Những cơn nghiện
Từ những thứ gây hại rõ ràng như ma túy, rượu bia, chất kích thích, thuốc lá, … cho đến những thứ nghe có vẻ bình thường như ăn uống, mua sắm, công việc, … — Mỗi người chúng ta đều có nguy cơ ‘nghiện’ một điều gì đó. Và việc này hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Nếu đối tác của bạn là một ‘con nghiện’, theo nghĩa gì đi chăng nữa, và bạn thấy không thoải mái với việc đó, hãy thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình. Nếu họ muốn cai nghiện, hãy ở cạnh động viên, khuyến khích, hỗ trợ khi cần. Nhưng ngược lại, nếu họ không sẵn lòng thay đổi, thì e rằng bạn cũng khó có thể lay chuyển được họ.
Năng lực yêu thương của họ
Hình dung bên trong mỗi chúng ta đều có sẵn một cái hồ, chỉ khác là thay vì nước, thì hồ này chứa tình yêu thương. Nhiều người có một cái hồ rất to, rất sâu, dòng chảy yêu thương của họ tưởng như không bao giờ cạn. Nhưng cũng sẽ có người mang trong mình một chiếc hồ cạn khô, nứt nẻ, đã từ lâu không có làn sóng nào xô bờ hay cơn mưa nào ghé qua — hậu quả của những đau thương và mất mát trong quá khứ.
Nếu người yêu / bạn đời của bạn chưa sẵn sàng để mở lòng, hãy kiên nhẫn. Ai rồi cũng sẽ học được cách yêu, biết được cách để hồ chứa trong lòng mình lại đầy tràn lần nữa, nếu họ sẵn sàng làm điều đó — bằng cách tìm hiểu nguyên nhân khiến họ trở nên như vậy và tìm kiếm giải pháp để ‘chữa lành’ cho bản thân.
Nhưng nếu đối tác của bạn không thể, hoặc không muốn thay đổi để có thể đón nhận tình yêu của người khác cũng như trao cho họ tình cảm của mình, thì bạn cần chấp nhận rằng ở thời điểm hiện tại, đây chính là người mà bạn yêu thương. Bạn có thể chờ đợi, nhưng không có gì đảm bảo rằng sự chờ đợi của bạn sẽ mang lại kết quả khả quan. Quyết định tiếp tục hay dừng lại là nằm ở bạn.
Xem thêm:
Tình yêu hay sự nghiệp – Đâu là chân lý và đâu là “chân tường”?
“Yêu hay không yêu, không yêu hay yêu…” cứ để cơ thể nói hộ ta
Đàn ông thích tình dục, phụ nữ cần tình yêu… phải không?
Cảm nhận ngoại hình – Hành trình trân trọng và yêu thương cơ thể
Thảo luận về bài viết