Liệu chúng ta có thực sự nhận ra và trân trọng vẻ đẹp cho dù nó ở ngay trước mắt? Làm thế nào để khuyến khích mọi người lựa chọn những lối sống lành mạnh hơn? Chúng ta có thể làm gì để giảm đi xung đột, mang lại hòa bình cho các nhóm đối thủ không?
Các nhà tâm lý học xã hội đã giải quyết những câu hỏi như thế này trong nhiều thập kỷ, và một số kết quả thí nghiệm của họ có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Thí nghiệm Robbers Cave
(Robbers Cave Experiment)
Vì sao các nhóm khác nhau thường có xu hướng xảy ra xung đột?
Theo nhà tâm lý học Muzafer Sherif, sự thù địch xuất hiện giữa nhóm này với nhóm khác bắt nguồn từ tâm lý khuôn mẫu, định kiến, đặc biệt là sự cạnh tranh về nguồn lực (cho dù nguồn lực đó là vô hình hay hữu hình).
Sherif và các đồng sự đã thực hiện một thí nghiệm gây tranh cãi. Họ đưa 22 cậu bé độ tuổi 11-12 đến Công viên Robbers Cave (Oklahoma), giả vờ như đang tổ chức trại hè. Tuần đầu tiên, các trại viên dành thời gian để làm quen, kết bạn với những người khác cùng nhóm. Mỗi nhóm được chọn tên (Eagles và Rattlers), phát triển các tiêu chuẩn và hệ thống phân cấp nhóm của riêng mình.
Sau đó, trại viên bắt đầu biết đến sự tồn tại của ‘những người khác’. Nhóm nghiên cứu lúc này cho tiến hành giai đoạn hai của thí nghiệm. Họ tạo cơ hội để hai nhóm trực tiếp cạnh tranh, thi đấu với nhau. Bên thắng sẽ nhận cúp và giải thưởng.
Mối quan hệ giữa Eagles và Rattlers nhanh chóng trở nên căng thẳng. Ngoài giờ thi đấu, các trại viên vẫn tiếp tục thể hiện thái độ thù địch của mình với phe kia (lăng mạ, phá rối, cãi vã,…). Khi làm khảo sát đánh giá hai nhóm, mọi người đánh giá nhóm mình có nhiều đặc điểm tích cực hơn đối thủ. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy một sự thay đổi trong nội bộ nhóm: các thành viên trở nên gắn kết hơn.
Trong giai đoạn cuối của thí nghiệm, các trại viên được sắp xếp tham gia các hoạt động nhằm làm giảm xung đột, như hoạt động tập thể (ăn uống, vui chơi, xem phim,…) và những công việc yêu cầu mọi người phải hợp tác với nhau.
Kết quả, hoạt động tập thể không thay đổi tình hình nhiều – thay vì ngồi ăn thì các em biến nhà ăn thành bãi chiến trường. Nhưng khi phải làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung, xung đột giữa hai nhóm đã giảm đi đáng kể. Kết thúc trại hè, một số em đã đề nghị mọi người cùng đi xe buýt về, và một nhóm đã mua đồ uống cho nhóm kia trên chuyến xe đó.
Thí nghiệm Nhạc công trong ga tàu điện ngầm
(The ‘Violinist in the Metro’ Experiment)
Một buổi sáng đầu năm 2007, có một nhạc công xuất hiện tại một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Washington. Trong vòng 45 phút, anh chơi 6 bản nhạc của Bach. Có khoảng 2.000 người bận rộn di chuyển trong nhà ga thời điểm đó, phần lớn đều đang hối hả đi làm.
Nhiều người nhận thấy anh đang chơi nhạc nhưng họ không dừng bước hoặc chỉ nán lại rất nhanh. Đến khoảng phút thứ 10, có một cậu bé 3 tuổi đứng lại. Người mẹ vội kéo em đi tới. Một vài đứa trẻ khác cũng làm thế, nhưng bố mẹ các em đều cố gắng thúc các em tiếp tục di chuyển.
Kết thúc phần chơi, người nhạc công nhận được tổng cộng 32 đô la. Tiếng đàn dứt, sự yên lặng mau chóng thế chỗ. Không ai tán thưởng hay chú ý. Mọi người vẫn tiếp tục bước đi thật nhanh trong buổi sáng giá lạnh.
Người nhạc công ‘đường phố’ ấy là nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng thế giới Joshua Bell. Mới vài ngày trước đó, buổi hòa nhạc của anh vừa sold out. Giá vé trung bình là 100 đô. Cây vĩ cầm anh dùng để chơi nhạc ở ga tàu điện là hàng thủ công, trị giá hơn 3,5 triệu đô la.
Thí nghiệm thực hiện bởi tờ Washington Post đã đặt ra một số câu hỏi:
– Ở môi trường công cộng, vào thời điểm không thích hợp, liệu chúng ta có nhận thức được cái đẹp?
– Nếu có, ta có dừng lại để tán thưởng không?
– Chúng ta có thể nhận ra một tài năng trong một bối cảnh hoàn toàn bất ngờ không?
Thí nghiệm Cầu thang phát nhạc
(The Piano Stairs Experiment)
Làm thế nào để thay đổi hành vi hằng ngày của mọi người, giúp họ có những lựa chọn lành mạnh hơn?
Thí nghiệm xã hội do Volkswagen tài trợ đã cho thấy nếu có thể khiến những thứ nhỏ nhặt, đời thường nhất trở nên thú vị hơn, chúng ta có thể truyền cảm hứng để mọi người thay đổi hành vi của mình.
Nhóm thực hiện đã biến cầu thang bên ngoài xe điện ngầm Odenplan ở Stockholm (Thụy Điển) thành một bàn phím piano khổng lồ. Khi có người bước lên, sức ép sẽ khiến các bậc thang phát ra âm thanh. Kế bên những phím đàn khổng lồ này là một chiếc thang cuốn để mọi người có thể lựa chọn. Kết quả, số người chọn cầu thang nhạc để di chuyển tăng 66% so với bình thường.
Thí nghiệm Kẹo dẻo
(The Marshmallow Test Experiment)
Vào khoảng cuối 1960s – đầu 1970s, nhà tâm lý học Walter Mischel đã thực hiện một loạt thí nghiệm về khả năng trì hoãn sự thỏa mãn tức thời, nhằm tìm hiểu xem nó có thể trở thành yếu tố dự báo thành công trong tương lai hay không.
Kết quả từ thí nghiệm này và những nghiên cứu tiếp theo – thực hiện trong 20 năm sau đó – cho thấy những đứa trẻ có năng lực trì hoãn sự thỏa mãn tức thời có xu hướng học giỏi hơn và phát triển những tính cách tích cực hơn. Từ đó, việc ‘vượt ải’ thử nghiệm kẹo dẻo, đối với nhiều người, gần như là báo hiệu tươi sáng cho một tương lai rực rỡ.
Tuy nhiên, thí nghiệm này chịu không ít chỉ trích khi đã bỏ qua nhiều yếu tố then chốt, dẫn đến niềm tin sai lệch về mối liên hệ giữa đức tính tự chủ, kiên nhẫn, và khả năng thành công của một người.
Đọc thêm về thí nghiệm Kẹo dẻo:
Thí nghiệm Căn phòng khói
(The Smoky Room Experiment)
Nếu thấy ai đó gặp nạn, bạn có nghĩ mình sẽ ra tay giúp đỡ không?
Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng câu trả lời phụ thuộc nhiều vào số lượng người có mặt tại điểm đó. Nói ngắn gọn, nếu chúng ta là nhân chứng duy nhất, hoặc xung quanh không có nhiều người hiện diện, khả năng ta giúp đỡ người bị nạn sẽ cao hơn.
Tâm lý này đã được chứng thực qua thí nghiệm Căn phòng khói. Đọc thêm về thí nghiệm này tại:
Thí nghiệm xã hội của Carlsberg
(Carlsberg Social Experiment)
Có lúc nào bạn bị hiểu nhầm chỉ vì ngoại hình của mình? Hoặc bạn đã bao giờ có ấn tượng sai lầm về ai đó dựa trên vẻ ngoài của họ?
Chúng ta có xu hướng đưa ra quyết định chóng vánh về người đối diện trong lần đầu gặp gỡ. Những ấn tượng dựa trên ngoại hình đôi khi khiến ta bỏ qua những đặc điểm và phẩm chất bên trong của một người.
Nhãn hàng Carlsberg đã tổ chức một thí nghiệm khá thú vị. Trong video quay lại, khán giả được xem cảnh các cặp đôi vào rạp chiếu phim. Bên trong đã đầy người, chỉ còn trống 2 ghế duy nhất cho họ. Khán giả ngồi ở 148 chỗ còn lại là những người trông có vẻ ‘dân tổ’ với ngoại hình bặm trợn, đáng sợ.
Không phải cặp nào cũng quyết định ngồi lại. Nhưng những người làm thế thì đều nhận được một tràng vỗ tay từ 148 ‘anh chị’ trong rạp, kèm theo đó là một chầu bia Carlsberg miễn phí. Thử nghiệm trên là một ví dụ tuyệt vời cho thấy vì sao chúng ta đừng nên nhìn một cuốn sách chỉ qua trang bìa.
Thí nghiệm Hiệu ứng Lan tỏa
(Halo Effect Experiment)
Đã bao giờ bạn trông thấy một người có vẻ ngoài hấp dẫn và nghĩ rằng chắc hẳn họ cũng rất thông minh và tốt bụng?
Lối tư duy có vẻ rất vô lý ấy chính là biểu hiện rõ nét của hiệu ứng Lan tỏa (hay còn gọi là hiệu ứng Hào quang) – khi chúng ta có xu hướng cho phép một phẩm chất hấp dẫn của một người ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về các khía cạnh không liên quan khác của họ.
Năm 1920, nhà tâm lý học Edward Thorndike đã công bố thí nghiệm đặc biệt của mình trong bài báo có tiêu đề: “The Constant Error in Psychological Ratings”. Thí nghiệm này yêu cầu những người chỉ huy trong quân đội đánh giá các phẩm chất của cấp dưới mình, bao gồm ngoại hình, khả năng lãnh đạo, lòng trung thành, trí thông minh và mức độ tin cậy.
Kết quả, những người có một phẩm chất được đánh giá cao thì cũng xếp hạng cao trong các phẩm chất khác. Ngược lại, nếu ai đó có một hoặc một số chỗ bị đánh giá tiêu cực thì các yếu tố còn lại của họ cũng xếp hạng thấp hơn.
Nhà tâm lý học người Mỹ đã kết luận: “Những xếp hạng này rõ ràng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách chúng ta tạo ra cảm nhận chung về một người, hoặc khá tốt, hoặc khá tệ; sau đó đưa ra các đánh giá về từng phẩm chất dựa theo cảm nhận chung này.” Từ đó, thuật ngữ Halo Effect chính thức ra đời.
Tìm hiểu về hiệu ứng Lan tỏa và những ảnh hưởng của nó đến những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống:
Thử nghiệm Đồng thuận giả
(False Consensus Experiment)
Vào cuối những năm 1970, Lee Ross và đồng sự đã thực hiện một nghiên cứu mang tính khai phá. Họ yêu cầu những người tham gia đưa ra giải pháp cho một cuộc xung đột giả tưởng, sau đó bảo họ ước tính số người sẽ chọn cách tương tự. Kết quả, bất kể người được hỏi chọn phương án nào thì họ đều có xu hướng tin rằng đại đa số cũng sẽ làm giống mình.
Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu cho một số sinh viên đeo một tấm sandwich board(*), với nội dung “Eat at Joe’s”(**), sau đó đi vòng quanh trường trong 30 phút.
(*)sandwich board: một dạng bảng quảng cáo dạng gấp có thể mang trên người, phủ phía trước và phía sau của người đeo.
(**)Eat at Joe’s: một cụm từ hư cấu với nội dung kêu gọi mọi người đến ăn tại Joe’s Diner – một địa điểm cũng hư cấu thường được dùng để chỉ những doanh nghiệp địa phương nhỏ, những chỗ không có thật, chỗ không ai nhớ tên,…
Những sinh viên này cũng được yêu cầu ước tính số người đồng ý mang nội dung quảng cáo trên người. Kết quả, các sinh viên “sẵn sàng đeo bảng” cho rằng nhiều người (62%) cũng làm tương tự, trong khi những sinh viên không làm thì tin chắc đa số (67%) cũng sẽ từ chối vì việc đeo biển đi quanh trường là một “hành động ngớ ngẩn”. Trong cả hai trường hợp, nhóm sinh viên đều tin tưởng rằng họ thuộc về số đông.
Kết quả từ những thí nghiệm này chứng minh cho điều mà tâm lý học gọi là hiệu ứng Đồng thuận giả: bất kể niềm tin, lựa chọn, hoặc hành vi của chúng ta là gì, chúng ta có xu hướng tin rằng phần lớn mọi người cũng đồng ý với mình và sẽ hành động giống mình. Điều này không chỉ dẫn ta đến niềm tin lệch lạc rằng ý kiến của mình được số đông hưởng ứng, mà nó còn có thể khiến một người đề cao quan điểm bản thân quá mức.
Thảo luận về bài viết