Sau một ngày dài làm đủ thứ chuyện đi đủ thứ nơi, bạn về nhà, vừa nằm kềnh ra sô-pha vừa tự hỏi những câu đại loại như “Liệu mình có thật-sự-cần-phải đi tắm không nhỉ?” hay “Bao lâu mới cần tắm một lần?”
Nhiều người tắm một lần trong ngày. Có người tắm hai lần hoặc nhiều hơn do hoạt động thể thao hoặc đặc thù môi trường sống, công việc,… Lại cũng có người vài ngày mới đi tắm một lần. Vậy thế nào mới là đúng?
Thắc mắc xung quanh chuyện vệ sinh thân thể
Chúng ta đều ít nhất một lần được nghe lời khuyên “Tắm sáng tốt cho sức khỏe.”, nhưng sự thật thì không tắm sáng cũng không mang đến nguy cơ tổn hại sức khỏe nào. Trong ngày, nếu hoạt động và di chuyển nhiều, chắc chắn bạn sẽ đổ mồ hôi. Nhưng cho dù thế, nếu bạn cảm thấy ổn với chuyện ‘rau mùi’ của mình, thì nghỉ tắm luôn hôm đó cũng được, vì chuyện tắm hàng ngày không thật sự cần thiết.
Đó là chưa kể, tắm mỗi ngày là chuyện gần như bất khả thi với một số người. Ngoại trừ những yếu tố khách quan (nước khan hiếm, môi trường / công việc không thuận tiện để có cơ hội tắm mỗi ngày,…), thì có những người mắc hội chứng sợ tắm – họ cảm thấy bất an, lo lắng mỗi khi phải đi tắm, từ đó né tránh triệt để chuyện tắm rửa.
Nhưng còn những trường hợp ‘ở giữa’ – không mắc bệnh, nhưng vẫn lười đụng nước? Điều đáng mừng là nếu bạn không tắm trong vài ngày thì sức khỏe thể chất của bạn cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tần suất đi tắm của một người phụ thuộc vào loại da, mức độ hoạt động, chế độ sinh hoạt của họ. Điều quan trọng hơn cần quan tâm là biết được tắm bao lâu, như thế nào, vào lúc nào,… thì sẽ phù hợp với cơ thể và lối sống của chính mình.
Mặc dù việc lười tắm không làm tổn hại sức khỏe, nhưng vẫn có một số tác động cần lưu ý, đặc biệt nếu bạn đang bị hoặc dễ mắc một số bệnh về da. Dưới đây là những gì có thể xảy ra với cơ thể ngọc ngà của bạn nếu nó không được vệ sinh trong hai ngày.
Dễ bị bệnh hơn
Làn da là rào chắn hữu hiệu che chở các cơ quan nội tạng khỏi những vi khuẩn có hại. Một ngày, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều loại vi trùng và vi khuẩn, ngay cả những ngày chỉ ở nhà không ra ngoài. Tắm có thể giúp ‘rửa trôi’ phần nào những vi sinh vật có hại, ngăn chặn chúng xâm nhập vào bên trong cơ thể (thông qua mắt, mũi, và miệng). Không tắm trong thời gian càng dài, bạn sẽ càng có nguy cơ bị cúm, hoặc mắc các chứng nhiễm trùng khác nhau, bao gồm nhiễm trùng da và phổi.
Thế nên, nếu không tắm thường xuyên, thì ít nhất cũng nhớ rửa tay nhé.
Dễ nổi mụn
Lười đi tắm đồng nghĩa với việc những gì cơ thể bài tiết ra thông qua mồ hôi… vẫn còn nguyên trên da mà không được loại bỏ hay làm sạch triệt để. Ngay cả khi bạn không vận động mạnh / không đổ mồ hôi, thì da vẫn tiết ra bã nhờn. Lớp nhờn tích tụ, cộng thêm vi khuẩn có sẵn trên da sẽ làm lỗ chân lông bị tắc, hình thành các nốt mụn.
Do đó, lười quá không tắm vài ngày cũng được, nhưng đừng quên rửa sạch mặt mũi, tay chân, và những nơi dễ đổ mồ hôi khác trên cơ thể mỗi ngày.
Sở hữu sạp ‘rau mùi’ ít nhất 30 loại
Bản thân mồ hôi hầu như không có mùi đối với con người. Chính sự nhân lên nhanh chóng của vi khuẩn và loại khí chúng tiết ra khi phân hủy mồ hôi thành axit mới là nguyên nhân gây ra mùi khó chịu.
Không đi tắm vài ngày sẽ càng làm tăng khả năng người khác né xa bạn hơn, vì những thứ mùi không-hề-dễ-chịu đang tỏa ra từ bạn. Mùi cơ thể khó chịu cũng được xếp trong top những thứ gây tắt hứng giữa các cặp đôi. Khăn lau, sản phẩm khử mùi, hay nước hoa không phải là giải pháp thay thế của tắm rửa đâu. Những gì còn ở đó sẽ vẫn còn ở đó khi sản phẩm hết tác dụng.
Vì thế, để đảm bảo sức khỏe tinh thần cho chính mình và cho những người xung quanh, hãy cố gắng tắm ít nhất mỗi 1-2 ngày.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh về da
Nếu bạn mắc một số bệnh về da như viêm da cơ địa (eczema), tắm rửa thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các đợt phát bệnh. Nhưng nhớ đừng tắm quá lâu, cũng như giữ nước không quá nóng. Sau khi tắm, dùng một ít dầu hoặc kem dưỡng để mát-xa làn da.
Da chết và lượng dầu nhờn tiết ra mỗi ngày sẽ nằm lại ở lớp trên cùng của làn da. Nếu hỗn hợp này không được rửa sạch, chúng có thể khiến da bạn bị ngứa, khô, sinh ra bong tróc và nứt nẻ, tệ hơn là tình trạng viêm da do lười tắm (dermatitis neglecta) – khi da trông như bị đóng mảng.
Nếu không tắm / tắm không đúng cách trong thời gian dài và thấy da bắt đầu xuất hiện mảng hoặc đốm nâu, bạn nên cân nhắc thay đổi lối sống, đồng thời tìm gặp bác sĩ để xem liệu có cần can thiệp y tế không nhé.
Thảo luận về bài viết