Tâm lý nạn nhân xảy ra khi một người đổ lỗi, quy trách nhiệm cho người khác về những thứ tồi tệ đang diễn ra hoặc đã xảy đến với mình. Theo cách nhìn của những người này, thì tất cả những thứ trong đời đều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ – hoặc cuộc sống toàn điều xui xẻo, hoặc “số mình sinh ra đã không may mắn”.
Ai trong chúng ta cũng có khả năng rơi vào cái bẫy ‘nạn nhân’ khi mọi chuyện không diễn ra theo ý mình. Sau hàng loạt những biến cố trong đời, những tổn thương thời thơ ấu, chúng ta bắt đầu tin tưởng rằng “cái số mình” là phải hứng chịu khổ đau, phải gặp đủ thứ xui rủi, hoặc luôn bị trói buộc không thể bứt phá.
Từ khi còn bé, A đã nhận thức được rằng dường như vận xấu luôn đeo bám gia đình mình. Gia cảnh khốn khó, suốt ngày bị mẹ mắng, bố thì mãi lận đận chân nhân viên quèn không thể thăng tiến, bạn bè trong xóm không chơi cùng – chẳng có gì là công bằng trong mắt A cả.
Lớn lên cũng thế, điểm kém là do bố mẹ đã không quan tâm đến chuyện học hành của A, hoặc do lỗi của giáo viên đã truyền đạt không kỹ. Khi gặp vấn đề về tài chính, thay vì nhìn vào sự thật rằng mình tiêu xài quá tay, thì A lại uất ức cho rằng mình không may mắn trong công việc, hoặc do mấy đứa bạn cứ rủ ăn uống suốt ngày. Cứ thế, A luôn là nạn nhân và luôn tự nhận mình là nạn nhân, nhất quyết không thay đổi nhận thức, dẫn đến chỗ gặp phải nhiều vấn đề hơn với cuộc sống của mình.
Tâm lý nạn nhân – Mãi mãi là người bị hại
Tâm lý nạn nhân là hệ quả của việc chúng ta nhìn nhận mình như thế nào, tin tưởng vào những giá trị nào. Nó không phải là hành động bộc phát nhất thời mà là một dạng ‘bài học’ ta tự rút ra cho mình sau một số sự kiện vô tình – khi mọi người sẵn sàng cho đi sự thông cảm và giúp đỡ nếu ta trông có vẻ ‘bất lực’ một chút.
Việc một người luôn cho rằng mình là kẻ bị hại không chỉ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với chính mình. Tâm lý nạn nhân có thể khiến họ mất dần cảm giác tự chủ và tinh thần độc lập, vì họ luôn từ chối việc gánh vác trách nhiệm. Chờ đợi bàn tay giúp đỡ của người khác sẽ khiến những nạn nhân tự phong này đánh mất cơ hội sống một cuộc đời tốt hơn – thứ đáng lẽ họ đã có thể đạt được nếu đủ can đảm để thay đổi hay để tự thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn độc hại hiện tại.
Thoát bẫy nạn nhân
Tự vấn
Bạn đã bao giờ đổ thừa người khác hay bảo tại hoàn cảnh chưa, đặc biệt là trong những trường hợp bạn biết rõ mình có có phần trách nhiệm?
Ngay cả khi ‘sự đóng góp’ của bạn trong việc đó hầu như có thể dễ dàng bỏ qua mà không ai phàn nàn, hãy thành thật nhìn nhận. Chuyện này không dễ làm, nhưng nó là một trong những bước quan trọng cần có để bạn có thể thay đổi góc nhìn của mình.
Tập chịu trách nhiệm cho hành vi của mình
Một trong những nguyên nhân khiến một người ‘muốn’ trở thành nạn nhân, đó là do khi ấy, họ nhận được sự thương hại từ người khác, cho dù trải nghiệm này nghe không có gì tích cực cả. Họ từ chối nhận lấy trách nhiệm với hy vọng mọi người sẽ đau khổ cùng mình, hoặc tuyệt hơn nữa là đau khổ ‘giùm’ mình. Bằng cách không chịu trách nhiệm, họ cũng đồng thời dâng hiến quyền làm chủ cuộc đời cho người khác.
Hãy thử liệt kê những khía cạnh cuộc sống mà bạn thấy cần / muốn có nhiều kiểm soát hơn, và dần tập chịu trách nhiệm với quyết định hoặc những gì xảy ra với mình trong những lĩnh vực đó trước khi học cách tự chủ cuộc đời mình.
Đối diện cảm xúc, chấp nhận chuyện đã xảy ra, và để nó lại trong quá khứ
Trải nghiệm đau buồn trong quá khứ cũng có thể khiến một người mãi ôm tâm lý nạn nhân. Nếu thế, hãy đối diện với việc này, cũng như những gì nó đã gây ra cho bạn. Bạn đã tổn thương – đó là sự thật. Bạn đã gặp những người không tốt – điều đó chẳng sai. Nhưng bạn cũng nên hiểu rằng chuyện gì thuộc về quá khứ thì đều không thể thay đổi được. Quan trọng là hiện tại, sau đó là tương lai.
Nếu bạn thấy khó khăn để tha thứ và học cách bước tiếp, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn về trị liệu hoặc tư vấn tâm lý.
Tạo ra một ‘câu chuyện’ mới
Nếu muốn vượt qua tâm lý nạn nhân, hãy thử tưởng tượng bạn đang xem một bộ phim nói về cuộc đời mình, vai chính tất nhiên là bạn. Bạn cảm thấy không hài lòng với cách nhân vật suy nghĩ và cư xử ư? Vậy hãy tạo ra một câu chuyện mới – với một nam / nữ chính dũng cảm hơn, chủ động giải quyết vấn đề hơn, có trách nhiệm với bản thân hơn. Sau đó tự mình ‘thử nghiệm’ câu chuyện đó để biết được những điều chỉnh này sẽ thay đổi câu chuyện như thế nào.
Biết ơn những gì mình có
Một môi trường làm việc độc hại khiến bạn căng thẳng, mệt mỏi, năng suất làm việc giảm đi thấy rõ, nhưng đồng thời nó cũng đem đến những bài học quý giá trong công việc và trong cách cư xử với đồng nghiệp, bên cạnh đó nó còn cho bạn những dấu hiệu cảnh báo để lần sau bạn biết đường mà né xa nơi độc hại tương tự. Một tình bạn tan vỡ làm bạn mất lòng tin vào con người, nhưng đồng thời bạn cũng học được cách quý trọng những người bạn chân thành và buông bỏ những mối quan hệ không còn phù hợp.
Thay vì tập trung vào những thứ mình không có, hoặc những chuyện đã xảy ra khiến bạn “lâm vào hoàn cảnh này”, hãy thử đổi góc để nhìn vào những thứ có sẵn đang hiện diện xung quanh. Chúng có thể chưa hẳn tuyệt vời theo mong muốn của bạn, nhưng chúng là những gì bạn có được sau tất cả những trải nghiệm quá khứ.
Bài: HealthyPlace
Ảnh: Psych2Go
Xem thêm:
Chuyện tắm rửa – Bao lâu mới phải đi tắm một lần?
Âm nhạc có thể gây tổn hại cho con người không?
Vì sao bên ngoài càng tĩnh lặng, bên trong càng nổi sóng?
Thảo luận về bài viết