Cùng đến với phần tiếp theo của những bộ anime tuổi thơ nhé.
Thám Tử Lừng Danh Conan
Tên tiếng Nhật: Meitantei Conan (名探偵コナン)
Độ dài: 975+ tập, 23 tập phim điện ảnh , 12 tập OVA, 8 tập Magic File
Thể loại: hài hước, tình cảm, trinh thám
Thám Tử Lừng Danh Conan là một bộ manga Nhật Bản được vẽ và minh họa bởi Aoyama Gosho. Bộ truyện này được lấy ý tưởng một phần từ các tác phẩm của Edogawa Ranpo. Nhờ vào sức hút của mình, năm 2001, Thám Tử Lừng Danh Conan đã nhận được giải Manga Shogakukan lần thứ 46 cho hạng mục shounen. Các tập manga đã bán được khoảng 230 triệu bản trên toàn thế giới.
Sau khi manga được phát hành, series cũng được chuyển thể thành anime bởi Yomiuri Telecasting Corporation và TMS Entertainment, do Kenji Kodama và Yasuichiro Yamamoto đạo diễn.
Bộ phim bắt đầu từ ngày 19/1/1996 cho đến tận bây giờ. Cho đến nay, hơn 900 tập được phát sóng đã đưa anime này lên vị trí thứ 6 trong số những bộ phim hoạt hình nhiều tập nhất tại Nhật Bản.
Bên cạnh sự thành công của anime, nhiều tập phim chủ đề, ngoại truyện (OVA), trò chơi điện tử, đĩa nhạc, phim live action cũng được ra đời. Ngoài ra, Conan còn được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức và Ý. Theo một cuộc bình chọn do mạng lưới truyền hình TV Asahi tổ chức vào năm 2005 – 2006 thì phim nằm ở vị trí thứ 23 trong top 100 anime.
Chú Chuột Không Gian
Tên tiếng Nhật: Toppo Jijo (トッポ・ジージョ)
Độ dài: 34 tập
Thể loại: hài hước
Nhân vật chính Topo Gigio là một anh hùng chuột. Cậu sống ở thế kỉ 24 trong tương lai với nhiệm vụ chính là điều khiển tên lửa không gian. Một lần, gặp sự cố khi đang du hành, Gigio phải hạ cánh khẩn cấp tại một bãi rác thuộc thị trấn Casarina tại thời điểm… 400 năm trước.
Gigio bắt đầu sống trong căn hộ của một ông già và nhận được sự giúp đỡ từ tổ tiên của Rat Arnor – một người bạn của cậu trong thế kỷ 24. Sau đó, Topo Gigio đã được gặp gỡ và làm quen với cô gái xinh đẹp Gina.
Chú Chuột Không Gian được phát sóng vào ngày 27/4/1988 đến ngày 21/9/1988 do hãng phim Nippon Animation thực hiện. Sau đó nó được chiếu ở Ý vào năm 1992. Ở Nhật Bản, bộ phim được chiếu hằng ngày trong khung giờ từ 18:50 đến 19:20, trở thành chương trình giải trí yêu thích dành cho các em nhỏ sau một ngày học tập mệt mỏi.
Thủ Lĩnh Thẻ Bài Sakura
Tên tiếng Nhật: Cardcaptor Sakura (カードキャプターさくら)
Độ dài: phần 1+2 (70 tập), phần 3 (22 tập)
Thể loại: cô gái phép thuật, lãng mạn
Thủ Lĩnh Thẻ Bài Sakura là loạt shoujo manga được sáng tác và minh họa bởi nhóm họa sĩ truyện tranh CLAMP. Bộ truyện được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Nakayoshi từ tháng 5/1996 đến tháng 6/2000.
Để kỉ niệm 20 năm phát hành manga, CLAMP đã bắt tay vào viết thêm phần mới của truyện tên là Thủ Lĩnh Thẻ Bài – Thẻ Bài Pha Lê, đăng thường kỳ trên Nakayoshi từ tháng 7/2016. Đến năm 2018, phần mới này được chuyển thể thành anime với thời lượng 22 tập phim.
Thủ Lĩnh Thẻ Bài Sakura đã được chuyển thể thành anime truyền hình dài 70 tập bởi Madhouse, phát sóng tại Nhật Bản trên kênh NHK BS2 từ tháng 4/1998 đến tháng 3/2000. Hai bộ phim điện ảnh cũng được hãng này sản xuất và công chiếu vào tháng 8/1999 và tháng 7/2000. Một số sản phẩm liên quan khác như trò chơi điện tử, artbook, sách tranh, truyện tranh anime và tiểu thuyết anime… cũng được bày bán rộng rãi.
Vua Câu Cá
Tên tiếng Nhật: Grander Musashi (グランダー武蔵)
Độ dài: phần 1 (25 tập), phần 2 (39 tập)
Thể loại: phiêu lưu, kỳ ảo, thể thao
Vua Câu Cá là bộ manga Nhật Bản được tạo ra bởi Teshirogi Takashi, sau đó được chuyển thể thành anime do Nippon Animation sản xuất. Mùa đầu tiên được phát sóng trên kênh TV Tokyo từ ngày 2/4/1997 đến ngày 24/9/1997. Mùa thứ hai tiếp tục được chiếu từ ngày 4/4/1998 đến ngày 26/12/1998.
Musashi Kazama là một cậu học sinh tiểu học bình thường, do công việc của cha mình nên cả hai cha con phải chuyển đến ngôi làng trên núi. Musashi không thích vùng nông thôn này vì ở đây rất bất tiện, ngay cả cửa hàng tiện lợi cũng không có.
Nhưng trong một lần tình cờ, Musashi nhìn thấy người ta bắt được một con cá xinh đẹp và ngay lập tức, cậu đã bị thu hút bởi bộ môn câu cá này. Cậu không hay biết rằng ông của mình – người đã mất tích từ 3 năm về trước chính là một tay câu cá nổi tiếng thế giới. Thậm chí mẹ của cậu cũng được nhiều người biết đến với tài năng của mình.
Do được thừa hưởng dòng máu có truyền thống câu cá lâu đời, Musashi cũng bắt đầu cuộc hành trình của mình trên con đường đi tới danh hiệu đệ nhất. Cậu đã làm quen được với nhiều người bạn và mở ra cánh cổng đến với thế giới mới.
Không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường, bộ môn câu cá trong phim này còn được gắn liền với những “huyền thoại” và cuộc chiến cam go để leo lên đến đỉnh vinh quang. Sự mất tích của mẹ và ông Musashi khiến thân phận cậu càng thêm bí ẩn. Yếu tố kỳ ảo cũng khiến cho việc câu cá trở nên thú vị hơn và không còn nhàm chán như trước nữa.
Đào Thái Lang, Kim Thái Lang
Tên tiếng Nhật: Momotaro Densetsu (桃太郎伝説)
Độ dài: Phần 1 (51 tập), phần 2 (24 tập)
Thể loại: phiêu lưu, hài hước
Momotaro Densetsu vốn là một loạt trò chơi điện tử nhập vai ở Nhật Bản được phát hành bởi Hudson Soft với các nhân vật có nguồn gốc từ văn hóa dân gian Nhật Bản như Momotarou, Urashima Tarou hay công chúa Kaguya…
Vào năm 1987, bộ phim anime chuyển thể bắt đầu được sản xuất bởi Hudson Soft. Đạo diễn chính của dự án này là Akira Sakuma, người minh họa là Takayuki Doi và sản xuất âm nhạc chính là Kazuyuki Sekiguchi thuộc Nam All Stars. Sau 2 năm làm việc, Momotaro Densetsu chính thức được lên sóng trên kênh TV Tokyo từ ngày 2/10/1989 đến ngày 1/4/1991.
Cốt truyện chính dựa trên câu chuyện cổ tích “Momotarou”. Trong đó nhân vật chính Momotaro cùng đồng hành với chó, khỉ và chim trĩ để đánh bại lũ quỷ Onigashima. Tuy nhiên, nhiều thế giới cổ tích khác như “Hanasaki Kajisan”, “Kintaro”, “Taro Urashima” cũng xuất hiện trong câu chuyện. Vì vậy chúng ta có thể xem Momotaro Densetsu giống như một tác phẩm cover của truyện cổ tích.
Bộ phim đã vẽ lên một thế giới cổ tích mang phong cách Nhật Bản nên các thuật ngữ được sử dụng khá chuẩn Nhật. Vì đối tượng chủ yếu là các em thiếu nhi nên khi những con quỷ đối mặt với kẻ thù cũng sẽ không thực hiện những hành động xấu xa đẫm máu như giết hoặc làm tổn thương con người để tránh ảnh hưởng tới tâm trí của các em.
Hiệp Sĩ Lợn
Tên tiếng Nhật: Tonde Buurin (愛と勇気のピッグガール とんでぶーりん)
Độ dài: 51 tập
Thể loại: Hoạt hình thiếu nhi
Thông thường, những nhân vật nữ trong anime thuộc thể loại mahou shoujo sau khi biến hình đều trở nên xinh đẹp hơn với những bộ trang phục có thiết kế mới lạ, đáng yêu. Tuy vậy Hiệp Sĩ Lợn thì lại không phải như vậy. Cô bé nhân vật chính chỉ có thể biến hình thành lợn thôi, nhưng đây là một cô lợn có ý chí, luôn làm việc tốt giúp đỡ mọi người.
Vào một ngày đẹp trời, cô bé Karin Kokubu vô tình tìm thấy một con lợn con màu vàng đang đói bụng. Cô cho con lợn đó một trái táo, nhưng không ngờ nó lại bám theo đến tận trường học. Sau khi trở về nhà, con lợn biến mất, chỉ để lại một hộp gương. Do tò mò nên Karin mở nó ra. Cô bất ngờ bị một cái mũi lợn dính chặt vào mũi.
Ngay lúc đó con lợn kia xuất hiện, nói rằng nó chính là hoàng tử Tonrariauno của hành tinh Buuringo. Tonrariauno giải thích rằng cái mũi lợn đó có thể giúp Karin biến thân thành một con lợn màu hồng có sức mạnh phi thường. Mỗi lần làm việc tốt cô bé sẽ được nhận một viên trân châu. Khi thu thập đủ 108 viên trân châu Karin sẽ được biến thành hình tượng mà mình thích.
Tuy nhiên Karin không được cho ai biết thân phận thật sự của mình, nếu không cô bé phải ở trong hình dạng Burin mãi mãi. Đồng thời việc thu thập trân châu phụ thuộc vào tấm lòng, nếu cô bé lợi dụng sức mạnh của mình để làm việc xấu thì sẽ bị mất trân châu.
Hiệp Sĩ Lợn vốn là một bộ manga hài của tác giả Taeko Ikeda. Sau khi manga được phát hành, phiên bản anime dựa trên bộ truyện này đã được sản xuất bởi hãng phim Nippon Animation và phát sóng trên đài TBS ở Nhật Bản từ ngày 9/9/1994 đến ngày 26/8/1995. Ở Việt Nam, Hiệp Sĩ Lợn đã được lồng tiếng và phát hành bởi Fafilm vào năm 1995. Do bản phim này dựa trên bản phát hành tại Hồng Kông nên tên các nhân vật được phiên âm ra Hán Việt.
(Tổng hợp)
Thảo luận về bài viết