#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
The Little Mermaid (Nàng Tiên Cá) – live-action gây-tranh-cãi của một trong những bộ phim hoạt hình được yêu thích nhất mọi thời đại của Disney – mới đây lại tiếp tục khiến mọi người hoang mang sau khi những hình ảnh đầu tiên về quá trình ghi hình được hé lộ.
The Little Mermaid (tên tiếng Đan Mạch: Den lille havfrue) là một truyện cổ tích Đan Mạch được viết bởi tác giả Hans Christian Andersen, xuất bản lần đầu năm 1837 trong một tuyển tập cổ tích dành cho thiếu nhi. Câu chuyện xoay quanh một nàng tiên cá trẻ tuổi không có tên sống dưới đáy biển sâu. Vì tình yêu và mong muốn có được linh hồn ‘sống mãi’ của con người, nàng đã không ngần ngại từ bỏ cuộc sống loài tiên cá, và sau cùng là chính bản thân mình.
Câu chuyện gốc từ lâu đã trở thành đề tài cho nhiều cuộc phân tích của các nhà phê bình, các học giả chuyên về văn chương và văn học dân gian – từ việc giải thích các chủ đề trong tác phẩm cho đến đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao Andersen lại viết ra một câu chuyện bi kịch nhưng cho nó một cái kết có hậu. Nàng tiên cá được xem như một trong những biểu tượng khi nhắc đến vùng đất Bắc Âu này. Tại Copenhagen (Đan Mạch) – nơi câu chuyện ra đời và được xuất bản lần đầu – vẫn còn một bức tượng của nàng.
Câu chuyện về nàng tiên cá nhỏ với trái tim thuần khiết, nhân hậu cũng đã được chuyển thể nhiều lần trên sân khấu nhạc kịch, anime, ballet, opera, và phim truyện. Trong đó, nổi bật nhất có lẽ là bộ phim hoạt hình The Little Mermaid do Disney thực hiện năm 1989. Bộ phim được yêu thích đến mức nó dường như trở thành ‘đại diện’ duy nhất cho câu chuyện cổ tích này. Nhắc nàng tiên cá, không ít người lập tức liên tưởng đến hình ảnh của Ariel với cặp má bầu bĩnh, mũi nhỏ, mắt to, mái tóc đỏ bồng bềnh, cùng chất giọng thánh thót say lòng người.
Không chỉ lứa khán giả trong thập niên 80-90, mà những người xem trẻ tuổi hơn của hiện tại vẫn không ngừng yêu thích hình ảnh cô gái trẻ xinh xắn, độc lập, tự tin, dũng cảm, dám lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình trong The Little Mermaid. Chính vì thế, khi có thông tin đến lượt Nàng Tiên Cá được Disney chuyển thể live-action, người hâm mộ đã vô cùng mong ngóng.
Thế nhưng bên cạnh đó, với xu hướng tái định hình hầu như tất cả những bộ phim kinh điển của mình trong các nỗ lực chuyển thể gần đây, tỉ như…
… thay đổi gần như hoàn toàn hình tượng nhân vật Tiên Hắc ám Maleficent trong chuỗi phim về nhân vật này,
hay như việc ‘biến đổi’ LeFou – vốn trong hoạt hình chỉ làm chân ‘lon ton’ của Gaston, sang đến bản live-action đã được tô vẽ và khắc họa đa chiều hơn, không còn là một nhân vật làm nền mà đôi lúc chiếm hẳn spotlight với tính tình ‘xéo xắt’ cùng những câu cà khịa sâu cay – …
… thế nên dân tình cũng không khỏi nơm nớp xem lần này Disney sẽ ‘điều chỉnh’ khía cạnh nào trong live-action sắp ra mắt.
And ta-daaa~
Từ thế này…
… đến thế này. ‘Hết hồn’ thật sự với Disney!
Khi Disney thông báo ca sĩ-diễn viên trẻ người da màu Halle Bailey sẽ đảm nhận vai chính Ariel, The Little Mermaid đã lập tức trở thành chủ đề nóng hổi. Mặc dù đã cố gắng đa dạng hóa dàn nhân vật của mình nhưng mãi đến 2009 thì Disney mới có một nàng công chúa da màu gốc Phi, chính là Tiana trong The Princess and the Frog.
Phản ứng dữ dội của người hâm mộ trước thông tin này cũng là điều có thể đoán trước. Tạm không nhắc đến chuyện chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh nàng tiên cá da trắng tóc đỏ, thì ý tưởng về một ‘tiên cá da màu’ là một quyết định vô cùng táo bạo của Disney, vì nó đi ngược lại cách tạo hình nhân vật đặc trưng của Nhà Chuột trong suốt thời gian dài.
Hầu hết các nhân vật nữ, đặc biệt là nữ chính (là người) trong các bộ phim Disney / Pixar đều có khuôn mặt với những đường nét từa tựa nhau. Trong khi nam giới có thể có nhiều kiểu mặt (hàm vuông mũi ngắn, hàm tròn mũi dài,…) thì hình dạng khuôn mặt của nữ giới gần như được ‘đúc cùng một khuôn’, với mặt tròn, má bầu, mắt to, mũi gọn / nhỏ.
Đặc trưng này xuất hiện không chỉ trong các phim hoạt hình CGI mà còn có thể bắt gặp trong những bộ phim hoạt hình 2D trước đây của Disney. Belle trong Beauty and the Beast, Jane trong Tarzan, hay Jasmine trong Aladdin đều mang gương mặt nữ-chính-Disney điển hình với ‘người mở đường’ là Ariel trong The Little Mermaid.
Điều đó có nghĩa là trong hơn 30 năm qua, Disney đã ‘bán’ một khuôn mặt cụ thể để nó trở thành hình tượng lý tưởng cho các bé gái – một khuôn mặt với những đường nét đặc trưng của người da trắng, cho dù nó khá ‘vô lý’ về mặt giải phẫu học.
Và giờ đây, nhân vật da trắng tóc đỏ với khuôn mặt đặc trưng 30 năm của Disney sẽ được ‘đập đi xây lại’ để thành một cô gái trẻ da đen. Về mặt biểu tượng mà nói thì đây quả là một sự tiến bộ đáng hoan nghênh. Còn về việc liệu đây có phải là một nước đi mạo hiểm xứng đáng hay không, thì điều đó còn phải chờ ngày phim ra mắt.
Công bằng mà nói, chúng ta – với tư cách khán giả hóng phim – có thể yên tâm 7-8 phần rằng Disney sẽ không thực hiện những thay đổi lớn đến thế chỉ để cho vui (hoặc tệ hơn là để tạo một ít drama, giật một vài tít báo). Tuyến truyện và tính cách được thêm thắt cho nhân vật LeFou cũng như câu chuyện đời hoàn chỉnh của Maleficent với những tình tiết không ai ngờ tới có thể được xem là những minh chứng khá thuyết phục.
Có lẽ cũng giống như Ariel khi chấp nhận hy sinh giọng hát thần tiên để đổi lấy đôi chân và cơ hội được đến gần người mình yêu, Disney cũng đã nhìn thấy được ‘điều gì đó’ trong lần đánh cược này. Việc cast Halle Bailey cho vai chính trong live-action The Little Mermaid sắp tới đây là một tín hiệu cho thấy Disney đã sẵn sàng nhìn lại những gì mình từng thực hiện bằng con mắt đánh giá khắt khe hơn.
Thảo luận về bài viết