Mạng tuy ảo, nhưng nhiều thứ lại mang cảm giác ‘thật’ đến mức khó tin – ai đó ‘hủy kết bạn’ hay ‘bỏ theo dõi’ mình là một chuyện như vậy.
Với nhiều người thì mất đi một lượt theo dõi trên Instagram – ngay cả khi đó chỉ là một người và họ cũng không mấy thân quen với người đó – là một việc có sức tàn phá nặng nề, mang lại những cảm xúc tiêu cực có lẽ cũng không kém khi bị một người bạn thẳng thừng tuyên bố “Nghỉ chơi!” ngoài đời.
Mạng dù ảo, nhưng có những thứ lại rất thật. Không biết từ bao giờ mà đối với chúng ta, bỏ-theo-dõi trên Instagram đã trở thành tín hiệu ngầm xác nhận rằng ai đó và ai đó đã không còn liên quan gì đến nhau ngoài đời nữa. Với hội hâm mộ idol thì điều này càng rõ ràng hơn – chỉ cần idol bỏ theo dõi hay bật theo dõi ai là đã đủ để mọi người hồi hộp, suy đoán, kéo theo hàng trăm kiểu tin đồn ra đời.
Người nổi tiếng thì thế, còn người không nổi tiếng thì sao? A. – một bạn trẻ 27 tuổi bình-thường-như-con-đường – cho biết A. cảm thấy vô cùng khó chịu mỗi khi mất đi một người theo dõi, “Hầu như mỗi lần cầm điện thoại, mình đều phải vào Instagram để check số followers.” Và nếu con số này giảm thì tâm trạng của A. cũng theo đó mà đi xuống.
Vì sao ai đó ‘bỏ theo dõi’ bạn lại gây ra cảm giác thật đến thế?
Hành động bỏ theo dõi có thể được xem như thay lời tuyên bố rằng, ai-đó đã không còn liên quan gì đến bạn nữa. “Mạng ảo mà~” … thì ảo thật, nhưng đứng trên góc độ tâm lý học thì sự tổn thương bạn cảm thấy bắt nguồn từ một thứ vô cùng thực tế, dù ảo hay thật – cảm giác bị chối bỏ.
Loài người có nhu cầu gắn bó và nhu cầu được công nhận. Mỗi cá nhân sẽ cần được thỏa mãn nhu cầu ấy theo những cách khác nhau. Các nền tảng truyền thông mạng xã hội như Instagram là một trong những nơi có thể giúp chúng ta đạt được trạng thái thỏa mãn đó, miễn là ta vẫn có một lượng lớn người theo dõi và các bài đăng vẫn được thả nhiều tim.
Nhưng nếu có ai đó quyết định “không chơi nữa” thì ta sẽ cảm thấy… có gì ngay lập tức. Trong cuộc sống thực, việc mất liên lạc diễn tiến tự nhiên và ít ‘dấu hiệu’ hơn – bạn bè tốt nghiệp ra trường ít liên lạc lại, đồng nghiệp cũ không còn làm chung nên cũng ngừng rủ đi ăn, một số người đã lâu không còn trả lời gì trong group chat,…
Nhưng trong thế giới mạng xã hội, theo góc nhìn của chúng ta, thì ‘bỏ theo dõi’ là một hành động ngừng liên lạc có chủ đích – không như kiểu hết quan tâm rồi ngừng thả tim, mà là bấm vào hình (hoặc vào tận profile cá nhân) để chọn unfollowing.
Nếu muốn, bạn có thể tìm hiểu xem ai ‘nghỉ chơi’ mình. Có rất nhiều ứng dụng theo dấu những kẻ bỏ theo dõi (track unfollowers) sẵn sàng giúp đỡ bạn. Nhưng rất tiếc những app này không thể làm gì nhiều để vỗ về tâm hồn đang đau khổ của bạn ngoài việc xát thêm ít muối vào đó, với những dòng thông báo lạnh lùng rằng [ABC] đã quyết định phớt lờ bạn vĩnh viễn.
Hoặc, có lẽ bạn thích đóng vai thám tử để tự điều tra kẻ đã dám quay lưng với những hình ảnh lung linh xinh đẹp của mình. Đây cũng là phản ứng phổ biến nhất của những ai bị ám ảnh lượt followers. Điều này hoàn toàn không mất thời gian chút nào vì có khi họ đã thuộc nằm lòng danh sách người theo dõi.
Chúng ta mất công để biết ai không còn theo dõi mình vì đâu?
Không chỉ ám ảnh bởi lượng followers, nhiều người còn ‘đi xa’ đến độ tìm hiểu xem ai đã bỏ theo dõi mình, và họ làm thế vì điều gì, mặc dù toàn bộ quá trình truy dấu này chẳng khác một hình thức tra tấn tâm lý là bao.
B. – một người dùng mạng xã hội 24 tuổi – cho biết đã từng mở một cuộc điều tra khi nhận thấy có vài người bạn thời trung học bỏ theo dõi Instagram của mình. B. dành thời gian soi kỹ từng bài đăng, mỗi bình luận của nhóm bạn để tìm cho được lý do họ bỏ theo dõi mình – liệu họ cho rằng những gì B. post là ‘quá lố’ hay ‘chưa đủ đẹp’, hay gì khác.
Quá trình tìm hiểu này còn dùng để phục vụ mục đích trả đũa: biết ai bỏ theo dõi mình để mình hủy theo dõi ‘nó’ lại. C. chia sẻ rằng sẽ không chần chừ mà bấm unfollow kẻ-phản-bội ngay lập tức. Nếu đó là người C. có quen biết, không kể thân sơ, thì việc họ bỏ theo dõi sẽ càng làm C. hoang mang và cảm thấy tổn thương hơn nữa. “Mình thấy buồn thật sự. Sau đó thường mình sẽ xem lại trên feed, lưu trữ những ảnh mà mình nghĩ là nguyên nhân khiến người ta bỏ theo dõi.”
Theo dõi hay không theo dõi, rốt cuộc nó có ý nghĩa gì?
Ngược lại, nhiều người hầu như không nhận biết hoặc chẳng hề quan tâm chuyện có ai đó đã theo dõi hay bỏ theo dõi mình. D. – người dùng 26 tuổi – cho biết, “Nếu tụi mình không thân, hoặc mình và người đó không phải bạn bè trên những trang khác nữa, thì chuyện họ unfollow mình cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Cho đỡ chật nhà.”
Vậy đấy, thay vì xem ‘bỏ theo dõi’ là tuyên bố nghỉ chơi, thì D. lại xem nó như một đợt dọn dẹp nhà cửa. Hầu hết người dùng mạng xã hội trên bất cứ nền tảng nào cũng đã từng một lần ‘rảnh rỗi’ vào xem lại từ đầu đến cuối danh sách bạn bè / người theo dõi và xóa đi những ‘bạn’ mà mình đã chẳng còn trò chuyện cùng, những tài khoản đã ngưng hoạt động từ lâu, hoặc những nguồn cung cấp thông tin không còn phù hợp hay có ích ở hiện tại.
Nếu bạn cảm thấy tiêu cực về việc mất người theo dõi, thì cách đơn giản (mặc dù không phải cách dễ làm) nhất là ngừng check danh sách followers thường xuyên, đồng thời né luôn các thể loại ứng dụng hứa hẹn sẽ cho bạn biết ai đã bỏ theo dõi / hủy kết bạn / hay vào xem profile của bạn. Có hai lý do – một, là app thật cho thông tin chính xác thì ít mà app đểu chuyên đánh cắp thông tin cá nhân thì nhiều; và hai, là chúng chẳng giúp được gì ngoài việc làm tăng nỗi ám ảnh và những đợt hoang mang lo lắng của bạn lên.
Bạn không cần thiết phải bỏ công sức quản lý nội dung hay điều chỉnh trang chủ của mình chỉ nhằm mục đích thu hút người theo dõi mới và giữ chân người theo dõi cũ. Mạng ảo rồi, đến bản thân mình cũng phải cố để ảo theo thì chẳng chóng thì chầy không còn biết đâu là thật đâu là giả mất. Ai đó có thể thích hoặc ghét bạn. Họ cũng có quyền quyết định sẽ theo dõi bạn hoặc không. Đơn giản thế thôi.
Ảnh minh họa: instamber
Xem thêm:
15 quy tắc trên mạng xã hội ta cần để ý
Có phải mạng xã hội chỉ đem lại tác động tiêu cực không?
The Social Dilemma: Khi chúng ta là những con rối của mạng xã hội
Thảo luận về bài viết