“Công nghệ đang phá hủy cuộc sống của con người.” Không sai, nhưng cũng chưa hẳn đã đúng.
Công nghệ đem đến những tác động tiêu cực, điều đó không phủ nhận. Một số ví dụ có thể kể đến như:
– Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO): khi chúng ta không thể ngừng lướt web để cập-nhật-tin-tức vì không muốn thành người tối cổ;
– Bẫy nhận thức vì thông tin một chiều: khi các thuật toán mạng xã hội đọc vị và ‘mớm’ cho ta thật nhiều những thông tin liên quan đến những gì mình hay tương tác, từ đó dẫn đến việc dễ rơi vào bẫy nhận thức khi thiếu vắng thông tin và quan điểm từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Ngoài ra, những vấn đề khác như lạm dụng điện thoại thông minh, bắt nạt mạng, doomscroll,… cũng là những thứ cần quan tâm vì chúng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Nhưng bên cạnh đó, ta dường như ‘bỏ quên’ mất mặt tích cực của công nghệ – những cách mà nó giúp tạo ra niềm vui. Với video call, những mối quan hệ ở xa bỗng chốc như được kéo lại gần. Hay ngoài những tin tức tiêu cực thì đâu thiếu gì những bài báo và những trang web được dành riêng cho những điều dễ thương.
Để công nghệ thôi hủy hoại cuộc sống, cách tốt nhất không phải bỏ hẳn nó đi, mà là hãy khéo léo tận dụng những mặt có ích để giúp cải thiện sức khỏe, hạnh phúc, và chất lượng cuộc sống của bạn.
Chủ động thực hiện những hoạt động giúp tăng cường niềm vui
Nền tảng truyền thông mạng xã hội cho chúng ta cơ hội được kết nối với mọi người, đồng thời chủ động tham gia hoặc thực hiện những hoạt động giúp tăng cường niềm vui. Chỉ cần một dòng tin nhắn cảm ơn hay một chiếc gif ‘ôm ôm’ cũng đủ để vực dậy tinh thần ai đó rồi, đặc biệt trong tình trạng mọi người ít có cơ hội gặp gỡ trực tiếp do dịch bệnh hiện nay.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, giữa những người trẻ tuổi có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ họ bày tỏ bản thân một cách sáng tạo, nhận được cảm hứng từ những người khác và hơn nữa là làm vơi bớt cảm giác cô độc. 30% người trẻ tuổi với các triệu chứng trầm cảm gia tăng nói rằng việc sử dụng mạng xã hội khi cảm thấy chán nản, áp lực hay lo lắng thường khiến họ cảm thấy khá hơn, trong khi chỉ 22% trả lời ngược lại.
Chủ động tương tác hơn
Đa số những người sử dụng Facebook một cách thụ động như chỉ lướt newsfeed mà không tương tác gì với ai khác thường có xu hướng chịu ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội hơn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng mạng xã hội một cách thụ động có thể kích thích những hành vi so sánh xã hội, ví dụ như cảm thấy bản thân thấp kém hoặc ganh ghét người khác.
Trong khi đó, những người dùng Facebook một cách chủ động hơn (như react bài đăng, bình luận, post bài,…) sẽ chịu ít tác động tiêu cực hơn. Điều này có nghĩa rằng tương tác với người khác (hoặc cộng đồng riêng của bạn) sẽ giúp khơi gợi cảm giác được kết nối, giúp ta không còn cảm thấy mình bị cô lập trên mạng xã hội.
Đặt ra những mục tiêu và thói quen mới
Có vô số ứng dụng ra đời nhằm giúp chúng ta phát triển và duy trì một lối sống lành mạnh hơn. Mặc dù không phải tất cả các app về sức khỏe đều có hiệu quả như nhau, nhưng chúng cũng cho thể chỉ ra giúp bạn những kỹ năng, kiến thức mới mà bạn có thể tìm hiểu, luyện tập – chẳng hạn như kỹ thuật điều hướng cảm xúc, xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, hoặc các app hướng dẫn thể dục tại nhà.
Tìm cho mình những thông tin liên quan đến sức khỏe, hạnh phúc, hoặc các thông tin tích cực nói chung
Trí tuệ nhân tạo ‘biết’ bạn thích gì dựa vào hoạt động của bạn trên mạng xã hội, sau đó đưa ra gợi ý về những nội dung tương tự để ‘xem thêm’. Chúng ta hoàn toàn có thể ‘lợi dụng’ điều này để xây dựng cho mình một newsfeed sạch và bổ ích.
Để làm được điều đó, trước hết bạn cần ‘mạnh dạn’ từ bỏ những trang web hay những tài khoản chứa nội dung đã không còn phù hợp với mình nữa. Tiếp theo, thử tìm kiếm một vài địa chỉ chuyên cung cấp thông tin hữu ích, đáng tin cậy (và để AI lo nốt phần còn lại). Bên cạnh đó, đừng quên bổ sung thêm những địa chỉ với thông tin đa chiều để tránh bản thân rơi vào những chiếc ‘bẫy’ nhận thức.
Công nghệ có thể làm tổn hại niềm vui của chúng ta, đặc biệt là nếu chúng ta cho phép chúng can thiệp vào hay khiến ta từ bỏ các tương tác trực tiếp. Thế nhưng bạn không cần phải ‘tắt hết vứt hết’, mà chỉ cần cẩn trọng hơn khi sử dụng nó – theo những cách có thể củng cố niềm vui cuộc sống.
Nguồn: The Greater Good Science Center
Xem thêm:
Bỏ theo dõi – Mạng ảo nghỉ chơi thật hay chỉ là dọn nhà đỡ chật đất?
Có phải mạng xã hội chỉ đem lại tác động tiêu cực không?
Doomscroll: Thói quen dìm mình trong tin buồn
Thảo luận về bài viết