Không gì có thể hoàn hảo bằng việc được ngủ nướng cả sáng ngày chủ nhật, nằm ườn trong điều hoà những ngày nóng bức. Tuy vậy, điều này lại khiến cho những người luôn tràn ngập năng lượng nhất cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi và uể oải. Trong cuộc sống, việc cảm thấy trì trệ hay không có động lực để vận động là điều hoàn là hoàn toàn bình thường (thậm chí là có thể dự đoán được). Nhưng dẫu vậy, ta vẫn cần cố gắng vượt qua cơn lười biếng bằng mọi cách, bởi xét cho cùng, việc giữ gìn một cơ thể khoẻ mạnh vẫn luôn là điều quan trọng nhất.
Nhà nghiên cứu tế bào học đồng thời là tiến sĩ Dược Celina Nadelman cho biết, việc vận động cơ thể không chỉ giúp cải thiện sức khoẻ thể chất mà còn rất quan trọng cho quá trình duy trì và cải thiện sức khỏe não bộ. Trong bài viết này, Tiến sĩ Nadelman và các chuyên gia khác sẽ giải thích với bạn những điều có thể xảy ra với trí não khi chúng ta không vận động đầy đủ.
Thiếu vận động khiến não bộ dễ rơi vào trạng thái lo âu và trầm cảm
Nhiều người đã trải qua cảm giác sợ hãi và lo lắng tột độ trong đại dịch. Một phần nguyên nhân có thể đến từ quá trình ngừng vận động trong suốt thời gian dài. Theo bác sĩ trị liệu tự nhiên Katy Firsin, khi vận động, cơ thể sẽ trực tiếp tiết ra các chất gây hưng phấn cho bộ não như anandamide và endocannabinoids. Những chất này không chỉ ngăn chặn các cơ quan cảm nhận cơn đau mà còn tăng cảm giác vui vẻ. Khi thiếu hụt các hormone kể trên, chúng ta dễ thấy lo lắng và buồn bã. Firsin cho biết thêm: “Các hoá chất này cũng ảnh hưởng đến cơn đau, đồng thời tạo ra mối liên hệ chặt chẽ với sức khoẻ tâm lý của mỗi người”.
Để thoát khỏi hiện tượng này, bạn không cần dành hàng giờ tập luyện trên máy chạy. Chúng ta chỉ cần đứng dậy vươn vai, đi bộ trong nhà 10 phút hoặc thường xuyên di chuyển.
Cơ thể trì trệ khiến bộ não gặp khó khăn khi giải quyết vấn đề
Hãy nghĩ về lần cuối ta gặp khó khăn trong cuộc sống. Khi đó, bạn có bất lực trong việc tìm ra giải pháp, hay bạn có nhớ được cách thức giải quyết vấn đề nào trong quá khứ để tham khảo không? Nếu câu trả lời là “có”, rất có thể nguyên nhân đến từ việc cơ thể ta đã vận động không đủ. Theo như Tiến sĩ Nadelman giải thích, hoạt động thể chất giúp cải thiện các chức năng nhận thức của con người: từ khả năng tập trung, kết quả học tập, khả năng giải quyết vấn đề cho tới trí nhớ và tốc độ xử lý thông tin. Khi vận động, não bộ sẽ trở nên linh hoạt hơn, có đủ khả năng phân tích để làm nhiều việc cùng một lúc cũng như đưa ra những quyết định quan trọng.
Tiến sĩ Nadelman nói rằng: “Các hoạt động thể chất có thể cải thiện khả năng nhận thức qua khả biến thần kinh, cũng như tăng tính tổng hợp và sự xuất hiện của các hormone có lợi, giúp tăng cường khả biến và sửa chữa tế bào thần kinh”.
Ngay cả khi muốn tích trữ năng lượng bằng việc hạn chễ vận động, não bộ của chúng ta vẫn có thể cảm thấy trì trệ và mệt mỏi. Điều này khiến cho khả năng tập trung và động lực hoàn thiện deadline trở nên hạn chế. Vậy nên, nếu bản cảm thấy mãi vẫn chưa đến đêm để leo lên giường ngủ, hãy cân nhắc tập cardio trong vòng 15 phút. Ngoài việc duy trì sức khỏe lâu dài, những khối cơ khi được dãn ra sẽ khiến bạn trở nên tươi tỉnh và vui hơn nhiều.
Không vận động khiến não bộ tự sinh ra những suy nghĩ gây tự ti
Bạn có biết cảm giác thăng hoa sau khi hoàn thiện một bài tập thể dục đầy thử thách và cảm thấy mình đã chinh phục được thế giới không? Ta thấy mình mạnh mẽ hơn, không thể bị đánh bại và hào hứng cho mọi thứ trong cuộc sống, bất kể đó là hoạt động gì. Thomas cho rằng tập thể dục sẽ tăng cường sự tự tin và mang lại cảm giác hoàn thiện. Mặt khác, không tập thể dục sẽ có tác dụng ngược lại: làm giảm lòng tự trọng và hình ảnh của chúng ta. Thomas nói rằng, “Điều này là do những người ít vận động có thể suy nghĩ (tiêu cực) về bản thân mình theo nhiều cách. Họ có thể thấy mình không hoạt bát, không vui vẻ, năng suất làm việc thấp và kém cỏi khi đến việc vận động cũng không thể làm tốt… Khi những suy nghĩ này xuất hiện, chúng thường rất khó đánh bại. Từ đó, ta sẽ có một chu kỳ tiêu cực khép kín, khiến bản thân chán nản không muốn làm gì.
Lười vận động có thể làm mất khả năng kiểm soát căng thẳng
Trong những tình huống căng thẳng, chúng ta thường có suy nghĩ “chiến hay chạy”. Nếu bỏ chạy, ta sẽ tránh được việc phải đối mặt với các vấn đề. Nếu quyết tâm chống trả, chúng ta sẽ phải đối diện với nỗi sợ hãi.
Tuy nhiên, khi không vận động thường xuyên, não bộ sẽ tiết ra hormone gây stress, cortisol, khiến việc điều khiển cảm xúc trở nên khó khăn hơn. Nadelman nói rằng: “Các tác nhân gây căng thẳng ngày nay thường không thống nhất và có thể làm tăng cortisol một cách đều đặn. Sự gia tăng của cortisol có thể tác động tiêu cực tới thần kinh và não bộ, gây tổn thương vùng hải mã bằng cách giảm biểu hiện của hoạt chất BDNF neuropeptide và dẫn đến trầm cảm.” Với bài tập aerobic, chúng ta sẽ giảm được phản ứng nội tiết thần kinh và hạn chế phản ứng sinh học đối với căng thẳng, từ đó tăng cường khả năng kiểm soát suy nghĩ và ngăn chặn sự căng thẳng.
Kết
Cũng như việc bạn tập trung dành thời gian cho gia đình, công việc và giấc ngủ, hãy biến các hoạt động thể chất thành một việc cần được ưu tiên vào mỗi ngày để sức khoẻ và não bộ khoẻ mạnh hơn. Ta có thể thử bắt đầu bằng những việc đơn giản như tập yoga, đi bộ nhanh, đạp xe hay hoàn thiện việc nhà. Bác sĩ Nadelman nói rằng chỉ cần 30 phút mỗi ngày là đã đủ để cải thiện khả năng suy nghĩ, hiệu quả học tập và có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tâm lý.
Theo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
8 cách xây dựng thói quen tập thể dục
Phá vỡ thói quen xấu từ bên trong
10 phương pháp giúp giảm cân hữu hiệu của Jenn Im
Thảo luận về bài viết