#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Với nhiều người, một căn phòng ngăn nắp gọn gàng là chốn náu thân hoàn hảo, tránh xa thế giới ồn ào hỗn loạn bên ngoài. Nhưng vẫn căn phòng đó, một số khác lại nhìn ra thành vô vị, nhạt nhòa, không hấp dẫn. Tương tự với một căn phòng bừa bộn ngổn ngang – vừa là nguồn cảm hứng kích thích tính sáng tạo, cũng vừa là nguyên nhân khiến không ít người thấy bứt rứt khó chịu vô cùng.
Ngăn nắp, gọn gàng, giỏi sắp xếp hay được xem là những phẩm chất lý tưởng, trong khi bừa bộn, lộn xộn thường được diễn giải thành lười biếng hay vô tổ chức – vốn là những đặc điểm tính cách không tốt và không được khuyến khích. Thế nhưng sự thật thì sao?
Điều gì khiến người ngăn nắp và người bừa bộn khác nhau?
Chúng ta thường cho rằng hình ảnh căn phòng lộn xộn đồng thời đại diện cho một tâm trí ngổn ngang, nhưng thực tế thì không phải ai sống kiểu này cũng là người vô tổ chức. Phòng ốc, bàn làm việc của họ có thể trông như một đống hổ lốn giấy tờ, bút viết, đồ dùng lặt vặt, nhưng những lúc cần thiết, họ luôn biết chính xác thứ gì đang nằm ở đâu.
Nếu một căn phòng gọn gàng ngăn nắp giúp bạn sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn, bạn có thể thuộc tuýp tính cách loại A (type A). Những người với kiểu tính cách này thường có xu hướng cầu toàn – một môi trường gọn gàng ngăn nắp giúp đáp ứng nhu cầu về trật tự và được kiểm soát của họ.
Ngược lại, người thuộc tuýp tính cách loại B (type B) thường được mô tả là thoải mái, bay bổng. Thay vì hướng đến việc đạt mục tiêu và trạng thái hoàn hảo, họ dễ ‘rẽ ngang giữa chừng’ do bị thu hút nhiều hơn bởi ý tưởng, trải nghiệm, và tính sáng tạo. Tính cách loại B được cho rằng sẽ phát huy được ưu thế trong điều kiện môi trường lộn xộn.
Một căn phòng bừa bộn nói lên điều gì?
Tình trạng sức khỏe tinh thần
Một căn phòng bừa bộn có thể là hệ quả của nhiều thứ khác nhau – không có thời gian dọn dẹp sắp xếp, hoặc sở hữu quá nhiều đồ dùng, hoặc trong nhà có trẻ nhỏ. Nhưng nếu không gian sống lúc nào cũng ngổn ngang bừa bộn không vì cái gì cụ thể, đặc biệt nếu đó là hiện tượng mới xuất hiện, trái với tính cách trước đây của chủ nhân, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe tinh thần của bạn đang gặp vấn đề.
Ví dụ, lộn xộn đôi khi là dấu hiệu của chứng trầm cảm. Người bị trầm cảm thường cảm thấy quá mệt hoặc quá chán nản để có thể làm những chuyện mà hầu hết đều cho là ‘có gì nặng nhọc đâu’ như việc nhà. Mặc dù nhận thấy rằng phòng bừa bộn nhưng trạng thái tinh thần xuống thấp khiến họ khó tập trung cũng như khó dành ra năng lượng cho việc dọn dẹp.
Cảm giác choáng ngợp
Nhiều người cảm thấy thoải mái khi ở trong một căn phòng bừa bộn. Nhưng nếu cảm thấy bực mình, phiền phức vì phải sống chung với mớ hỗn độn này, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang có một trải nghiệm cảm xúc choáng ngợp (tức giận, thất vọng, căng thẳng,…) trong một (hoặc một vài) khía cạnh cuộc sống.
Sở thích cá nhân
Một số người đơn giản là không đặt nặng chuyện mọi thứ phải sạch sẽ và được sắp xếp đúng nơi đúng chỗ. Không chỉ phòng ở lộn xộn, mà có khi nhà cửa và không gian làm việc của họ cũng không mấy gọn gàng. Trong trường hợp này, một căn phòng bừa bộn chỉ là dấu hiệu cho thấy tính cách và sở thích của họ.
Ưu điểm của một căn phòng không gọn gàng
Tiến sĩ Kathleen Vohs và đồng sự đã thực hiện một loạt các thí nghiệm về tâm lý đằng sau sự bừa bộn. Nhìn chung, nếu ngăn nắp được xem là dấu hiệu của thành công, thì bừa bộn lại có lợi cho sáng tạo.
Nâng cao năng lực sáng tạo
Làm việc trong một không gian ngăn nắp sạch đẹp khiến chúng ta có xu hướng thể hiện những hành vi phù hợp với kỳ vọng của xã hội, được số đông chấp nhận; trong khi một không gian lộn xộn giúp cởi bỏ nhu cầu được chấp nhận đó, cho phép chúng ta mạnh dạn thử nghiệm, ngay cả khi chúng có bị xem là vượt quá chuẩn mực thông thường.
Trong một thí nghiệm, các đối tượng tham gia được bố trí vào những căn phòng khác nhau. Nhiệm vụ của họ là suy nghĩ những cách khác nhau để sử dụng quả bóng bàn. Những người ở trong điều kiện phòng bừa bộn được nhóm nghiên cứu đánh giá là tìm ra nhiều ý tưởng sáng tạo và đổi mới hơn so với nhóm ở trong phòng ngăn nắp.
Phát hiện này sẽ có ý nghĩa khi thiết kế không gian làm việc, đặc biệt là với những ngành nghề / vị trí có liên quan đến sáng tạo hoặc thường xuyên đòi hỏi những ý tưởng đột phá. Ví dụ, doanh nghiệp có thể khuyến khích, cho phép nhân viên được cá nhân hóa không gian làm việc của mình, cho dù nó có thể trông hơi kém gọn gàng.
Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Kathleen Vohs cũng lưu ý một điều, không phải ai ở trong điều kiện môi trường lộn xộn cũng sẽ trở nên sáng tạo hơn. Điều này còn phụ thuộc vào tính cách và sở thích của họ. Bắt ép một người thích không gian ngăn nắp phải làm việc trên một cái bàn bừa bộn ngổn ngang có thể phản tác dụng. Với những công việc cần đưa ra quyết định nhanh, tập trung tối đa vào hiệu quả thì không gian gọn gàng mới là thứ nên được hướng tới.
Nếu một chiếc bàn bừa bộn là dấu hiệu của một tâm trí ngổn ngang, thì một chiến bàn trống đại diện cho điều gì?
Albert Einstein
Thích thú với trải nghiệm mới
Trong một thí nghiệm khác, những người tham gia cũng được sắp xếp ngẫu nhiên vào những căn phòng bừa bộn (1) hoặc gọn gàng (2). Họ được yêu cầu chọn 1 trong 3 loại sinh tố: tăng cường sức khỏe, cải thiện tinh thần, bổ sung vitamin. Phân nửa đồ uống trên menu được liệt kê dưới mục ‘món thường ngày’, nửa còn lại là ‘món mới’. Kết quả, những người thuộc nhóm (2) có tỉ lệ lựa chọn ‘món thường ngày’ cao gấp đôi, trong khi nhóm (1) có xu hướng muốn thử ‘món mới’.
Kết quả trên cho thấy, những người sống trong môi trường gọn gàng và ngăn nắp có nhiều khả năng sẽ đưa ra những lựa chọn an toàn hoặc theo đuổi lối sống cổ điển, truyền thống, quen thuộc hơn. Ngược lại, những người ở môi trường bừa bộn sẽ thích tìm kiếm những thử thách và trải nghiệm mới lạ.
Mặt trái của sự lộn xộn
Ngoài chuyện làm bạn khó tìm kiếm đồ đạc, dễ làm lẫn mất các thứ quan trọng, thì thói quen bừa bộn còn có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực khác.
Ít rộng lượng hơn
Mặc dù hình ảnh căn phòng bừa bộn hay gắn liền với đặc điểm tính cách thoải mái, dễ dãi, nhưng nghiên cứu của Tiến sĩ Kathleen Vohs lại cho thấy người sống bừa bộn lại có xu hướng ít rộng lượng, đặc biệt trong vấn đề tiền bạc.
Cụ thể, sau khi được cho điền phiếu trả lời trong những điều kiện môi trường bừa bộn (1) và ngăn nắp (2) khác nhau, có 82% người nhóm (2) cho biết họ sẵn sàng đóng góp cho một tổ chức từ thiện, trong khi chỉ có 47% nhóm (1) đồng ý góp tiền.
Đưa ra những lựa chọn kém lành mạnh hơn
Tiếp theo câu hỏi về từ thiện, người tham gia được lựa chọn phần ăn nhẹ: một quả táo hoặc một thanh kẹo. Những người thuộc nhóm (2) chọn táo, còn nhóm (1) chọn kẹo. Điều này gợi ý rằng, nếu đang muốn cải thiện sức khỏe hay thay đổi lối sống, có lẽ bạn nên bắt đầu bằng việc sắp xếp lại không gian sống của mình.
Kết
Ngăn nắp và bừa bộn là hai trạng thái được bắt gặp rất nhiều, cả trong tự nhiên lẫn môi trường nhân tạo. Chúng cũng không có tính chất cố định – một người có thể rất lộn xộn ở môi trường này và gọn gàng hơn nhiều trong môi trường khác.
Mỗi trạng thái đều có ưu nhược điểm riêng. Để có thể tận dụng mặt tốt và tiết chế mặt xấu, cần xem xét đến những yếu tố liên quan như thói quen, sở thích, công việc, và cả trạng thái tinh thần của chủ nhân căn phòng.
Tình trạng lộn xộn chỉ có hại nếu nó khiến bạn khó chịu hoặc nó có thể là dấu hiệu của những vấn đề tâm lý sâu xa hơn. Nếu thấy thoải mái và có thể làm việc tốt trong một căn phòng bừa bộn thì bạn không nhất thiết phải theo đuổi lối sống có tổ chức hơn hoặc tối giản hơn. Chúng tốt, chỉ đơn giản là không phù hợp với bạn. Trường hợp ngược lại cũng thế. Nhưng thỉnh thoảng đừng quên dọn dẹp một ít. Không ai khuyến khích ở dơ đâu!
Xem thêm:
#Nghĩ: Retail Therapy – Vỗ về bản thân hay thói xấu cần tránh?
#Nghĩ: Những hành vi có hại được bình thường hóa trong xã hội ngày nay
#Nghĩ: Thiên kiến tổng bằng không (Zero-Sum Bias) — Cuộc đời không khác gì một chặng đua?
Thảo luận về bài viết