Nhiều nhà nghiên cứu và học giả đều đồng ý rằng khó có mốc thời gian nào khác đủ khả năng ‘đánh bại’ 536 để giành lấy danh hiệu năm tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.
2020 là một năm đáng nhớ (nhưng có lẽ ở Việt Nam, nó sẽ nhanh chóng bị soán ngôi bởi 2021). Nhưng để nói đâu là năm tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử loài người, chúng ta lại có khá nhiều ứng cử viên:
1349 – khi Cái Chết Đen quét sạch hơn phân nửa dân số châu Âu thời bấy giờ, giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu xuống chỉ còn 350–375 triệu
1520 – khi dịch đậu mùa lan rộng ở châu Mỹ, giết chết 60–90% cư dân bản địa
1918 – khi đại dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish flu) dẫn đến cái chết của hơn 50 triệu người
1933 – bước ngoặt trong lịch sử thời hiện đại, khi Hitler lên nắm quyền Thủ tướng
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu và học giả đã ‘thống nhất’ chọn năm 536 (536 AD) cho danh hiệu Năm tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Michael McCormick – sử gia về Trung cổ – cho biết, “Đó là năm khởi đầu – nếu không muốn nói là năm tồi tệ nhất – cho một trong những thời kỳ khủng hoảng tận cùng trong lịch sử nhân loại.”
Năm tồi tệ nhất lịch sử
Khác với hầu hết những thời khắc đen tối nổi danh, năm 536 là một ly cocktail hoàn hảo của hỗn loạn – nạn đói, chiến tranh, bệnh tật – tất cả cùng nhau xuất hiện, tàn phá nghiêm trọng đời sống người dân thời bấy giờ. Năm tồi tệ này trực tiếp dẫn đến một giai đoạn kinh khủng trong lịch sử, được biết đến rộng rãi với tên gọi Thời kỳ Tăm tối (Dark Ages).
Năm 536 khởi đầu với màn sương mù dày đặc bí ẩn bao phủ nhiều khu vực trên thế giới như châu Âu, Trung Đông, châu Mĩ, và một phần châu Á. Chúng là sương mù khô – tức không phải được hình thành từ hơi nước – cản trở cả tầm nhìn và ánh Mặt trời, khiến địa cầu chìm vào bóng tối dai dẳng trong suốt 18 tháng.
Màn sương mù gây ra ảnh hưởng tàn khốc lên nông nghiệp. Không có ánh nắng, cây cối không thể quang hợp, dẫn đến hệ quả tất yếu là mất mùa, kéo theo đó là nạn đói do khan hiếm lương thực (bánh mì làm từ cây lúa mì là lương thực chủ yếu của dân châu Âu khi đó).
Thiếu thốn ánh nắng và sức nóng của Mặt trời, nhiệt độ Trái đất giảm xuống rõ rệt. Giữa mùa hè, tuyết bắt đầu rơi ở các khu vực cận nhiệt đới. Thời tiết khắc nghiệt và những tác động của nó liên tiếp được ghi nhận, không chỉ ở châu Âu, mà còn ở Trung Hoa (nhà Đông Ngụy), Ấn Độ (Vương triều Gupta), Iran (Vương triều Sassanid hay còn gọi là Tân Đế quốc Ba Tư), kể cả lục địa Mỹ với những trận hạn hán, chiến tranh và bạo loạn gây ra do đói kém.
Nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là châu Âu. Thời điểm đó, Đế chế La Mã đang phải vất vả chống lại người Vandal – một tộc người Đông German ‘man rợ’. Nhưng có lẽ như thế vẫn là ‘chưa đủ’, khi một kẻ thù khác nhân cơ hội đó trồi lên – bệnh dịch hạch.
Đại dịch Justinian – xảy ra dưới thời Hoàng đế Justinus – là một trong những trận dịch bệnh khủng khiếp nhất lịch sử. Những con chuột mang mầm bệnh từ Ai Cập đã theo tàu vượt Địa Trung Hải sang kinh đô của Đế quốc Đông La Mã (Byzantine), Constantinople, giết chết khoảng 5.000 người mỗi ngày, xóa sổ 40% dân số thành phố.
Từ Constantinople, dịch bệnh lan nhanh như đám cháy sang các châu lục khác. Mức độ thương vong không được ghi nhận cụ thể, nhưng phần đông các nhà sử học chấp nhận con số 50 triệu – một con số rất lớn cả trong thời ấy và bây giờ.
Điều gì đã xảy ra?
Các nhà khoa học dường như đồng ý với nhau rằng, màn sương mù bí ẩn là hậu quả của một vụ núi lửa phun trào, nhưng chính xác là núi lửa nào thì còn nhiều phỏng đoán.
– Năm 1984, nhà khoa học R. B. Stothers phỏng đoán thảm họa năm 536 gây ra bởi núi lửa Rabaul ở Papua New Guinea.
– Năm 1999, David Keys – phóng viên khảo cổ học của tờ The Independent – đưa ra giả thuyết rằng vụ phun trào của núi lửa Krakatau ở eo biển Sunda là nguyên nhân của cơn ác mộng.
– Năm 2009, một nhóm các nhà nghiên cứu thiên văn ở New York đề xuất một lý thuyết hoàn toàn khác. Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu các khối băng ở Greenland, họ cho rằng nguồn cơn là do một thiên thạch rơi xuống Trái đất.
– Năm 2010, Robert Dull, John Southon, và các cộng sự đã đưa ra bằng chứng nhằm chứng minh sự liên quan giữa vụ phun trào Tierra Blanca Joven – vụ phun trào núi lửa lớn nhất lịch sử El Salvador – với hiện tượng biến đổi khí hậu năm 536.
– Năm 2018, nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard với sự tham gia của nhà sử học Michael McCormick và chuyên gia về sông băng Paul Mayewski đã đưa ra giả thuyết rằng một vụ phun trào núi lửa ở Iceland mới chính là thứ dẫn đến thảm họa toàn cầu.
Có rất nhiều lời giải thích được đưa ra về nguyên nhân của thảm kịch năm 536. Giả thuyết nào cũng có thể là sự thật, hoặc tất cả đều là sự thật – nếu các núi lửa ở Papua New Guinea, Sunda, Iceland, Trung Mỹ, đều phun trào vào thời điểm đó, cộng thêm cả thiên thạch? Xui rủi tận cùng, nhưng cho đến khi chưa chứng minh được nó bất khả thi, thì chúng ta vẫn không thể loại trừ khả năng này.
Thảm họa năm 536 đã để lại những tác động tàn khốc, đau thương. Sự tàn phá của thiên nhiên, nạn đói, dịch bệnh, bạo loạn, và sự sụp đổ của Đế chế La Mã không lâu sau đó đã biến năm 536 thành ‘màn dạo đầu’ đáng nhớ cho Thời kỳ Tăm tối bao trùm châu Âu trong suốt nhiều thế kỷ trước khi văn hóa châu Âu đạt đến đỉnh cao trong thời Phục hưng (thế kỷ 17).
2020 có thể tệ, 2021 có lẽ sẽ còn tệ hơn, 2022 và những năm tiếp theo chưa thể nói trước, nhưng ít nhất chúng ta còn có lý do để thở phào khi đã không phải trải nghiệm thời kỳ tăm tối nhất lịch sử, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Xem thêm:
Ông chủ sạp rau bán buôn thì ít, tặng cho thì nhiều
7 thử thách “siêu nhỏ” giúp bạn yêu thương bản thân “siêu nhiều”
10 biện pháp ‘kỳ quặc’ để thấy đời hạnh phúc hơn
Thảo luận về bài viết