Việc lưu ý đến các dấu hiệu về trí thông minh cảm xúc của ai đó sẽ hữu ích trong các trường hợp có tính chất quan trọng, ví dụ như kết giao bạn bè, hợp tác làm ăn, cưới hỏi, hoặc tìm kiếm chuyên gia trị liệu.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng trí thông minh cảm xúc không phải một đặc tính bẩm sinh. Việc thiếu hụt nó ở giai đoạn hiện tại không nói lên điều gì về bản chất hay giá trị của một người. Nó chỉ đơn giản cho bạn biết rằng sẽ khó có thể xây dựng một mối quan hệ lành mạnh hoặc có hiệu quả với họ, vì năng lực nhận diện và quản lý cảm xúc kém sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau trong cách giao tiếp, điều chỉnh bản thân, và đối diện giải quyết vấn đề nếu có.
Do đó, việc lưu ý đến các dấu hiệu của trí thông minh cảm xúc thấp sẽ có lợi trong hai mặt:
– Giúp tránh rủi ro từ đầu (trong trường hợp hợp tác làm ăn, tìm chuyên gia trị liệu, …);
– Giúp biết được đâu là nút thắt đang cần giải quyết trong mối quan hệ (trong trường hợp kết giao bạn bè hay cưới vợ lấy chồng), từ đó có thể hướng đến mục tiêu rèn luyện khả năng nhận diện và quản lý cảm xúc tốt hơn.
Xem thêm: Người có trí thông minh cảm xúc cao vì sao lại được ưa thích?
#1 – Tránh đề cập đến chuyện họ cảm thấy như thế nào
Có hai trường hợp thường xảy ra:
(1) Họ từ chối nói về cảm xúc của mình
(2) Họ nói về cảm xúc của mình, nhưng không giỏi. Trường hợp này có thể xảy ra vì một trong hai, hoặc cả hai nguyên nhân.
Một là vì khả năng ngôn ngữ không đủ tốt, dẫn đến không thể diễn tả hoặc vô tình diễn giải sai lệch cảm xúc của mình. Ví dụ, họ có thể nói “Mình thấy hơi buồn,… cũng không biết diễn tả thế nào.” hay “Mình chỉ thấy căng thẳng chút thôi.” trong khi những gì cảm thấy thật sự phức tạp hơn thế.
Hai là cố tình dùng ngôn từ trừu tượng, lý thuyết suông, hoặc ngôn ngữ phủ định để tránh diễn tả cảm xúc thật. Ví dụ, “Mình thấy choáng ngợp một chút.”, “Mình không biết người khác có từng cảm thấy thế này hay không, nhưng mình nghĩ đây chỉ là những cảm xúc thường tình của con người.” hay “Kệ đi, ai mà chẳng căng thẳng.”
#2 – Chỉ trích bản thân vì cảm xúc chính mình
Những cảm xúc như sợ hãi, thất vọng, buồn bã, … thường đem lại cảm giác tiêu cực, thế nên chúng ta rất dễ kết luận rằng đó là những cảm xúc xấu, hoặc bản thân có lỗi khi đã cho phép những cảm xúc xấu xảy đến với mình. Trường hợp này hay gặp ở những người từng bị chế giễu hoặc trừng phạt vì cảm xúc của mình khi còn bé.
Sự thật là, EQ cao chỉ có nghĩa là có khả năng nhận diện và quản lý cảm xúc, chứ không phải điều khiển. Cảm xúc không đợi ai ‘cho phép’ thì mới xuất hiện, và ngược lại, chúng ta cũng không thể tùy ý hô gọi nó mọi lúc. “Đừng buồn nữa, hãy vui lên.” sẽ vui nếu chỉ là câu nói đùa, hoàn toàn vô ích trong vai trò lời khuyên.
Việc bạn cảm thấy thất vọng, cô đơn, buồn chán, khó chịu, … là chuyện bình thường. Phán xét, chỉ trích bản thân khi ‘lỡ’ cảm thấy tồi tệ chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn mà thôi. Cảm xúc có đến sẽ có đi, quan trọng là cách chúng ta nhận diện và xử lý chúng sau khi chúng xuất hiện.
#3 – Cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình
Những người có trí thông minh cảm xúc thấp thường cho rằng những cảm xúc khó khăn là một vấn đề cần giải quyết. Bất cứ khi nào những cảm xúc ‘có vẻ’ tiêu cực xuất hiện, họ ngay lập tức cố gắng loại bỏ nó đi. Đối xử với cảm xúc như một vấn đề cần giải quyết, một kẻ thù cần tránh sẽ chỉ khiến cho bạn thêm sợ hãi cảm xúc của chính mình và phản ứng thái quá hơn với chúng.
Hãy xem cảm xúc như một người truyền tin. Và cho dù nội dung thông điệp có như thế nào đi nữa, liệu bạn có thích đóng vai lãnh chúa độc tài bắn bỏ luôn người truyền tin không? Cách tốt nhất để giải thoát chính mình khỏi những cảm xúc đớn đau đó là chấp nhận chúng và hãy để chúng được giải toả ra thay vì cố gắng nén giữ những cảm xúc đó lại.
#4 – Họ chỉ chú ý đến những cảm xúc nổi trội nhất
Hoặc chính xác là, họ chỉ có thể chú ý đến những cảm xúc nổi trội nhất, lý do đơn giản vì chúng… nổi trội và dễ nhận thấy nhất, từ đó bỏ qua những thứ ẩn sau hoặc nguồn cơn thật sự dẫn đến cảm xúc nổi trội mà họ đang nhìn thấy.
#5 – Mù quáng xuôi theo cảm xúc của mình
Người có trí thông minh cảm xúc thấp rất sẵn lòng tin vào bất cứ ‘thông điệp’ nào mà cảm xúc truyền tới, dẫn đến phó mặc bản thân hành động theo những gì ‘thông điệp’ đó mách bảo. Tất nhiên sẽ có những trường hợp hữu dụng, ví dụ như vì lo sợ khi nghe tiếng chuông báo cháy nên sẽ lập tức tìm kiếm lối thoát hoặc báo động cho người thân, nhưng không loại trừ khả năng ‘báo động nhầm’, như khi tức giận vì ai đó chỉ ra lỗi lầm của mình, dẫn đến những hành động quá khích vì tức giận như la hét, đập phá, …
Nhận diện được cảm xúc thôi là chưa đủ, vì rất có khả năng chúng ta nhận diện sai. Thay vì vội vàng tin theo tất cả những gì mình cảm thấy, hãy tìm cách rèn giũa năng lực phản tỉnh, không ngừng tự vấn bản thân để không rơi vào bẫy của cảm xúc vì hấp tấp. Xem thường, bỏ qua cảm xúc hay đánh giá chúng quá cao đều không phải hành vi được khuyến khích.
#6 – Cố gắng ‘sửa chữa’ cảm xúc người khác
Cách một người đối diện và xử lý vấn đề về tâm trạng của người khác có thể nói lên khá nhiều điều về trí thông minh cảm xúc của bản thân họ. Người có EQ thấp sợ hãi cảm xúc đau khổ của mình, thế nên họ cũng sợ khi phải đối diện với cảm xúc đau khổ của người khác. Một cách cố ý hoặc vô tình, họ sẽ muốn chúng biến mất đi, ví dụ như cố gắng thuyết phục đối phương rằng vì sao họ không nên cảm thấy như thế, hoặc chỉ trích đối phương khi đã cảm thấy như thế vì những lý do không đáng.
Mỗi người đều có một tiêu chuẩn khác nhau trong việc cảm nhận và thể hiện những gì mình cảm nhận. Lấy thang đo của bản thân áp lên người khác là việc không nên đầu tiên, cố gắng sửa chữa cảm xúc là việc không nên tiếp theo.
#7 – Luôn cố gắng ra vẻ hạnh phúc
Luôn cảm thấy hạnh phúc là một chuyện, luôn cố gắng ra vẻ hạnh phúc là một chuyện hoàn toàn khác. Cũng như những cảm xúc ‘trông có vẻ’ xấu như buồn bã, cô đơn, khó chịu, …, thì những cảm xúc ‘trông có vẻ’ tốt như hạnh phúc, vui vẻ, thỏa mãn, … không nói lên được ai đó là người như thế nào. Hơn nữa, bản thân cảm xúc thì không có tốt hay xấu, đó chỉ là cách chúng ta nhìn nhận chúng mà thôi.
Việc ai đó nói rằng họ không bao giờ có cảm xúc xấu thường là dấu hiệu của trí thông minh cảm xúc thấp. Bởi vì không hiểu tâm trạng và cảm xúc của mình, nên những người EQ thấp thường tìm cách phủ nhận những cảm xúc khiến họ thấy khó chịu. Và họ hy vọng rằng nếu như có thể tỏ ra hạnh phúc mọi thời điểm thì họ sẽ cảm thấy thế thật và không bao giờ thấy buồn.
(Tham khảo: Nick Wignall)
Thảo luận về bài viết