#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
Dự án nghệ thuật Cause and Effect của Roundhouse được thực hiện cùng với nhà thơ Hollie McNish với mục đích đánh dấu kỷ niệm một trăm năm kết thúc cuộc xung đột thế giới đầu tiên. Để hoàn thành dự án của mình, McNish đã có những trao đổi với nhà sử học Clare Makepeace từ Birkbeck, Đại học London, để khắc họa bức tranh toàn cảnh về tình dục thời chiến, cũng như tập trung vào hình tượng những người phụ nữ đã từng hành nghề mại dâm lúc bấy giờ.
Đó là những người phụ nữ làm việc trong các nhà thổ, nơi quân lính phục vụ tiền tuyến thường xuyên lui tới trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất để giải tỏa những nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, dù đóng một vai trò không nhỏ trong đời sống tinh thần của quân đội, sự cống hiến của những người phụ nữ này luôn bị lãng quên và chưa từng được nhắc đến trong sử sách.
Xếp hàng hằng giờ đồng hồ chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục
Câu chuyện về hàng nghìn các binh sĩ xếp hàng dài trước các nhà thổ để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình. Sau khi đến Pháp, chiến sĩ Frank Richards đã đến thăm một nhà thổ – hay còn được biết đến là “khu đèn đỏ” trong Quân đội Anh. Khi gần đến nơi, trước mắt Richards là một khu nhà thổ với “một nhóm 300 người đàn ông đang xếp hàng dài chờ đến lượt của mình.” Theo đó, trong 24 giờ tới, các chàng trai này sẽ ra trận chiến đấu trong trận Loos.
McNish giải thích: “Nhu cầu này của những chiến sĩ thường có xu hướng tăng cao trước mỗi trận chiến lớn, nơi mà 80% quân lính sẽ có khả năng cao phải hy sinh. Thực tế có rất nhiều người đàn ông muốn có cơ hội được tận hưởng tình dục ‘lần cuối’ vì rất có thể họ sẽ bỏ mạng vào hôm sau.”
Những ai sẽ ghé thăm nhà thổ?
Việc xếp hàng dài chờ đợi đến lượt mình diễn ra vô cùng phổ biến ở lối vào của mỗi nhà thổ. Một số người chen chúc trong những hàng dài đó nhận thức được rằng họ sẽ phải sớm bỏ mạng trên mặt trận sắp tới, vì thế nên một vài khoảnh khắc vui vẻ sẽ giúp họ bình tĩnh trở lại.
Cũng không quá ngạc nhiên khi bên cạnh đó còn là nhiều thanh niên mới lớn – những người chưa từng được gần gũi với phụ nữ. Họ đến các nhà thổ này với suy nghĩ được trải nghiệm sự ân ái trước khi bản thân có thể bỏ mạng nơi chiến trường. Như McNish nói, “Những thanh niên trẻ không muốn chết khi còn trinh.”
Không chỉ những chiến sĩ nhỏ tuổi mới thường xuyên lui tới những khu nhà thổ, các đối tượng đã lập gia đình cũng đến đây để tìm khoái lạc.
Nhiều ý kiến cho rằng, quan hệ tình dục thường xuyên trong nhà thổ là điều bắt buộc đối với sức khỏe của người lính. Một trung úy từng tham chiến đã viết lại: “Chúng tôi không phải là nhà sư. Việc chiến đấu chắc chắn sẽ đòi hỏi một nguồn năng lượng thể chất thật dồi dào. Và việc trao đổi tình dục bằng tiền có vẻ vẫn tốt hơn là không có gì.”
Chính quan niệm phổ biến này của những người tham chiến trong Thế chiến thứ Nhất đã phần nào “bình thường hóa” cho việc các chiến sĩ đã kết hôn có vợ con và một gia đình nhỏ đang chờ ở nhà nhưng vẫn ghé thăm nhà thổ và tìm kiếm thú vui cho mình. Hơn thế nữa, những quan hệ tình dục tạm thời này còn được cho là biện pháp hữu hiệu để thay thế cho những nhu cầu cần có của những người đàn ông đang phải xa vợ.
Tình dục thời chiến tiềm ẩn những nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Mại dâm luôn tồn tại với những nguy cơ bùng phát các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Theo nghiên cứu của Makepeace, 1/5 số tất cả các trường hợp nhập viện vào năm 1916 của quân đội Anh, cũng như lực lượng thống trị ở Pháp và Bỉ đều là do bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Cụ thể hơn, 150,000 nam giới phải nhập viện ở Pháp trong chiến tranh vì những căn bệnh này.
Khi Mỹ tham chiến và gia nhập đồng minh Pháp vào năm 1917, tỷ lệ lây nhiễm qua đường tình dục đã tăng vọt. Theo đó, cứ mỗi 1,000 đàn ông Mỹ tại các cảng căn cứ của Pháp thì sẽ có 190 trường hợp mắc bệnh.
Những nguy cơ đáng báo động là thế nhưng con số những người đàn ông ý thức phòng ngừa bệnh truyền nhiễm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cũng từ đó, yêu cầu kiểm tra khắt khe trước khi khách hàng được chào đón ở các nhà thổ bắt đầu xuất hiện. Đối với những nhà thổ được hợp pháp hóa, những công nhân tình dục cũng được kiểm tra sức khỏe định kỳ, bảo đảm an toàn lao động.
Tháng 11/1918, những tuýp kem khử trùng cũng được đưa vào sử dụng với mong muốn giảm thiểu khả năng lây truyền không đáng có, làm ảnh hưởng đến hiệu suất chiến đấu của quân đội.
Điều đáng nói là nhiều chiến sĩ tìm đến nhà thổ và cố tình để mắc bệnh để có cơ hội được rời chiến trường. Những bệnh nhân bị nhiễm bệnh giang mai hoặc bệnh lậu đều cần phải nằm viện trong khoảng ba mươi ngày để điều trị, và vì vậy, trong suy nghĩ của nhiều người, đây là một lựa chọn hấp dẫn hơn là việc liều mạng chiến đấu.
Các nhà sử học đã nói rằng, những người lính Mỹ trong trận chiến còn tìm cách kiếm tiền từ những căn bệnh họ mắc phải, bằng cách “truyền bệnh” cho những đối tượng có nhu cầu “được” nhiễm bệnh để miễn chiến đấu. Họ đã kiếm được không ít từ việc thương mại hóa các rủi ro về sức khỏe của chính mình.
Về những cô gái đã bị lãng quên
Nhà sử học ước tính rằng, có hàng nghìn phụ nữ hành nghề mại dâm trong chiến tranh. Người Pháp có cả một mạng lưới các nhà thổ được hợp pháp hóa – được gọi là “maisons tolérées”, rải rác khắp các thị trấn ở miền bắc đất nước.
Một báo cáo cho thấy, đã có 171,000 chiến sĩ nam được “hưởng lợi” từ các dịch vụ tình dục tại “maisons tolérées” trong thời kỳ chiến tranh. Đến năm 1917, đã có ít nhất 137 nhà thổ như vậy trải khắp 35 thị trấn.
Ở mỗi nhà thổ sẽ có khoảng 12 cô gái bên trong. Họ gần như sẽ khỏa thân và chỉ đi giày cao gót. Mỗi dịch vụ sẽ được bắt đầu bằng việc các cô gái ngồi trên đùi khách hàng của họ. Nếu người đàn ông chọn được một cô gái mình yêu thích, anh ta sẽ mua đồ uống cho cô ấy và sau đó họ sẽ cùng nhau vào những căn phòng riêng tư được sắp xếp sẵn ở lầu trên.
Bên cạnh những người hành nghề mại dâm chuyên nghiệp cũng có không ít trường hợp nghiệp dư hoạt động trên đường phố, khách sạn, quán cà phê và quán bar. Mục tiêu của họ cũng đơn thuần như những người lao động khác: kiếm tiền hoặc đổi lấy hiện vật để nuôi sống bản thân.
McNish nói rằng, những câu chuyện trên của những người phụ nữ hành nghề mại dâm tuyệt nhiên không được ghi chép trong sử sách – có thể vì chúng quá xấu hổ để được lưu giữ. Thay vào đó, hiểu biết về nhà thổ và những công nhân tình dục trong thời chiến lại đến từ những mẩu chuyện truyền tai nhau của các chiến sĩ từng trải.
Một lý do khác trớ trêu hơn về sự không tồn tại của những trải nghiệm này đến từ chính những cô gái đã hành nghề là do vào thời kỳ đó, phụ nữ gần như không biết đọc hay viết. “Không chỉ đơn thuần với lý do xấu hổ, hay vì phụ nữ không có tiếng nói, một sự thật nực cười đó là những cô gái không thể viết hồi ký của mình về trải nghiệm mại dâm trong chiến tranh.” Makepeace nói thêm.
Xem thêm:
#Thoáng: Tắt đèn, bật nhạc – Trải nghiệm du dương khi âu yếm theo góc nhìn khoa học
#Thoáng: Những cuộc đình công tình dục nổi tiếng nhất thế giới
#Thoáng: Trinh tiết – Định nghĩa phức tạp trong cấu trúc xã hội hiện đại
Thảo luận về bài viết