#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
Sử dụng cơ thể, làn da con người để làm khung tranh, body painting (nghệ thuật vẽ trên cơ thể) đã trở thành một công việc của nhiều tài năng hội họa trên thế giới và Việt Nam. Bất chấp những cái nhìn khắt khe từ xã hội – vấn đề đang phần nào cản trở sự sáng tạo của người thực hiện, bộ môn nghệ thuật này vẫn ngày càng chứng minh được sức ảnh hưởng của mình bởi hình thức mới lạ trong việc truyền tải thông điệp bằng thứ ngôn ngữ của nghệ thuật.
Khi nhắc đến body painting tại Việt Nam, chắc hẳn không thể bỏ qua cái tên Hwajang (Đỗ Thùy Trang, 1999) – một beauty blogger trẻ tuổi được nhiều người yêu mến bởi những khả năng sáng tạo không giới hạn của mình.
The Millennials Life đã có một buổi trò chuyện với Trang về con đường theo đuổi công việc mới mẻ nhưng không kém phần độc đáo này, cũng như lắng nghe những đánh đổi mà cô bạn trẻ đã gặp phải khi là người có sức ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng body painting tại Việt Nam.
Được biết Trang đang là sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vì đâu bạn rẽ hướng sang con đường nghệ thuật này?
Mình bắt đầu con đường nghệ thuật này từ năm 2017 với công việc là nhận trang điểm cho mọi người. Đến đầu năm 2018, mình chuyển hẳn sang art makeup (trang điểm nghệ thuật). Lúc đó mình không nhận makeup ngoài nữa mà chỉ tập trung làm art rồi đăng tải lên mạng xã hội. Thời gian còn lại, mình dành để trau dồi những công việc của một beauty blogger. Đến giữa năm 2019 mình mới thử sức với face painting (nghệ thuật vẽ mặt) theo kiểu illusion makeup (trang điểm ảo giác). Công việc họa mặt đã đồng hành với mình khoảng 4 năm, còn body painting thì mới gần nửa năm thôi.
Xuất phát điểm của mình khi rẽ sang con đường nghệ thuật này đơn thuần chỉ là sở thích cá nhân. Mình không có mưu cầu gì lớn lao hay suy nghĩ quá nhiều. Giống như là nghề chọn người vậy, may mắn được mọi người biết đến và ủng hộ nên mình thấy rất vui. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục.
Body painting và những kiến thức học được ở trường đại học liệu có điểm chung gì để có thể kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau?
Body painting thì thực sự không có điểm chung gì với chuyên ngành mình học cả, có chăng là sự bổ trợ một ít cho quá trình mình đưa tác phẩm đến công chúng. Ví dụ như cách chụp ảnh tác phẩm của mình. Nhờ có ngành học nên mình không phải loay hoay về cách điều chỉnh ánh sáng hay màu sắc khi chụp hình.
Để có thể hoàn thiện một tác phẩm body painting, người nghệ sĩ cần phải làm những gì?
Như mình nói ban đầu thì công việc này mới chỉ đơn thuần là sở thích cá nhân của mình. Để gọi mình là một nghệ sĩ body painting thì vẫn thực sự quá lớn lao. Đối với mình “nghệ sĩ” ngoài việc làm nghệ thuật thì cần có kiến thức nền tảng và được đào tạo chuyên môn nữa. Còn mình thì làm mọi thứ chỉ dựa trên bản năng, chưa có bất kì kiến thức bài bản nào nên vẫn cần học nhiều để thực hiện các tác phẩm một cách chuyên nghiệp nhất.
Mình thấy đơn giản là phải thích – thích trước đã, rồi tìm tòi tập luyện. Quan trọng là ý tưởng, điều gì khiến mình có cảm hứng, rồi sau đó là tận hưởng hành trình tạo ra chúng. Người có chuyên môn thì sẽ hoàn thành một tác phẩm trong thời gian nhanh hơn, còn mình thì phải dành kha khá sức lực để mày mò.
Một điều bạn ước mình biết trước khi mới bắt đầu body painting?
Mình ước bản thân có kiến thức nền tảng về hội họa. Cá nhân mình thường khá chật vật để tìm ra cách thực hiện ý tưởng của mình.
Ở thời điểm hiện tại, có khía cạnh nào của body painting mà Trang tò mò muốn thử nhất không? Bạn có thể kể tên một vài nghệ sĩ họa mặt trên thế giới mà Trang yêu thích?
Mình muốn thử về nghệ thuật thị giác trên cơ thể, tạo ảo giác cho người xem theo kiểu “ẩn mình” trong đồ đạc giống nghệ sĩ Dain Yoon. Hoặc hóa trang thành các con vật. (Cười)
Ngoài Dain Yoon thì một vài nghệ sĩ họa mặt trên thế giới mình hay theo dõi là Mimi Choi và Luca Luce.
Vẽ cơ thể không giống như vẽ một tranh truyền thống. Ví dụ như một họa sĩ được lựa chọn khung tranh mà họ nghĩ sẽ phù hợp nhất với những phác họa trong đầu họ. Rõ ràng là bạn không thể làm điều đó với cơ thể. Vậy bạn đã làm thế nào để có thể thỏa sức sáng tạo mà không lo về những “sự cố” như thế?
Mình sẽ làm khác đi một chút. Mình có ý tưởng ban đầu trước hoặc nghĩ ra ý tưởng phù hợp với chất liệu cụ thể là cơ thể của mình. Ý tưởng ban đầu chỉ đơn thuần là hôm nay mình muốn vẽ về cái gì thôi.
Sau đó mình sẽ suy nghĩ trong đầu để phân chia bố cục, xem xem mình dùng chi tiết gì và đặt chúng ở đâu cho phù hợp nhất. Cũng khá là khó vì có nhiều trường hợp mình phải bỏ đi nhiều ý tưởng vì không tìm ra cách để minh họa chúng.
Sử dụng cơ thể chính mình để làm chất liệu và chia sẻ lên mạng chắc sẽ khiến bạn nhận về những phản ứng trái chiều Làm thế nào để Hwajang có thể trấn an và bảo vệ mình trước những công kích không hay của cộng đồng mạng?
Nếu còn bé thì chắc mình cũng sẽ suy nghĩ nhiều lắm, nhưng càng lớn thì mình càng không để ý đến sự công kích của người khác. Mình luôn nghĩ rằng sống mà dám làm và có thể làm điều mình thích là một loại hạnh phúc. Không phải ai cũng may mắn để làm được. Quan trọng là mình cũng không làm gì sai để phải chịu áp lực từ sự chỉ trích cả.
Mình sẽ coi những lời công kích của người khác là quan điểm cá nhân của họ thôi. Thực ra mình hiếm khi bị công kích lắm, nếu có sẽ là công kích cá nhân thay vì về các tác phẩm mình làm.
Một streamer trên nền tảng Twitch, Mizzy Rose, đã từng bị chỉ trích rất nhiều vì đã để lộ cơ thể của mình dưới lớp sơn. Trang nghĩ gì về câu chuyện này? Nếu được nói vài câu với Mizzy Rose, Trang sẽ nói gì?
Mình nghĩ làm những việc mình muốn là điều đúng đắn và không có lý do gì để nhận sự chỉ trích. Tuy nhiên, khi công bố chúng trên các nền tảng xã hội – nơi mà có nhiều kiểu người khác nhau tiếp cận, thì mình cũng nên để ý và cẩn trọng hơn.
Còn nếu như bạn không quan tâm đến những gì người khác nói về mình thì bạn có thể thoải mái làm, và chuẩn bị cho mình một tinh thần thép để không bị ảnh hưởng từ những ý kiến công kích.
Nếu được nói vài lời với Mizzy Rose, mình sẽ nói rằng bạn ấy hãy cứ làm điều mình muốn, nhưng có thể chọn cách thức truyền tải khác để tránh việc nhận lại những lời lẽ không tốt, cũng như tránh để bị các nguyên tắc cộng đồng của nền tảng đó gây cản trở đến công việc của mình.
Nếu có người nói với bạn, “Là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thì việc chịu đựng những lời đánh giá như thế là lẽ đương nhiên”, Trang sẽ nói gì?
Mình sẽ nói rằng không ai có quyền xúc phạm đến người khác, nhất là khi mình không ở trong hoàn cảnh đó.
Bạn có thể góp ý một cách lịch sự, tôi sẵn sàng tiếp nhận và cảm ơn bạn. Nhưng nếu bạn dùng những lời lẽ thô tục thì tôi sẽ đánh giá bạn là một người thiếu văn hóa và ích kỷ. Và những người như vậy không đáng để tôi bận tâm.
Nhờ những nỗ lực của mình, Trang đã nhận được sự chú ý và yêu mến của rất nhiều người. Song song với đó cũng là những ý kiến trái chiều và việc đánh mất quyền riêng tư. Bên cạnh những vấn đề trên, việc trở thành body painter đã khiến bạn được và mất những gì?
Mình được thỏa mãn sự đam mê của mình, được nhận những lời khen để tiếp thêm động lực cho bản thân, được sự công nhận của mọi người.
Cái mất có lẽ là để được làm điều mình muốn, mình sẽ phải từ bỏ một số thứ khác. Vì để vẽ một tác phẩm mất khá nhiều thời gian, nên đôi khi mình đã quên ăn quên ngủ, hoặc phải chấp nhận bỏ một số buổi đi chơi với bạn bè. Cuộc sống đôi khi cũng sẽ hơi bị đảo lộn một chút.
Post lên đây tác phẩm mà bạn đã nhận được nhiều sự ủng hộ nhất và nói vài câu về nó?
Đây là tác phẩm đầu tiên của mình. Dù nó không phải là bức đẹp nhất nhưng nó đánh dấu việc mình bắt đầu thử sức với body painting. Và thật sự cảm động vì được mọi người động viên cũng như khen ngợi.
Điều bạn thích nhất và thấy ít thích nhất về nghề body painting?
Điều mình thích nhất về body painting đó là sự độc đáo và khác biệt. Thay vì vẽ trên tranh giấy thì mình sẽ sáng tạo trên cơ thể. Và mình rất yêu bản thân nữa nên khi được “trang điểm” cho chúng khiến mình cảm thấy hạnh phúc.
Điều mình chưa ưng ý về nghề này đó là công việc còn khá mới mẻ và chưa phổ biến ở Việt Nam cũng tính ứng dụng chưa cao. Vậy nên việc mình làm bây giờ chỉ đang phục vụ cho một nhóm cộng đồng nhỏ, nơi một vài người thấy lạ lẫm và tò mò thay vì người thực sự hiểu chúng. Mình muốn đem công việc này tiếp cận được với nhiều người hơn nữa.
Bước tiến xa hơn của một body painter là gì?
Bước tiến xa hơn mình cũng chưa thể hình dung được là gì vì body painting nó khá trừu tượng. Mình chỉ biết rằng hiện tại mình rất đam mê nó và muốn làm thật nhiều.
Mình nghĩ một người làm nghệ thuật chân chính chỉ đơn giản nghĩ rằng muốn tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm đẹp để thỏa mãn bản thân cũng như đưa nó đến với mọi người. Việc được mọi người nhớ đến chất riêng của mình đó đã là một sự thành công rồi.
Còn body painting ứng dụng được vào đâu thì chắc là những dự án nghệ thuật, mình cũng mong sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong những dự án sắp tới của mọi người.
Xem thêm:
#HọNóiLà: KTS Lê Hưng Trọng: “Từ chối đúng lúc cũng là một trách nhiệm của người làm kiến trúc”
#HọNóiLà: Hanniefu – Giới tính và ngoại hình không “chụp ra” những bức ảnh đẹp
#HọNóiLà: Huppie in Taiwan – Cuộc cách mạng để mạnh dạn nói “Không!”
Thảo luận về bài viết