Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cơ thể mất nước: thời tiết khô nóng, uống ít hơn lượng nước cần thiết, chế độ ăn uống không cân bằng, hoạt động thể chất, do bệnh lý, … Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ – khoảng 1–2% lượng nước trong cơ thể – cũng đã có thể khiến những hoạt động sinh lý thông thường của cơ thể bị đảo lộn.
Tuy nhiên, tình trạng này lại hay bị bỏ qua vì các dấu hiệu ban đầu thường không rõ ràng, lại không hẳn liên quan trực tiếp đến lượng chất lỏng một người nạp vào – không thấy khát nước thì cũng không có nghĩa là cơ thể bạn đang đủ nước đâu.
#1 – Miệng khô hoặc hơi thở có mùi
Hơi thở không thơm mát dễ chịu không phải lúc nào cũng có nghĩa rằng cơ thể thiếu nước, nhưng nếu cơ thể thiếu nước, thì đây là một trong những dấu hiệu nhận biết đầu tiên.
Khi mất nước, cơ thể sẽ giảm tiết nước bọt. Thức ăn vào miệng không được thủy phân đầy đủ và cũng không được ‘rửa trôi’ hoàn toàn khỏi khoang miệng. Do đó, bạn sẽ thấy hơi thở của mình có mùi khó chịu. Ngoài ra, cảm giác khô, dính miệng cũng có thể là một dấu hiệu tiềm ẩn khác của tình trạng mất nước (một số nguyên nhân khác bao gồm dùng thuốc hoặc thậm chí bị tổn thương dây thần kinh).
#2 – Co thắt cơ, chuột rút
Khi thực hiện các hoạt động thể chất, một số người dễ gặp phải tình trạng co thắt cơ, chuột rút. Nguyên nhân là do cơ thể thiếu nước (đã bị bài tiết qua da thành mồ hôi), dẫn đến mất cân bằng điện giải. Nồng độ các khoáng chất quan trọng natri, kali, … trong cơ thể bị thay đổi, gây ảnh hưởng đến nồng độ pH cơ thể và hệ thần kinh chức năng.
Tuy nhiên, không cần hoạt động thể chất, bạn vẫn sẽ dễ bị các cơn co thắt cơ hoặc chuột rút nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết.
#3 – Đau đầu, chóng mặt
Khi cơ thể mất nước, não không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết để hoạt động. Do đó, bạn sẽ dễ bị chóng mặt khi vận động, di chuyển. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tình trạng mất nước có thể làm các mô não co lại tạm thời, dẫn đến các cơn đau đầu. Ngoài ra, thiếu nước khiến hệ tuần hoàn hoạt động kém hiệu quả, khiến bạn bị hoa mắt, ù tai.
#4 – Nước tiểu sẫm màu và đặc
Nhìn chung, khi cơ thể được cung cấp đủ nước, nước tiểu sẽ lỏng, không màu hoặc có màu nhạt. Khi bị mất nước, nước tiểu sẽ có màu sẫm và đậm đặc hơn bình thường. Ngoài ra, tần suất đi tiểu trong ngày cũng giảm đi (2–3 lần/ngày hoặc ít hơn). Tuy nhiên, màu sắc nước tiểu cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn hoặc một số loại thuốc bạn đang dùng.
#5 – Cảm giác như bị cúm
Chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, buồn nôn, đau mỏi người do co cơ, … sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng đã bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Nếu tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn, bạn còn có thể thấy ớn lạnh và bị sốt.
#6 – Đói bụng, thèm ăn ngọt
Vùng dưới đồi trong não là khu vực kiểm soát các chức năng khác nhau của cơ thể, như nhiệt độ cơ thể, các dấu hiệu của việc cơ thể cần thức ăn và nước uống. Do đó, nếu thường xuyên thấy đói bụng, thì ‘thủ phạm’ thật sự có thể là do cơ thể đang thiếu nước. Ngoài ra, mất nước cũng khiến việc giải phóng năng lượng dự trữ trong cơ thể gặp khó khăn, gây ra cảm giác đói bụng, thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt – loại thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng.
#7 – Mệt mỏi
Mất nước có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ, khiến khó ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, dẫn đến việc bạn cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, mặc dù không hoạt động thể chất hay vận động mạnh.
Xem thêm:
Nestle và nỗ lực thay đổi nhận thức về cà phê của cả một đất nước
Trà túi lọc – Những công dụng “ích nước, lợi nhà” mà ít ai biết
Vì đâu mà Sài Gòn lại có nhiều quán cà phê đến thế?
Thảo luận về bài viết