Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
Dù đi học hay đi làm, chúng ta đều có deadline. Bạn sẽ làm gì khi hạn chót đang đến gần? Một số sẽ chọn cách tập trung hết sức, không nghỉ ngơi cho đến khi hoàn thành công việc. Nhưng thật sự thì ‘chưa học bài xong chưa đi ngủ, chưa làm bài đủ chưa đi chơi’ không phải là một phương pháp đem lại hiệu quả cao.
Đúng là nó giúp chúng ta tận dụng tối đa quỹ thời gian có được (bằng cách chẳng bỏ phí phút giây nào), nhưng cho dù lý do ban đầu có là lười, ôm đồm, trì hoãn, hay gì đi nữa, thì chuyện ‘chạy’ hết tốc lực chỉ tạo thêm sức ép, khiến chúng ta rơi vào tình trạng nhồi nhét, quá tải. Kết quả công việc cuối cùng cũng theo đó lao dốc.
Thay vì tranh đua với thời gian, hãy học cách vận hành cùng với nó – đó là những gì Francesco Cirillo đã nghĩ đến khi ông nảy ra ý tưởng chia nhỏ quãng thời gian làm việc thông qua phương pháp quả cà chua Pomodoro.
Phương pháp Pomodoro là gì?
Nguồn gốc của tên gọi Pomodoro xuất phát từ chiếc đồng hồ bấm giờ hình quả cà chua (pomodoro có nghĩa là ‘quả cà chua’ trong tiếng Ý) mà Francesco Cirillo đã sử dụng để theo dõi thời gian trong quá trình tạo ra phương pháp này. Phương pháp tập trung này thoạt nghe có vẻ… phản tác dụng khi đòi hỏi một khoảng nghỉ ngắn mỗi 25 phút làm việc. Vậy tại sao nó lại được tin dùng từ khi ra đời vào những năm 1980s cho đến nay?
Để thực hành phương pháp Pomodoro, bạn chỉ cần:
Lưu ý: Nếu gặp gián đoạn trong 25 phút làm thì thời gian sẽ tính lại từ đầu
Theo Francesco Cirillo, phương pháp quả cà chua không chỉ đơn giản là chuyện hẹn giờ. Nó có những giá trị, nguyên lý, mục tiêu, và cách thực hành riêng. Có thể hình dung chuyện chạy deadline cũng giống như khi bị thú dữ đuổi vậy. Dù một bên vắt chân lên cổ mà chạy, một bên vắt… toàn thân mà hoàn thành công việc thì trong cả 2 trường hợp, chiến thắng thời gian vẫn là mục tiêu cuối cùng. Xướt xát cả người cũng chẳng sao, bài báo cáo đầy lỗi thôi cũng kệ, miễn đạt mục tiêu cuối cùng là được.
Chúng ta không thể dừng hay làm thời gian trôi chậm lại được. Muốn thắng, cách duy nhất là ‘chạy’ nhanh hơn. Nhưng việc làm này rõ ràng không phải là biện pháp tối ưu nhất. Do đó, thay vì cố gắng hơn thua với thời gian, hãy học cách vận hành cùng với nó, và chuyển hướng đối phó sang đối tượng khác.
“Vấn đề ở đây sẽ liên quan đến cách thức hoạt động của tâm trí. Chúng ta dễ dàng bị xao nhãng bởi rất nhiều lý do, và không may, tâm trí lại là nguồn gây xao nhãng lớn nhất. Khi bị áp lực thời gian, chúng ta dễ căng thẳng. Càng căng thẳng, tâm trí sẽ càng gây nên nhiều gián đoạn.” Như vậy, phương pháp quả cà chua Pomodoro được tạo ra nhằm giúp chúng ta giải quyết vấn đề với tâm trí của chính mình.
Tập trung cao độ trong thời gian dài sẽ làm cạn kiệt mức năng lượng của bạn, ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, khả năng tư duy và ra quyết định của bạn. Những khoảng nghỉ ngắn của phương pháp Pomodoro sẽ cho phép tâm trí ‘xả hơi’ và tái sắp xếp sau một quãng thời gian tập trung nhất định.
6 mục tiêu của phương pháp quả cà chua Pomodoro
Lý thuyết là vậy, nhưng không phải cứ nhào vào làm lấy làm để trong 25 phút là được. Để Pomodoro đem lại kết quả tốt nhất có thể, người thực hành phương pháp Pomodoro cần lần lượt đạt được 6 mục tiêu:
#1 – Tìm ra khoảng thời gian và mức năng lượng cần thiết phải bỏ ra để hoàn thành một công việc nhất định
#2 – Cố gắng giảm thiểu các yếu tố gây xao nhãng để đảm bảo sự tập trung hoàn toàn trong vòng 25 phút
#3 – Có khả năng tính toán công sức cần thiết cho các hoạt động khác trong tương lai sau khi đã tính toán xong thời gian cần bỏ ra để hoàn thành công việc hiện tại mà không gặp xao nhãng
#4 – Biến mỗi quãng 25 phút làm việc trở nên càng hiệu quả càng tốt. Bạn có thể dành ra ít phút đầu mỗi phiên Pomodoro để review những gì vừa đạt được trong phiên trước. Hoặc, bạn cũng có thể đẩy phần review này xuống cuối mỗi quãng 25 phút, sau đó lưu ý nhanh vài thứ cho phiên Pomodoro tiếp theo. ‘Biến thể’ này của phương pháp Pomodoro đặc biệt phù hợp với những người chuộng làm việc theo trạng thái ‘dòng chảy’ (flow) và không muốn nghỉ 5 phút nhằm tránh phá vỡ flow.
#5 – Sau khi vượt qua 4 mục tiêu đầu, bạn đã sẵn sàng cho mục tiêu thứ 5, đó là bắt đầu bấm giờ và tự tạo ra một lịch Pomodoro phù hợp đặc thù công việc và khả năng của riêng mình. Bạn sẽ có thể tận hưởng những quãng nghỉ mà không cảm thấy tội lỗi hay bận tâm về chuyện ‘đáng ra mình có thể làm thêm xíu nữa’.
#6 – Mục tiêu cuối cùng là giúp người thực hành phương pháp Pomodoro có thể tự tạo ra được những mục tiêu khác cho riêng họ.
Đối với những quãng nghỉ, chúng ta cũng cần sử dụng chúng sao cho đúng. Trong 5 phút hoặc 30 phút thư giãn đó, bạn có thể hít thở sâu, vận động nhẹ, uống cốc nước, hoặc ngồi ngắm cây cối đất trời. Làm gì cũng được, quan trọng là để não được nghỉ ngơi để có thể bắt đầu phiên Pomodoro tiếp theo một cách hiệu quả nhất.
(Tham khảo: How Stuff Works)
Xem thêm:
Những mẹo giúp làm việc chăm, chơi thật khỏe
Làm sao để deadline không có nhưng năng suất vẫn tăng?
12 tips để làm việc thông minh hơn
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết