Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
Năng lực quản lý thời gian là một kỹ năng ‘hấp dẫn’ – còn gì tuyệt vời hơn việc sống một cuộc đời gọn gàng ngăn nắp hơn, có tổ chức hơn, và đạt được những mục tiêu đặt ra dễ dàng hơn?
Nhưng suy cho cùng, như bao kỹ năng khác, quản lý thời gian chỉ là một công cụ hỗ trợ có thể được học hỏi và trở nên tốt hơn thông qua thực hành. Nó hoàn toàn không phải điều gì thần bí hay kỳ diệu. Việc thần thánh hóa nó lên chỉ dễ làm phát sinh quan niệm sai lầm, và những sai lầm này có thể dẫn đến những trở ngại khác cho công việc và cuộc sống – khiến mọi thứ trở nên tệ hơn cả lúc bạn chưa thực hành quản lý thời gian.
Lầm tưởng thứ nhất: Bạn không thể thành công nếu không quản lý thời gian
Lầm tưởng này nguy hiểm ở chỗ nó liên kết và đánh đồng tính tổ chức với trạng thái thành công. Quản lý thời gian tốt, bạn sẽ thành công. Quản lý thời gian kém hoặc hoàn toàn không có kỹ năng này, bạn sẽ thất bại.
Thoạt nghe, tư duy này không phải không có lý. Làm sao một người có thể thành công nếu không biết cách quản lý thời gian và hoạt động của mình một cách có ý thức và hệ thống? Tuy nhiên, quản lý thời gian là thứ cần dùng trong khâu thực thi, trong khi việc một người có thành công hay không phụ thuộc nhiều hơn vào quá trình ra quyết định của họ.
Nếu chúng ta không ra quyết định, hoặc những quyết định đưa ra là sai, thì sẽ chẳng có kỹ năng quản lý thời gian nào có thể giúp bạn cả. Lúc này, kỹ năng tốt sẽ giúp bạn hoàn thành xuất sắc những việc… chẳng dẫn mình đi đến đâu.
Lầm tưởng thứ hai: Quản lý thời gian là kỹ năng có những quy tắc phổ quát phù hợp với mọi người
Khá nhiều những tựa sách và những diễn giả truyền cảm hứng về quản lý thời gian đều (vô tình hoặc cố ý) truyền đi tư tưởng rằng quản lý thời gian không mang tính chất cá nhân – ai cũng có thể làm được, và có những quy tắc chung về quản lý thời gian mà chúng ta đều có thể áp dụng.
Thực chất, quản lý thời gian nên được xây dựng dựa trên những đặc điểm cá nhân của mỗi người (giá trị, niềm tin, hoàn cảnh sống, đặc thù tính cách, thói quen, …), từ đó giúp thay đổi cuộc sống (và cả hình ảnh của họ) theo những cách tốt hơn. Nếu không, thì quản lý thời gian trở nên vô nghĩa.
Do đó, nếu chỉ đơn giản sao chép và áp dụng máy móc những tips quản lý thời gian của người khác lên bản thân mình, khả năng cao bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong lúc thực hành và thấy rằng nó không mang lại giá trị gì có ích cho bạn.
Lầm tưởng thứ ba: Quản lý thời gian không hiệu quả
Số người thất bại sau khi đã thử sống theo một thời gian biểu được sắp xếp, quản lý chặt chẽ nhiều hơn số người thành công.
Lầm tưởng thứ ba này về quản lý thời gian có liên quan đến lầm tưởng thứ hai phía trên. Do đó, điều quan trọng là bạn cần xây dựng được một thời gian biểu hoạt động dựa trên các đặc điểm về tính cách, lối sống, thói quen, môi trường, và phong cách làm việc của mình.
Ngoài ra, đừng quên dành những khoảng thời gian nhất định cho giải trí và nghỉ ngơi thư giãn. Thời gian cho công việc và phát triển bản thân là cần thiết, nhưng cũng đừng để nó chiếm hết quỹ thời gian của bạn.
Lầm tưởng thứ tư: Quản lý thời gian tốt đồng nghĩa với việc phát triển bản thân tốt
Thông thường, khi đã đến một gian đoạn phát triển nhất định, chúng ta thường rơi vào một thời kỳ khủng hoảng, nhu cầu nhìn nhận lại bản thân và cuộc sống nảy sinh. Cái ta cần lúc này là một nguồn động lực hoặc một ‘biến cố’ đủ lớn để giúp bản thân thức tỉnh và nhận ra mình cần làm gì tiếp theo.
Đa phần, các kỹ thuật và tips về quản lý thời gian đều hướng đến việc đạt được mục tiêu (goal oriented). Điều này không có gì sai, tuy nhiên, cũng giống như nhận định sai lầm về thành công, thì quản lý thời gian (dù có làm tốt đến đâu) cũng không giúp ích gì nhiều trong quá trình phát triển bản thân của một người, do nó không giúp tạo ra được động lực hay biến cố để thúc đẩy thay đổi.
Lầm tưởng thứ 5: Quản lý thời gian sẽ lập tức giúp bạn có nhiều thời gian hơn
Sắp xếp công việc và những thứ cần làm trong đời sống chỉ giúp bạn hoàn thành chúng một cách nhanh chóng và / hoặc hiệu quả hơn, chứ không tặng thêm cho bạn giờ đồng hồ nào cả. Hơn nữa, áp dụng phương pháp quản lý thời gian vào cuộc sống hằng ngày là một quá trình dài, thế nên đừng mong đợi rằng nó sẽ đem đến hiệu quả ngay lập tức.
Ngược lại, thời gian bắt đầu thực hành kỹ thuật này lại là khoảng thời gian… khá ác mộng. Nguyên do là vì bạn đang phải phát triển những kỹ năng hoàn toàn xa lạ để dần dần thay đổi phong cách sống và làm việc của mình – những việc đòi hỏi khá nhiều thời gian, năng lượng, và động lực.
(Tham khảo: Calendar Blog)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Sử dụng phương pháp Pomodoro sao cho hiệu quả?
“Làm chủ” chính mình
Xử lý môi trường làm việc độc hại
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết