Trong cuộc sống, sẽ có không ít lần chúng ta sẽ rơi vào những tình huống ngượng ngùng. Đó có thể là khi tham gia một sự kiện toàn người lạ, hoặc những buổi ăn cưới, tiệc mừng của những người mà mình cảm thấy không quá thân thiết.
Không chỉ chúng ta mà chính những người xung quanh cũng có thể cảm thấy bất an và ngại ngùng mỗi khi tham gia những cuộc trò chuyện như vậy. Để giúp cho bầu không khí trở nên thoải mái, vui vẻ hơn, sau đây là những cách bạn nên nắm vững để khéo léo mang lại niềm vui cho “cả làng”.
1. Tạo bầu không khí thân thiện, vui đùa
Bạn có thể thu hút sự chú ý của mọi người thông qua việc khiến bầu không khí vui tươi hơn. Nếu có thể, hãy chơi những trò đặt câu hỏi để giúp các bên tham gia có thể biết thêm về nhau. Ví dụ như ta có thể nói về các chủ đề liên quan đến thời tiết, hoặc nói về công việc như: “Cho tôi biết 3 điều về công ty bạn, và tôi sẽ đoán bạn đang làm trong lĩnh vực gì”.
2. Lên kế hoạch cho câu mở đầu cuộc trò chuyện
Nếu thấy khó khăn trong việc bắt đầu một câu chuyện, bạn có thể tìm đến điểm chung giữa bạn và những người tham gia. Ví dụ như chọn người đã mời các bạn tham gia sự kiện này làm chủ đề. Ta có thể hỏi sao đối phương quen người tổ chức rồi từ đấy có thể tiếp nối câu chuyện sang các chủ đề khác.
3. Lặp lại những gì người kia nói
Người sáng lập của podcast Death, Sex & Money Anna Sale chia sẻ rằng đây là một cách vô cùng hiệu quả mỗi khi rơi vào bầu không khí ngại ngùng của cuộc trò chuyện. Bằng việc lặp lại những gì người đối diện vừa chia sẻ, bạn có thể cho họ thấy rằng mình đã lắng nghe, đồng thời đang có hứng thú với chuyện đấy (dù có thể bạn không quá quan tâm đến chủ đề này). Thông qua phương pháp này, ta có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện đi theo những chủ đề khác nhau, giúp các bên dễ dàng tham gia hơn. Một cách tuyệt vời khác là tóm tắt lại câu chuyện đối phương vừa nói, đồng thời đi kèm với những lời khen, những suy nghĩ tích cực về chủ đề đấy.
4. Đừng ngại việc dừng nói chuyện
Chia sẻ là tốt, nhưng chọn được đúng câu chuyện để chia sẻ thì sẽ càng đáng quý. Vậy nên trong cuộc trò chuyện, nếu cảm thấy bản thân chuẩn bị lỡ lời hoặc băn khoăn không biết nên nói gì thì hãy dừng lại và suy nghĩ. Khoảng lặng này sẽ giúp bạn điều chỉnh lại tinh thần, đồng thời khiến đối phương trở nên hồi hộp và hứng thú hơn với những gì bạn chuẩn bị chia sẻ.
5. Mở rộng tâm trí để giữ hòa bình
Trong các tình huống giao tiếp xã hội, chúng ta sẽ tiếp xúc với rất nhiều người, đến từ các nền văn hóa, hoàn cảnh khác nhau. Có những người chúng ta sẽ nhanh chóng bắt được sóng, có những người lại tiếp xúc mãi vẫn không thể thấy hợp được. Nếu trong một cuộc trò chuyện, quan điểm của bạn và những người tham gia có sự mâu thuẫn, dù đã cố gắng nhưng đôi bên vẫn không tìm được điểm tương đồng thì cách đơn giản nhất để xử lý vấn đề này chính là: Chấp nhận nó. Không phải ai cũng giống ai, và chúng ta cũng không thể bắt ép hay miễn cưỡng ai thay đổi quan điểm của mình.
Khi mở rộng tâm trí, biết đặt mình vào suy nghĩ của người khác, bạn nhận ra mình trở nên ít phán xét hơn và có những góc nhìn mới mẻ, dù rằng bạn có thể không thích chúng.
6. Đảm bảo đường “rút lui”
Đôi khi ta sẽ muốn ngừng cuộc trò chuyện và tìm khoảng không cho riêng mình. Vậy nên để tránh gây ảnh hưởng đến đoạn hội thoại hoặc khiến mọi người mất tập trung, bạn có thể nói rằng bản thân cần phải gọi một cuộc điện thoại gấp. Điều này sẽ tốt hơn lý do đi vệ sinh hoặc lấy thêm đồ ăn bởi khi nghe điện thoại, sẽ không ai đi theo bạn cả.
Theo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
Networking liệu có phù hợp cho tất cả mọi người?
#NgườiLớnĐiLàm: Những sự thật chốn văn phòng
#Nghĩ: Phong ba bão táp không bằng kết bạn ở tuổi trưởng thành
Thảo luận về bài viết