#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
“Khi quảng cáo khác xa với thực tế,” “Khi quảng cáo là một thứ gì đó quá ‘xa xỉ’ và khác xa đời thật,” “Dở khóc dở cười với hình ảnh quảng cáo và thực tế phũ phàng,” v.v. – chắc hẳn đó là những kết quả trả về khi bạn gõ nhanh cụm từ “Quảng cáo và Thực tế” lên thanh công cụ tìm kiếm.
Những ảnh chụp trên cuốn tạp chí hay quyển menu thường khiến ta bị “hớp hồn” và có cảm giác muốn được thưởng thức ngay những món ăn, đồ uống đó. Nhiều người đã nghĩ rằng những bức ảnh hấp dẫn về đồ ăn chính, kích thích vị giác này thực chất đến từ những “chiêu trò” chụp ảnh của các thương hiệu / nhà hàng.
Tuy nhiên, có đúng hay không khi chỉ cần thông qua một vài “mánh khoé” là các nhà quảng cáo đã có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động, kích thích khứu giác và vị giác của khách hàng chỉ thông qua một bức ảnh tĩnh?
Cuộc trò chuyện của The Millennials Life cùngfood stylist Lê Ngọc Hưng (Justin Le) sinh năm 1997 và đã có hai năm làm trong ngành F&B, sẽ cho bạn câu trả lời từ chính góc nhìn của người trong nghề.
Food styling là một công việc tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Những đi thế hệ trước gần như chưa từng nghe qua về công việc này. Nếu phải giải thích hoặc định nghĩa foody stylist cho bố mẹ, cô chú thì Lê Ngọc Hưng sẽ ví dụ đơn giản thế nào?
Đối với nghề của mình, hay những nghề mới lạ khác không có trong bản đồ hướng nghiệp phổ thông của của các phụ huynh, mình rất thích chia sẻ trong tâm thế như thế này, thực sự là một cách rất tôn trọng người khác vì mình đâu thể biết họ có hiểu sâu cỡ nào về ngành.
Thay vì nói “con làm food stylist,” Hưng sẽ nói mình là chuyên viên tạo hình ẩm thực để thợ chụp ảnh ghi lại món ăn đó một cách đẹp mắt nhất. Giống chuyên viên trang điểm cho cô dâu vậy đó! Mỗi khi mình xem lại ảnh cưới, ta sẽ thấy cô dâu luôn xuất hiện với một ngoài hình xinh xắn, đẹp đẽ nhất trong ngày cưới, đó là nhờ công việc của một chuyên viên tạo hình.
Nếu vẫn còn khó hiểu thì Hưng sẽ cầm gói mì ra và chỉ vào hình ảnh bao bì, giải thích với quý phụ huynh rằng, “Con làm những thứ kiểu như tô mì không có thật trên đời này để người ta chụp dán lên bao bì.”
Lê Ngọc Hưng có thể kể về cơ duyên dẫn bạn đến với công việc food stylist? Châm ngôn làm việc của Hưng là gì?
Khi đang loay hoay tìm kiếm một công việc yêu thích, Hưng đã có cơ hội trải nghiệm rất nhiều vị trí và vai trò đa dạng. Người không biết mình muốn gì chắc chắn là vì chưa hiểu những gì đang diễn ra ngoài kia, tốt nhất là nên thử làm mọi thứ một chút để nắm rõ thế giới này vận hành ra sao có đúng không?
Hưng tin là như vậy, nên sau khi tốt nghiệp trung học, Hưng liền “cả gan” ứng tuyển làm food reviewer cho một công ty chuyên về đánh giá quán ăn. Lên đại học, song song với chuyên ngành Ngữ Văn Anh, mình còn thử sức ở vai trò trưởng ban truyền thông cho vài câu lạc bộ, NGO về phát triển nghệ thuật nội địa để xem tư duy và cách vận hành của môi trường quốc tế ra sao.
Sau đó phát hiện bản thân say mê trở thành một copywriter nhờ vào tính nhạy bén với chữ nghĩa. Hưng đã từng nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với công việc này. Bên cạnh đó, mình cũng bén duyên làm freelance photographer (thợ chụp ảnh tự do) cho một vài quán cafe và nhà hàng bistro khi phát hiện ra rằng giữa chữ và hình vốn như “tình với nghĩa.”
Cuối cùng, năm 2019, khi đang làm copywriter, mình dừng lại để xin ứng tuyển vào FPDB Creative, một công ty nhiếp ảnh ẩm thực vừa mới thành lập lúc bấy giờ.
Là vậy đó. Tất cả những thứ bạn làm, ít nhiều sẽ dẫn bạn đến vị trí của hiện tại. Cũng nhờ vậy mà bỗng một ngày Hưng thấy mình đang loay hoay làm food stylist trong những buổi chụp hình chuyên nghiệp, tính đến nay cũng được hai năm rồi đó. Nếu thử liệt kê sẽ thấy những công việc trong quá khứ của Hưng đều sẽ liên quan đến ý tưởng, nội dung, nhiếp ảnh, và ẩm thực. Không khó để thấy việc đảm nhận công việc hiện tại của Hưng nghe cũng hợp lý quá chứ!
Suốt ngần ấy năm, mình vẫn làm việc với một kim chỉ nam duy nhất: “Chọn công việc, chỗ làm và đồng nghiệp như chọn người yêu, nhất định phải là những thứ mình có thể hạnh phúc sống chung trong suốt những năm sẽ rất dài và vất vả phía trước.”
Đâu lời lời mời hợp tác bất ngờ nhất bạn nhận được và tại sao công việc đó lại khiến bạn ngạc nhiên?
Lời mời nào với mình cũng bất ngờ hết trơn. Nhiều lúc thấy mình còn chưa tự tin lắm thì y như rằng có một ai tin tưởng vào mình quá sẽ làm Hưng bất ngờ (cười lớn).
Nhưng bất ngờ đỉnh điểm có lẽ là lời mời đến từ một đất nước mà mình còn không biết sự tồn tại của nó. Đó là chuỗi cà phê tại Kuwait, một quốc gia tại Tây Á. Họ liên hệ đến đối tác của mình khi thấy dự án mà tụi mình thực hiện được đăng tải trên Behance. Cho những bạn chưa biết thì Behance là nền tảng uy tín nhất để bạn đăng tải các sản phẩm sáng tạo trong mọi lĩnh vực.
Và bất ngờ nhất là khi các vị khách này ngay lập tức chuyển khoản 100% chi phí dự án khi mình còn vẫn còn đang “bán tín bán nghi.” Đôi khi sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng đặt vào mình cũng khiến mình bị sốc.
Ngoài mắt nhìn nghệ thuật và kỹ năng chụp ảnh, 3 điều một food stylist giỏi cần có?
Mình nghĩ mỗi food stylist cần có sự am hiểu về ẩm thực sâu sắc, sức bền ở cả thể chất lẫn tâm lý, và khả năng thấu hiểu và truyền đạt ý tưởng. Đó là ba điều mà mình chợt nghĩ ra trong số rất nhiều điều cũng quan trọng không kém!
Đã không ít lần trên các trang mạng xã hội, mọi người chia sẻ về hình ảnh quảng cáo thức ăn khác hoàn toàn so với thực tế. Chính vì vậy mà nhiều đơn vị nhiếp ảnh ẩm thực nói riêng và ngành quảng cáo F&B nói chung đã nhận không ít chỉ trích về đạo đức nghề nghiệp.Lê Ngọc Hưng nghĩ sao về những ý kiến này?
Hưng nghĩ ý kiến này rất hiển nhiên và chắc chắn luôn tồn tại đâu đó trong suốt những năm phát triển của ngành sản xuất hình ảnh ẩm thực.
Nghĩ tích cực thì Hưng thấy sự chỉ trích đó phản ánh rất rõ tâm lý của khách hàng mà những người làm quảng cáo đang nhắm đến. Nếu họ thấy hình ảnh quá ảo so với thực tế, họ sẽ đánh giá không tốt về cách làm tiếp thị của một nhà hàng/thương hiệu. Như vậy nhà hàng/thương hiệu đó sẽ phải chuyển hướng làm hình ảnh để tiếp tục tồn tại.
Tuy nhiên, luôn có những thị trường đặc biệt ưa chuộng cái “ảo tung chảo” của hình ảnh và hình ảnh đó vẫn sống khỏe với thời gian đó chứ. Như bao bì gói mì có hai con tôm to “vô lí” chẳng hạn.
Không chỉ tính chân thật của bức ảnh được mang ra “mổ xẻ,” yếu tố thiếu bền vững cũng là lý do khiến không ít người chỉ trích công việc này. Chẳng hạn như có những dự án stylist sẽ ưu tiên cho prop chỉ dùng một lần, hay những lần họ buộc phải dùng hóa chất không thân thiện với môi trường. Với Hưng, bạn có đặt nặng yếu tố “xanh” này không? Nếu có, những nguyên tắc nào khi làm cho thấy hưng chú trọng đến việc bảo vệ môi trường?
Thật ra, mình có ưu tiên nhưng không đặt nặng yếu tố này. Vì trong ngành sản xuất hình ảnh, bạn hiểu rằng sẽ còn có những yếu tố khác được đặt lên hàng đầu. Ngành này là một “trò chơi” của cả tập thể mà, sự tham gia của mình chỉ là góp vào một bức tranh tổng thôi.
Khi làm việc, mình cũng có những “nguyên tắc xanh” bắt buộc như ưu tiên như dùng loại đồ nghề bền và đắt một chút để không phải thay mới thường xuyên. Nếu không bắt buộc phải lãng phí, nhất định sẽ không tùy tiện phí phạm dù chỉ là chút ít nguyên vật liệu. Hoặc thay vì dùng đồ ăn thật để cứ 1-2 giờ lại thay mới và đổ bỏ, có thể dùng đồ giả để giữ lâu cả ngày.
Lê Ngọc Hưng sẽ ưu tiên sử dụng công cụ thay thế (thức ăn giả được làm từ hóa chất và nguyên liệu rẻ tiền hơn) thay vì sản phẩm thật (thức ăn thật) trong những trường hợp nào? Vì sao?
Hoá chất và nguyên vật liệu làm giả thức ăn thật vốn được tạo ra để duy trì cho thức ăn được đẹp mắt, giữ nguyên hình, nguyên dạng lâu hơn trạng thái thực của chúng, có khi là vĩnh viễn. Vì thế, mình sẽ ưu tiên những công cụ thay thế cho các set quay / chụp mà ekip ước tính sẽ cần nhiều thời gian để quay đi quay lại. Hoặc mình muốn thay thế cho các nguyên liệu đắt tiền chẳng hạn. Ví dụ như thay vì dùng sữa chua để đổ đầy một bồn tắm, người ta có thể dùng keo sữa cho tiết kiệm chi phí.
Post vào đây một tác phẩm “thuần”đồ ăn mà bạn từng thực hiện nhưng không thật sự hài lòng. Nếu có cơ hội thực hiện lại bức ảnh đó và được sử dụng prop, hóa chất hay các vật dụng thay thế để tăng giá trị của nó,Lê Ngọc Hưng sẽ chỉnh sửa như thế nào?
Thực tế thì chưa có tác phẩm nào mà mình cảm thấy thất vọng quá nhiều đến độ nuối tiếc và muốn làm lại. Tất cả đều là một giấc mơ đẹp không ai muốn mơ lại lần hai.
Bên trên là một ly đá xay thật mà mình muốn thử trải nghiệm dùng nguyên liệu giả thay thế để xem hiệu quả thị giác có đúng như lời đồn không.
Cụm từ “food porn” gần đây đã trở thành xu hướng khi nói về food photography. Thông thường, để làm tăng giá trị hấp dẫn của bàn tiệc, “food porn” thường chú trọng vào sự sặc sỡ và đa dạng cũng như việc tối đa hóa khẩu phần ăn – dẫn đến lãng phí bởi món ăn dư thừa đều phải đổ bỏ (do không ăn hết hoặc thức ăn để ngoài bị hư hỏng hoặc đã sử dụng qua hóa chất). Dưới góc nhìn của một food stylist, Hưng có nghĩ sự lãng phí đó là điều cần phải đánh đổi để tạo ra một bức ảnh ưng ý không? Tại sao?
Mình nghĩ đó là điều hiển nhiên. Sự hao tốn nguyên vật liệu là bản chất của mọi ngành sản xuất mà sản xuất hình ảnh cũng không ngoại lệ.
Là người yêu ẩm thực, nếu thấy đồ ăn bị đổ bỏ sau khi chụp chắc chắn mình sẽ rất “xót.” Tuy nhiên, mình nghĩ rằng nếu đến cả thức ăn cũng không dám hao tốn một chút để sản xuất hình ảnh ẩm thực, thì chẳng phải sẽ giống như sản xuất sách mà lại sợ lãng phí gỗ sao?
Ngoài những hiểu lầm trên,Lê Ngọc Hưng đã từng nghe được hoặc tự mình trải nghiệm những định kiến nào khác về công việc của mình? Bạn đã giải quyết những áp lực đó như thế nào?
Một định kiến khác chắc chắn nhiều người cũng từng nghĩ về ngành này đó là làm nhiếp ảnh ẩm thực sướng lắm vì chỉ đi ăn rồi chụp vài tấm ảnh mà cũng có thật nhiều tiền. Tuy nhiên, với mình đó lại không phải là một loại áp lực để buộc phải giải quyết. Mình chỉ biết nghe rồi không ngừng hy vọng định kiến đó sẽ thành sự thật vì mình vẫn còn vất vả và nghèo quá nè (cười lớn).
5 Điều không thể hiểu vềLê Ngọc Hưng nói riêng cũng như về food stylist nói chung nếu chỉ biết bạn qua mạng xã hội?
Thứ nhất, không phải food stylist nào cũng cuồng nấu ăn hoặc quá đam mê về ẩm thực đâu.
Thứ hai, food stylist không phải là nghệ sĩ để có thể bay bổng, sáng tạo và tô vẽ như bạn lầm tưởng, khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp mới là người quyết định bạn là nghệ sĩ cho tờ giấy trắng của họ hay chỉ là người bảo trợ cho bức tranh mà họ đã tô rất kĩ.
Thứ ba, mình của hiện tại vẫn xem food stylist là một cột mốc để trải nghiệm và học hỏi.
Thứ tư, trong tất cả những yếu tố hiển nhiên phải có ở một food stylist, thì hai cái quan trọng nhất mình lại không có. Đó là sự khéo tay và độ tỉ mỉ (cười). Tuy thế, mình vẫn đi được đến ngày hôm nay. Vậy nên nếu bạn lỡ đam mê nghề này và đọc được những chia sẻ của mình thì hy vọng chúng ta đều đã có thêm một chút động lực rồi đó, cố lên nha!
Cuối cùng là ngày thứ Năm luôn là ngày bận nhất trong tuần của mình. Công ty mình ít chọn shooting vào thứ sáu hay cuối tuần lắm, đầu tuần thì lại để dành lên ý tưởng và chuẩn bị.
Động lực nào giúp bạn luôn có hứng thú làm việc, bất kể những chỉ trích gay gắt của người khác?
Mình nghĩ đó là thành quả, là những bức ảnh đẹp. Có sóng gió, chỉ trích hay vấp ngã đến đâu thì khi đi đến cuối cùng của một dự án và nhìn lại những bức ảnh đẹp mình đã thực hiện, trong lòng Hưng cũng sẽ thấy ấm áp vì mình đã làm được những điều không tưởng.
Tính chất của ngành này là mỗi một dự án đều hoàn toàn mới, chưa có dự án nào mình gặp mà có thể tái sử dụng những kinh nghiệm cũ. Có lẽ là vì tuổi nghề của mình rất ít. Trải nghiệm này giống như bạn dấn thân vào một cuộc chơi mù mịt để rồi khi chiến thắng, bạn sẽ thấy sung sướng vì mình đã trưởng thành nhiều hơn một chút .
Cuối cùng, hãy gửi một lời khuyên, một lời động viên cho chính bản thân của như những bạn đang ấp ủ ước mơ trở thành food stylist.
Hãy tìm một người mentor, một người đồng hành, một người cộng sự và một người đồng nghiệp hợp với bạn nhé.
Thảo luận về bài viết