Trong cuộc sống, chúng ta cần phải ra quyết định về rất nhiều thứ khác nhau. Hôm nay ăn món gì, lên đồ thế nào để gây ấn tượng trong buổi hẹn hò đầu tiên, có nên đầu tư không và đâu là hình thức phù hợp, vân vân và vân vân. Chúng ta có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phương án khác nhau để lựa chọn. Nhưng quá nhiều lựa chọn đôi khi lại khiến quá trình ra quyết định trở nên mệt mỏi và phiền phức.
Thế mới biết, khả năng kịp thời chọn ra những phương án tốt nhất một cách tự tin và quả quyết là một kỹ năng quan trọng. Nó không những giúp tiết kiệm thời gian mà còn làm cho kết quả đạt được trở nên khả quan hơn nhiều lần.
#1 – Nhận thức về mức độ tự tin của mình
Đã bao giờ bạn chắc chắn 100% về một điều gì đó chỉ để sau cùng ngậm ngùi nuối tiếc rằng phải chi mình đừng quá tự tin?
Con người có xu hướng đánh giá năng lực và kiến thức của mình tốt hơn so với thực tế. Điều này có thể bóp méo nhận định, gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của bạn. Tùy vào vấn đề đang được nhắc đến là gì mà mức độ “chết người” của hậu quả do quá tự tin gây ra sẽ khác nhau. Nếu nấu ra món gì đó… ăn không nổi, bạn vẫn còn lựa chọn đặt đồ về nhà. Nhưng tự tin quá đà trong công việc sẽ dễ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng hơn.
#2 – Nhìn về nguy cơ
Những thứ quen thuộc lúc nào cũng mang đến cảm giác thoải mái. Thói quen là một tác nhân khác gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, vì sự thoải mái sẽ làm bạn “quên mất” những nguy hiểm tiềm tàng hoặc những tổn hại mà bạn đang gây ra.
Ví dụ, bạn có thói quen dậy muộn, vì thế hôm nào cũng phải vắt chân lên cổ để kịp giờ làm. Cứ mỗi lần đến nơi an toàn không bị phạt hay không gặp tai nạn là một lần bạn càng cảm thấy thoải mái hơn với việc phóng xe như bay đến văn phòng. Bạn quyết định vẫn tiếp tục làm thế, hoàn toàn không cân nhắc đến chuyện mình có thể mất tiền hoặc mất cả mạng.
Hoặc, vì không có nhiều thời gian nên bạn hay bỏ bữa hoặc ăn qua loa bằng thức ăn nhanh mỗi ngày. “Trộm vía” từ đó đến nay vẫn chưa gặp vấn đề nào nghiêm trọng. Nhưng thế không có nghĩa rằng những nguy cơ về sức khỏe sẽ mất đi.
Đừng quá chìm đắm trong sự thoải mái. Trước khi ra quyết định, hãy dành thời gian để cân nhắc đến nguy cơ của chúng – những thứ mà bạn rất có thể sẽ không kịp nhận ra nếu cứ mãi tin tưởng vào thói quen của mình.
#3 – Xem xét cách bạn mô tả vấn đề
Xem thử tình huống này nhé. Có hai bác sĩ phẫu thuật, một người nói với bệnh nhân rằng “Có 9/10 bệnh nhân sống sót sau khi áp dụng phương pháp này.” Người còn lại nói, “Tỉ lệ thất bại của phương pháp này là 10%.” Cả hai câu nói đều mô tả một nội dung như nhau, nhưng những người nghe nhắc đến “tỉ lệ thất bại 10%” thường nhìn nhận nguy cơ mà họ gặp phải lớn hơn thực tế nhiều lần.
Cách chúng ta đặt câu hỏi hay mô tả một vấn đề đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cách phản ứng cũng như cách chúng ta nhận định cơ hội thành công của bản thân. Vì thế, trước khi ra quyết định, hay thử xoay chuyển và áp dụng một cách nhìn nhận / mô tả khác về những gì mình đang gặp phải.
#4 – Để mai tính
Đứng trước một lựa chọn khó khăn (như chuyển việc hay đổi nơi sinh sống), chúng ta thường dành rất nhiều thời gian suy nghĩ, cân đo đong đếm tất cả những mặt lợi mặt hại cũng như những cơ hội và rủi ro mà quyết định của mình mang lại.
Cẩn thận là tốt, tuy nhiên suy nghĩ quá nhiều về những lựa chọn có thể làm quá tải nhận thức, dẫn đến việc “chọn bừa” một cách vô thức để tránh né những phiền phức và mệt mỏi của quá trình ra quyết định. Trong những lúc này, đôi khi suy nghĩ vô thức lại khôn ngoan hơn.
Vì vậy, nếu cảm thấy mệt mỏi và khó đưa ra quyết định, hãy cứ… mặc kệ vấn đề, bỏ nó sang một bên hoặc khiến bản thân bận rộn bằng những hoạt động khác, sau đó quay trở lại vào một lúc khác để có được câu trả lời rõ ràng hơn.
#5 – Nghĩ về những sai lầm
Không ai có thể tránh được việc mắc sai lầm. Nó là một phần của cuộc sống. Vì thế, đừng quá tiêu cực với chính mình về những lỗi lầm đã gặp. Tốt hơn, hãy tìm cách rút kinh nghiệm từ chúng. Khi những quyết định của bạn không đem đến kết quả tốt đẹp, hãy dành thời gian để xem xét và phân tích xem điều không đúng ở đây là gì.
Để tránh việc mắc kẹt trong quá khứ và những lỗi lầm, mỗi ngày bạn chỉ cần dành ra 10–15 phút để nghĩ về những lần mình không thành công và tìm cách cải thiện cho những lần tiếp theo.
#6 – Cẩn thận với những lối tắt tư duy
Chúng ta không thể khách quan mọi lúc được. Dù ít dù nhiều, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi các thiên kiến nhận thức. Những thiên kiến, hay còn gọi là ”lối tắt tư duy” này, sẽ giúp bạn không tốn quá nhiều thời gian cho mỗi lựa chọn, nhưng đồng thời nó cũng có thể “lái” bạn đi sai hướng.
Ví dụ, chúng ta hay có xu hướng đưa ra quyết định dựa trên những thông tin sẵn có hoặc vừa được tiếp xúc. Trong lúc phân vân lựa chọn phương tiện di chuyển cho chuyến du lịch sắp tới, nếu đọc được tin tức máy bay rơi, bạn sẽ tự động cho rằng khả năng gặp tai nạn hàng không cao hơn so với đường bộ hoặc đường sắt, dẫn đến việc bỏ qua phương án đi máy bay cho dù trên thực tế nó giúp tiết kiệm thời gian di chuyển hoặc thuận lợi về thời điểm khởi hành cho bạn.
#7 – Cân nhắc những góc nhìn đối nghịch
Một khi đã chọn tin rằng cái gì đó là đúng đắn, chúng ta sẽ tìm cách bảo vệ và bám lấy nó bằng mọi giá. Ví dụ, bạn tin rằng mình rất dở việc nói trước đám đông, thế nên bạn luôn giữ im lặng trong các cuộc họp hoặc không bao giờ xung phong nhận vai trò thuyết trình. Nếu tin rằng đường tình duyên của mình “đen đủi”, bạn sẽ thôi không còn muốn gặp gỡ hay hẹn hò ai nữa. Hay nếu cho rằng “Mấy người còn trẻ mà thành công thì hoặc là có tiền hoặc là có quyền.”, bạn sẽ không chịu công nhận năng lực thật sự của họ, đồng thời sinh ra ý nghĩ không muốn cố gắng nữa vì “mình thì chẳng có tiền cũng không có quyền”.
Thay đổi một niềm tin sẵn có cần nhiều nỗ lực cũng như nhiều bằng chứng thuyết phục hơn so với việc tạo ra một niềm tin bất kỳ. Để tránh rơi vào bẫy tư duy này, tốt nhất hãy luôn cân nhắc đến những góc nhìn đối nghịch trong mọi tình huống. Điều này giúp bạn nhìn nhận sự việc theo chiều hướng mới, từ đó có thể đưa ra những quyết định có phù hợp và có lợi hơn.
#8 – Thừa nhận cảm xúc của bản thân
Nhiều người không cảm thấy thoải mái khi phải chia sẻ hay thừa nhận những gì mình đang cảm thấy. Thay vì nói “Tôi thấy lo lắng về…”, “Việc … khiến tôi rất buồn.”, họ thường dùng uyển ngữ hoặc các cách nói giảm nói tránh khác nhau để không phải trực tiếp đề cập đến cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, thành thật với cảm xúc có thể là chìa khóa giúp bạn có được những câu trả lời sáng suốt hơn. Cảm xúc là một phần của con người, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, trong đó bao gồm cả quá trình ra quyết định. Ví dụ, lo âu khiến chúng ta cẩn trọng hơn, lúc nào cũng nhìn trước ngó sau. Thế nhưng nó có thể “lây lan” từ khía cạnh này sang khía cạnh khác. Nếu bạn đang lo sốt vó vì hồ sơ xin việc vừa gửi đi chưa biết đậu rớt thế nào, thì có lẽ bạn sẽ thôi luôn chuyện mời anh chàng / cô nàng vừa quen đi ăn tối vì cho rằng chuyện rồi sẽ chẳng đến đâu.
Mặt khác, sự phấn khởi lại làm bạn đánh giá quá cao cơ hội thành công, dẫn đến việc sẵn sàng liều lĩnh không cần thiết ngay cả khi đó không phải một hành động không ngoan. Vì thế, hãy lưu tâm nhiều hơn đến cảm xúc của mình và dành thời gian để cân nhắc sự ảnh hưởng của chúng lên những quyết định sắp đưa ra.
#9 – Đối thoại với chính mình như một người bạn
Khi đối mặt với một lựa chọn khó khăn, hãy thử hỏi bản thân rằng, “Mình sẽ nói gì nếu bạn mình gặp vấn đề này?”. Câu trả lời sẽ đến dễ dàng hơn nếu bạn tưởng tượng rằng mình đang giữ vai trò cho lời khuyên một người khác.
Đối thoại với chính mình là một cách giúp cho bạn không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cảm xúc. Bằng cách quan sát sự việc từ góc nhìn người ngoài cuộc, bạn sẽ giữ được tâm thế khách quan hơn, đồng thời đối xử tốt hơn với chính mình một chút. Chúng ta có thể dễ dàng nói những lời tiêu cực với bản thân kiểu“Thế nào cũng thất bại thôi.”, nhưng nếu người đối diện là bạn bè mình, chúng ta sẽ tiết chế những câu nhận xét như thế.
Trò chuyện tử tế với bản thân là một kỹ năng cần phải luyện tập. Nhưng khi bạn có thể biến việc yêu thương chính mình thành một thói quen thì kỹ năng ra quyết định của bạn cũng sẽ dần được cải thiện.
(Tham khảo: Verywellmind)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bí kíp tiếp cận người hướng nội – Họ không “hỏng hóc”, do đó chẳng cần được “sửa chữa”
Căng thẳng buổi sáng – vừa thức dậy ta đã thấy bồn chồn là vì sao?
Tìm hiểu về 6 cảm xúc cơ bản của con người
Thảo luận về bài viết