Trong quá trình chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, bạn cần nhớ rằng bằng cấp, kỹ năng và kinh nghiệm ở nơi làm cũ đều có vai trò quan trọng và là bước đệm giúp bạn hạ cánh an toàn tại một nơi làm việc mới. Tuy nhiên, hãy cẩn thận việc lỡ lời hoặc chia sẻ những thông tin không cần thiết. Dưới đây là một trong số những sai lầm bạn có thể mắc phải và gây điểm trừ trong mắt của các nhà tuyển dụng khi phỏng vấn.
1. “Việc gì cũng đến tay tôi”
Câu nói này sẽ là một tín hiệu không mấy tích cực mà bạn mang đến cho nhà tuyển dụng. Những người phỏng vấn sẽ vô tình cảm thấy rằng bạn không ghi nhận những sự đóng góp của người khác.
Jocelyn S. Lai, trưởng bộ phận thu nhận tài năng tại Duolingo từng nói, “Mọi người thường có xu hướng “đánh bóng” bản thân để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, nhưng đừng quên sự khiêm tốn và công bằng cũng là những tính cách ghi điểm trong mắt họ.” Nếu bạn định nhận hết mọi công sức về phần mình, hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng có thể kiểm tra lại tính xác thực của thông tin này thông qua thư giới thiệu hoặc những câu hỏi trực tiếp như: “Cụ thể công việc của bạn (trong dự án đó) là gì, tại sao không ai lại có thể nhận nó?”
Jocelyn S. Lai cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi muốn mọi người biết cách hợp tác và công nhận sự đóng góp của người khác, đặc biệt là nếu họ định ứng tuyển vào các vị trí trưởng nhóm hoặc lãnh đạo.” Tuy nhiên, bạn cũng không nên hạ thấp bản thân. Một vài ứng cử viên dùng từ “chúng tôi” khi nói về công việc cũ có thể khiến nhà tuyển dụng phân vân về những đóng góp và vai trò của họ.
2. “Tôi chỉ cần một công việc mà thôi”
Nhiều người đi làm với mục đích tìm kiếm sự ổn định, đặc biệt là về mặt tài chính. Chiến lược gia nghề nghiệp và người hỗ trợ viết resume Tammeca Riley nói rằng, “Một vài nhà tuyển dụng sẽ chỉ cảm nhận được sự tuyệt vọng của bạn, chứ không phải sự hứng thú với công ty và vị trí ứng tuyển”.
3. “ Mục tiêu và sứ mệnh chính của công ty mình là gì?”
Khi đang trong quá trình tìm việc, rất có thể bạn sẽ nhận được cơ hội phỏng vấn ở nhiều công ty khác nhau. Việc tìm hiểu trước về lịch sử công ty cũng như mô tả công việc về vị trí bạn đang ứng tuyển thực sự rất quan trọng, bởi nó thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công ty mình có thể làm việc trong tương lai, cũng như thể hiện thái độ tôn trọng với họ. Chuyên gia nghề nghiệp Ana Laura Falcon nói rằng cô ấy đã gặp những ứng viên không nhớ được vị trí mình đang ứng tuyển, thậm chí còn đặt câu hỏi như “Công ty này làm về lĩnh vực gì vậy?”. Nó cho thấy ứng viên “không thực sự biết mình đang tìm kiếm điều gì”.
4. Những chia sẻ ngoài lề
Các câu hỏi mở trong buổi phỏng vấn dễ khiến ứng viên đi quá đà về đời sống cá nhân của bản thân, nói ra những thứ không liên quan tới công việc mà họ đang ứng tuyển.
Ví dụ, theo Sarah Johnson, người đồng sáng lập của Job Search Journey, “Khi còn là nhà tuyển dụng cho công ty cũ, tôi đã gặp những ứng viên trả lời câu hỏi “5 năm nữa bạn thấy mình đang ở đâu?” bằng những chia sẻ không liên quan tới vị trí mà họ đang ứng tuyển.” Cô nói, “Có những người có mong muốn mở nhà hàng riêng, quay trở lại trường học hoặc tham gia vào các cơ quan nhà nước. Không ai phán xét sự thành thật của bạn, nhưng chúng tôi cần thấy được liệu vị trí mà bạn đang ứng tuyển có phù hợp với kế hoạch phát triển cá nhân của bạn hay không”. Nói cách khác, câu trả lời của bạn phải gắn với công việc mà bạn đang phỏng vấn. Chuyên gia nghề nghiệp Falcon nói rằng, “Nếu ứng viên cung cấp thông tin không liên quan tới công việc hay bằng cấp của họ trong buổi phỏng vấn, điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá rằng bạn không phù hợp với công việc.”
5. “Tôi không thích sếp cũ”
Trong buổi phỏng vấn, nhiều ứng viên sẽ có mong muốn xây dựng mối quan hệ với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng họ không phải là bạn bè hay bác sĩ trị liệu của bạn, mà họ là người đang cầm quyền quyết định rằng liệu có nên cho bạn một vị trí trong công ty của mình.
Đừng quá thành thật khi trả lời câu hỏi kinh điển “Tại sao bạn lại muốn thay đổi công việc?”, kể cả khi bạn đang tìm kiếm công việc mới để thoát khỏi văn hoá cũ hay sếp cũ của mình. Lai chỉ ra rằng điều này là do “nhiều ứng viên không có cơ hội bày tỏ bất bình của mình. Khi các nhà tuyển dụng tạo được sự gắn kết với ứng viên, chúng tôi vô tình trở thành bác sĩ trị liệu cho họ, thậm chí có thể khiến họ chia sẻ quá nhiều thông tin không cần thiết về mình.” Và trên hết, thay vì tạo cơ hội để có thể tỏa sáng, việc nói xấu sếp và đồng nghiệp cũ có thể vô tình biến bạn thành vai phản diện nhỏ bé trong buổi phỏng vấn.
Theo Huff Post
Có thể bạn quan tâm:
#NgườiLớnĐiLàm: Sử dụng phương pháp Pomodoro sao cho hiệu quả?
#NgườiLớnĐiLàm: Những mẹo giúp làm việc chăm, chơi thật khoẻ
#NgườiLớnĐiLàm: 12 tips để làm việc thông minh hơn
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết