#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Sau buổi đi chơi vui vẻ, bạn về nhà. Chưa kịp bước vào đến cửa, bạn đã nhận được điện thoại của A – cô bạn vốn “nổi tiếng” bừa bộn và lơ tơ mơ, không cẩn thận bao giờ. A nước mắt ngắn nước mắt dài báo rằng nhà mình vừa bị trộm viếng.
Bạn hết hỏi han lại an ủi. Nhưng đồng thời, bạn không thể không cảm thấy có chút khó chịu trong lòng. Đãng trí có tiếng, chắc chắn là cô nàng lại quên khóa cửa trước khi đi chơi. Sự việc không may này âu cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để A ý thức hơn về tính cách cần phải sửa của mình.
Thế giới công bằng, trời cao có mắt
Tình huống trên là một ví dụ cho lối tư duy trời cao có mắt (just-world hypothesis), khi chúng ta tin tưởng vào một thế giới công bằng, nơi mọi chuyện đều có lý do, và mỗi người cuối cùng rồi sẽ nhận lãnh những gì xứng đáng với mình.
Cuộc sống vốn dĩ bất công, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta tin tưởng và mong muốn nó phải công bằng. “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.” là một trong những bài học vỡ lòng chúng ta quen thuộc từ tấm bé. Tư tưởng người lành sẽ hưởng quả ngọt còn người ác tất nhận quả báo giúp con người hướng thiện, tránh xa điều xấu, tăng cường điều tốt. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta quên mất rằng thế giới thần tiên và những câu chuyện cổ tích không thể hoàn toàn phản chiếu những gì đang diễn ra trong thế giới thực.
Niềm tin này cổ vũ cho lối tư duy biện minh và đổ lỗi, khiến chúng ta tìm mọi cách để lý giải và hợp lý hóa tất cả mọi thứ cả tích cực lẫn tiêu cực diễn ra hàng ngày hàng giờ. Nó nhấn mạnh vai trò của các chuẩn mực đạo đức, gợi ý một mối liên hệ rõ ràng, tuyệt đối giữa tư chất / tính cách của một người với những gì mà họ nhận được. Như ở ví dụ đầu bài thì câu chuyện bị trộm vào nhà chẳng qua là kết cục tất yếu của một người hậu đậu đãng trí mà thôi.
Thiên kiến trời cao có mắt thường được phân chia thành 2 dạng chính: thiên kiến ảnh hưởng đến mối quan hệ, bao gồm cả quan hệ người-người và cách một người tự nhìn nhận, đánh giá chính mình; và thiên kiến ảnh hưởng đến nhận thức và cách lý giải về một sự kiện trong quá khứ hoặc tương lai.
Mỗi người chúng ta đều tin tưởng vào một thế giới công bằng theo những cách thức và mức độ khác nhau. Những gì ta thể hiện ra bên ngoài đều chịu ảnh hưởng của niềm tin đó. Ví dụ, một người tin rằng thế giới công bằng với tất cả sẽ có xu hướng ít cho tiền người ăn xin hơn vì quan niệm sự nghèo đói của họ là kết quả tất yếu từ việc lười lao động, phung phí tiền bạc, …; trong khi một người tin rằng thế giới công bằng với bản thân sẽ làm điều ngược lại, vì việc giúp đỡ người khó khăn được xem là một việc tốt, và làm việc tốt chắc chắn sẽ nhận phần thưởng về sau.
Ví dụ và những ảnh hưởng của thiên kiến trời cao có mắt
Thiên kiến trời cao có mắt lần đầu được nhắc đến trong những nghiên cứu của giáo sư Melvin J. Lerner vào khoảng những năm 1960s. Ngoài ra, tư duy này còn được bắt gặp rất nhiều trong các câu chuyện “mẹ kể bé nghe” và các điển tích cổ xưa, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến tôn giáo, khi những người làm điều xấu lúc nào cũng nhận lãnh một kết cục không có gì là tốt đẹp.
Trong đời sống hiện đại, niềm tin vào một thế giới công bằng xuất hiện theo rất nhiều cách khác nhau. Chúng ta cho rằng người có thu nhập thấp là người hoặc không chăm chỉ hoặc không được học hành tử tế mà không tính đến những rào cản kinh tế-xã hội họ gặp phải. Nếu ai đó bị tấn công tình dục thì nguyên nhân đến từ bộ quần áo họ đã mặc hoặc những hành động “gây hiểu lầm” mà họ đã làm. Một người trầm cảm vì suy nghĩ quá nhiều, vì bị ảnh hưởng bởi phim ảnh sách báo, vì họ từ bỏ lựa chọn hạnh phúc của chính mình.
Không phủ nhận rằng niềm tin này đem đến một số lợi ích nhất định. Ngoài việc khuyến khích chúng ta sống lương thiện, tuân theo quy định pháp luật và những chuẩn mực văn hóa-đạo đức, nó còn giúp bảo vệ lòng tự trọng, kiểm soát nỗi sợ, và cho phép chúng ta duy trì một thái độ lạc quan về cuộc sống cũng như thế giới quanh mình.
Song song đó, ảnh hưởng của tư duy trời cao có mắt khiến chúng ta sinh ra thái độ tiêu cực (không đồng tình, xem thường, phán xét, ghét bỏ, …) với các nhóm đối tượng yếu thế hoặc những người mà ta cho rằng không xứng đáng về mặt đạo đức. Ngược lại sẽ là hành động tôn vinh và sự ngưỡng mộ dành cho nhóm thành công, hạnh phúc “đúng chuẩn”.
Danh sách hệ lụy của lối tư duy này sẽ còn kéo dài. Một ví dụ cuối cùng vô cùng quen thuộc, đó là sự ra đời của những nhân vật “thay trời hành đạo” được số đông hết mực ủng hộ cho dù những gì họ làm, xét về mặt bản chất, là hoàn toàn đủ tiêu chí để được xếp vào nhóm hành vi không được đánh giá cao về mặt đạo đức.
Vì sao chúng ta nhất mực tin rằng trời cao có mắt?
Theo nhà tâm lý học Ronnie Janoff-Bulman (Đại học Massachusetts), con người có một niềm tin mạnh mẽ vào sự bất khả xâm phạm của bản thân (thế giới quan giả định tích cực). Do đó, trong một mức độ nhất định, chúng ta tin vào mặt tốt đẹp của một người nói riêng và nhân loại nói chung. Buông bỏ tư tưởng này đồng nghĩa với việc chấp nhận sự thật rằng bất cứ ai – từ gia đình, bạn bè, cho đến chính bản thân chúng ta – cũng có thể trở thành nạn nhân của một thảm kịch nào đó mà không cần lý do “chính đáng” nào.
Ngoài ra, tư duy trời cao có mắt còn được lý giải bởi một số nguyên nhân như:
Sợ phải đối mặt với sự tổn thương
Chúng ta không muốn nghĩ đến hay muốn đặt mình vào vị thế nạn nhân của bạo lực. Bằng cách cố gắng quy kết lỗi lầm cho người bị hại, chúng ta tin rằng “Chỉ cần không làm giống họ thì mình sẽ không gặp chuyện tương tự.”
Mong muốn giảm thiểu lo âu
Một thế giới đầy rẫy bất công làm tăng mức độ lo âu của con người. Nhưng nếu tin rằng “ai đó” phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi những điều không hay xảy đến với họ, chúng ta có thể dễ dàng xóa đi sự thật thế giới bất công, từ đó giảm được nỗi lo trong lòng.
Động lực để cố gắng
Tin rằng mình sẽ nhận quả ngọt giúp chúng ta thúc đẩy bản thân để nỗ lực, thậm chí hy sinh nếu cần thiết, đặc biệt trong những tình huống mà kết quả của hành động sẽ không xuất hiện ngay lập tức. Ngoài ra, niềm tin về phần thưởng về sau còn giúp chúng ta chống chọi tốt hơn trước những trở ngại cuộc sống.
Giải quyết các vấn đề hiện sinh
Bạn có biết mình sống để làm gì, hay những gì bạn làm có ý nghĩa như thế nào hay không? Bạn có bao giờ nghĩ đến cái chết chưa? Đây có thể không phải những gì bạn đang gặp phải, nhưng với một số người thì chúng là những vấn đề vô cùng đau đầu, và quan niệm này phần nào giúp họ giải quyết các vấn đề đó.
Tăng cảm giác kiểm soát
Về cơ bản, chúng ta sẽ có cảm giác tốt hơn về sự ổn định và sự kiểm soát một khi biết rằng những hành động của chúng ta hôm nay sẽ đem đến những kết quả như thế nào trong tương lai.
Kết
Cách chúng ta quyết định đâu là những hành vi đáng bị trừng phạt và đâu là những hành động cần được khen thưởng đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình nhận thức của chúng ta về thế giới. Nó góp phần thay đổi nhận thức của chúng ta về người khác và cả những kỳ vọng dành cho bản thân mình.
Quan niệm trời cao có mắt không đại diện cho khát vọng đấu tranh vì công lý. Nó đơn giản là lối tư duy sai lầm và không đầy đủ, cổ vũ cho việc không hành động hoặc hành động chệch hướng thay vì hành động để tạo ra những thay đổi tốt đẹp hơn. Thiên kiến nhận thức này có thể tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng về mặt đạo đức, xã hội, chính trị, và pháp luật.
Tất cả chúng ta, dù ít hay nhiều, đều bị ảnh hưởng bởi tư duy trời cao có mắt. Sẽ rất khó để có thể hoàn toàn đánh bại quan niệm này, tuy nhiên, nhận thức được sự tồn tại của nó đã là đủ để nhắc nhở chính mình đừng mù quáng hay hấp tấp mà hãy soi xét mọi thứ – từ hành vi của người kia đến những yếu tố môi trường, áp lực xã hội, hoặc những kỳ vọng văn hóa – trước khi ra quyết định hành động.
Thảo luận về bài viết