Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
Khi nghe đến bắt nạt, đa số những hình ảnh đầu tiên bật ra trong đầu chúng ta sẽ liên quan đến bắt nạt trường học hoặc bắt nạt trên mạng. Tuy nhiên, còn một dạng bắt nạt khác dù phổ biến không kém nhưng lại ít khi được đề cập thẳng thắn, đó là bắt nạt công sở.
Theo Davenport, Schwartz, và Elliot (1990), bắt nạt chốn công sở là “nỗ lực ác ý nhằm khiến một người phải rời khỏi chỗ làm (của họ) thông qua việc buộc tội vô cớ, hạ nhục, hành hạ tinh thần, quấy rối nói chung, và / hoặc khủng bố.
Những hành vi bắt nạt được thực hiện hệ thống và thường xuyên bởi một người dẫn đầu – tổ chức, cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp nói chung – và tập hợp những người khác. Hậu quả luôn là sự tổn thương về thể xác hoặc tinh thần, bệnh tật, những tác động về mặt xã hội, và thường thấy nhất là bị loại trừ khỏi nơi làm việc.”
Không giống bắt nạt trường học hay bắt nạt mạng – khi hành vi bắt nạt thể hiện rõ ràng và thường liên quan đến bạo lực – bắt nạt công sở diễn ra nhẹ nhàng, tinh vi hơn, khéo léo núp dưới cái bóng việc tốt kiểu “chỉ dẫn người mới”, “nâng đỡ đồng nghiệp”, hoặc “đưa ý kiến đóng góp”. Ví dụ, mentor bắt nạt mentee khi hướng dẫn công việc theo kiểu làm bẽ mặt người khác; một nhân vật có quyền thế ngầm thao túng cấp trên trong việc đưa ra các chính sách gây bất lợi cho những ai không cùng phe với họ; hoặc làm giảm uy tín đồng nghiệp bằng cách hạ nhục, phao tin giả, hoặc công khai chỉ trích, mạt sát họ.
Bắt nạt công sở xuất hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau, từ thể chất, lời nói, mối quan hệ, cho đến quấy rối tình dục hoặc bắt nạt ẩn danh. Phần lớn những kẻ bắt nạt nơi văn phòng sẽ không đơn thương độc mã hành động. Thay vào đó, họ có bè nhóm, phe phái, và những “tổ chức” này vừa ngấm ngầm vừa công khai tồn tại với bệ đỡ là chính những quy tắc, luật lệ đã có sẵn của đơn vị làm việc.
Bắt nạt công sở gây ra những tác động sâu rộng không chỉ lên người chịu bắt nạt mà đôi khi còn là gia đình của họ. Thế nhưng hành vi này lại ít khi được thẳng thắn đề cập vì hai nguyên nhân. Đầu tiên, vì hành vi bắt nạt được ngụy trang tinh vi nên người bắt nạt thường không nhìn rõ được chuyện gì đang xảy đến, hoặc chỉ nhận ra khi ý đồ của kẻ bắt nạt lộ rõ. Ngoài ra, vì những rủi ro liên quan đến sự nghiệp, thanh thế cá nhân, nhiều người lựa chọn chịu đựng trong im lặng.
Vì sao đồng nghiệp lại bắt nạt nhau?
Nhu cầu kiểm soát người khác
Theo David Beale và Helge Hoel (2011), hành vi của những kẻ bắt nạt công sở thường bị chi phối bởi nhu cầu kiểm soát người khác – cụ thể ở đây là những nạn nhân của họ.
Thông thường, những kẻ bắt nạt dạng này có kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội tốt. Ngoài ra, họ cũng là người có sức ảnh hưởng nhất định ở đơn vị. Đây là lợi thế và cũng là cơ sở để họ nảy sinh tâm lý kiểm soát. Họ muốn được giữ quyền chỉ huy, muốn mọi việc theo ý mình, cho dù việc đó thuộc chuyên môn và phạm vi vị trí công việc hiện tại hay hoàn toàn chẳng liên quan đến họ. Ai không tuân theo sẽ bị xem là “chống đối” và nhanh chóng trở thành nạn nhân.
Tính đố kỵ
A là một trong những nhân viên kỳ cựu tại công ty XX. Thế nhưng, A chưa bao giờ thật sự tự tin vào năng lực bản thân, lúc nào cũng sợ ai đó sẽ “nổi dậy” thay thế vị trí của mình. A luôn thấy bị đe dọa trước năng lực và thành tựu của những đồng nghiệp khác, cả mới lẫn cũ.
Những người rơi vào tầm ngắm của A thường là những nhân viên có thực lực, nhận nhiều đánh giá tích cực trong công việc, hoặc được các đồng nghiệp quý mến. A nỗ lực dập tắt những “mối họa” này bằng cách hạ thấp uy tín công việc, hủy hoại danh tiếng, hoặc đưa ra những luồng thông tin tiêu cực để đảo chiều thái độ của đám đông.
Không kiểm soát được bản thân
Đôi khi, tình trạng bắt nạt công sở xảy ra bởi những người không có khả năng kiểm soát những xung động của bản thân – ví dụ như nóng nảy, la hét, mắng chửi, thậm chí buông lời tục tĩu với người khác. Trải nghiệm làm việc và giao tiếp cùng những nhân vật này chưa bao giờ là dễ chịu vì họ không ngại đưa ra những lời bình luận, chỉ trích ác ý hay những lời xúc phạm thẳng mặt người khác.
Họ chỉ xấu tính, hay họ đang bắt nạt tôi?
Những kẻ bắt nạt, dù là bắt nạt công sở hay bất cứ đâu đi nữa, chắc chắn là những người xấu tính. Tuy nhiên, không phải người xấu tính nào cũng đi bắt nạt kẻ khác.
Hầu hết các chuyên gia đều thống nhất rằng điểm khác biệt giữa bắt nạt và những hành vi xấu tính nói chung đó là bắt nạt là hành vi với chủ đích làm hại những nạn nhân mà nó nhắm đến. Điều này được nhận định thông qua một số yếu tố dưới đây.
Sự mất cân bằng quyền lực
Mất cân bằng quyền lực giữa kẻ bắt nạt và người bị bắt nạt sẽ khiến nạn nhân khó bảo vệ mình hơn. Chênh lệch quyền lực ở đây có thể là trực tiếp khi kẻ bắt nạt là cấp trên, hoặc gián tiếp khi kẻ bắt nạt có ít nhất một ưu thế nào đó so với nạn nhân – có vị thế xã hội lớn hơn, có miệng lưỡi sắc bén hơn, hoặc có ảnh hưởng lớn hơn ở chỗ làm.
Những hành động lặp đi lặp lại
Tâm trạng không tốt hoặc trong những tình huống căng thẳng, chúng ta dễ lỡ lời. Nhưng nếu nó chỉ diễn ra một lần thì chưa đủ để gọi là bắt nạt.
Một trong những dấu hiệu của bắt nạt công sở, đó là hành vi bắt nạt phải có hệ thống và có tính tiếp diễn. Ảnh hưởng của nó lên nạn nhân cũng theo đó mà trở nên liên tục và kéo dài.
Nói cách khác, kẻ bắt nạt sẽ lựa chọn và tập trung công kích một (hoặc một vài) nạn nhân xác định. Hình thức bắt nạt có thể là lặp đi lặp lại cùng một hành động (đặt biệt danh chế giễu, la mắng, chỉ trích, …) hoặc bao gồm nhiều hành đông khác nhau (giành công, che giấu thông tin, cố tình gạt ra khỏi những buổi gặp mặt, họp hành, phao tin giả, …), nhưng mục đích cuối cùng vẫn là gây đau khổ cho nạn nhân.
Hành động có chủ đích
Hành vi của kẻ bắt nạt làm hoàn toàn không phải chuyện “trùng hợp ngẫu nhiên” hay “nhất thời không kiểm soát được”. Chúng là những hành động cố tình, có chủ đích, với ý định hãm hại, kiểm soát, hoặc thao túng người khác.
Hệ quả của những hành động này lên nạn nhân cũng rất rõ ràng, thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Có người bị ảnh hưởng tinh thần (xấu hổ, bẽ mặt, lo lắng, buồn bã, …) dẫn đến công việc có vấn đề. Nghiêm trọng hơn, có người bị căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, thậm chí có ý định tự tử.
Ảnh hưởng của tình trạng bắt nạt công sở
Bắt nạt chốn văn phòng không khác gì một loại dịch bệnh diễn tiến chậm với những ảnh hưởng khôn lường lên thể chất, tinh thần, thanh danh, công việc và đời sống riêng của cả người bị bắt nạt lẫn những người xung quanh họ.
Tuy nhiên, vì ít có những luật lệ hay quy định trực tiếp đề cập đến vấn đề này, thế nên người bị bắt nạt gặp nhiều khó khăn trong việc lên tiếng và tìm kiếm sự bảo vệ. Lựa chọn thường thấy nhất là im lặng, hoặc rời khỏi đơn vị làm việc đó.
Đây cũng là mục đích của hầu hết những kẻ bắt nạt: gây đau khổ và loại trừ nạn nhân. Chúng ta có thể nói rằng rời bỏ một môi trường không phù hợp là chuyện chẳng có gì to tát – “Anh hợp thì ở, anh không hợp thì anh đi thế thôi.” Song ở đây, việc rời bỏ này là không tự nguyện, cũng không phải vì bản chất môi trường không phù hợp. Nó là hành động trốn tránh việc bị bắt nạt. Do đó, nó không thể được xem là chuyện bình thường được nữa.
Nguy hại hơn nữa là ảnh hưởng của bắt nạt công sở lên chính đơn vị làm việc. Đây đều là những ảnh hưởng dài hạn, gây tác động lên tất cả những nhân viên thuộc hệ thống nói chung chứ không chỉ riêng những người là nạn nhân bị bắt nạt. Nếu không có biện pháp khống chế và giải quyết thỏa đáng, doanh nghiệp không chỉ mất đi những nhân viên có năng lực mà vị thế đơn vị sẽ bị giảm đi nhiều trong mắt những ứng viên tiềm năng – khi tất cả những ấn tượng của họ về nơi này là một môi trường độc hại, không quan tâm năng lực, cùng văn hóa bè phái chỉ chực dìm chết “kẻ yếu” hơn mình.
Kết
Rất ít đơn vị có những quy định rõ ràng về tình trạng bắt nạt công sở. Hiện nay, cách giải quyết phổ biến nhất vẫn là xử lý case-by-case những trường hợp bắt nạt được báo cáo hoặc tái thiết lập quy định, luật lệ doanh nghiệp nếu bắt nạt công sở diễn ra quá công khai.
Về phía chúng ta – những nạn nhân, và cũng có thể là những kẻ bắt nạt tiềm năng – điều cần nhất là luôn ghi nhớ rằng nhận định cá nhân của mình về ai đó ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi những lý do chủ quan khác nhau.
Điều đó có nghĩa là nếu bạn thấy ai đó “không vừa mắt” thì không hẳn vì họ là người xấu, vì họ kém cỏi trong công việc, hay vì họ muốn lật đổ vị trí của bạn trong công ty. Ngược lại, nếu bị ai đó liên tục gây khó dễ, thì cũng chưa chắc vì bạn yếu chuyên môn, thiếu kỹ năng, hay không có uy tín như những gì họ nói. Lý do đôi khi đơn giản vì họ là những kẻ bắt nạt người khác mà thôi.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
#Nghĩ x #NgườiLớnĐiLàm: 6 nhân vật của vở kịch ‘Bắt Nạt Nơi Công Sở’
#NgườiLớnĐiLàm: 7 báo động đỏ của gaslighting chốn văn phòng
#NgườiLớnĐiLàm: Drama công sở – làm thế nào để “xanh lá” tránh xa?
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết