(tựa bài có sử dụng lời dịch tiếng Việt của tác phẩm Much Ado about Nothing, Shakespeare, 1598-1599)
Nếu ai đó tuyên bố rằng muốn sống độc thân, rằng không có nhu cầu bước chân vào một mối quan hệ lãng mạn nào nữa, họ sẽ trở thành những con người “vừa đáng thương vừa có vấn đề” trong mắt người khác. Dù không ai công khai lời nhận xét đó, nhưng ít nhiều, họ đều chung một đánh giá như vậy. Lý do đơn giản vì “Ai lại có thể hoàn toàn ổn thỏa nếu chỉ vò võ một mình?”
Cách suy nghĩ này kéo theo nhiều hệ quả thảm họa khác nhau, khi rất nhiều người dù không mong muốn (và thật lòng mà nói thì cũng khó lòng) sống cùng người khác nhưng vẫn phải miễn cưỡng kết hôn vì cảm giác xấu hổ cũng như sức ép từ những người xung quanh. Kết cục là chẳng ai – cả người bị ép buộc lẫn đối tác của họ – được hưởng hạnh phúc.
Độc thân cũng tốt, có đôi có cặp cũng chẳng có gì sai. Nhưng để có thể thật sự tận hưởng những điều ngọt ngào nhất của cả hai trạng thái này, chúng ta cần nhận thức những lý do vì sao chuyện ai đó chỉ muốn một mình đến hết đời là chuyện hoàn toàn bình thường. Khi và chỉ khi chúng ta chấp nhận rằng lựa chọn sống độc thân cũng quan trọng không kém những phương án khác thì ta mới có được sự bình đẳng giữa các lựa chọn, để từ đó ra quyết định vì lý do chính đáng – ví dụ như ở cạnh một người vì yêu và được yêu, chứ không phải vì sợ cảm giác trống vắng.
Cái chúng ta gọi là tình yêu lãng mạn – dành trọn yêu thương cho một người đặc biệt trong suốt cuộc đời – là một khái niệm mang tính tham vọng và vô cùng mới mẻ. Nó xuất hiện chỉ cách đây khoảng 250 năm. Dĩ nhiên trước thời điểm đó thì mọi người vẫn sống cùng nhau, cưới vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, nhưng họ không kỳ vọng cao vào việc sẽ được sung sướng, hạnh phúc, hay thỏa mãn.
Nói cách khác, nếu chủ nghĩa lãng mạn quan niệm rằng tình yêu hoặc hôn nhân là câu chuyện đôi bên bù đắp, hòa hợp với nhau – hai con người là hai nửa mảnh ghép thất lạc – thì trước đó, kết đôi là một phép tính 1 + 1 = 2 không hơn không kém. Nó là một sắp đặt có tính toán nhằm phục vụ những lợi ích sinh tồn và vì thế hệ sau, chứ không hẳn là để ai đó và ai đó bên cạnh đỡ đần nhau, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau hạnh phúc.
Hôn nhân bồi đắp từ tình yêu tất nhiên vẫn tồn tại, hơn nữa cũng không phải là việc gì cao xa, hiếm lạ ngày nay. Song thế không có nghĩa là cả 7,8 tỉ người trên Trái đất đều sẽ có cơ hội trải nghiệm nó. Hơn nữa, có được là một chuyện, giữ được hay không lại là một chuyện khác. Thần thánh hóa khái niệm “cặp đôi lãng mạn” và suy nghĩ “một cuộc hôn nhân lý tưởng cần được khởi nguồn từ tình yêu” cũng tương tự việc đưa những môn thể thao mạo hiểm vào chương trình phổ thông bắt buộc vậy. Sẽ chẳng có gì bất ngờ khi có nhiều học sinh không hoàn thành được học phần này, sau đó không muốn, hoặc không còn khả năng, để học lại lần nữa.
Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng những ai chọn độc thân đều là người khô khan. Bay bổng, ướt át, sến súa, hay cứng cỏi, khô khan, thực tế, … suy cho cùng cũng chỉ là những đặc điểm tính cách. Chúng ít nhiều không bị thay đổi bởi thực tế rằng ai đó đang độc thân hay đang bên cạnh ai khác, có chăng chỉ là đối tượng, không gian, thời điểm thích hợp để thể hiện ra bên ngoài nhiều hơn hay không mà thôi. Người độc thân vẫn có thể lãng mạn, đâu ai cấm bạn không được ăn tối dưới ánh nến, mua món đồ mình thích, hay tự thưởng cho bản thân cả một ngày Netflix and chill sau tuần làm việc mệt mỏi?
Yêu là một hành trình. Trên con đường đó, chúng ta phải học hỏi rất nhiều, vấp ngã rất nhiều, nhưng cũng sẽ trưởng thành rất nhiều. Chúng ta đều biết rằng khi đã học được cách yêu thương, chung sống với người khác, chúng ta sẽ trưởng thành, nhưng liệu ta có nhận thức được rằng biết yêu thương và chung sống với chính mình cũng là một kỹ năng cần thiết nhưng lại bị rất nhiều người “ngó lơ” không?
Trước khi lên thuyết trình cho cả team về một vấn đề gì đó, dù nhỏ đến đâu, chúng ta đều dành ra ít nhất là vài phút xem qua những điểm chính để biết được lát nữa mình sẽ nói về cái gì. Hiểu được cái mình đang nói thì mới mong giúp người khác hiểu được. Vậy trước những lần gật đầu say Yes, liệu bạn đã bao giờ “dừng lại khoảng chừng là”… vài giây để tự hỏi xem, liệu mình đã biết mình hay chưa, đã rõ mình hay chưa, có biết mình thích gì, muốn gì, mong gì, dịu dàng với điều gì, ác cảm với thứ gì hay không?
Thực chất, dù độc thân hay có đôi có cặp, trạng thái nào cũng có những mặt trái nhất định. Không phải cứ sống trơ trọi một thân một mình là sẽ tự động biết cách yêu bản thân hay tránh khỏi những phiền phức mà “mấy đứa yêu nhau” phải đối mặt. Dù ở trong bất cứ tình trạng mối quan hệ nào, khả năng cao là ta đều sẽ cảm giác có gì đó chưa trọn vẹn, thấy đợi chờ, trông ngóng một trạng thái nào khác ngoài kia (để làm gì thì chưa biết).
Nếu chúng ta không thấy hài lòng, không thể nhìn ra những gì mình đang có, không biết cách để tận hưởng chúng, thì độc thân hay không độc thân cũng vậy mà thôi. Do đó, mấu chốt là đừng quan trọng hóa chuyện phải có người yêu, phải kết hôn, phải sinh con, hay phải độc thân, nếu đó không phải điều chúng ta thực sự mong muốn; cũng như có trách nhiệm với những lựa chọn mình đã đưa ra, vì chúng vẫn đang hiện hữu và đang còn-hiệu-lực trong hiện tại, cho dù đó là quyết định sống cùng ai khác hay chỉ một mình.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Gửi những người bạn độc thân
Vì sao lễ độc thân 11/11 trở thành ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm?
Tích cực độc hại – Không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng nụ cười
Thảo luận về bài viết