#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Nghe có vẻ… không tin nổi, nhưng nhiều người ngoại tình không phải vì ưa của lạ, cũng không phải mối quan hệ hiện tại gặp vấn đề, mà là họ sợ bị bỏ rơi. Đây là một hiện tượng tâm lý khá phức tạp, có thể bắt nguồn từ một số lý do như: gặp vấn đề trong quá trình phát triển năng lực nhận thức và cảm xúc, mối quan hệ trong quá khứ, hoặc một số trải nghiệm xã hội khác.
Người sợ bị bỏ rơi gặp khó khăn trong việc duy trì những mối quan hệ lành mạnh với người khác. Một mặt, cách họ tư duy và hành động có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ (ghen tỵ, luôn cố làm hài lòng, quyết định yêu ai đó rất nhanh, …). Mặt khác, chính những suy nghĩ và hành vi này lại là nguyên nhân khiến nỗi sợ của họ thành hiện thực.
Những dấu hiệu của nỗi sợ bị bỏ rơi
– Hay cảm thấy ghen tị, cho rằng mọi người bạn khác giới của đối phương đều là mối đe dọa cho mối quan hệ của mình; có mong muốn kiểm soát họ, đặc biệt về thời gian và tương tác của họ dành cho những người khác.
– Luôn muốn làm hài lòng người kia, có tư tưởng cho đi và hy sinh vô điều kiện, đôi khi đến mức quá lố; ngược lại, bản thân là người rất khó cảm thấy hài lòng.
– Ám ảnh với chuyện bị bỏ rơi, từ đó đòi hỏi đối phương dành thời gian cho mình càng nhiều càng tốt, dễ có cảm xúc oán giận nếu họ làm gì đó mà không có mình tham gia (ví dụ như đi với bạn bè của họ).
– Lo lắng cực độ về sự chia ly, thường dẫn đến một số biểu hiện rối loạn lo âu.
– Thấy khó tin tưởng vào đối phương, ưa chấp nhặt, để ý những lỗi sai thay vì mặt tích cực.
– Hay suy diễn về mọi thứ, cho rằng bất cứ hành động / chi tiết nào cũng ẩn chứa một điều gì đó.
– Cảm thấy bản thân không xứng đáng được yêu, cảm thấy bất an trong mối quan hệ; khó gần gũi với người khác về cảm xúc, cho dù đó là người yêu / bạn đời của mình.
– Ra sức níu kéo hoặc cố gắng duy trì những mối quan hệ mình có, cho dù chúng có không lành mạnh đến mức nào; tuy nhiên cũng sẵn sàng là người chủ động kết thúc nhằm tránh cảm giác bị đối phương bỏ rơi.
– Không chịu được cảm giác cô độc, trơ trọi nếu mối quan hệ kết thúc, dẫn đến lúc nào cũng có tư tưởng có nhiều người “dự phòng”.
– Luôn tìm kiếm một-người-để-yêu hoặc các mối quan hệ không ràng buộc; nhanh chóng đồng ý bắt đầu mối quan hệ với người khác không cần biết tình trạng hiện tại của họ thế nào (đang có gia đình / người yêu hoặc không sẵn sàng để cam kết).
– “Đốt cháy giai đoạn” với người mới, đẩy nhanh tiến độ mối quan hệ để họ không thấy chán và rời bỏ.
– Có lòng tự tôn thấp, thường xuyên tự đổi lỗi, nhạy cảm khi người khác góp ý, chỉ trích; có xu hướng kiềm hãm sự tức giận.
Các biểu hiện trên không nhất thiết phải xuất hiện đồng thời. Nhưng dù cho chỉ là một vài hành vi kể trên thì đã đủ để gây bất lợi cho đời sống và mối quan hệ của những người sợ bị bỏ rơi.
Ảnh hưởng của nỗi sợ bị bỏ rơi lên các mối quan hệ
Thử xem qua các giai đoạn của một mối quan hệ tình cảm lãng mạn điển hình nhé (tuy nhiên vẫn có thể áp dụng cho các mối quan hệ bạn bè thân thiết).
Làm quen
Đây là giai đoạn bạn vẫn chưa “đầu tư” gì nhiều vào người kia, nên bạn còn cảm thấy tương đối an toàn – mỗi người một cuộc sống, bạn tiếp tục cuộc sống của mình trong khi tận hưởng thời gian với người kia.
Trăng mật
Giai đoạn này xảy ra khi mối quan hệ chính thức được định danh, hai bên chính thức cam kết với nhau. Bạn cảm thấy rất hòa hợp với người kia và họ cũng vậy. Cả hai dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Bạn cảm thấy vô cùng yên tâm và chắc chắn về mối quan hệ này.
Mối quan hệ thực tế
Cho dù có tuyệt vời thế nào, hai người có hợp nhau đến đâu thì giai đoạn trăng mật cũng phải kết thúc. Cuộc sống thực với những lần đau ốm, những vấn đề gia đình cần giải quyết, những ngày OT bù đầu, những nỗi lo về tài chính, những lần chỉ muốn được yên hoàn thành công việc, … bắt đầu chen chân vào mối quan hệ “trong mơ” của bạn.
Đây được xem là giai đoạn bình thường và cần thiết trong các mối quan hệ, nhưng với người sợ bị bỏ rơi thì những chuyển biến này mang ý nghĩa khác. Họ xem chúng là những “dấu hiệu” cho thấy người kia bắt đầu thấy chán và muốn tránh xa mình. Càng lo âu, họ càng gặp khó khăn để kiềm nén nó vì cho rằng đối phương sẽ nghĩ mình phiền phức, đeo bám.
Những điều bất thường
Bất kể chúng ta quan tâm người khác đến nhường nào, chúng ta cũng không thể đặt họ lên đầu danh sách ưu tiên của mình mọi lúc được.
Một khi kỳ trăng mật kết thúc, mọi thứ sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, với những người sợ bị bỏ rơi, đây lại là những điều “bất thường”. Những lá cờ đỏ báo hiệu một cái kết buồn đang đến gần này thường xuất hiện dưới dạng một tin nhắn chưa kịp trả lời, một lần gọi nhỡ không được liên lạc lại, hoặc một lời đề nghị được một mình vài hôm của đối phương.
Phản ứng
Trong một mối quan hệ lành mạnh, chúng ta sẽ nhận ra và cảm thấy khó chịu với những thay đổi. Nhưng chúng sẽ được giải quyết bằng những cuộc trò chuyện thẳng thắn, bình tĩnh, không trở thành tác nhân chi phối cảm xúc và cách chúng ta hành động trong mối quan hệ.
Với những người sợ bị bỏ rơi thì các “dấu hiệu” trên mang tính bước ngoặt. Những gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của nỗi sợ và cách mỗi người đối mặt với nó.
Một số người sẽ trở nên đeo bám, đòi hỏi nhiều hơn, một mực muốn người kia phải chứng minh tình cảm của họ bằng những yêu cầu vô lý. Một số cho rằng tất cả những biến đổi bất thường xảy ra do lỗi của mình và cố gắng hết mức để trở nên một người “hoàn hảo” hơn. Số khác bắt đầu lo đến phương án dự phòng hoặc lên sẵn kế hoạch rút lui.
Về phía đối phương
Sự thay đổi đột ngột của bạn chắc chắn khiến bạn đời / người yêu chú ý. Nếu không có nỗi sợ bị bỏ rơi, họ sẽ cảm thấy vô cùng khó hiểu trước những cách nghĩ, lời nói, hành động của bạn. Họ không biết lý do vì sao mà một người vốn rất tự tin, thoải mái, vui vẻ lại đột ngột trở nên đòi hỏi, đeo bám, luôn muốn được chú ý đến, hoặc có dấu hiệu xa cách hoàn toàn.
Cho dù họ có trấn an bao nhiêu lần, nỗi sợ của bạn cũng không thuyên giảm bao nhiêu. Cuối cùng, chính những gì bạn làm để đối phó với nỗi sợ lại trở thành nguyên nhân biến nỗi sợ thành sự thật.
Đối phó với nỗi sợ bị bỏ rơi
Nhiều người sợ bị bỏ rơi vì đã từng trải qua chuyện tương tự trong quá khứ. Đó có thể là một mối quan hệ thân thiết với ai trước đây, hoặc mối quan hệ với chính cha mẹ mình (không được chăm sóc, bị cha mẹ ghét bỏ, bỏ rơi, …).
Làm thế nào để có thể “chung sống” với nỗi sợ bị bỏ rơi?
Luôn nhớ rằng bạn xứng đáng được yêu thương
Cuộc chiến cảm xúc bên trong với hầu hết những người sợ bị bỏ rơi là cảm giác của chính họ rằng mình không đáng có được tình yêu. Nỗi sợ bị bỏ rơi có thể khởi nguồn từ việc bị bỏ rơi một khoảng thời gian nào đó thời thơ ấu.
Vì một ai đó chủ thể gắn bó sâu sắc rời bỏ họ (vì bất cứ lý do gì) và sau trong họ chỉ còn cảm giác rằng tình yêu thương mình nhận được không trọn vẹn. Não bộ của một đứa trẻ sẽ nghĩ đến những điều kiểu như “nếu người ấy thương mình thì họ đã không rời bỏ mình”. Sự rời bỏ trong tâm trí của một đứa trẻ có nghĩa là chúng không được yêu thương trọn vẹn. Thậm chí ngay cả khi sự thật không phải vậy thì đây cũng là cách một đầu óc giản đơn của một đứa trẻ có thể vận hành.
Khi thời gian trôi đi, họ bắt đầu tự hỏi rằng điều gì khiến bản thân họ không được yêu thương. Không lẽ mình không đủ xinh đẹp? Hay không đủ thông minh? Không đủ tốt? Những suy nghĩ này có thể bén rễ và đeo theo họ đến thời trưởng thành. Kết quả là chủ thể lúc trưởng thành vẫn có cảm giác bản thân mình có vấn đề gì đó khiến bản thân họ không đáng được yêu thương hoặc đáng được yêu thương một cách trọn vẹn.
Họ thường tin (trong tiềm thức) rằng một khi đã ở trong một mối quan hệ thì họ cần phải kiểm soát mọi thứ để người kia không rời bỏ họ. Họ sẽ cố gắng kiểm soát mối quan hệ và đối phương dựa trên nỗi sợ bị bỏ rơi của họ.
Bước đầu tiên để vượt qua nỗi sợ này đó chính là nhận ra rằng mình đáng được yêu thương.
Mọi người đều đáng được yêu thương. Không tồn tại một con người hoàn hảo. Chúng ta đều muốn yêu và được yêu. Chúng ta đều có thiếu sót. Vì vậy tình yêu ở đây chính là sự gắn kết giữa hai cá nhân đầy thiếu sót. Mỗi người đều đáng được yêu và có một mối quan hệ.
Bạn đáng được yêu, có thiếu sót và tất cả những điều khác. Điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người cần phải yêu thương bạn, điều đó đơn giản là không thực tế. Tuy nhiên, mỗi người vẫn có cho mình một ai đó luôn chờ mình ngoài kia. Khi bạn tìm ra người đó, hãy nhắc nhở bản thân mình rằng mình xứng đáng nhận được tình yêu thương và sự chú ý dành cho mình. Hãy cư xử qua có lại và chăm lo cho mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, đừng để nó trở thành bản dạng của bạn hay trọng tâm của sự xứng đáng trong bạn.
Độc lập về mặt cảm xúc
Bản dạng của bạn nhất quyết không nên chỉ bị trói buộc vào một mối quan hệ. Mối quan hệ là một phần con người bạn nhưng nó không định nghĩa con người bạn. Hãy đảm bảo rằng mình có thể đón nhận những suy nghĩ này và biết rằng bạn vẫn ổn nếu độc thân hoặc ở một mình. Bạn không thể nhìn nhận sự xứng đáng của bản thân dựa vào một mối quan hệ được. Thay vào đó, bạn xứng đáng vì bạn là BẠN và không ai khác có thể đóng vai bạn tốt hơn chính bạn.
Độc lập về cảm xúc có thể không dễ dàng gì nếu bạn đã đang lệ thuộc cảm xúc trong mối quan hệ hiện tại hay trước đây. Một số hình thức trị liệu có thể khá hữu ích nếu bạn gặp khó khăn trong việc tự độc lập về cảm xúc. Độc lập về cảm xúc không có được trong một sớm một chiều, vậy nên hãy nhẹ nhàng với bản thân trong quá trình này. Mỗi ngày một chút, hãy nhắc nhở bản thân rằng cảm xúc của bạn là do bạn chịu trách nhiệm, và rằng bạn vẫn là bạn dù có ở trong một mối quan hệ nào chăng nữa.
Hãy nhắc nhở bản thân thường xuyên rằng, khiến bạn an toàn về cảm xúc không phải là nhiệm vụ của người khác. An toàn cảm xúc đầu tiên phải đến từ chính bạn. Đầu tiên là chính cá nhân bạn và sau đó mới là đối phương. Hãy tự sở hữu chính cảm xúc và cảm giác của bản thân. Khi nỗi sợ bắt đầu lan rộng, hãy xử lý những cảm xúc này thay vì biến nó thành những hành vi thiếu lành mạnh được đề cập ở trên như ghen tỵ, cho đi quá nhiều trong mối quan hệ hoặc để đầu óc chiếm đóng bởi những suy nghĩ về người kia sẽ rời bỏ bạn.
Tự lập về cảm xúc, nói tóm lại, là chịu trách nhiệm cho chính những cảm xúc của mình và chịu trách nhiệm một cách lành mạnh. Là bạn sẽ không còn dựa dẫm vào bạn đời hoặc người kia để khiến bản cảm thấy an tâm trong mối quan hệ. Việc khiến bạn cảm thấy an toàn trong mối quan hệ đôi bên không phải nhiệm vụ của họ. Họ đâu thể nào mang đi nỗi sợ trong bạn.
Bạn phải đối phó với những nỗi sợ của mình để độc lập về cảm xúc. Thường thì bạn hiểu được nguồn căn xuất phát của nỗi sợ ở đâu thì mới có thể giải quyết nó được.
Hiểu nỗi sợ của mình
Nỗi sợ bị bỏ rơi bắt nguồn từ đâu? Điều gì đã xảy ra trong cuộc sống khiến bạn sợ như vậy? Lúc ấy nỗi sợ ấy có thực sự tồn tại? Nỗi sợ ấy đi theo bạn trong cuộc sống và những mối quan hệ hiện tại? Những câu hỏi kiểu này có thể giúp bạn hiểu được nỗi sợ của mình bắt đầu từ đâu, khi nào, và hiện tại đang ảnh hưởng lên bạn như thế nào.
Nếu bạn đã hiểu ra nỗi sợ của bạn bắt nguồn từ đâu và khi nào, thì bạn sẽ bắt đầu hiểu ra được hiện tại chúng không giúp gì được cho bạn. Những nỗi sợ này trong một số trường hợp có thể không bao giờ bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng đối phó với chúng bằng cách khai phá những nguồn căn và sự hình thành lớn mạnh của nỗi sợ có thể giúp bạn xua tan chúng khi chúng xuất hiện. Khi bạn biết được gốc rễ của nỗi sợ này là nguyên do của mọi vấn đề thì nỗi sợ sẽ không còn can thiệp gì vào cuộc sống nữa.
Thử ghi chép
Ghi chép lại việc mình bỏ rơi là một cách để cởi mở tất cả những cảm nhận, cảm xúc và suy nghĩ của bạn về vấn đề. Nếu bạn có thể viết nó ra trên giấy, thì bạn đang giúp tâm trí xử lý những nỗi sợ và cảm xúc này. Nếu cảm xúc của bạn bị mắc kẹt trong quá trình này hoặc thấy phương pháp này không đủ hữu ích thì hãy tìm kiếm một trị liệu viên, một người có thể giúp đỡ bạn. Dù bằng cách này hay cách khác thì bạn cũng cần cở mở và xử lý những cảm xúc này để hiểu được ngọn ngành của nỗi sợ của bạn.
Hiểu được căn nguyên của vấn đề giúp bạn nhận ra những điều này không còn cần thiết hay hữu ích cho bạn trong những mối quan hệ nữa vì những hành vi sợ hãi không tốt mà chúng gây ra. Sau đây là một số câu hỏi bạn có thể giải quyết trong quá trình ghi chép.
– Lần đầu tiên bạn nhận ra vấn đề khiến bạn sợ bị bỏ rơi là khi nào?
– Bạn đã nhiều lần cảm thấy bị bỏ rơi trong đời? Nếu vậy, những trải nghiệm ấy là gì và bạn đã xử lý chúng như thế nào?
– Bạn có cảm thấy việc bị bỏ rơi là do lỗi của bạn?
– Bạn đã nói với bản thân mình thông điệp gì (dù đúng hay sai) về việc bị bỏ rơi (đặc biệt là về nguyên nhân người ta bỏ rơi bạn)?
– Việc bị bỏ rơi thời nhỏ ảnh hưởng như thế nào lên các mối quan hệ của bạn, cả trong quá khứ và hiện tại?
– Bạn có thể nhận ra hành vi nào ở bản thân là kết quả do nỗi sợ bị bỏ rơi gây ra?
– Bạn muốn bản thân mình tỉnh táo hơn để thay thay đổi những hành vi không tốt nào do nỗi sợ bị bỏ rơi gây ra trong mối quan hệ hiện tại?
– Điều gì bạn có thể làn hôm nay để dừng những hành vi không mong muốn có gốc rễ từ nỗi sợ bị bỏ rơi (Ví dụ: thay vì đòi bạn đời dành thời gian cho mình khi họ muốn đi chơi cùng bạn bè, thì bạn có thể gọi một người bạn khác đi chơi với bạn không)?
Chấp nhận rằng bạn sẽ luôn trải nghiệm nỗi sợ này ở một mức độ nhất định
Có sợ mới là con người. Bạn có lẽ sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn loại bỏ được nỗi sợ bị bỏ rơi, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình với nỗi sợ này.
Điều quan trọng ở đây là nhận ra lúc nào mình đang trải qua những khoảnh khắc sợ hãi trong mối quan hệ của mình. Ví dụ, những khoảnh khắc sợ hãi khiến bạn muốn kiểm soát những người mà bạn đời bạn gặp, người ấy đi đâu, làm gì khi không có bạn bên cạnh. Bạn phải nhận ra những dạng thức thiếu lành mạnh trong suy nghĩ và hiểu được gốc rễ của nỗi sợ là ở đâu. Như vậy mới có thể giúp bạn nhận ra rằng những nỗi sợ và những dòng suy nghĩ đi kèm về việc kiểm soát người yêu hoặc đối phương là không tốt cho mối quan hệ của cả hai.
Chỉnh hướng suy nghĩ của mình vào những lời động viên tích cực cho bản thân. Nói với bản thân rằng mình xứng đáng có được tình yêu. Cũng nhắc nhở chính mình về giá trị của bản thân bạn, bạn xứng đáng ra sao mà không dựa vào một mối quan hệ. Có một mối quan hệ là tốt và nếu ở một mình thì cũng vẫn không sao. Thừa nhận nguyên nhân gốc rễ của nỗi sợ và nói với bản thân rằng bạn không còn cần đến nó vì nó không hề giúp bạn cư xử lành mạnh trong một mối quan hệ.
Có thể bạn sẽ luôn sợ hãi ở một mức độ nào đó vì sợ bị bỏ rơi cắm rễ quá sâu và nỗi sợ là một phản ứng bản năng của con người. Nhưng bạn có thể tự giúp bản thân hạn chế thiệt hại nó gây ra bằng cách không cho phép nó kiểm soát luồng suy nghĩ và hành vi của bạn thêm nữa.
Ngưng dựa dẫm
Nhằm đối phó với nỗi sợ bị bỏ rơi, bạn cần ngưng coi đối phương là giải pháp của bạn. Nếu bạn sợ bị bỏ rơi, bạn không thể đặt trách nhiệm lên họ, bắt họ phải làm bạn cảm thấy an toàn. Bạn phải dừng lại những hành vi kiểm soát do bởi nỗi sợ và đặt trách nhiệm về nỗi sợ bị bỏ rơi này lên đôi vai của chính mình.
Một lần nữa, hãy liên tục nhắc nhở bản thân mình về căn nguyên của những nỗi sợ này và cách bạn không còn cần đến chúng, không để chúng ảnh hưởng lên sức khỏe cảm xúc của bản thân. Trong thực tế, níu giữ những nỗi sợ này chỉ gây trở ngại cho bạn.
Gạt bỏ lối suy nghĩ cho rằng mình không xứng đáng. Bắt đầu nói với bản thân rằng bạn xứng đáng. Tự động viên bản thân có thể giúp bạn tái lập những cách suy nghĩ mới khi những suy nghĩ tiêu cực cho rằng bản thân không xứng đáng hiện ra trong đầu.
Làm quen với việc ở một mình
Ở một mình cũng không sao. Bạn không cần phải có ai đó trong đời để trở thành một người có giá trị. Bạn xứng đáng vì bạn là bạn. Độc thân hay có ai đó ở bên đều không thành vấn đề.
Nếu bạn vừa kết thúc một mối quan hệ thì hãy tìm kiếm những cơ hội tận hưởng khoảng thời gian độc thân và ý nghĩa của nó với bạn. Tìm kiếm điều tích cực cả khi độc thân lẫn khi đang ở trong một mối quan hệ, từ đó bạn vẫn ổn dù là tình thế nào. Sự xứng đáng của bạn không dựa trên tình trạng mối quan hệ của bạn.
Đừng đuổi theo những người không sẵn sàng cam kết hoặc những người vốn dĩ không dành cho mình
Một số người vì sợ bị bỏ rơi nên đã cố tìm kiếm mối quan hệ hết lần này đến lần khác với những người vốn chẳng để tâm đến họ.
Thay vì tìm kiếm những cảm xúc vốn không dành cho mình, đã đến lúc phá vỡ chu kỳ và tìm kiếm những người bạn đời sẵn sàng, sẵn lòng gắn kết cảm xúc trong một mối quan hệ với bạn. Nếu bạn đã có những dạng thức đối phó không tốt như thế này trong thời gian dài, cố gắn mình vào những mối quan hệ không dành cho mình thì hãy cân nhắc một số hình thức trị liệu.