Trong những năm gần đây, các bộ phim Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh về mặt kỹ thuật. Không chỉ chất lượng hình ảnh, âm thanh mà việc sử dụng các kỹ xảo điện ảnh (VFX) trong phim cũng được đầu tư, chú trọng hơn. Qua buổi trò chuyện với Founder Thierry Nguyễn và CG Supervisor Tín Nguyễn của Bad Clay Studio, The Millennials Life đã có thêm nhiều thông tin và những chia sẻ thú vị trong lĩnh vực này.
Mặc dù so với mặt bằng chung thế giới, VFX Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về công nghệ và nhân sự nhưng thời gian vừa qua vẫn cho thấy những nỗ lực phát triển cùng những thành tựu đáng tự hào thông qua các tác phẩm trong và ngoài nước.
Bài viết sử dụng thông tin từ buổi chia sẻ của các thành viên Bad Clay Studio về kỹ xảo điện ảnh (VFX) trong phim, trong phạm vi chuỗi talk show #FilmPreneur của đạo diễn Phạm Thanh Hải, Founder EMA Solutions.
Được biết anh Thierry Nguyễn là Founder và anh Tín Nguyễn là CG Supervisor của Bad Clay Studio, hai anh có thể chia sẻ với mọi người về hành trình của mình cũng như những thành tựu kỹ xảo điện ảnh (VFX) mà Bad Clay Studio đã đạt được không?
Thierry Nguyễn: Tôi là người Pháp, sinh sống và làm việc ở Pháp. Trong khoảng 10 năm làm việc cho khá nhiều dự án quốc tế, tôi cũng có mong muốn về Việt Nam thành lập công ty nhưng vì lúc đó vẫn chưa thành thạo ngôn ngữ và chưa hiểu rõ về các dự án phim trong nước nên đến tận 2012, tôi mới về Việt Nam để tìm hiểu thêm.
Vào thời điểm đó, tôi nhớ điện ảnh Việt Nam chỉ có tầm 5 đến dưới 10 phim chiếu rạp. Số lượng này khá ít nên lúc đó tôi vẫn chưa quyết định mở công ty. Dù vậy, tôi nhận thấy đây là môi trường thú vị và có tốc độ thay đổi khá nhanh nên trong năm 2012, sau khi đã tìm hiểu thêm về thị trường, tôi bắt đầu học thêm về ngôn ngữ và tìm kiếm nhân sự. Sang 2013, tôi quyết định mở Bad Clay Studio.
Lúc đó vẫn chưa quen ai trong ngành nhưng tôi cũng mạnh dạn đi gặp gỡ nhiều người, giới thiệu về Bad Clay Studio và công việc kỹ xảo điện ảnh (VFX). Trong một năm đầu, Bad Clay Studio chủ yếu nhận outsource của các dự án nước ngoài nhưng mục tiêu chính chúng tôi hướng đến vẫn là các dự án phim Việt Nam.
Phải sang đến 2014 thì Bad Clay Studio mới nhận dự án phim Việt Nam đầu tiên, Siêu Nhân X. Thời điểm đó, đây là phim Việt đầu tiên có nhân vật con người được xây dựng bằng kỹ xảo 3D (cascadeur bằng CGI). Tiếc là tác phẩm không thành công lắm nên không nhiều người biết đến phim này. Dù vậy thì sau Siêu Nhân X, Bad Clay Studio cũng bắt đầu có độ nhận diện trong ngành phim Việt Nam, hầu như các công ty sản xuất đều biết đến chúng tôi. Đến nay, công ty đã thực hiện kỹ xảo điện ảnh (VFX) cho hơn 25 phim tại Việt Nam.
Nếu nói về bộ phim đặc biệt, với tôi đó vẫn là bộ phim đầu tiên, Siêu Nhân X. Gần đây thì có Trạng Tí, một dự án với hơn 5.900 shot sử dụng VFX, key phông xanh, cộng thêm ảnh hưởng COVID-19 nên mọi thứ khá vất vả. Song đây cũng là bộ phim mà mọi người đã tập trung rất nhiều – có thể nói là phim có kỹ xảo điện ảnh (VFX) đẹp nhất, tốt nhất mà Bad Clay Studio từng thực hiện.
Tín Nguyễn: Tên đầy đủ của tôi là Nguyễn Hữu Tín, đã làm việc tại Bad Clay Studio hơn bốn năm, bắt đầu từ 2017. Chuyên môn của tôi là kỹ thuật. Trước đây tôi học chuyên ngành lập trình viên tại Đại học FPT. Gần tốt nghiệp lại chuyển sang VTC Academy học về ngành phim. Sau khi tốt nghiệp thì tôi có thời gian làm freelancer cũng như làm tại một số công ty trước khi chính thức đồng hành với Bad Clay Studio đến tận bây giờ.
Khoảng thời gian đầu, tôi làm ở các mảng chuyên về render, ticker, compositing – những việc đã có kinh nghiệm và làm tốt trước đó. Sau một năm thì thành leader cho một nhóm. Sau ba năm thì giữ vị trí CG Supervisor của Bad Clay Studio, làm việc với các trưởng nhóm khác chuyên về mảng kỹ thuật để lên kế hoạch cho từng dự án sử dụng kỹ xảo điện ảnh (VFX).
Với những nhà đầu tư và nhà sản xuất mới, họ chỉ hình dung kỹ xảo điện ảnh (VFX) là một công việc hậu kỳ bằng máy tính chứ chưa tường tận các mảng chi tiết hơn. Vậy anh Thierry Nguyễn có thể khái quát một số kiến thức cơ bản cho mọi người hiểu hơn được không?
Thierry Nguyễn: Lượng kiến thức và thông tin về VFX khá rộng để có thể chia sẻ hết qua một buổi trò chuyện, vì thế tôi sẽ nói chung về những mảng phổ biến nhất của kỹ xảo điện ảnh (VFX) trong một bộ phim thông thường.
Trong một bộ phim không quá nặng về kỹ xảo, thông thường sẽ áp dụng kỹ thuật Invisible VFX như xóa dây; xây dựng các set extension VFX cho những bối cảnh không quay được, khó quay hoặc chi phí quay quá đắt… Các cảnh này thường được lên kế hoạch trước khi quay.
Tiếp theo là những cảnh bắn súng, cháy nổ. Đây là các cảnh nguy hiểm, không được phép thực hiện ở Việt Nam. Gần đây ở Mỹ xôn xao vụ việc súng đạo cụ làm chết người (nhà quay phim Halyna Hutchins) trên phim trường của Rust. Vì vậy, hiện tại các cảnh bắn súng tại Việt Nam hay các nước khác thường sẽ dùng kỹ thuật Muzzle Flash. Cảnh cháy nổ được dựng bằng CGI cũng khá phổ biến, xuất hiện trong rất nhiều phim.
Kỹ xảo điện ảnh (VFX) còn có mặt trong các cảnh chém giết, đổ máu, ví dụ như Ký Sinh Trùng (Parasite) của Hàn dùng khá nhiều kỹ thuật Invisible VFX; hoặc nếu xem Netflix thì có Vincenzo sử dụng phông xanh để tiết kiệm chi phí quay thật ở Ý.
Phim kinh dị, hành động, giả tưởng, khoa học viễn tưởng, … là những thể loại có độ phức tạp cao, cần ứng dụng khá nhiều kỹ thuật VFX. Đơn cử như Trạng Tí thuộc thể loại giả tưởng, trong phim có khá nhiều cảnh không thể quay trực tiếp nên sẽ cần dùng kỹ xảo. Tiếp nữa là các phim có nhân vật hư cấu cần được xây dựng bằng kỹ xảo đặc biệt. Các cảnh phim sẽ quay diễn viên, sau đó Bad Clay Studio tiến hành ghép các nhân vật CGI vào. Kỹ thuật này – gọi là CGI Characters hoặc nhân vật Cascadeur bằng CGI – được xem là thể loại kỹ xảo điện ảnh (VFX) khó nhất vì mọi thứ cần phải chân thật và phù hợp hết mức có thể.
Ngày trước ở Việt Nam những kỹ thuật này vẫn chưa phổ biến. Nhưng giờ thì các nhà sản xuất hay đạo diễn hầu như đều biết đến khả năng sử dụng VFX của một số công ty chuyên về các sản phẩm 3D, Visual Effects ở Việt Nam.
Vậy những người trẻ có đam mê, mong muốn phát triển bản thân trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh (VFX) thì cần phải bắt đầu từ đâu?
Tín Nguyễn: Ở Việt Nam hiện tại chưa có nhiều trường lớp dạy bài bản về kỹ xảo điện ảnh (VFX) như quốc tế. Các bạn đang làm việc cho các studio lớn đa phần tự học hoặc bắt đầu từ những trung tâm nhỏ như VTC Academy, MAC Academy, Keyframe, …
Theo kinh nghiệm của tôi, các bạn trẻ có thể phát triển theo hai hướng. Nếu bạn thuộc tuýp chủ động học hỏi, chịu khó tìm tòi thì hoàn toàn có thể tự học trên Youtube hoặc tìm hiểu tham gia các khóa học nước ngoài. Hướng thứ hai là đăng ký vào một số trường tôi có nhắc ở trên. Nhưng nếu đã quyết định theo lĩnh vực này thì các bạn nên có khả năng tự học, học nhanh để bắt kịp với các thay đổi về kỹ thuật và yêu cầu của một dự án.
Bạn có thể chọn phát triển theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Có nhiều bạn chỉ thích đào sâu một mảng cụ thể, tập trung đi thẳng và phát triển mạnh theo một hướng cụ thể, trở thành artist chỉ chuyên làm một khâu cụ thể. Khi người khác muốn tìm “người làm tốt nhất”, họ sẽ nghĩ ngay đến bạn.
Thông thường, các chuyên gia trong ngành sau một thời gian làm việc cũng bắt đầu mở các lớp học riêng về từng nhánh trong VFX. Nhưng điều này cũng có điểm hạn chế, đó là nếu chỉ học một hoặc một vài phần như vậy thì bạn sẽ không biết đến nhiều vị trí khác trong các khâu của kỹ xảo điện ảnh (VFX), từ đó khó để biết mình yêu thích khâu nào nhất. Ngoài ra khi làm việc thì cũng cần hiểu về các vị trí khác nhau trong dây chuyền để hợp tác và xử lý tốt khi có sự cố xảy ra.
Tôi phát triển theo chiều ngang nhiều hơn, nên tôi vẫn nghĩ tốt hơn hết là bắt đầu theo học tại các trường hoặc các trung tâm có đào tạo đầy đủ. Có nhiều kỹ năng ở các vị trí khác nhau cũng giúp bạn dễ đi lên vị trí quản lý hơn.
Khi Bad Clay Studio hợp tác với một đơn vị sản xuất phim thì quy trình làm việc sẽ như thế nào?
Thierry Nguyễn: Vào thời điểm chúng tôi thực hiện dự án đầu tiên là Siêu Nhân X thì mọi thứ có hơi trễ so với trình tự công việc – lúc đó bộ phim đã chuẩn bị bắt đầu ghi hình rồi. Còn hiện tại, khi hợp tác thì mỗi bên đều đã nắm được quy trình công việc của nhau rõ hơn.
Khi kịch bản gần hoàn chỉnh, tôi sẽ xem trước, rồi chuyển cho các bộ phận kỹ xảo điện ảnh (VFX) đọc cùng. Tiếp theo sẽ phân chia các cảnh trong kịch bản để cân nhắc lựa chọn sử dụng phương pháp VFX phù hợp nhất; hoặc đưa ra phản hồi sớm cho bên sản xuất như cảnh phim này sẽ rất khó, rất mắc, … để họ chủ động thay đổi hoặc tìm giải pháp khác. Sau đó là giai đoạn gặp gỡ, trao đổi với bên sản xuất phim về các nội dung liên quan, ví dụ như trong phân cảnh có xuất hiện lửa thì sẽ chọn dùng lửa thật hay sử dụng VFX, chi phí bên nào phù hợp hơn.
Có một vấn đề là việc sử dụng kỹ xảo điện ảnh (VFX) khó báo chi phí ngay lúc lên kế hoạch vì còn tùy thuộc vào cách bộ phim được quay cũng như các lựa chọn VFX trong phim. Vậy nên trong giai đoạn này, nếu kịch bản có sẵn storyboard, cách máy quay di chuyển, … sẽ giúp bộ phận làm kỹ xảo dễ đưa ra gợi ý các cách làm tốt nhất cho đạo diễn và bên sản xuất hơn. Nhưng tại Việt Nam thì các dự án phim có chuẩn bị trước những điều này không nhiều lắm.
Trong giai đoạn này thì Bad Clay Studio cũng có thể làm concept art cho dự án cùng lúc nhận kịch bản. Một số bên cũng thích việc này vì như vậy khi thảo luận công việc mọi người sẽ dễ đưa ra quyết định trong việc quay thực tế hay dùng CGI, hoặc cắt bỏ luôn.
Anh Thierry Nguyễn có thể chia sẻ về những xu hướng kỹ xảo điện ảnh (VFX) phổ biến trong tương lai không?
Thierry Nguyễn: Theo cách làm cũ thì các cảnh sẽ quay phông xanh, sau đó ghép vào phim và làm kỹ xảo điện ảnh (VFX) sau. Hiện tại thì Virtual Production là xu hướng phổ biến trên thế giới và khá mới ở Việt Nam. Trong đó sử dụng kỹ thuật in-camera VFX: dùng màn hình LED hiển thị hình ảnh và kết nối với một hệ thống để tracking trực tiếp với máy quay. Việc này khá tiện lợi vì sau đó cảnh quay không cần phải key, giảm được khối lượng lớn thời gian ở các khâu khác trong phần hậu kỳ, đồng thời nhân vật cũng không bị hắt màu do đã tận dụng được ánh sáng môi trường tự nhiên từ màn hình LED.
Sẽ có chút thay đổi trong quy trình khi sử dụng Virtual Production. Các concept art, các phần 3D phải hoàn thành xong trước khi bắt đầu quay cảnh đó. Chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều bộ phim Việt Nam sử dụng công nghệ mới này. Tuy nhiên chi phí cho các thiết bị công nghệ này khá đắt đỏ và cũng cần một địa điểm đủ lớn để có thể hoạt động nên hiện tại Virtual Production vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam.
Bài viết xuất bản lần đầu tại Koicine
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Don’t Look Up – Có gì trong bộ phim “tiên tri” của Adam McKay?
Money Heist phần 5, ván Poker lớn nhất trong lịch sử?
Cuối năm bận rộn “cày cuốc” với những dự án đình đám của Netflix
Thảo luận về bài viết